Bản thể Việt là gì? Người viết cứ băn khoăn với câu hỏi này sau khi đọc bài viết với tít bài hơi “quậy” trên mạng xã hội mà một nhà báo dẫn lại trên trang cá nhân của mình. [1]
Vì là dân ngoại ngạch, kiến thức triết học nông cạn nên người viết không có ý định bàn luận về khía cạnh triết học của “bản thể” mà chỉ sử dụng khái niệm này như là cầu nối cho vài suy luận, trước hết để mình hiểu mình, sau nữa là để bạn đọc quan tâm vấn đề này cùng mạn đàm.
Xin lược ghi một vài khái niệm đã được công bố:
- Trong đạo Bà la môn, Atman là khái niệm đặc biệt quan trọng, thuật ngữ này được dịch sang tiếng Việt là Bản thể, Bản ngã, hoặc Tự Ngã.
- Bản thể chỉ rõ thực chất của sự việc, đối tượng mà chỉ có lí trí mới hiểu được.
- Trong tiếng Anh thuật ngữ “Indentity” được dịch sang tiếng Việt là “Bản thể hoặc Danh tính”, là tiêu chí giúp nhận biết “sự giống nhau” của “vật mang” - tức là một đối tượng cụ thể nào đó, (một số tác giả còn sử dụng các thuật ngữ tiếng Anh khác như “substance; being” với cùng nghĩa là “Bản thể).
Hình minh họa cho chủ nghĩa cá nhân, một trào lưu đang lên trong xã hội. Hình minh họa của Evangelio |
- Trong tiếng Hy Lạp, thuật ngữ “Ousia” vừa có nghĩa là “bản thể”, cũng còn có nghĩa là “tồn tại, bản chất”…
“Bản thể” là khái niệm triết học được bàn luận từ thời Aristote (384-322 trước công nguyên), cho tới tận hôm nay các triết gia vẫn mong muốn tìm hiểu, phát triển.
Aristote cho rằng bản thể như là cái được hợp thành từ “chất liệu” (vật chất) và “mô thức” (nhận thức, lý luận, khung tham chiếu hay lăng kính nhìn nhận thế giới).
Một bản thể phải mang trọn vẹn cả “hình thể” và “chất thể”, thiếu một trong hai yếu tố không gọi là bản thể.
Trong phác họa này “chất thể” đóng vai trò “chất liệu” còn “hình thể” đóng vai trò “mô thức”.
Bản thể giúp nhận biết sự tồn tại của “vật mang” - tức là cá thể - trong sự khác biệt về thuộc tính với các “vật mang” khác dù chúng có rất nhiều điểm giống nhau.
Hiểu nôm na muốn biết “Bản thể Việt”, thì phải biết “chất thể Việt” - tức là bản thân con người - và “hình thể Việt” tức là tư duy, tính cách, thói quen, phong tục, tập quán, tín ngưỡng,…
Có thể minh họa một cách đơn giản thế này: Hai người sinh đôi có rất nhiều nét giống nhau về “chất thể” như khuôn mặt, màu mắt, màu tóc,…, dù họ có ăn mặc, trang điểm hoàn toàn như nhau thì vẫn hoàn toàn khác nhau về “hình thể” tức là tâm lý, tính cách, thói quen,…, đó là hai “người” hoàn toàn khác nhau chứ không phải một người.
Như vậy trong tự nhiên không thể có cái gọi là sự “đồng nhất với nhau” giữa các “vật mang” dù chúng cùng “đứng” trong một tập hợp mà ta gọi là “đối tượng”.
Đôi khi có sự nhầm lẫn giữa “bản thể” và “bản sắc”, chẳng hạn khi nói “Giữ gìn bản sắc văn hóa Việt” là người ta hình dung một cách sai lầm rằng đó là cái gì đó đặc trưng, không giống ai và là cái duy nhất để phân biệt người Việt với người nước ngoài.
Thực ra “bản sắc văn hóa Việt” do người Việt (trong nước) nghĩ khác với cách nghĩ của người nước ngoài, cũng khác với “bản sắc văn hóa Việt” do người gốc Việt định cư ở nước ngoài nghĩ.
Ẩm thực là một phạm trù của “bản sắc văn hóa”, người Hà Nội ăn phở đòi hỏi nước phở phải thật trong, gia vị cho vào nồi nước phở truyền thống bắt buộc phải là thảo quả, quế chi, hoa hồi và một ít sá sùng, trên bát phở chỉ có một chút hành chẻ và rau mùi.
