EMagazine

Thủ khoa Trường ĐH Y Dược từng thi lại để được vào học ngôi trường mong muốn

Thủ khoa Trường ĐH Y Dược từng thi lại để được vào học ngôi trường mong muốn

11/10/2024 06:25
Hồng Linh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Cảm thấy bản thân chưa thực sự nỗ lực, Mẫn Văn Tiến quyết tâm thi lại đại học, thực hiện mục tiêu trở thành bác sĩ và tốt nghiệp với thành tích thủ khoa.

Với điểm trung bình học tập đứng đầu toàn khóa (3.55/4.0), điểm rèn luyện trung bình toàn khóa 90.8/100, Mẫn Văn Tiến (sinh năm 1999, quê Bắc Ninh), ngành bác sĩ Răng Hàm Mặt, khoa Răng Hàm Mặt là thủ khoa tốt nghiệp của Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Em cũng là 1 trong 100 thủ khoa xuất sắc được vinh danh tại Lễ Tuyên dương thủ khoa tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024.

1728462154650.jpg
Em Mẫn Văn Tiến (ngành Bác sĩ Răng Hàm Mặt, khoa Răng Hàm Mặt) là thủ khoa tốt nghiệp của Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Quyết tâm thi lại đại học để cố gắng hết sức mình

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, em Mẫn Văn Tiến nói: “Thời điểm bước vào ngưỡng cửa đại học em không đặt mục tiêu trở thành thủ khoa. Khi biết mình là 1 trong 100 thủ khoa được vinh danh, em thấy rất vinh dự và tự hào. Em muốn danh hiệu này trở thành bước đệm để em phấn đấu cho những mục tiêu xa hơn”.

Những tưởng thủ khoa là người luôn gặp thuận lợi trên hành trình học tập nhưng câu chuyện của Tiến không đi theo diễn tiến thường thấy. Vốn có niềm yêu thích với công việc chữa bệnh cứu người ngay từ nhỏ, Tiến nuôi ước mơ trở thành bác sĩ. Tuy nhiên em không thi đỗ vào ngôi trường mơ ước trong năm đầu tiên xét tuyển đại học.

Tiến chia sẻ: “Em là thí sinh thi lại đại học, trước khi theo học tại khoa Răng Hàm Mặt, Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc Gia Hà Nội em đã thi đỗ một trường y khác nhưng không theo học.

Nhìn lại quãng thời gian học lớp 9 cũng như 3 năm trung học phổ thông em cảm thấy bản thân chưa đủ nỗ lực.

Sự hoang mang về định hướng, mục tiêu khiến em không rõ mình cần cố gắng vì điều gì? Thậm chí, có thời điểm em muốn chuyển trường mặc dù đang theo học lớp chuyên Toán của Trường Trung học phổ thông Chuyên Bắc Ninh.

Trong cả 3 năm trung học phổ thông, chỉ có cuối năm lớp 12 là em thực sự tập trung học tập, dù có bứt tốc nhanh nhưng vẫn không kịp. Bởi vậy, em quyết tâm thi lại để cố gắng hết sức mình”.

Vượt qua sự ngăn cản của gia đình và bạn bè, Tiến quyết định ôn tập thêm 1 năm để thi lại. Thời điểm đó, Tiến ôn môn Toán và Hóa học thông qua các bài giảng trên internet, với môn Sinh học em đi học bên ngoài.

Nói về cơ duyên với ngành bác sĩ Răng Hàm Mặt, Tiến hóm hỉnh nói là “nghề chọn người”. Niềm yêu thích của Tiến với ngành học lớn dần qua những bài giảng của thầy cô.

Tiến say sưa kể: “Chúng em cũng bắt đầu với các các môn cơ sở như Giải phẫu, Giải phẫu bệnh, Lý sinh, Sinh lý bệnh… để có được kiến thức nền tảng, hiểu cơ chế bệnh lý của các cơ quan rồi đi sâu vào chuyên ngành.

