Biết nói mà không nói được, hay là không được nói?

03/08/2015 07:21
Xuân Dương
(GDVN) - Giống “không biết nói” không phải là “không biết nói” mà là không biết lúc nào nên nói thật, lúc nào nên nói dối.

Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (International Union for Conservation of Nature and Natural Resources - IUCN) đưa ra khái niệm Red List (Red Data List) nghĩa là Danh sách đỏ (Danh sách các dữ liệu đỏ), Red List giống như một thống kê, cũng đồng thời là một cảnh báo về tình trạng bảo tồn và đa dạng sinh học trên thế giới.

Năm 1992 với sự trợ giúp của Quỹ SIDA (Thụy Điển)  nhà nước công bố “Sách đỏ Việt Nam”, đây là tài liệu quốc gia thống kê, hướng dẫn công tác bảo tồn thiên nhiên, động, thực vật hoang dã, bảo tồn tính đa dạng sinh học.

Sở dĩ có tên “Sách đỏ Việt Nam” vì “danh sách đỏ” được in trong một cuốn sách bìa màu đỏ.

Biết nói mà không nói được, hay là không được nói? ảnh 1
Sách đỏ Việt Nam

Câu thành ngữ “Học ăn, học nói, học gói, học mở” được xem là lời dạy của người xưa về cách sống, nói gọn là “bốn học”.

Ngày nay quảng bá cho điều này có khi chẳng mấy ai muốn nghe, bởi cả bốn cái “sự học” đó hình như chẳng có “sự” nào được “học” đến nơi đến chốn.

Học ăn” được xếp thứ nhất, thực ra “ăn” vốn không cần học, đứa bé vừa lọt lòng mẹ đã biết bú, đấy là bản năng tự nhiên, không cần dạy dỗ. Lớn lên, khi mà thức ăn trở nên đa dạng thì “học ăn” mới trở nên cần thiết. 

Có lẽ chính vì cái sự quan trọng của “ăn” nên mới ra đời nghệ thuật ẩm thực, cùng với nó là sự xuất hiện một loại Vua: “Vua đầu bếp”. Các loại “Vua” bây giờ như “Vua bóng đá, Vua nhạc rock, Vua nói tục…” so với “Vua đầu bếp" chỉ đáng vào hàng chút chít, chụt chịt. 

Thực vật ăn theo hình thức “hút” dinh dưỡng từ đất, hãn hữu mới có loại như cây nắp ấm rình bắt côn trùng, chỉ có động vật là “ăn”, hổ báo chỉ ăn thịt, trâu bò chỉ ăn cỏ, duy có loài người là ăn tất. Trong lĩnh vực “ăn” có thể phân thành hai loài: loài “biết ăn bẩn” và loài “không biết ăn bẩn”.  

Lũ khỉ hoang dã sống ở đầm lầy ven biển moi được con cua dưới bùn liền khua khua trong nước cho sạch bùn rồi mới ăn.

Còn loài “biết ăn bẩn” ngày nay cái gì cũng cho vào bao (tử), nào là chuột mới đẻ, mật cá trắm đến gà cả bầy, dê cả đàn… 

Biết nói mà không nói được, hay là không được nói? ảnh 2

Bệnh “chuồn chuồn”

(GDVN) - Người xưa nói “lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt”, trốn đi đâu cũng vẫn bị truy nã, sợ nhất là “lưới người” dù ken rất dày nhưng vẫn chừa "cửa thoát hiểm".

Có những thứ tưởng không thể nuốt trôi như đất đai, cây cối hay bờ sông, cát suối cũng đều có thể trở thành món lai rai trên bàn nhậu! 

Loài “biết ăn bẩn” hay “biết bẩn mà vẫn ăn” còn được gọi là loài “ăn không từ một thứ gì”.

Chính vì thế, loài này không mấy khi bị đói, không có nguy cơ tuyệt chủng, thế nên có tìm mỏi mắt cũng không thấy trong “danh sách đỏ”.

Còn loài “không biết ăn bẩn” thì nhìn thấy đồ bẩn là sợ, sợ hoa quả, thực phẩm Tầu, sợ sữa, dược phẩm rởm Tây, đồ nội địa thì sợ rau sạch, trâu bò bơm nước, nội tạng bẩn… 

Lại còn sợ cả các món ăn tinh thần từ sách trẻ con đến sách giáo khoa, sợ mấy “món ngon giờ vàng” của VTV mà Bộ Thông tin & truyền thông liệt kê có tới 51 món “có sạn”, trong đó có những “món bẩn” nghiêm trọng bị phạt tới hàng trăm triệu đồng”. [1] Quả thật là nhìn đâu sợ đấy! 

