Trong mùa tuyển sinh năm 2024, nhiều cơ sở giáo dục đại học mở các ngành mới với định hướng đào tạo liên ngành và đa ngành. Các ngành nghề mới được xây dựng tích hợp với các ngành đặc thù của trường đang đào tạo. Từ đó, sinh viên có thể nắm được kiến thức của nhiều ngành khác nhau khi học ở cùng một cơ sở giáo dục.
Trong đó phải kể đến Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải mở ngành Luật, gắn với đặc thù của lĩnh vực giao thông vận tải, đặc biệt là pháp luật điều chỉnh các quan hệ kinh tế trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Tầm quan trọng của ngành Luật trong sự kết hợp với kinh tế giao thông vận tải
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Văn Tân, Trưởng Khoa Luật - Chính trị, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải cho hay, Nhà trường hiện đang đào tạo nhiều khối ngành như: Công trình - xây dựng; Cơ Khí - Ô tô; Kinh tế, vận tải, logistics; Luật - Ngôn ngữ Anh.
Trong đó, khối ngành Kinh tế, vận tải, logistics gồm các ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng; Thương mại điện tử; Kế toán doanh nghiệp; Hệ thống thông tin; Kế toán tài chính; Kinh tế xây dựng; Quản trị doanh nghiệp; Quản trị Marketing; Quản trị, Tài chính và đầu tư; Tài chính - Ngân hàng; Logistics và Vận tải đa phương thức… có vai trò đặc biệt quan trọng, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, dịch vụ logistics của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tương đối cao, đạt khoảng 14%-16%; tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 60%-70%, đóng góp khoảng 4-5% GDP, đồng thời đưa hoạt động xuất - nhập khẩu trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam.
Còn theo Báo cáo về chỉ số Năng lực logistics theo quốc gia năm 2023 của Agility, Việt Nam lọt top 10 thị trường logistics mới nổi trên thế giới và đứng thứ 4 Đông Nam Á (sau Malaysia, Indonesia và Thái Lan).
Điều này đặt ra nhu cầu lớn về nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao đồng thời am hiểu luật pháp. Ngoài pháp luật về các hình thức vận tải truyền thống thì còn cần am hiểu pháp luật điều chỉnh các quan hệ kinh tế trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Do vậy, theo thầy Tân việc mở ngành Luật tại Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải là rất cần thiết. Điều này hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển và sứ mệnh của trường là đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao theo hướng ứng dụng, đa ngành, đa lĩnh vực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ sự nghiệp phát triển của ngành Giao thông vận tải và của đất nước, phù hợp với xu thế phát triển quốc tế, hội nhập với nền giáo dục đại học tiên tiến của khu vực và trên thế giới.
Trong khi đó, Thạc sĩ, Luật sư Đỗ Văn Khánh - người đã có 10 năm hoạt động pháp chế cho doanh nghiệp và công ty luật, hiện đang là Phó Giám đốc điều hành Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn Seal Law khẳng định, vai trò của lĩnh vực giao thông vận tải đặc biệt quan trọng trong việc: Đảm bảo quá trình sản xuất, giao thương kinh tế diễn ra bình thường và liên tục; Đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân; Thúc đẩy phân bố dân cư và cân bằng mật độ dân số; Tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh quốc gia và trong khu vực; Là cầu nối giao lưu kinh tế - xã hội giữa các vùng và các quốc gia trên thế giới.
Học ngành Luật và am hiểu luật pháp có lợi ích cho doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông vận tải. Cụ thể:
Luật vận tải: Bao gồm các quy định và pháp luật liên quan đến hoạt động vận tải như pháp luật hợp đồng, bảo hiểm và quy định về môi trường.
Công nghệ thông tin vận tải: Bao gồm công nghệ thông tin, ứng dụng trong hoạt động vận tải như phát triển phần mềm, quản lý dữ liệu, các công nghệ mới như xe tự hành và IOT.
Chương trình đào tạo ngành Luật của Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải
Chia sẻ về chương trình đào tạo ngành Luật của Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải, thầy Tân cho hay: Chương trình đào tạo đại học ngành Luật của Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải được xây dựng theo định hướng ứng dụng - thực học - thực nghiệp, với 131 tín chỉ, trong đó chú trọng đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng nghiên cứu và thực hành nghề luật để sinh viên sau khi ra trường có năng lực làm việc độc lập hoặc làm việc theo nhóm và có khả năng chịu trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm với nhóm trong việc nghiên cứu, truyền bá và ứng dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề pháp lý phát sinh, đáp ứng với yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, và đáp ứng với nhu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.
