EMagazine

Xử lý cán bộ cấp cao đương chức, minh chứng cho chống tiêu cực ở một tầm mới

Xử lý cán bộ cấp cao đương chức, minh chứng cho chống tiêu cực ở một tầm mới

25/03/2024 06:36
Thi Thi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta ngày càng quyết liệt, mạnh mẽ hơn, thể hiện quan điểm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".

Thời gian vừa qua, không ít cán bộ cấp cao của Trung ương, bí thư, chủ tịch đương chức các tỉnh, thành phố vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã bị xử lý trong Đảng, đồng thời xử lý về mặt hành chính, thậm chí bị khởi tố.

Điều này làm cho niềm tin của Nhân dân, cán bộ vào công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực của Đảng ngày càng được củng cố.

Công tác phòng, chống tham nhũng đã lên một tầm cao mới

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội cho rằng, càng ngày công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta càng quyết liệt, mạnh mẽ hơn. Kể cả những người ở vị trí rất cao cũng không có ngoại lệ. Đó là minh chứng rất rõ cho việc phòng, chống tham nhũng đã lên một tầm mới, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó.

"Công cuộc phòng, chống tham nhũng của chúng ta nói đi đôi với làm, không những chỉ ra những sai phạm của cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao mà còn có tính răn đe rất lớn đối với những người có ý định "nhúng chàm". Người ta nhìn vào đó để tự soi, tự sửa", ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.

gdvn_lenhutienqh.png

Về những cán bộ vi phạm có tiêu cực, nhận hối lộ, ông Lê Như Tiến tiếp tục trăn trở với việc kê khai, giám sát tài sản của cán bộ.

"Tài sản của cán bộ có bao nhiêu?. Thực tế, dòng tài sản và khối tài sản tham nhũng thì rất tinh vi. Có thể là chuyển đổi, chuyển sở hữu cho người thân hoặc chuyển ra nước ngoài hay chuyển thành các bất động sản. Công tác kê khai phải đi đôi với công khai và minh bạch, để quản lý được dòng tài sản chuyển dịch như thế nào của mỗi cán bộ, công chức.

Nếu không giám sát thì sau này sẽ rất khó để thu hồi tài sản do tham nhũng mà có. Trên diễn đàn Quốc hội, tôi cũng như các đại biểu cũng đã từng nhiều lần kiến nghị, kê khai tài sản thu nhập phải kê khai một cách trung thực, phản ánh trung thực cái diễn biến tài sản của người phải kê khai. Sau nữa là kê khai xong phải công khai, chứ đừng cất vào tủ của cơ quan quản lý cán bộ. Kê khai xong phải niêm yết công khai, sau đó phải có cơ quan thẩm tra, thẩm định lại xem kê khai đó có trung thực, chính xác không. Nhiều khi cứ kê khai rồi là coi như xong, nên không có mấy tác dụng, mấy hiệu quả. Nhiều khi tài sản họ có 10 nhưng họ chỉ kê khai 1, rõ ràng đó là kẽ hở rồi.

Như vậy, quá trình kê khai cần có xác minh, kiểm tra, thẩm tra sự kê khai đó xem có đúng không và nếu cán bộ kê khai mà không chuẩn, không đúng thì rõ ràng là sai phạm. Chúng ta nên có giám sát, thẩm tra, thẩm định kê khai của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ ở những vị trí dễ xảy ra tham nhũng", nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục bày tỏ.

Về vấn đề liên quan đến việc nhận biết, triệt tiêu lợi ích nhóm, doanh nghiệp "sân sau", ông Lê Như Tiến dẫn chứng một số vụ việc gây rúng động thời gian qua.

Đối với vụ án Việt Á, vừa qua cơ quan điều tra cũng đã khởi tố một số cán bộ của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh một số tỉnh, chúng ta thấy đã thấy được mối quan hệ giữa cán bộ lãnh đạo làm trong cơ quan quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp. Hay vụ "Chuyến bay giải cứu" cũng phơi bày một số cán bộ biến chất lợi dụng chức vụ để trục lợi...

Ông Lê Như Tiến chia sẻ: "Chúng ta thấy rằng, thực chất doanh nghiệp được một số cán bộ lãnh đạo có sự "bảo kê" để không chỉ "vươn vòi" ở địa bàn đóng cơ sở mà còn sang những nơi khác nữa. Doanh nghiệp đó hối lộ những cán bộ này và gọi đó là cùng nhau phát triển. Tuy nhiên sự phát triển ở đây không có ý nghĩa gì đóng góp cho xã hội mà chảy vào túi của cá nhân cán bộ biến chất".

Theo ông Tiến, cần có chính sách, chế độ, tạo điều kiện để những người là tai mắt của phòng, chống tham nhũng thông báo, thông tin lại cho các cơ quan chức năng, để cơ quan chức năng kiểm soát tài sản. Vì "không có điều gì lọt được qua mắt của nhân dân".

Quan chức tham nhũng xây nhà, mua xe không thể giấu được dân

Liên quan đến nội dung trên, ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá, công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng thời gian qua đã làm được rất nhiều việc, xử lý nhiều vụ trọng án.

"Người đứng đầu Nhà nước vi phạm bị xử lý, đó là minh chứng rõ nhất cho quan điểm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, Đảng ta đã nói là làm.