Với hai loại thức ăn vật chất và tinh thần như thế thì loài “không biết ăn bẩn” không biết sẽ sống ra sao, không biết có đúng là đang bên bờ của sự tuyệt chủng? Nếu mà thế thì có nên khẩn cấp đưa loài này vào Sách đỏ?

Từ năm 2013 đến nay VTV đã để xảy ra 51 sai phạm, trong đó có những sai phạm nghiêm trọng và bị xử phạt trên 100 triệu đồng. (Ảnh chụp màn hình ngày 24/7/2015)
Từ năm 2013 đến nay VTV đã để xảy ra 51 sai phạm, trong đó có những sai phạm nghiêm trọng và bị xử phạt trên 100 triệu đồng. (Ảnh chụp màn hình ngày 24/7/2015)

Cái sự “học nói” thì thật là lắm chuyện, loài người từ lúc biết nói đến nay luôn dạy hậu sinh phải nói thật nhưng rồi ai trong đời cũng có lúc nói dối.

Trong loài “biết nói” chẳng biết từ lúc nào xuất hiện một giống gọi là giống “không biết nói”. 

Giống “không biết nói” không phải là “không biết nói” mà là không biết lúc nào nên nói thật, lúc nào nên nói dối.

Khi bị hỏi rằng “chặt cây xanh có cần hỏi dân không” mà trả lời “không cần phải hỏi” tức là không biết nói dối. Còn khi bị hỏi “vì sao chặt cây vội vã thế” mà nói “do nhà tài trợ nôn nóng” là không biết nói thật, đấy mới chính hiệu là “không biết nói”.

Có trường hợp cá biệt, người ta không biết nói thế nào để chứng minh mình vô tội, dù thuộc loài “biết nói”, trường hợp này gọi là “không nói được” hay là “không được nói”?

Có một nhận định ngược đời nhưng đúng đến 101%, rằng các Đại sứ luôn là những người trung thực có tài nói dối.

Nói thật không phải lúc nào cũng tốt, nói dối không phải lúc nào cũng xấu. Các chính khách, các nhà ngoại giao nổi tiếng luôn là những người nói dối đại tài. 

Sách đỏ không có, nhưng mà sách trắng, sách xanh, sách “nguệch ngoạc” đều nêu ba nguyên tắc nói dối mà người viết “trộm” đọc được: 

- Nói dối sao cho người nghe không biết là mình nói dối;

- Nói dối sao cho khi nói thật người nghe không cho là mình vẫn nói dối;

- Nói dối sao cho người nghe biết là nói dối nhưng vẫn thích nghe.

Nhân loại ngày nay thán phục tài kể chuyện của nàng Sheherazade trong truyện “Nghìn lẻ một đêm”, nhưng từ tít tận ngày xưa vị hoàng đế Ba Tư tàn bạo còn thán phục nàng hơn mặc dù biết rằng hơn nghìn câu chuyện của nàng đều là chuyện bịa. Nói dối như thế mới là nói dối.

Biết nói mà không nói được, hay là không được nói? ảnh 4

Quân Vương, tội ác và trừng phạt

(GDVN) - “Một Quân vương không nên sợ mang tiếng là tàn ác, khi cần phải giữ thần dân trong vòng đoàn kết và phục tùng"

Không biết nói thật, lại cũng không biết nói dối rất dễ bị ném đá, dễ bị tai bay vạ gió, không biết có nên cảnh báo, có nên bắt giống này đưa vào sách đỏ hay không?

Cái sự học thứ ba “học gói” hình thành hai loài: “loài biết gói” và loài “không biết gói”.

“Gói” là một động từ chỉ hành động bao bọc cái gì đó cho kín, không để người khác nhìn thấy cái được gói bên trong.

Ngày nay, ai dùng vật liệu “phong bì” để gói đều thuộc loài “không biết gói”. Thời đại @ công nghệ phát triển nên vật liệu gói cũng trở nên “tinh tế”, một loại vật liệu mới được các tín đồ “Đạo Gói” ưa dùng là “tài khoản”. 

