Để có thể nhận họ, nhận hàng, đôi khi chỉ là “bắt quàng làm họ” thì phải quan tâm đến nguồn cội, xem cụ tổ sinh cơ lập nghiệp ở địa phương từ bao giờ, gốc gác từ đâu tới, lại cũng cần để ý xem “vai vế” của người định “bắt quàng” như thế nào, ngộ nhỡ nhận lầm thì uổng phí tâm huyết, thậm chí còn tiền mất tật mang.
Hiện có không ít người thành đạt mang họ “Sâu”, họ này từ chỗ chỉ có một ông tổ là “Con Sâu” sinh cơ lập nghiệp ở xóm “Nồi canh” (con sâu làm rầu nồi canh) đến nay đã phát triển vượt bậc trở thành bầy sâu, con cháu chút chít, chịt chịt… của dòng họ này bây giờ khắp hang cùng ngõ hẻm đâu đâu cũng có . Họ “Sâu” phát triển khủng khiếp như vậy là do thời tiết thuận lợi, khí hậu tốt tươi với lại thức ăn thì sẵn vô kể, ăn bao nhiêu đời cũng không hết.
Để có thể “Bắt quàng làm họ” với họ “Sâu” trước hết phải xác định mình thuộc dòng “sâu” nào, thuộc nhánh “rau” nào, (chả là “rau nào sâu nấy” mà). Theo phân loại của các nhà “lông nghiệp” (nói ngọng) quốc tế, có hai dòng sâu nổi tiếng là “Sâu nổi” và “Sâu chìm’. “Sâu nổi” gồm nhiều loại như sâu róm, sâu đo, sâu cắn lá,…, “sâu chìm” thì đặc trưng là “sâu đục thân”, “sâu khoét quả”…
Trước khi lý giải về diệu kế “bắt quàng làm họ”, có lẽ cần phải lan man một chút về lĩnh vực Côn trùng học để mà hiểu tập tính của sâu, sau đó kết hợp với kiến thức “Phỏng sinh học” mới có thể hữu ích cho người.
Muốn có kiến thức uyên bác về “sâu” thì nên tu luyện tại Học viện Nông nghiệp, vì ở đây có ngành “Côn trùng học” rất nổi tiếng. Tuy nhiên từ trung tâm Thủ đô Hà Nội, vượt qua chặng đường chừng hơn chục cây số đến Học viện không phải là chuyện đơn giản bởi phải là cao thủ trong lĩnh vực “chui, bò, quỳ”. Nói thế có người giật mình tưởng tiêu cực, thật ra là từ Bờ Hồ Hoàn Kiếm - nơi được mặc định là trung tâm thành phố, phải đi qua ba địa danh có tên khá ngộ nghĩnh là “Cầu Chui”, “Cây đa nhà Bò” và “Trâu Quỳ” mới tới được Học viện.
Học viện này nổi tiếng đến nỗi kỷ niệm 40 năm thành lập, trò cũ từ mọi miền tổ quốc tụ hội về làm tắc đoạn đường dài gần chục cây số từ Trâu Quỳ đến Cầu Chui, nghe nói trong số cựu sinh viên của Học viện có hơn ba mươi người là chủ tịch hoặc bí thư cấp tỉnh.
Dòng “Sâu nổi” dù có xanh, đỏ, tím, vàng thì trông cũng gớm ghiếc, người lớn trẻ con nom thấy là chết khiếp, loại này dù có chui vào nách lá thì vẫn lồ lộ trước mắt, bị thuốc trừ sâu phun vào là rụng hàng loạt, không nên “bắt họ” làm gì.
Dòng “Sâu chìm” có nhiều loại, đa số đều quý hiếm như “sâu chít” được mệnh danh là “đông trùng hạ thảo” của Việt Nam, giá một ki lô gam lên đến hàng triệu. Loại sâu chìm thứ hai là “đuông dừa”, tuy là loại vật có hại, vì cây dừa nào bị chúng đục khoét thân đều khó mà phát triển, nhưng đuông dừa là nguồn nguyên liệu để chế biến nên nhiều món ăn thơm béo, ngon miệng. Loại thứ ba là “sâu dâu”, sâu dâu hay “nhậy sâu” là ấu trùng của một loại xén tóc sống và lớn dần trong thân cây dâu tằm. Sâu dâu nướng qua cho vào rượu trắng ngâm trong nhiều ngày, uống vào có thể chữa cơ thể suy nhược, gầy yếu, mỏi mệt, rất thích hợp với người cao tuổi. [1]
Thống kê sơ qua để thấy, các loại sâu chìm thường là hiếm, rất khó tìm vì nằm kín trong thân cây. Muốn moi móc được loại sâu này có khi phải chặt cành, thậm chí phải chặt cả gốc nên nhiều người tiếc rẻ không muốn đụng đến. Ba loại “sâu chìm” kể trên còn cho thấy một đặc điểm là phân bổ rộng khắp ba miền, sâu chít ở có nhiều ở miền núi phía bắc như Hà Giang, Lào Cai, Quảng Ninh…, sâu dâu ở đồng bằng, trung du, đuông dừa ở miền sông nước Cửu Long.
