Lê Thị Đức Ngọc (sinh năm 2002) - lớp DH21PM, ngành Kỹ thuật phần mềm, Khoa Công nghệ thông tin, là thủ khoa tốt nghiệp Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh với số điểm GPA vô cùng ấn tượng là 3.98/4.00.
Với nhiều cố gắng và nỗ lực trong suốt 4 năm ở đại học, trước khi trở thành thủ khoa tốt nghiệp, Đức Ngọc đã trúng tuyển vào chương trình học bổng toàn phần tích hợp tiến sĩ và thạc sĩ ngành Kỹ thuật đa phương tiện tại Trường Đại học Dongguk (Hàn Quốc). Học bổng toàn phần có trị giá trên 2 tỷ đồng.
Không chỉ vậy, em còn từng được vinh danh giải thưởng “Nữ sinh Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2023” do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cùng Bộ Khoa học và Công nghệ trao tặng. Vì vậy, Đức Ngọc trở thành nữ sinh duy nhất được vinh danh ở lĩnh vực Kỹ thuật phần mềm, bởi xuất phát từ niềm đam mê với Toán học và sự tò mò về máy móc.
Nữ sinh duy nhất được vinh danh ở lĩnh vực Kỹ thuật phần mềm năm 2023
Giải thưởng Nữ sinh Khoa học công nghệ Việt Nam là phần thưởng cao quý của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cùng Bộ Khoa học và Công nghệ trao tặng nhằm tuyên dương những nữ sinh viên có thành tích học tập, nghiên cứu xuất sắc trong một số lĩnh vực khoa học công nghệ đặc thù, góp phần đào tạo nguồn cán bộ khoa học công nghệ nữ có chất lượng tham gia phát triển đất nước.
Để được vinh danh ở giải thưởng này, các ứng viên đăng ký tham gia xét chọn phải có thành tích xếp loại học tập qua các năm học và điểm trung bình của các môn chuyên ngành đạt từ loại Giỏi trở lên; có giải thưởng ở những cuộc thi trong nước hoặc có bài báo khoa học được đăng trên tạp chí khoa học uy tín; đã được nhận học bổng hoặc tham gia chương trình trao đổi học tập trong và ngoài nước;…
Năm 2023, Hội đồng Giải thưởng đã nhận được 65 hồ sơ đăng ký từ 31 trường đại học, học viện trên cả nước. Kết quả, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã quyết định trao Giải thưởng Nữ sinh Khoa học công nghệ Việt Nam cho 20 nữ sinh tiêu biểu. Trong đó, sinh viên Lê Thị Đức Ngọc là nữ sinh duy nhất được vinh danh ở lĩnh vực Kỹ thuật phần mềm.
Mỗi người tham gia đạt Giải thưởng Nữ sinh Khoa học công nghệ Việt Nam đều được tặng bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, biểu trưng giải thưởng và phần thưởng bằng tiền mặt là 5 triệu đồng.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Lê Thị Đức Ngọc cho biết, giải thưởng Nữ sinh Khoa học công nghệ Việt Nam 2023 đã giúp em có thêm niềm tin vào chính mình, vào những nỗ lực và cả con đường lựa chọn của bản thân. Điều này chính là động lực to lớn giúp em dám mơ ước, dám hành động và cố gắng hết mình cho điều bản thân mong muốn.
Chia sẻ về cảm xúc khi được nhận giải thưởng, Đức Ngọc cho rằng mọi thứ diễn ra với mình khi đó như một giấc mơ, phần thưởng này vô cùng danh giá. Để đạt được thành quả đó là nhờ sự tích lũy, không ngừng nỗ lực từ trước đến nay của Ngọc.
“Quả thực, bản thân em không có chiến lược hay kế hoạch gì cụ thể trong quá trình học tập. Em chỉ luôn cố gắng hết mình để hoàn thành tốt những công việc trước mắt mà không đặt nặng kết quả cuối cùng. Bằng cách đó đã giúp em không bị cảm thấy áp lực, mà khiến việc học trở thành nhiệm vụ em muốn làm chứ không phải việc phải làm.