Chương trình của trường đảm bảo khung chương trình chung với những kiến thức cơ bản và chuyên sâu cho nhân lực ngành Luật. Đồng thời, nhà trường đảm bảo yếu tố đặc thù của trường trong đó tập trung hoàn thiện chương trình đào tạo nhân lực ngành Luật gắn với kinh tế giao thông vận tải.
Bên cạnh đó, việc mở ngành Luật cũng nằm trong định hướng phát triển của trường hướng tới xu thế đào tạo liên ngành và đa ngành của các cơ sở giáo dục đại học hiện nay. Từ đó, nhà trường có thể kết hợp chương trình đào tạo ngành Luật nói chung với chương trình đào tạo đặc thù gắn với những ngành tương thích mà trường đã và đang đào tạo. Nhờ vậy, sinh viên có thể học được nhiều ngành học cùng một lúc tại Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải để hoàn thiện kiến thức, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đầu ra của trường.
Tiến sĩ Phạm Văn Tân cũng cho biết thêm, chương trình đào tạo ngành Luật của Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải được thiết kế linh hoạt, có lộ trình rõ ràng, không nặng về kiến thức đại cương và cơ sở ngành, chủ yếu tập trung vào kiến thức chuyên sâu của ngành Luật nhằm mục đích giúp sinh viên đáp ứng ngay với vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp. Do vậy, trong quá trình học, sinh viên có thể học vượt để rút ngắn quá trình đào tạo và ra trường trước kỳ hạn.
Nhà trường chuẩn bị mọi điều kiện đảm bảo chất lượng khi mở ngành Luật
Chia sẻ về những điều kiện đảm bảo chất lượng khi mở ngành Luật, Trưởng Khoa Luật - Chính trị, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải thông tin: Trong những năm qua Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải rất chú trọng đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và học tập.
Trường hiện có hơn 200 phòng học, phòng thí nghiệm và hội trường được trang thiết bị đầy đủ, sử dụng cho các mục đích khác nhau như hội nghị, hội thảo, hội giảng, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học. Các phòng học được trang bị đầy đủ hệ thống âm thanh, bảng, máy chiếu, điều hòa, truy cập internet, wifi miễn phí. Thư viện nhà trường được xây dựng khang trang, hiện đại luôn sẵn sàng phục vụ cho nhu cầu học tập, nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên.
Bên cạnh đó, nhà trường đang hoàn tất các thủ tục để tiến hành xây dựng mới tòa nhà 11 tầng đặt tại số 54 Triều Khúc, Thanh Xuân, Hà Nội với thiết kế hiện đại, công năng đầy đủ đáp ứng nhu cầu học tập và làm việc của sinh viên, cán bộ giảng viên nhà trường.
Đội ngũ giảng viên của Khoa Luật - Chính trị có nhiều năm kinh nghiệm, nhiệt tình, tâm huyết, yêu ngành, yêu nghề, tận tâm với công việc. Hiện nay, khoa có 23 giảng viên, trong đó có 11 giảng viên có trình độ từ tiến sĩ trở lên, 1 nghiên cứu sinh và 11 thạc sĩ, cùng đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học được khoa mời thỉnh giảng có trình độ chuyên sâu về ngành Luật.
Đồng thời, khoa có thể kết nối với các đơn vị sự nghiệp công lập, các công ty luật có uy tín, các doanh nghiệp lớn, các cơ quan tòa án, viện kiểm sát, liên đoàn luật sư của thành phố Hà Nội… để sinh viên đến thực hành, thực tập nghề nghiệp, học hỏi, trau dồi kỹ năng làm việc và phát triển bản thân.
Thầy Tân cũng cho biết thêm, năm 2024, nhà trường dự kiến tuyển 100 chỉ tiêu cho ngành Luật với 3 phương thức xét tuyển:
Phương thức 1: Xét tuyển thẳng (theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo);
Phương thức 2: Xét học bạ 3 học kỳ (học kỳ 1 lớp 11, học kỳ 2 lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Phương thức 3: Xét tuyển dựa trên kết quả thi trung học phổ thông năm 2024 theo các tổ hợp: A00 (Toán, Vật lý, Hóa học), A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh), D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh) và D07 (Toán, Hóa học, Tiếng Anh).
Cơ hội việc làm rộng mở, thu nhập hấp dẫn
Chia sẻ về cơ hội việc làm của cử nhân ngành Luật sau khi ra trường, Tiến sĩ Phạm Văn Tân cho biết: Sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo ngành Luật ở Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải, các bạn có khả năng làm việc tại nhiều vị trí, nhiều lĩnh vực khác nhau trong các cơ quan Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập, các công ty, doanh nghiệp tư nhân gồm:
Làm việc tại các cơ quan bảo vệ pháp luật như: Tòa án, viện kiểm sát, thi hành án, công an...; các cơ quan của Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội.
