65 năm thành lập Bộ môn Công trình bê tông cốt thép, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội

17/11/2024 06:26
Lưu Diễm
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Ngày 16/11, tại Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, Hội thảo chuyên môn và Lễ kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ môn Công trình bê tông cốt thép đã diễn ra thành công tốt đẹp.

Tham dự chương trình, về phía đại biểu có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường - Bộ Xây dựng; Giáo sư, Tiến sĩ Phan Quang Minh - nguyên Trưởng Bộ môn Công trình bê tông cốt thép, nguyên Trưởng Khoa Xây dựng dân dụng và công nghiệp, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội; ông Trần Đức Lân - Tổng Giám đốc Công ty VSL Việt Nam, thành viên Hội đồng trường; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Giang - Phó Hiệu trưởng nhà trường; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thanh Tùng - Trưởng Khoa Xây dựng dân dụng và công nghiệp, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn - hai Phó trưởng Khoa Xây dựng dân dụng và công nghiệp, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

Về phía Bộ môn Công trình bê tông cốt thép, Khoa Xây dựng dân dụng và công nghiệp, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội; có sự tham gia của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Thắng - Trưởng Bộ môn; Tiến sĩ Võ Mạnh Tùng - Phó trưởng Bộ môn cùng toàn thể thầy cô giảng viên của Bộ môn Công trình bê tông cốt thép qua các thời kỳ, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên nhà trường.

Toàn cảnh sự kiện. Ảnh: Lưu Diễm.
Toàn cảnh sự kiện. Ảnh: Lưu Diễm.

Không ngừng lớn mạnh và phát triển về công tác đào tạo, nghiên cứu

Trải qua 65 năm phát triển, Bộ môn Công trình bê tông cốt thép thuộc Khoa Xây dựng dân dụng và công nghiệp của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã không ngừng lớn mạnh với nhiều thành tựu, từ những ngày đầu với bao khó khăn và thử thách. Được thành lập vào tháng 10/1959 (khi đó thuộc Khoa Xây dựng - một trong những khoa đào tạo đầu tiên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), đến nay, Bộ môn đã trở thành một địa chỉ đào tạo uy tín với truyền thống đầy tự hào của một trong những bộ môn nòng cốt có đóng góp quan trọng trong lịch sử phát triển của nhà trường.

Đây không chỉ là dịp để nhìn lại những dấu mốc đáng nhớ trên chặng đường phát triển không ngừng về công tác đào tạo và nghiên cứu của Bộ môn, mà còn là nền móng vững chắc để tập thể đơn vị tiếp tục phấn đấu, vươn mình mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai kỷ nguyên mới hội nhập.

Đại biểu tham dự hội thảo chuyên môn và Lễ kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ môn Công trình bê tông cốt thép. Ảnh: Lưu Diễm.
Đại biểu tham dự hội thảo chuyên môn và Lễ kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ môn Công trình bê tông cốt thép. Ảnh: Lưu Diễm.

Phát biểu khai mạc sự kiện, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Thắng - Trưởng Bộ môn Công trình bê tông cốt thép, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết: Là một trong bảy bộ môn thuộc Khoa Xây dựng dân dụng và công nghiệp và trong gần sáu mươi bộ môn hiện tại của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội; qua chặng đường lịch sử tròn 65 năm với nhiều dấu ấn, Bộ môn Công trình bê tông cốt thép đã trải qua nhiều thăng trầm về một thời gian khó nhưng vô cùng sôi nổi của các thế hệ thầy cô đi trước, là tấm gương để các thế hệ giảng viên đi sau noi theo, tự hào và tiếp tục nỗ lực phấn đấu, phát huy.

“Chặng đường 65 năm ấy được đánh dấu bởi sự đồng hành và một phần công sức đóng góp của Bộ môn Công trình bê tông cốt thép, thường được các thế hệ cán bộ giảng viên, học viên sau đại học và sinh viên toàn trường nhắc tới với tên gọi ngắn gọn và giản dị là “Bộ môn Bê tông”.​ Trong suốt quá trình phát triển đó, gần 80 lượt cán bộ giảng dạy của nhiều thế hệ đã và đang công tác tại Bộ môn luôn có một tinh thần gắn bó, đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau. Mọi công việc về chuyên môn cũng như về đoàn thể đều được bàn bạc, thống nhất với sự đồng thuận cao trước khi được triển khai một cách bài bản và trách nhiệm”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Thắng chia sẻ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Thắng - Trưởng Bộ môn Công trình bê tông cốt thép, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lưu Diễm.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Thắng - Trưởng Bộ môn Công trình bê tông cốt thép, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lưu Diễm.