Học Răng Hàm Mặt không hề bó hẹp trong vấn đề làm răng. Hơn nữa, không phải lúc nào bác sĩ cũng chữa trị cho những bệnh nhân không có bệnh lý nền. Ví dụ, người có bệnh tiểu đường khi nhổ răng có khả năng nhiễm khuẩn cao hơn. Những tưởng nhẹ nhàng nhưng các vấn đề về răng, hàm, mặt cũng có không ít tai biến”.

Tiến cho rằng theo học ngành Răng Hàm Mặt là sự kết hợp của bác sĩ, nha sĩ, thậm chí là cả nghệ sĩ. Ngay từ năm học đầu tiên, các sinh viên đã phải học gọt giũa, điêu khắc răng. Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và đầy kiên nhẫn.

Sinh viên sẽ vẽ hình dạng răng theo cấu trúc giải phẫu trên giấy, gọt răng trên sáp dạng khối hình chữ nhật. Sau khi thuần thục, đến những năm học tiếp theo, sinh viên sẽ được thực hành mài trên răng thật.

Thu khoa mẫn văn tiến 1.png
Những bức vẽ hình dạng răng theo cấu trúc giải phẫu của em Mẫn Văn Tiến. Ảnh: NVCC.

Được biết, Tiến theo học chuyên ngành Phẫu thuật miệng - hàm mặt, can thiệp vào những ca bệnh như chấn thương hàm mặt; nang, u vùng hàm mặt; phẫu thuật dị tật sứt môi hở hàm ếch…

Chuyên ngành đầy thách thức này từng khiến Tiến cảm thấy quá sức nhưng em không từ bỏ, vẫn muốn trở thành một bác sĩ Phẫu thuật miệng - hàm mặt. Đây cũng là điều khiến em tự hào nhất trong 6 năm học Y của mình, vì đã không nản chí, kiên định với mục tiêu ban đầu.

Sự kiên trì của Tiến cũng là điều được Tiến sĩ Nguyễn Tấn Văn, trưởng bộ môn Phẫu thuật miệng - hàm mặt công nhận. Thầy Văn bày tỏ: “Tiến không hẳn là người thông minh kiệt xuất nhưng em vô cùng cần cù, chăm chỉ, cầu thị.

Thời gian đầu, tiến bộ trong lâm sàng của em có phần chậm hơn các bạn khác. Khi ấy tôi có nói với Tiến rằng có lẽ em ấy nên theo học ngành khác nếu vẫn tiếp tục đi sau như thế này.

Tưởng chừng, Tiến sẽ nản chí nhưng ngược lại, em chuyên tâm hơn và có sự tiến bộ rõ ràng. Bởi vậy, tôi đánh giá cao nỗ lực theo đuổi nghề nghiệp của Tiến”.

Được biết, Tiến từng tham gia 2 đợt phẫu thuật nhân đạo cho trẻ em tại Bệnh viện E (phối hợp giữa Bệnh viện E, bộ môn Phẫu thuật miệng - hàm mặt, khoa Răng Hàm Mặt - Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc Gia Hà Nội và tổ chức Operation Smile).

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hồng Nhung, người hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp cho em Tiến cũng là người tham gia đợt phẫu thuật nhân đạo trên chia sẻ: “Trong khoảng thời gian dài, có rất ít sinh viên khoa Răng Hàm Mặt muốn đi sâu vào mảng phẫu thuật vì khó và vất vả nhưng từ khi chọn chuyên ngành, Tiến đã luôn kiên nhẫn và thể hiện được sự ham học hỏi.

Em hỗ trợ các thầy cô trong bộ môn đi khám bệnh và phụ phẫu thuật. Có những lần đang ôn thi vất vả nhưng ban ngày, Tiến vẫn theo thầy cô vào phòng mổ. Tôi trân trọng sự nghiêm túc trong học tập và ý chí của Tiến.

Học ngành Y chưa bao giờ dễ dàng. Đặc biệt là chọn theo con đường ngoại khoa lại càng không ít chông gai nhưng với Tiến, tôi tin là em sẽ thành công và sẽ có thể tiến xa hơn nữa. Cầm dao mổ trong tay, sứ mệnh là sức khoẻ, là tính mạng con người nên rất cần những người có tố chất như Tiến”.