Có thể thấy nền kinh tế thị trường tạo ra nhiều tác động tiêu cực đến nhân cách của một bộ phận đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đồng tiền có ma lực làm cho cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, không kể ở cấp nào. Khi phát triển kinh tế nhiều thành phần thì thu nhập khác nhau. Từ thu nhập khác nhau dẫn đến mức sống khác nhau. Nhiều khi cán bộ đặt cái tôi lên trên cái ta, thành ra dẫn đến sai lầm khuyết điểm như thế.

Con số cán bộ vi phạm nó không ở trong một ngành hoặc một lĩnh vực mà nó lan ra nhiều ngành nhiều lĩnh vực, không phải ở từng cấp mà ở tất cả các cấp.

Có một số cán bộ trong thời gian đương nhiệm nói rất quyết liệt về phòng chống tham nhũng, tiêu cực nhưng đến khi bị phanh phui ra vi phạm thì rõ ràng lời nói không đi đôi với hành động. Họ nói với cán bộ cấp dưới nhưng bản thân thì đã "nhúng chàm" mất rồi", ông Nguyễn Túc nhận định.

Đồng thời theo ông Túc, công tác phòng, chống tham nhũng không thể thiếu sự góp sức của nhân dân. Bởi, các quan chức tham nhũng sẽ không thể giấu được người dân khi xây nhà, mua đất.

Ông Nguyễn Túc khẳng định, muốn giám sát được tài sản của cán bộ phải phát động dân, quy chế dân chủ có rồi. Dân biết dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát. Dân phát hiện ra thì cơ quan chức năng vào cuộc xử lý, do đó để đảm bảo hạn chế và đẩy lùi tham nhũng thì phải dựa vào dân.

Đồng thời, ông Túc cho rằng: "Chúng ta phải có cơ chế chính sách để làm sao cải thiện đời sống cán bộ công nhân viên. Song song với việc huy động sức dân, phải có bồi dưỡng sức dân. Huy động cán bộ công nhân viên lao vào lo công việc thì chúng ta cũng phải chăm lo cái đời sống của họ. Thứ hai phải kiểm soát quyền lực cán bộ, phải làm thực chất hơn. Có như vậy thì hiện tượng chặn sức, chặn quyền, chặn tội mới dần dần bớt đi. Điều thứ 3 là nói ít nhưng phải làm nhiều. Hiện nay có cán bộ nói mà không đi đôi với làm".

Làm tốt công tác phòng ngừa để cán bộ không dám, không thể tham nhũng

Cùng trao đổi với phóng viên, Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội) cho rằng, quan điểm không có vùng cấm, không có ngoại lệ ngày càng được cụ thể hóa trong công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay.

"Chúng ta có thể thấy rằng, những sai phạm của cán bộ, từ những người giữ trọng trách cao của Đảng, Nhà nước, đều được xử lý một cách nghiêm túc và bình đẳng trước pháp luật. Việc này thể hiện rõ quan điểm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, thể hiện tinh thần quyết tâm, kiên quyết của Đảng, Nhà nước ta. Và điều quan trọng nhất là lòng tin của người dân trong công cuộc phòng chống tham những ngày một nâng lên. Có thể nói đây là một trong những điểm sáng. Dù ở vị trí nào, dù ở thời điểm nào mà cán bộ sai phạm thì đều xử lý một cách nghiêm minh", Đại biểu Trương Xuân Cừ nhấn mạnh.

gdvn-dbtruongxuancu.png

Công tác chống tham nhũng đang được thực hiện quyết liệt nhưng theo Đại biểu Trương Xuân Cừ, chúng ta cũng cần làm tốt công tác phòng ngừa để cán bộ không dám, không thể tham nhũng.

"Trước hết, việc xử lý nghiêm túc đối với những người vi phạm cũng là một hình thức giáo dục, răn đe. Tuy nhiên chúng ta cũng cần thêm nhiều hình thức khác nữa, chẳng hạn như có các biện pháp xử lý từ lúc cán bộ có những dấu hiệu.

Ngoài ra, phải nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên. Phòng, chống tham nhũng phải kết hợp sức mạnh của toàn Đảng toàn dân, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Chúng ta phát động mạnh hơn nữa và nâng trách nhiệm, ứng xử với người dám đấu tranh, dám thông tin những dấu hiệu vi phạm. Bởi vì những người tố cáo, đấu tranh nhiều khi vẫn còn lo ngại, chưa có đủ lòng tin", Đại biểu Trương Xuân Cừ nhấn mạnh.

Còn về công tác kê khai, giám sát tài sản của cán bộ, theo Đại biểu Trương Xuân Cừ đây là việc hết sức cần thiết. Đại biểu lý giải: "Lâu nay chúng ta vẫn thực hiện kê khai tài sản cán bộ , nhất là với cán bộ chuẩn bị quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, tuy nhiên mức độ trung thực trong kiểm kê tài sản vẫn còn khiêm tốn. Cho nên có những trường hợp vi phạm trong việc kê khai tài sản. Nếu muốn bản kê khai ngày một chính xác, trung thực hơn thì chắc chắn cần có từng bước cải tiến trong công tác kê khai, tăng cường kiểm tra, giám sát với công tác này".

Cũng theo Đại biểu Trương Xuân Cừ, để phát hiện doanh nghiệp "sân sau", trước hết cần phải xem xét hoạt động của doanh nghiệp đó có đảm bảo tuân thủ pháp luật hay không. Chúng ta có các cơ sở để đánh giá doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp là sân sau của cán bộ thì sẽ có một số biểu hiện hoạt động không minh bạch, vi phạm một số quy định của Đảng, Nhà nước.

Thi Thi