Hiện nay, lực lượng giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng của Bộ môn có 1 giáo sư, 7 phó giáo sư, 5 tiến sĩ, 12 giảng viên chính và 2 giảng viên trẻ đang làm nghiên cứu sinh tại nước ngoài. Nhiều thầy cô của Bộ môn từng là cán bộ chuyên gia được Nhà nước cử đi tham gia hợp tác quốc tế và giảng dạy tại các trường đại học chuyên ngành xây dựng ở nước ngoài. Nhiều giảng viên được đào tạo bài bản ở bậc đại học và sau đại học tại các nước tiên tiến trên thế giới và trong khu vực, khi trở về Bộ môn đã tham gia hiệu quả trong giảng dạy.

Nhiều giảng viên có kinh nghiệm thực hành tư vấn thiết kế và quản lý dự án cho nhiều công trình xây dựng ở trong và ngoài nước. Do vậy, khả năng sử dụng ngoại ngữ trong công việc và cập nhật tiến bộ khoa học kỹ thuật, nghiên cứu khoa học và công bố các công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế có uy tín và thuyết trình tại các hội nghị khoa học chuyên ngành của các giảng viên trong Bộ môn là rất thuận lợi.

Định hướng về chặng đường phía trước, Trưởng Bộ môn Công trình bê tông cốt thép, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho hay: Thực tế cuộc sống sẽ tiếp tục đòi hỏi có nhiều thay đổi về căn bản, kèm theo những thách thức và cơ hội đối với nền giáo dục đại học Việt Nam nói chung và Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, cũng như với từng thành viên của Bộ môn nói riêng.

Các quy định mới về Luật Giáo dục đại học sửa đổi, Luật Viên chức, Quy chế tổ chức hoạt động và Đề án vị trí việc làm của nhà trường có thể dẫn tới nhiều thay đổi trong khâu tổ chức về mặt hành chính của các bộ môn chuyên môn trong toàn trường, làm cơ sở để hình thành nên các nhóm chuyên môn trong hệ thống mới.

Đội ngũ cán bộ giảng viên Bộ môn Công trình bê tông cốt thép qua các thời kỳ trước đây. Ảnh: Lưu Diễm.
Đội ngũ cán bộ giảng viên Bộ môn Công trình bê tông cốt thép qua các thời kỳ trước đây. Ảnh: Lưu Diễm.

Tuy nhiên, các thành viên của Bộ môn Công trình bê tông cốt thép luôn tâm niệm duy trì và phát huy truyền thống quý báu của các thế hệ đi trước, tập trung thực hiện ba mục tiêu.

Thứ nhất, người dạy không ngừng học hỏi, tự nâng cao và khẳng định năng lực, bổ sung nguồn nhân lực có trình độ cao.

Thứ hai, đổi mới về nội dung và phương pháp giảng dạy, không ngừng cải tiến các môn học chuyên ngành, cập nhật tri thức mới, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, gắn liền giảng dạy kiến thức chuyên môn với đào tạo kỹ năng nghề nghiệp.

Thứ ba, nghiên cứu khoa học một cách thực chất và gắn liền với thực tiễn, khai thác và phát triển nguồn đề tài về lý thuyết cơ bản và các hướng đi mới được ứng dụng hiệu quả trong thực tế; đề xuất giải pháp khả thi để hoạt động nghiên cứu khoa học góp phần quan trọng hơn nữa vào việc nâng cao trình độ của giảng viên, chất lượng đào tạo, từ đó khẳng định vị thế, uy tín cũng như trách nhiệm của nhà trường với xã hội.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Thắng cũng gửi lời tri ân sâu sắc tới Đảng uỷ, Hội đồng trường, Ban giám hiệu, các khoa, phòng, ban chức năng của nhà trường; các thầy cô thế hệ đi trước đã gắn bó và góp nhiều tâm sức xây dựng Bộ môn qua từng thời kỳ; các đối tác, cộng tác viên là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kỹ thuật xây dựng; cũng như các nghiên cứu sinh đã và đang thực hiện luận án tiến sĩ tại Bộ môn, các học viên cao học, các thế hệ sinh viên đã luôn đồng hành và giúp đỡ.

Đáp ứng xu thế phát triển mạnh mẽ của ngành Kỹ thuật xây dựng

Trên chặng đường 65 năm xây dựng và phát triển, Bộ môn Công trình bê tông cốt thép đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba vào năm 1985 và liên tục được tặng nhiều Bằng khen các cấp như: danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc cấp Bộ, Giấy khen Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp Trường, Giấy khen Công đoàn xuất sắc,... cùng nhiều danh hiệu Chiến sĩ thi đua các cấp cho cá nhân.