Thủ khoa mẫn văn tiến 2.png
Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hồng Nhung (ngoài cùng bên trái) và em Mẫn Văn Tiến (thứ ba từ trái sang) trong phòng phẫu thuật. Ảnh: NVCC

Tìm kiếm hơn 1000 tài liệu để tổng hợp trong nghiên cứu, hoàn thành khóa luận

Khi bắt đầu vào đại học, Tiến cũng nghe nhiều người nói về việc học Y vất vả nhưng Tiến cảm thấy quãng thời gian 6 năm này thực ra không dài tới vậy. Kiến thức với ngành Y học trong 6 năm chắc chắn là chưa đủ, đây chỉ là nền móng cho giai đoạn học tập tiếp theo.

Chia sẻ về bí quyết học tập, Tiến bộc bạch bản thân không có mẹo gì đặc biệt, em chỉ chú ý đến vấn đề ghi chép. Tiến lý giải, khối lượng kiến thức nhiều, vượt quá khả năng ghi nhớ, bởi vậy em thường lưu trữ tài liệu ở cả dạng giấy và dạng điện tử. Có những tài liệu chưa sử dụng ngay nhưng sẽ có lúc cần đến. Bởi vậy, việc sắp xếp và lưu trữ tài liệu để có thể tìm lại ngay khi muốn là rất cần thiết.

Ngoài ra, Tiến còn học thêm cùng bạn bè, học hỏi từ kinh nghiệm thực tế của mọi người, tham khảo các từ khóa để tự tra cứu và học hỏi.

Thay vì chỉ học thuộc lòng, Tiến hướng đến việc học sâu để nắm vững kiến thức cơ bản. Đây cũng là tiền đề để em phát triển tư duy phản biện. Tiến khẳng định, trước hết phải có nền kiến thức cơ bản chắc chắn để có cơ sở đánh giá những kiến thức mới. Nếu vốn hiểu biết bị hẹp sẽ hạn chế khả năng phát hiện vấn đề.

Đặc biệt, nam thủ khoa nhấn mạnh đến tầm quan trọng của mục tiêu. Tiến bày tỏ: “So với quãng thời gian trước đây, khi học đại học, em đã có định hướng rõ ràng để theo đuổi. Sự kiên trì của mục tiêu cũng là lý do giúp em duy trì được động lực. Em không muốn lãng phí thời gian như đã làm trong quá khứ, em muốn học để làm nghề, để trở thành một bác sĩ. Kế hoạch tương lai của em là cố gắng thi đỗ bác sĩ nội trú của trường”.

thủ khoa mẫn văn tiến 3.png
Em Mẫn Văn Tiến thực hành trong labo mô phỏng của khoa Răng Hàm Mặt. Ảnh: NVCC.

Được biết, khóa luận tốt nghiệp của Tiến hoàn toàn bằng tiếng Anh với đề tài: "Nghiên cứu tổng quan về kết quả điều trị phẫu thuật bệnh lý u nguyên bào men xương hàm".

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hồng Nhung chia sẻ: "Đứng ở cương vị là người trực tiếp hướng dẫn khóa luận cho Tiến, tôi rất hài lòng với cậu học trò này. Đề bài tôi đưa ra cho em rất rộng. Ban đầu em có vẻ mông lung nhưng không bỏ cuộc, sau khi tôi đưa ra một số hướng nghiên cứu và ví dụ minh họa, Tiến đã tự mày mò thực hiện và luôn cập nhật với tôi về tiến trình.

Tôi thật sự ngạc nhiên về bước tiến của em. Tiến tiếp thu nhanh và linh hoạt, chủ động tìm kiếm được hơn 1000 tài liệu có giá trị để tổng hợp trong nghiên cứu và hoàn thành khóa luận. Tôi biết đôi khi bản thân cũng có phần khó tính nhưng vì tôi kỳ vọng rất nhiều ở em.Tôi nhận thấy ở Tiến có tố chất để trở thành một bác sĩ, một phẫu thuật viên giỏi".