Phở Hà Nội không cho ngò gai (mùi tàu) hoặc thêm giá đỗ.
Thế giới xem phở là một trong những nét đặc trưng của văn hóa ẩm thực Việt, thế nhưng người Việt ở miền Trung lại xem nét đặc trưng quê hương mình là mì Quảng hay bún bò Huế, người Sài Gòn thích hủ tiếu, sủi cảo, cà phê vỉa hè,…
Sau mấy nghìn năm lịch sử, bản thể Việt có gì thay đổi?
Nếu tồn tại các “vật mang” (cá thể) giống nhau tuyệt đối về hình thể và chất thể thì chúng cùng là một đối tượng, tức là đồng nhất bản thể.
Như vậy muốn xác định bản thể Việt, phải tìm được các đặc trưng của các cá thể thuộc cộng đồng.
Để tìm hiểu “Bản thể Việt” cần phải tôn trọng nó như một thứ tồn tại ngoài ý muốn chủ quan, bộ não chỉ làm nhiệm vụ “phản ánh” cái thực tại đó chứ không phải là “diễn giải” nó.
Bản thể không phải là bất biến, có người cho rằng: “Triệu năm trước, triệu năm sau mặt trời vẫn thế, vẫn là “bản thể mặt trời” ”.
Nói thế không chính xác bởi mặt trời chỉ có “chất thể” mà không có “hình thể”, ngay cả chất thể mặt trời cũng biến đổi theo thời gian.
Dù có là mặt trời thì cũng đến lúc lụi tàn, không còn phát ra năng lượng nuôi sống muôn loài, thậm chí chưa kịp lụi tàn có khi nó đã bị hố đen nuốt chửng.
Nhìn vào mỗi nhóm cá thể trong cộng đồng người Việt ngày nay, về “chất thể” thấy có nhiều điều khác so với thời phong kiến, thực dân đô hộ.
Chẳng hạn địa chủ ngày nay giàu gấp trăm, nghìn lần so với địa chủ ngày xưa; Giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ ngày nay chỉ trong một năm xét phong - công nhận nhiều bằng khối năm xưa cộng lại,…
Về “hình thể”, lấy vài nhóm “vật mang”, chẳng hạn quan chức, trí thức làm ví dụ, với hai nhóm này đặc tính “tham” hầu như chưa hề thay đổi, ngày xưa “tham” thế nào, ngày nay “tham” … vẫn thế.
Làm đến thiếu tướng công an như ông Nguyễn Thanh Hóa, chịu trách nhiệm lãnh đạo Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao những vẫn “bảo kê” cho doanh nghiệp tư nhân tổ chức đánh bạc qua mạng nhằm kiếm lời.
Báo chí đưa tin ngôi nhà mà ông Hóa đang xây có giá khoảng 20 tỷ đồng , [2] hoặc “vị nguyên cục trưởng này sẽ được chia khoảng 20% lợi nhuận từ số tiền Dương được hưởng”. [3]
Gần đây khi ánh sáng từ chiếc “lò đốt củi” phát ra, người ta mới thấy không ít ông/bà Bí thư, Chủ tịch tỉnh “bảo kê” cho con cái, em út chiếm ghế nơi công đường, “tham ghế” chưa đủ, một số còn “tham” thêm bồ nhí, con riêng,…
Tham quyền, cố vị trong hàng ngũ quan là điều có từ xa xưa, ngày nay số quan từ chức khi có sai phạm do mình gây ra hay trong lĩnh vực mình phụ trách đếm chưa kín hai bàn tay.
Nói như một số dân biểu thì quan trường nước Việt thời hiện đại chưa có “Văn hóa từ chức”.
Dường như có người xem sự thay thế cụm từ “vạn tuế” bằng “muôn năm” là chuyện đương nhiên.
Trí thức là tầng lớp cao hơn “dân thường” xét về khía cạnh học vấn, có thể họ không làm quan nhưng họ là đối tượng dễ trở thành quan hơn dân nên thuộc tính “tham” của nhóm này cũng giống của quan hơn của dân.
Chuyện phong giáo sư, phó giáo sư gần đây được gọi là “chuyến tàu vét” hay cái gọi là “tiến sĩ rởm, thạc sĩ rởm” chỉ là một trong vô số “thuộc tính tham” của không ít “trí thức”.
Nói chuyện đua nhau làm “giáo sư, tiến sĩ” bắt nguồn từ thói háo danh không sai nhưng chưa đúng bản chất, nguồn gốc sâu xa của hiện tượng này chính là thuộc tính “tham” vốn được truyền đi truyền lại đời này qua đời khác.