Bộ môn Công trình bê tông cốt thép đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba vào năm 1985. Ảnh: HUCE.
Bộ môn Công trình bê tông cốt thép đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba vào năm 1985. Ảnh: HUCE.

Bên cạnh đó, Bộ môn cũng góp phần quan trọng trong việc trực tiếp biên soạn tiêu chuẩn quốc gia cho thiết kế kết cấu công trình bê tông cốt thép ở nhiệt độ thường (phiên bản 1991) và nhiệt độ cao (phiên bản 2024), đồng thời tham gia góp ý cho dự thảo của các tiêu chuẩn cốt lõi khác trong lĩnh vực xây dựng.

Ngoài ra, các thành viên của Bộ môn tích cực tham gia các hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học và công nghệ các cấp, tham gia tư vấn thiết kế kết cấu và quản lý dự án cho nhiều công trình xây dựng thuộc nhiều lĩnh vực có vốn đầu tư ở trong và ngoài nước; một số thầy còn là chuyên gia và thành viên Hội đồng nghiệm thu của các dự án trọng điểm của quốc gia.

Phát biểu tại sự kiện, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Giang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội gửi lời cảm ơn tới đội ngũ các cán bộ, thầy cô giảng viên đã và đang công tác tại Bộ môn Công trình bê tông cốt thép bởi những đóng góp vô cùng to lớn trong suốt quá trình 65 năm lịch sử.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Giang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lưu Diễm.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Giang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lưu Diễm.

“Đây là một sứ mệnh được gây dựng qua nhiều thế hệ, từ những thời kỳ đầu tiên thành lập khi Bộ môn chỉ mới có ba thành viên, cho đến ngày hôm nay vẫn luôn là niềm tự hào của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Nhìn vào chặng đường phát triển về lĩnh vực xây dựng ở khắp ba miền Bắc, Trung và Nam; chúng ta có thể thấy rất nhiều chuyên gia hàng đầu Việt Nam được đào tạo bởi các thầy cô của Bộ môn Công trình bê tông cốt thép.

Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khu đô thị hiện đại, thông minh và hệ thống đường sắt cao tốc cũng như một loạt các công trình mới tiên tiến, điều này đòi hỏi lực lượng cán bộ kỹ thuật, chuyên gia có trình độ cao rất lớn. Bộ môn luôn nắm bắt nhanh chóng xu thế và thực hiện tốt các nhiệm vụ của Nhà nước giao về nghiên cứu, đào tạo.

Tôi tin tưởng rằng đội ngũ các thầy cô của Bộ môn sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh truyền thống, tinh thần hợp tác, đoàn kết ngày một lớn mạnh của mình, và phối hợp cùng với sức mạnh chung của cơ sở giáo dục, để Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tiếp tục là một trong những đơn vị đào tạo hàng đầu về lĩnh vực Kỹ thuật xây dựng ở Việt Nam và trong khu vực”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh.

Cũng trong khuôn khổ của sự kiện, Bộ môn Công trình bê tông cốt thép đã tổ chức hội thảo chuyên môn với nhiều bài tham luận ý nghĩa, đóng góp cho xu hướng đổi mới về lĩnh vực Kỹ thuật xây dựng hiện nay như: bài tham luận “Áp dụng công nghệ mới trong thiết kế và thi công kết cấu tâm chuyển ứng suất trước” của ông Trần Đức Lân - Tổng Giám đốc Công ty VSL Việt Nam; bài tham luận “Nghiên cứu biến dạng co ngót ở tuổi sớm của bê tông trong điều kiện khí hậu khô, nóng” của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thanh Tùng; bài tham luận “Nghiên cứu áp dụng kết cấu bê tông cốt thép lắp ghép cho dự án nhà máy điện rác” của Tiến sĩ Võ Mạnh Tùng;...

Trong cấu trúc và kết cấu của bê tông cốt thép, xi măng và các cốt liệu truyền thống có thể dần dần được thay thế bằng những vật liệu khác; nhưng sự đặc chắc và dính kết chính là yếu tố quan trọng hàng đầu làm tăng khả năng chịu lực và độ bền lâu của vật liệu và kết cấu. Tương tự như vậy, truyền thống đoàn kết gắn bó giữa các thầy cô, sự nỗ lực phấn đấu của từng cá nhân và tầm nhìn của cả tập thể chính là yếu tố quan trọng nhất cho các thế hệ giảng viên của Bộ môn Công trình bê tông cốt thép ngày nay, cũng như của các nhóm chuyên môn mai sau, hướng tới những thành tựu và dấu ấn mới trên chặng đường trong tương lai.

Lưu Diễm