Làm việc tại các tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý như: Văn phòng luật sư, công ty luật, văn phòng công chứng, thừa phát lại, quản tài viên,… của Việt Nam và nước ngoài; hoặc khả năng làm việc độc lập khi đã tích lũy đủ kiến thức, kỹ năng hành nghề luật.
Làm việc tại các cơ sở đào tạo, giáo dục như: giảng viên, hoặc nghiên cứu tại các trung tâm nghiên cứu, viện nghiên cứu…
Làm việc tại các tổ chức phi chính phủ, liên chính phủ hoặc các tổ chức quốc tế có các hoạt động liên quan đến pháp luật.
Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp ra trường, người học có thể tiếp tục tham dự các khóa đào tạo chức danh tư pháp như: thẩm phán, công chức viên, chấp hành viên, luật sư…; Tham gia các khóa đào tạo luật ở trình độ thạc sĩ; tiến sĩ tại các cơ sở đạo luật trong nước và nước ngoài.
Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giám đốc điều hành Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn Seal Law khẳng định: Ngành Luật có nhiều cơ hội việc làm và mức lương khá đa dạng như:
Luật sư: Đây là vị trí phổ biến, nhưng không chỉ giới hạn ở luật sư. Cử nhân Luật mới tốt nghiệp có thể làm việc tại tòa án, bộ, phòng ban Nhà nước, văn phòng luật tư nhân, tư vấn luật cho doanh nghiệp, giảng viên, nghiên cứu viên, và nhiều vị trí khác.
Công chứng viên: Là người được ủy quyền thực hiện công chứng văn bản, giấy tờ và giao dịch pháp lý. Mức lương trung bình từ 6 - 12 triệu đồng/ tháng.
Chuyên viên pháp lý, mức lương trung bình từ 8 - 25 triệu đồng/ tháng; Cố vấn pháp lý mức lương trung bình từ 15 - 50 triệu đồng/ tháng; Thư ký pháp lý mức lương trung bình từ 4 - 9 triệu đồng/ tháng.
Cũng theo anh Khánh, đối với ngành Luật trong lĩnh vực giao thông vận tải có thể làm việc tại các cơ quan quản lý giao thông, công ty vận tải, hãng hàng không, công ty logistics và các tổ chức liên quan.
Bằng kinh nghiệm của mình anh Khánh chỉ ra những yêu cầu về kỹ năng thường gặp khi tuyển dụng nhân sự trong ngành luật gồm: Kỹ năng chuyên môn pháp chế: Tư vấn với doanh nghiệp và khách hàng; Soạn thảo và giao kết hợp đồng; Thành thạo trong việc tranh luận và đưa ra ý kiến; Kỹ năng mềm: Tư duy và phản biện tốt; Có khả năng suy luận và giải quyết vấn đề; Đọc hiểu và trí nhớ tốt: Luật là lĩnh vực đòi hỏi nắm vững kiến thức và hiểu rõ các quy định; Kỹ năng thuyết phục: Có khả năng thuyết phục và bảo vệ ý kiến; Đam mê đọc sách: Luật thường liên quan đến việc nghiên cứu và áp dụng các quy định pháp luật; Thành thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.
Đối với việc đào tạo nhân lực trong lĩnh vực này, Phó Giám đốc điều hành Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn Seal Law cho rằng cần lưu ý các khía cạnh từ kiến thức về Luật và Chính sách về giao thông vận tải nói chung, công nghệ phục vụ cho hoạt động giao thông vận tải nói riêng.
Điều này đòi hỏi sinh viên cần nắm vững kiến thức về pháp luật, quy định liên quan đến giao thông vận tải, đặc biệt là trong lĩnh vực luật giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không, đặc biệt hơn là pháp luật chuyên biệt về logistic xanh, hàng hải, công nghệ xử lý môi trường trong hoạt động giao thông vận tải đang là nhu cầu thiết thực và phù hợp với xu thế, nhu cầu của xã hội.
Cùng với đó là năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề tức là sinh viên cần phát triển khả năng phân tích, giải quyết vấn đề, và đưa ra sáng kiến có giá trị. Điều này đặc biệt quan trọng trong môi trường làm việc hội nhập quốc tế.
Tư duy phản biện và luận cứ khoa học để sinh viên cần rèn luyện tư duy phản biện, đặc biệt là trong việc áp dụng luật và chính sách vào thực tế.
Thực hành và trải nghiệm tức là đào tạo cần kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Sinh viên nên có cơ hội tham gia vào các hoạt động thực tế, ví dụ như thực tập tại các cơ quan liên quan, để học hỏi và tích lũy kinh nghiệm.
Và tầm nhìn và trách nhiệm xã hội, điều này đòi hỏi sinh viên cần hiểu rõ tầm nhìn và sứ mạng của ngành giao thông vận tải, đồng thời có trách nhiệm xã hội trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành và đất nước.