Bên cạnh câu thành ngữ “hiền quá hóa đần” hay “tham thì thâm” cũng còn câu ít người để ý là “tham quá hóa ngu”.
Nếu không “hóa ngu” thì vì sao “Học 8 ngày lấy bằng tiến sĩ” (Nld.com.vn) hoặc “Lấy bằng tiến sĩ trong … 10 ngày” (Tuoitre.vn) mà lại còn vác bằng đến yêu cầu Trung tâm Công nhận văn bằng - Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận để “lòi” ra cái bản mặt “rởm”!
Thuộc tính “tham” biểu hiện rõ ở “Quan tham” nhưng không có nghĩa là dân không tham bởi quan từ dân mà ra.
Người Việt gọi chính mình là “dân gian”. Dân bây giờ có “gian” như ngày xưa?
Nói “có gian” e là hơi cực đoan, nói “không gian” e bị gọi là … đần, thế nên chính “dân gian” mới nghĩ cách trả lời “hơi gian” là “không có”.
Không là không, có là có, làm sao vừa không lại vừa có?
Có thể quý vị bực mình, cho rằng nói thế khác nào lý luận kiểu “Chí Vũ Đại”, không có tức là không có chứ còn gì mà lý với chả luận?
Xin kể câu chuyện này:
Trong bàn nhậu, một nhân viên thân cận hỏi: “Thủ trưởng có thích “chân dài” không”?
Thủ trưởng trả lời: “Không thích”.
Có điều sau từ “không” thủ trường nghỉ lấy hơi một lúc rồi mới nói từ “thích”, thế nên anh nhân viên hiểu ngay ý thủ trưởng và cũng biết mình phải làm gì! Dù có ghi âm lại, đố ai dám kết luận thủ trưởng “gian”!
Đấy là nói về “bề trên”, thế còn “bề dưới” thì sao?
Sắn (củ mì) sấy bằng lưu huỳnh biến thành vị thuốc bắc (Hoài sơn), lòng lợn thối biến thành đặc sản, tôm bơm nước, rau hai luống, trụ trì ở chùa uống rượu, ăn tiết canh,…, thượng vàng, hạ cám cái gì cũng có đồ rởm lẫn lộn. Vậy nên thuộc tính “gian” của dân có lẽ vẫn còn sống nhiều năm nữa.
Thế còn chuyện “thông minh, cần cù, chịu khó”?
Người Việt thích thú chuyện Trạng Quỳnh thắng sứ Tàu khi thi vẽ con vật trong ba hồi trống, chỉ cần một hồi trống Quỳnh vẽ xong 10 con giun.
Đấy là thông minh hay khôn lỏi, sáng tạo hay mẹo vặt?
Sống cả ngàn năm dưới ách đô hộ của người Tàu, nhận biết mười mươi bản chất thâm trầm của họ song lại chẳng học tập được gì, lúc nào cũng bị bắt nạt, bị lừa gạt.
Đến tận ngày nay, bị thương lái Tàu lừa mua hoa thanh long, đỉa, râu ngô, cau non, dứa xanh,… mà vẫn không tirnh ngộ, vẫn để “hướng dẫn viên chui” người Tàu bêu xấu quê hương đất nước mình, vẫn tin “lời thâm của … bạn tốt”…
Thế có gọi là thông minh?
Sang đến thế kỷ 21, thực trạng “ỷ lại” của địa phương vào trung ương gần như không đổi.
Năm 2016, chỉ 13 tỉnh thành phố có điều tiết về ngân sách trung ương, nghĩa là gần 80% số địa phương không thể tự nuôi mình.
Tỉnh Thanh Hóa có năm phải trợ cấp bổ sung 6.503 tỉ đồng (bằng 40% tổng chi trong năm), Nghệ An nhận trợ cấp 5.138 tỉ đồng (bằng 37,5% tổng chi cả năm).
Nhận tiền “điều tiết” từ ngân sách, nói theo ngôn ngữ bình dân là “ăn xin”.
Cả một tỉnh hết năm này qua năm khác “ăn xin”, thế nhưng quan và dân đều không biết ngượng khi khoản “điều tiết” ấy chính là mồ hôi, sức lao động của người khác.
Không ít nơi hễ bão lụt, thiên tai xảy ra, điều đầu tiên nghĩ đến là xin cứu trợ, từ quan đến dân đều xem “cứu trợ” là điều hiển nhiên, thậm chí còn có tư tưởng “tội gì mà không xin cứu trợ”, khai khống thiệt hại để xin cứu trợ!