Giống như loài mọt ăn gỗ, các loại sâu chìm đều có hàm răng chắc khỏe để cắn, để đục, để khoét không chỉ thân cây mà còn sắt thép, bê tông, xăng dầu…, ngược lại phần thân sâu chìm thì béo múp, trắng nõn hoặc trắng ngà, chẳng có con sâu đục thân nào lại lắm lông, đen đủi, thô ráp cả.
Bọn “Sâu chìm” suốt đời sống trong bóng tối nên phản xạ rất kém với ánh sáng, bất kể là ánh đèn, ánh trăng hay ánh sáng ban ngày. Cuộc đời của chúng chỉ là đục khoét nuôi béo bản thân, rồi sinh con đẻ cái bất kể cái cây mà chúng khoét đang tàn lụi từng giờ. Khi cây chết thì chúng hóa bướm, bay vù một cái là sang cây khác, có khi cách cây cũ hàng vạn cây số.
Rượu sâu chít được cho là một loại rượu bổ dương |
Nếu may mắn trời sinh ra thuộc dòng “Sâu chìm” là bước đi trên con đường cái quan rộng rãi thênh thang, tiền đồ rộng mở. Còn nếu không thuộc họ “Sâu” nhưng bắt quàng làm họ được với các bậc cao niên dòng “Sâu chìm” thì cũng thật là may mắn, nhưng mà cũng không ít chông gai, cạm bẫy.
Chen chân vào dòng họ ấy, thận trọng không bao giờ thừa, đừng như ông Hiệu trưởng trường Dầu Khí bên Trung Hoa bị dọa chặt bàn tay vì trót mon men đến gần vị họ Chu vừa thất sủng!
Số là khi còn tại vị, ông Chu Vĩnh Khang được rất nhiều người, cơ quan, trường học lưu giữ hình ảnh trong các phòng lưu niệm, trên tường, trên các kỷ vật. Có được bức ảnh chụp với ông Chu là vinh hạnh lớn, được bắt tay ông Chu chụp ảnh thì nhớ suốt đời, bức ảnh phải được đóng khung sơn son thếp vàng treo ở giữa nhà. Khi ông “hạ cánh” (không an toàn) công dân nước đó đã phải thốt lên trên mạng Weibo: "Có lẽ Đại học Dầu khí phải trải nhựa lại con đường ông Chu đã bước đi, xóa sổ phòng họp lớn ông ấy từng ngồi, đập bỏ nhà vệ sinh ông ấy từng sử dụng và chặt bàn tay ông hiệu trưởng mà ông ấy từng bắt". [2]
Có một cách “bắt họ” vừa văn minh, sang trọng lại vui vẻ cả mấy gia tộc là “thông gia”, khi mà “gia” đã “thông” với nhau thì bốn họ mới có chung một vài hậu duệ, lúc này không còn gì trở ngại để hai bên cùng hùn vốn cấp “lương khô” và ô dù che mưa, che nắng cho các hậu duệ ngay từ lúc chập chững những bước đầu tiên trên con đường nhớn, dài tít mù tắp mà dân quen gọi là “đường cái quan”.
Có điều không hiểu sao ngôn ngữ bà con phía Nam lại gọi là “sui gia” chứ không phải “thông gia”, người Bắc kỹ tính nói từ “sui” nghe có vẻ sui xẻo không hay.
Tình cờ người viết được một vị trưởng họ kể chuyện “sui gia” khiến cho ông xấu hổ mất mấy năm trời. Đó là ông em họ cấp thành phố cưới con gái, sui gia là một vị ve áo thêu cành tùng, cả họ ở quê chỉ có bác trưởng được mời ra dự. Mấy hôm sau ông em họ về quê làm cỗ mời họ hàng, làng nước, ông trưởng thấy nở mặt nở mày với các họ khác trong làng và bà con lối xóm vì trên mỗi mâm cỗ thịnh soạn còn có một chai rượu nhãn mác chữ tây, giống như loại hôm trước ông được thưởng thức ở tiệc cưới thành phố.