Khi cầm trên tay tấm bằng khen, em cảm thấy vô cùng hạnh phúc và biết ơn những người xung quanh mình - gia đình, thầy cô và bạn bè - những người đã luôn yêu thương, ủng hộ, giúp đỡ em trong suốt thời gian qua”, Đức Ngọc bày tỏ.
Cùng với giải thưởng Nữ sinh Khoa học công nghệ Việt Nam 2023, Đức Ngọc còn có những thành tích, giải thưởng đáng ngưỡng mộ trong học tập như: Học bổng STEM từ Quỹ học bổng Châu Á dành cho nữ sinh thuộc khối ngành Khoa học công nghệ; Á Khoa 2 trong kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020; Giải Nhất cấp tỉnh Hội thi Olympic Tiếng Anh học sinh, sinh viên năm 2022; tham gia chương trình trao đổi sinh viên giữa Trường Đại học An Giang và Đại học Surindra Rajabhat (Thái Lan).
“Săn” học bổng tích hợp để tiếp tục theo đuổi ước mơ
Với niềm yêu thích với môn Toán, Đức Ngọc lựa chọn ngành Kỹ thuật phần mềm tại Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh để gắn bó trong 4 năm đại học. “Em muốn theo một ngành học có thể ứng dụng Toán học vào cuộc sống. Hơn nữa, để đi đến quyết định lựa chọn ngành này, bản thân em còn xuất phát từ sự tò mò đối với máy móc, công nghệ. Từ khi còn nhỏ, mỗi khi nhìn thấy các vật dụng điện tử hoạt động, đặc biệt là máy tính, thì em luôn được thôi thúc tìm hiểu về cách nó vận hành”, Đức Ngọc chia sẻ.
Năm 2020, Đức Ngọc là thủ khoa đầu vào của ngành Kỹ thuật phần mềm. Bốn năm sau, nữ sinh đã tốt nghiệp và trở thành thủ khoa tốt nghiệp đầu ra của Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh với số điểm GPA là 3.98/4.0.
“Em rất tự hào khi được vinh danh là thủ khoa toàn trường. Em không phải một người giỏi lên kế hoạch, vì vậy, em chỉ tâm niệm làm sao để cố gắng duy trì thành tích học tập tốt với trung bình các môn đều trên 8 phẩy. Đồng thời, em luyện tập, trau dồi tiếng Anh và tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học cũng như những hoạt động ngoại khóa mà bản thân cảm thấy thích”, Ngọc cho hay.
Với những cố gắng và nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân, em đã đạt được học bổng toàn phần tích hợp tiến sĩ và thạc sĩ ngành Kỹ thuật máy tính tại Trường Đại học Dongguk (Hàn Quốc) được xếp hạng 607 trên 1000 đại học tốt nhất trên thế giới theo Scimago Institutions vào tháng 3/2024.
Đức Ngọc cho biết, điều kiện để đạt học bổng này yêu cầu ứng viên có bằng cử nhân hoặc thạc sĩ trong các lĩnh vực như: điện tử, khoa học máy tính, toán học hoặc các ngành liên quan; điểm GPA từ 80 trở lên (thang điểm 100); kỹ năng giao tiếp tiếng Anh thông thạo. Đồng thời, ứng viên cần có nền tảng vững chắc về toán học, học máy, kinh nghiệm lập trình; kinh nghiệm nghiên cứu trong các lĩnh vực xử lý hình ảnh, thị giác máy tính hoặc học máy là một lợi thế lớn.
Nữ sinh quê An Giang là đồng tác giả của 2 bài báo được xuất bản trên tạp chí khoa học quốc tế. Năm 2024, Ngọc đã hoàn thành sớm khóa luận tốt nghiệp với kết quả xuất sắc và có thêm 11 bài báo được chọn báo cáo trước các nhà khoa học tại hội thảo quốc tế "Các vấn đề nghiên cứu về khoa học kỹ thuật năm 2024 - RET 2024" với đề tài "Xây dựng hệ thống phát hiện lũ từ ảnh viễn thám".