Thế có phải là cần cù, chịu khó?
Đầu tư công sức, tiền của cho một nhóm học sinh tham gia các kỳ thi Olympic quốc tế, mục đích cuối cùng là giành giải thưởng;
Thi đua, sáng kiến kiểu gì cũng phải 99% đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông, bỏ mặc nền giáo dục suốt hơn nửa thế kỷ “chuột chạy cùng sào”.
Đoạt giải nhì bóng đá U23 châu Á là ầm ĩ cả tuần liền khắp cả nước từ Bắc vào Nam, khiến thế giới phải “mắt tròn, mắt dẹt”,…
Thế là sĩ diện hay lịch lãm?
Tất cả những điều nêu trên có phải chỉ là cá biệt, có phải chỉ thuộc về “một bộ phận không nhỏ”?
Nếu không là cá biệt thì có phải đó là “chất thể” và “hình thể” hình thành nên “bản thể Việt”?
Vấn đề là “bản thể” không phải là “bất khả biến”, vậy nên muốn thay đổi, phải đứng ngoài mà nhìn vào, theo đó xã hội và văn hóa cộng đồng vừa là “hiện thực khách quan” vừa là “thực tại chủ quan”.
Một khi coi xã hội là hiện thực khách quan thì “xã hội” sẽ quy định hành vi của các cá thể, con người tốt hay xấu, thông minh hay ngu đần là do họ sống trong xã hội như thế nào.
Nếu coi xã hội và văn hóa là “hiện thực khách quan” mà lại sử dụng các quy luật của “thực tại chủ quan” để nghiên cứu là phi khoa học.
Chẳng hạn có ý kiến cho rằng chiến tranh giữa các quốc gia, giữa các chủng tộc nhất định sẽ chấm dứt, thế giới sẽ đại đồng, đó là dựa vào cái “thực tại chủ quan” mà kết luận.
Nếu xem xét bằng Vật lý học, trong một hệ cô lập, trạng thái nhiệt là không thay đổi, nếu trạng thái nhiệt ở chỗ này giảm thì ở chỗ khác sẽ tăng, ở chỗ “lạnh” chuyển động của các phần tử sẽ bớt “hỗn loạn” hơn chỗ “nóng”.
Vận dụng vào xã hội thì trạng thái nóng (biểu hiện của chiến tranh) không xảy ra ở nơi này tất sẽ xảy ra ở nơi khác chừng nào trái đất vẫn còn “cô lập” trong vũ trụ.
Chỉ khi nào loài người tiếp xúc với các nền văn minh khác ngoài trái đất thì sự ổn định mới có khả năng hình thành, mới có thể tạo nên cái gọi là “thế giới đại đồng”.
Có thể dẫn thêm ví dụ thế này:
Cuộc chiến chống tham nhũng hiện tại có tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.
Khi chống tham nhũng vẫn là trách nhiệm của các cơ quan Kiểm tra, Thanh tra, Công an, Kiểm sát,… mà chưa là sự nghiệp của toàn dân thì đó chính là một “vật thể cô lập”, khi đã là “cô lập” thì chỗ này “nóng”, chỗ khác tất sẽ “lạnh”.
Chỉ khi nào cuộc chiến ấy không còn “cô lập” nữa, khi tài sản quan chức công khai cho toàn dân được biết chứ không chỉ trong phạm vi cơ quan thì mới hết được “trên nóng, dưới lạnh”.
Khi xem xét xã hội theo hướng là “thực tại chủ quan” thì trách nhiệm giáo dục, dẫn dắt của bộ phận đứng đầu hay cá nhân đứng đầu có vai trò quyết định.
Khi “phụ mẫu” mà tham ăn, mà ngu dốt thì chắc chắn “con nhà tông” là dân đen “không giống lông cũng giống cánh”.
Vậy nên muốn thay đổi “bản thể Việt” cần có hiểu biết về khoa học (tự nhiên) kèm theo một tư duy nhân bản.
Điều này có thể khó trong một giai đoạn lịch sử nào đó song không phải là vĩnh viễn.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://www.yeuchua.net/2018/03/uc-phat-i-ai.html
[2] https://thanhnien.vn/thoi-su/vo-chong-ong-nguyen-thanh-hoa-xay-nha-sai-phep-941024.html
[3] https://tuoitre.vn/he-lo-hop-dong-bao-ke-danh-bac-ngan-ti-cua-tuong-cong-an-20180313081622222.htm