Khi thay mặt “chú nó” mời mọi người nâng chén, ông mới biết đó là đặc sản nhà quê mà thằng cháu nấu vội. Hóa ra ông em đã thu vỏ chai rỗng ở bữa tiệc thành phố đem về nhờ cháu đóng hộ “cuốc lủi” cho đậm đà bản sắc quê hương!
Nếu không có họ bảy tám đời để “bắt quàng”, không thể với cao làm “sui gia” thì vẫn còn rất nhiều cách như nhận làm em nuôi, con nuôi, đồng hương, đồng khói, rồi còn đồng niên, đồng ngũ, đồng môn, đồng xèng, đồng nát… Trong các loại “đồng” ấy có một loại “đồng” tỏ ra khá hữu hiệu khi bắt quàng là “đồng sàng”, nhưng nếu mắc bệnh “chân tay miệng” hay là nách phải luôn dùng “lăn khử mùi” hay là thuộc loại “đoản cước” (chân ngắn) thì đừng mơ có thể làm loại “đồng” này, trừ phi đã là cao thủ thượng thừa trong việc vận dụng kế sách thứ hai (Tân tạo nhân diện).
Dẫu sao “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, có họ, hay được thu nhận vào dòng họ dưới bất kỳ lý do gì đương nhiên là rất tốt, tuy vậy “hậu duệ” vẫn là “đỉnh” nhất, vị trí “hậu duệ” chắc chắn là hơn ba cái thằng “ệ” khác trên đời, bất kể là “quan hệ”, “tiền tệ” hay “trí tuệ”.
Có điều, dù có là đệ nhất trong “tứ ệ” thì cũng không được quên loại “ệ” đặc biệt, loại này còn hơn cả “hậu duệ”, ấy là “ngoại lệ”. Sở dĩ nói nó là “ệ” đặc biệt vì có khi bốn “ệ” kia chỉ đóng vai trò chân ghế mà “ệ ngoại lệ” chễm chệ, điều này tuy không phổ cập nhưng không phải chưa từng xảy ra. Dẫn chứng điều này thì vô khối nhưng mà thôi, ai thích cứ việc đi mà tìm chứ “nhà em” còn bận.
Đến đây thì hẳn ai cũng biết khái niệm “tứ ệ” đã trở thành xưa như trái đất, thế hệ “ệ @” phải là “ngũ ệ” và đương nhiên “hậu duệ” chỉ đứng hàng thứ hai. Nhưng dù có là “Võ lâm ngũ ệ” thì cũng không được quên “ệ” thứ sáu là “phòng vệ”. “Quân tử phòng thân, ệ nhân phòng bị gậy” vốn là nguyên tắc sống được truyền lại từ đời cụ tổ “Con Sâu”.
Phòng vệ có ba cấp, phòng vệ từ xa, phòng vệ vòng trong và phòng vệ tiếp cận. Hai vòng phòng vệ đầu vẫn phải tuyển chọn họ hàng nhà “ệ” là “(đ)ệ tử” và “(v)ệ sĩ” còn vòng cuối cùng, khi các loại “ệ sĩ tử” đã bị vô hiệu hóa thì phải dùng đến vũ khí chống tiếp cận đặc biệt.
Bất kể là “ệ” nào trong “Ngũ ệ”, làm gì, ở đâu cũng đừng quên “lương khô” giắt cạp quần, bẻ vụn cục “lương khô” ấy ra vứt cho mấy “ệ tử” đang “đói” tất sai gì cũng được. Nói dại nếu chẳng may thời tiết thay đổi, cảm thấy sắp hắt hơi sổ mũi, có cục lương khô mới coóng, xanh xanh cứng cứng lận lưng, cho dù có phải nằm viện điều dưỡng dài ngày thì cũng vẫn có thể chọn phòng “tự nguyện”, vẫn là thượng đế. Với cục lương khô này mua vé chui, mua thẻ xanh, mua “cánh cửa” dễ như húp… sữa.
Có điều cái gì quá cũng là không tốt, lương khô giắt cạp quần nhiều quá có khi làm xệ quần hở mông, khi thiên hạ đã nhìn thấy, lúc đó dù không muốn cũng vẫn bị đưa vào viện tâm thần, thế gọi là ngu, đại ngu./.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://doisong.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/sau-cua-cay-dau-cung-la-thuoc-2263551.html
[2] http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2014/08/140813_china_zhou_youngkang