Nói về lý do chọn Hàn Quốc là điểm đến cho hành trình tiếp theo của mình, Đức Ngọc chia sẻ: Ngay từ những năm ở bậc trung học phổ thông, em đã có ý định đi du học Hàn Quốc để được gặp thần tượng. Hàn Quốc cũng là một đất nước phát triển mạnh về công nghệ. Tuy nhiên, lúc ấy hồ sơ của em chưa có gì ngoài bảng điểm, lại không tham gia hoạt động ngoại khóa, chứng chỉ tiếng Anh,… nên nghĩ rằng bản thân khó cạnh tranh được với những bạn khác.
Song, nữ thủ khoa luôn tâm niệm, mỗi người chúng ta giống như một bông hoa, ai cũng sẽ có một thời điểm để nở rộ. Bởi thế, những lúc bản thân làm chưa tốt, Ngọc không trách bản thân mình, mà em sẽ tự động viên bản thân không ngừng cố gắng. Từ đó sẽ có thời điểm bông hoa trong mình bung nở một cách rực rỡ nhất.
Nhập học tại Hàn Quốc vào đầu tháng 9, Đức Ngọc cho biết, tuy rằng chương trình không yêu cầu tiếng Hàn, nhưng em vẫn tự học thêm để có thể giao tiếp tốt và hòa nhập với môi trường học tập ở vùng đất mới. Ngọc đăng ký theo học ngành Kỹ thuật đa phương tiện (Multi-media Engineering) với định hướng nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Bên cạnh đó, em cũng ấp ủ thành lập một câu lạc bộ ở Trường Đại học Dongguk để tìm hiểu và lan tỏa về văn hóa, lịch sử Việt Nam, kết nối các du học sinh Việt với nhau. "Em mong mình hoàn thành tốt chặng đường học tập và trở về Việt Nam để làm việc, góp một chút sức nhỏ của mình cho quê hương, cụ thể là vùng đồng bằng sông Cửu Long", Ngọc chia sẻ.
Gửi gắm lời khuyên để học tốt ngành Kỹ thuật phần mềm, Ngọc cho rằng bản thân mỗi người trước hết cần có niềm yêu thích đối với lĩnh vực đó. Riêng khối ngành STEM, người học cần trao dồi bản thân nhiều hơn về kiến thức Toán học, đây sẽ là nền tảng để tiếp thu kiến thức chuyên ngành tốt, ngoài ra cũng không thể thiếu các kỹ năng mềm như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng kết nối cộng đồng hay khả năng tự học.
Vượt qua khó khăn bằng sự nỗ lực từng ngày
Đức Ngọc cho biết không có bí quyết học tập nào cụ thể và phù hợp cho tất cả mọi người. Với hành trình đã đi qua, Ngọc có tư duy học tập là tiếp thu kiến thức về những gì bản thân yêu thích. Khi có niềm say mê, việc học sẽ trở nên nhẹ nhàng, áp lực kiểm tra, thi cử giảm đi thì hiệu quả sẽ tăng lên. Những năm ở đại học là khoảng thời gian quý báu và đáng nhớ nhất trong cuộc đời em. Ngọc đã học được rất nhiều điều không chỉ từ sách vở mà còn qua bạn bè và thầy cô.
Theo Đức Ngọc, việc học không chỉ để tích lũy kiến thức mà còn để phát triển bản thân toàn diện. Tham gia các hoạt động ngoại khóa giúp Ngọc trở nên tự tin, kết nối cộng đồng, khả năng giao tiếp và ứng xử, tạo dựng mối quan hệ tốt hơn. Từ đó rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm và biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ, giải quyết vấn đề. Vì vậy, ngoài việc học trên trường, Ngọc cũng thường xuyên tham gia các hoạt động ngoại khóa, chương trình giao lưu, trao đổi quốc tế tại Singapore, Thái Lan.
Dù sở hữu thành tích ấn tượng, nhưng trước đó, Ngọc cũng gặp không ít khó khăn ở giai đoạn đầu học đại học. Em chưa quen bởi những kiến thức khó, bản thân lại rụt rè, khó trao đổi với bạn bè khi làm việc nhóm, hơn nữa tỷ lệ sinh viên trong lớp chỉ có 10% là nữ.