Loại vật liệu này tỏ ra khá hữu hiệu trong việc đánh lừa Rađa cảnh báo sớm, chẳng là “tài khoản” thì không hình, không bóng, lại được giấu ở nơi không giời, không đất nên dù có được Phật tổ ban cho Tuệ nhãn thì cũng chưa chắc đã tìm thấy trong một sớm, một chiều.

Gần đây nghe nói cơ quan thi hành án còn động viên gia đình tội phạm (đang trong tù) cung cấp thông tin về tài sản của mình để cơ quan còn “thi hành án”! Chuyện này các báo đăng rồi nhưng chẳng biết thực hư thế nào, nghe chuyện thấy vui vui nhưng nghe xong lại hơi … ngơ ngác! 

Thiên hạ bảo, to như Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu bên Tầu, cứ tưởng to thế thì không cần “gói”, cứ chất đống của cải dưới hầm đến nỗi mấy xe tải chở không hết quả là ngu nhất trong loài “không biết gói”. 

Để tránh bị thiên hạ chê là dại thì phải học thầy trò Tung Tăng, làm chuyến Du Tây kiếm cái “Thẻ xanh”, kiếm được rồi đương nhiên đắc đạo, thế là biết bay, lúc nào thích thì bay vèo một cái về “nhòm” cố quốc, đấy mới gọi là “biết gói”.

Giới kiếm hiệp trong các truyện của Kim Dung, Hàn Giang Nhạn… có một nguyên tắc là “rửa tay gác kiếm”, một khi đã long trọng tuyên bố rửa tay gác kiếm trước võ lâm đồng đạo thì ân oán cho qua, tình thù gác lại, mọi rắc rối để cho đời sau giải quyết. 

Khổ nỗi có người rửa tay gác kiếm song vẫn còn vương vấn “bụi đời”, nghỉ rồi mà vẫn còn khoe khoang “của công” (xin lỗi nhầm… “võ công” chứ không phải “của công”), nếu ai muốn xem “võ” công của họ thì chịu khó đi đây đó hoặc loanh quanh mấy khu chung cư cao cấp là sẽ thấy. 

Họ chưa đến mức như (hay cũng chẳng kém gì) mấy ông quan bên Tầu nhưng quả là hơi bị nhiều “võ công” quá.

Còn có một số ít cao thủ, tuy gác kiếm song cứ tưởng mình là “thần kê”, hễ cất tiếng gáy là buộc ông trời phải sáng, hóa ra lúc họ biết gói, lúc lại không biết, thật tiếc!

Loài này dù muốn cũng không thể đưa vào sách đỏ, bởi còn lâu mới tuyệt chủng.

Cái “sự học” cuối cùng là “học mở” thì hay đáo để.

Có người cố gắng “mở” hết cỡ, “mở” vì môi trường, “mở” vì biển cả, “mở” để gọi đại gia,… họ có một triết lý mà cánh mày râu dẫu phản đối song chả ai dám cãi:  “nhức mắt là tại anh dòm, của em em mở, ai nhòm kệ ai”!

Có người thừa của, nghĩ mãi được cách “mở” rất chi là “công đức”, ấy là chi khá nhiều cho di tích, chùa chiền để rồi đưa ảnh cả nhà vào gian chính giữa, tự coi mình sánh ngang với Phật.

Cứ tưởng “mở” như thế thì sẽ được Phật che chở, “mở” như thế là ăn đứt mấy “vòng một khủng”. Có điều kinh nghiệm dân gian cho thấy,  những kẻ xâm phạm đất Phật, chẳng kẻ nào có kết cục tốt đẹp.

Nhìn đôi lọ hoa cao ngang đầu người đặt ngay trước cửa đền, chùa, chỗ mọi người nhìn rõ nhất thấy ghi tên họ, chức vụ bà Y, ông Z cung tiến, bỗng nghĩ hóa ra mấy cô mở “hàng” còn chút sĩ diện, họ “mở” giữa thiên nhiên hoang dã chứ không phải ở chốn tâm linh thành kính.

Các cụ bảo “gửi lời thì nói, gửi gói thì mở”, được bạn đọc ưu ái gửi nhiều Comment nhưng báo không thể đăng hết nên đành phải “lợi dụng” bài này để “mở” những Comment còn vẫn bị “gói”, không biết có làm hài lòng các bạn? 

Mấy nét lạm bàn về sách đỏ, liệu có giúp bạn đọc “giết” được ít thời gian nào không?

Tài liệu tham khảo: 

 [1] http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20150324/bo-tttt-vtv-mac-nhieu-sai-pham/724562.html

Xuân Dương