Là trưởng bộ môn Phẫu thuật miệng - hàm mặt, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Văn nói thêm: “Trong ngành Y chúng ta không có quyền được sai sót, với bác sĩ phẫu thuật điều này càng phải được đặt lên hàng đầu.

Do đó, tôi luôn dạy sinh viên từ những điều cơ bản, thậm chí các bạn có thể có cảm giác không quan trọng nhưng chúng ta phải cẩn thận ngay từ những việc nhỏ đầu tiên. Điều này sẽ tạo ra thói quen, không cho phép sai sót trong việc lớn.

Muốn trở thành một phẫu thuật viên giỏi, các bạn phải hội tụ rất nhiều yếu tố, không chỉ về chuyên môn mà còn ở cả kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp… Trước hết, phẫu thuật viên cần có kiến thức tổng hợp, toàn diện, bên cạnh kiến thức chuyên ngành để chẩn đoán bệnh.

Phẫu thuật viên cũng cần đánh giá được người bệnh, xem xét họ sẽ chịu đựng được những biện pháp như thế nào từ đó tìm ra hướng điều trị phù hợp.

Còn về kỹ năng sống thì các bạn phải thu thập từ thực tế để thấu hiểu bệnh nhân, biết được tâm tư, nguyện vọng của người bệnh, để người bệnh đặt niềm tin vào mình”.

thủ khoa mẫn văn tiến 4.png
Em Mẫn Văn Tiến (thứ ba từ trái sang) chụp ảnh cùng các thầy cô của khoa Răng Hàm Mặt trong buổi lễ bảo vệ khóa luận tốt nghiệp. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Đình Hải, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt cho biết, năm 2017 khoa Răng Hàm Mặt (khi đó là bộ môn Răng Hàm Mặt) tuyển sinh khóa đầu tiên.

Năm 2022 bộ môn được nâng cấp thành khoa sau khi Trường Đại học Y Dược được thành lập dựa trên cơ sở kế thừa Khoa Y Dược thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Khoa Răng Hàm Mặt hiện tại có 9 bộ môn là Bộ môn Phẫu thuật miệng - hàm mặt; Bộ môn Nắn chỉnh răng; Bộ môn Chữa răng nội nha; Bộ môn Nha chu; Bộ môn Phục hình răng; Bộ môn Cấy ghép Implant; Bộ môn Nha cơ sở; Bộ môn Nha cộng đồng; Bộ môn Răng trẻ em.

Trước khi tuyển sinh khóa đầu tiên, lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội giao cho cho Khoa Y Dược thời điểm đó, một dự án 30 tỷ đồng để đào tạo bác sĩ Răng Hàm Mặt.

30 tỷ đồng này được dành cho labo mô phỏng lâm sàng (31 bộ mô phỏng). Trước khi sinh viên đến các bệnh viện để thực tập, các em đều được thực hành nhuần nhuyễn trên labo mô phỏng dưới sự kèm cặp, hướng dẫn của giảng viên.

Ngoài ra, khoa Răng Hàm Mặt còn có khu thực hành tiền lâm sàng (9 bộ ghế máy nha khoa) và phòng khám Răng Hàm Mặt (30 bộ ghế máy nha khoa).

Bên cạnh việc nắm vững, chắc chắn về kiến thức chuyên môn, Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Đình Hải nhấn mạnh tầm quan trọng của kỹ năng tay nghề, kỹ năng lâm sàng với các bác sĩ Răng Hàm Mặt, khắt khe ngay từ khi mới bắt đầu.

Sinh viên của khoa đều phải trải qua các buổi học về điêu khắc, gọt vẽ răng, sao cho thật khéo léo ngay từ năm học thứ nhất. Những em sinh viên dù thông minh nhưng đôi tay vụng về, thiếu tinh tế sẽ không phù hợp để theo đuổi nghề bác sĩ Răng Hàm Mặt.

Hồng Linh