Giai đoạn khó khăn nhất đối với Ngọc là khi bước vào năm hai đại học trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Khi không có cơ hội gặp gỡ, tương tác và tham gia các hoạt động ngoại khóa, quá trình học tập trở nên trầm lắng và nặng nề. Em có cảm giác chán nản, khiến mình tự nghi ngờ con đường đã chọn và định hướng được tương lai phía trước.
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian đó, Ngọc đã tự nhắc nhở bản thân về lý do bắt đầu con đường này và nhận ra những thử thách trước mắt chỉ là tạm thời, mọi hành trình đều có lúc gập ghềnh. Thay vì từ bỏ, em đã quyết định tìm cách vượt qua, tự tạo động lực cho bản thân, chủ động nghiên cứu kiến thức và nhờ sự hỗ trợ từ bạn bè, thầy cô. Dần dần, Ngọc cảm thấy có sự hứng thú trở lại và bắt đầu nhìn thấy những tiềm năng trong ngành học. Điều này không chỉ giúp Ngọc vượt qua giai đoạn khó khăn mà còn phát triển khả năng tự học, rèn luyện sự kiên trì.
Để tiếp thu tốt, em thường đọc bài trước khi lên lớp và chú ý nghe giảng, mạnh dạn hỏi giảng viên mỗi khi không hiểu bài. Bên cạnh giáo trình thầy cô giới thiệu, Ngọc cũng chủ động tìm hiểu tài liệu bên ngoài. Trước mỗi kỳ thi, nữ thủ khoa còn tìm các đề kiểm tra của nhiều khóa trước để làm thử. Đồng thời, em còn tham gia vào các hội nhóm để tìm hiểu về đề thi, trao đổi với bạn bè, anh chị khóa trước về những dự án có liên quan. Đây chính là cách em tập áp dụng lý thuyết vào bài thi và thực tiễn cuộc sống.
Theo Ngọc, một thách thức nữa có thể kể đến là vị trí địa lý của trường không nằm trong khu vực trung tâm phát triển kinh tế mạnh mẽ, nên công tác tham gia, thực tập ở doanh nghiệp lớn cũng có một số khó khăn hơn. Song, về mặt thuận lợi, đó là các thầy cô giảng viên nhà trường luôn rất tận tâm và nhiệt tình hỗ trợ sinh viên, giúp người học có thể phát huy năng lực và sở trường tối đa.
"May mắn sau một lần tham quan thực tế với Khoa Công nghệ thông tin, em biết đến thầy Trưởng khoa là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Thanh Nghị. Được thầy hướng dẫn và bắt đầu hành trình nghiên cứu khoa học, tới lúc đó, em có trong mình cảm hứng trở lại với ngành đang học và định hướng sẽ tiếp tục đi du học", Ngọc chia sẻ.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Thanh Nghị - Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, trong quá trình học tập, Lê Thị Đức Ngọc luôn thể hiện là sinh viên có đạo đức tốt, tinh thần và thái độ nghiêm túc, có trách nhiệm, ham học hỏi. Em luôn biết tự lập kế hoạch học tập tốt, chủ động đặt câu hỏi thắc mắc về những chủ đề khó, tìm tòi những cái mới và thường xuyên đề xuất nhiều ý tưởng xuất sắc.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết, nhà trường rất vui mừng vì đã có sinh viên Lê Thị Đức Ngọc đạt nhiều thành tích cao trong học tập, như giành được giải thưởng Nữ sinh Khoa học công nghệ Việt Nam 2023. Em chắc chắn sẽ là tấm gương sáng về lĩnh vực Khoa học công nghệ cho sinh viên toàn trường.
Là một người trẻ, Ngọc cho rằng điều quan trọng nhất là bản thân mỗi người không ngừng học hỏi để phát triển và tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng. "Trong thời đại công nghiệp hóa 4.0, em mong muốn đóng góp vào việc xây dựng quê hương và đất nước bằng cách phát triển tư duy đổi mới, nắm bắt công nghệ và kỹ thuật hiện đại. Em cũng rèn luyện tư duy khởi nghiệp để có thể tạo ra những giá trị mới cho xã hội. Em tin rằng việc kết hợp giữa kiến thức và sự nhiệt huyết sẽ giúp thế hệ trẻ hiện nay xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho xã hội”, nữ thủ khoa bày tỏ.