Sáng 17/8/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh thành sơ kết công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015 và triển khai kế hoạch cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2016-2020.
Đề cập đến chuyện đoàn xe công vụ chạy theo phía sau khi Thủ tướng đi bộ trong phố cổ Hội An, người đứng đầu Chính phủ đã lên tiếng:
“Thủ tướng đi vào đường phố đã đi bộ trước hàng cây số rồi, xe ôtô vẫn đi phía sau, Thủ tướng không biết. Nhưng khuyết điểm đó vẫn có trách nhiệm của Thủ tướng trong việc quán xuyến, cũng phải xin lỗi người dân để người dân thông cảm”.
Chuyện xe biển xanh 80A, 80B… chạy vượt đèn đỏ ai cũng biết, cảnh sát giao thông càng biết nhưng bao nhiệu vụ bị xử lý?
Năm 2012, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 13, ông Nguyễn Tấn Dũng, khi đó là Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu:
“Với trọng trách là ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ và xin thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, nhất là những yếu kém, khuyết điểm trong kiểm tra, giám sát hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước…”.
Thủ tướng trong chuyến thăm phố cổ Hội An vừa qua (Ảnh: chinhphu.vn). |
Giữa “xin lỗi” và “nhận lỗi” có đôi chút khác biệt. “Xin lỗi” là thừa nhận lỗi do mình gây ra, “nhận lỗi” là nhận về mình “phần lỗi” có thể do mình, cũng có thể do người có liên quan đến mình gây ra.
Đâu là nguyên nhân khiến Thủ tướng đương nhiệm “xin lỗi” dân, còn Thủ tướng mãn nhiệm “nhận lỗi” với dân?
Lỗi do cấp dưới chưa làm tròn chức trách, lỗi còn bắt nguồn từ công tác cán bộ, từ thói quen “tìm người nhà, không tìm người tài”.
Thủ tướng nhận lỗi không có nghĩa là cấp dưới hết lỗi, những người gây ra lỗi phải bị kỷ luật để làm gương.
Điều người dân ghi nhận là Thủ tướng đã nhận lỗi về mình, đã xin lỗi dân, đó không phải là điều dễ gặp khi không ít cán bộ, trong đó có cả lãnh đạo cao cấp chưa làm đúng pháp luật, chưa phát ngôn chuẩn mực nhưng lại không hề có lời xin lỗi đối tượng bị ảnh hưởng.
Không chỉ Chính phủ, ngay Quốc hội cũng không tránh được sai sót.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng xác nhận lỗi của Quốc hội khi thông qua Bộ luật Hình sự cuối năm 2015.
Ông Đỗ Mạnh Hùng cho rằng:
“Việc Quốc hội có tổ chức xin lỗi người dân hay không sẽ được quyết định trên cơ sở làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân liên quan”. [1]
Xin lỗi là việc làm bình thường khi mắc lỗi, vấn đề quan trọng hơn là sau khi xin lỗi sẽ khắc phục như thế nào?
Cùng lúc với việc Thủ tướng xin lỗi dân, phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói:
“Chúng ta thường có tình trạng làm xong rồi là rút kinh nghiệm và sợi dây này nó dài từ năm này tháng nọ, rút hoài không hết. Hôm nay lại rút kinh nghiệm nữa. Đối với dân chúng ta làm chưa hết, chưa đủ".
Đề cập đến chuyện tái định cư, đền bù cho dân trong dự án hồ Tả Trạch (Thừa Thiên-Huế) Chủ tịch Quốc hội cho rằng: “Để người dân quá khổ 10 năm nay, trách nhiệm của bộ, ngành là thẩm định dự án quá sơ sài".
“Để dân quá khổ 10 năm” vậy các bộ, ngành đã có ai xin lỗi dân, đã có ai dũng cảm nhận lỗi về mình?
Khái niệm “chúng ta” mà Chủ tịch Quốc hội sử dụng trong câu: “Đối với dân chúng ta làm chưa hết, chưa đủ” không dành riêng cho Trung ương mà còn bao gồm các cơ quan Đảng, Hội đồng Nhân dân, Chính quyền địa phương kể cả các tổ chức, đoàn thể, mặt trận…
“Đối với dân chúng ta làm chưa hết, chưa đủ" phải chăng vì dân rất bao dung hay còn vì dân “quá hiền” dù cuộc sống trong 10 năm là “quá khổ”?
Hành động tịch thu chiếc giường nằm của một gia đình nghèo ở Thanh Hóa có phải là hành động mà Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ đã nói:
“Quyền” để người ta sợ, “Uy” để người ta phục(GDVN) - Người có “uy” khi nói người khác nghe, khi làm người khác theo. |
“Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa…”.
Vì sao “mức độ chịu đựng tham nhũng của người Việt Nam ngày càng tăng” – như kết luận rút ra từ đánh giá của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) về “cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh” (chỉ số PAPI) công bố hôm 10/8/2016?
Liệu có phải do người dân “chán nói” hay “không dám nói, không dám viết” vì “sợ bị quy chụp” – như ý kiến của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng?
Chống tham nhũng không dựa vào dân không thể thành công, thế nhưng chỉ một việc làm cỏn con mưu sinh như dựng chòi chăn nuôi vịt hay sửa chữa, buôn bán điện thoại “cùi bắp” là có thể bị khởi tố, có thể bị án tù.
Nếu sự việc không được Thủ tướng đích thân ra chỉ thị hủy bỏ thì bao nhiêu người nuôi cá, dựng chòi nuôi vịt hay buôn “đồng nát” sẽ có thể bị tù oan?
Dân làm ăn lương thiện mà bị tù thì lấy ai cùng Đảng, Nhà nước chống tham nhũng?
Khiến cho dân tuân thủ pháp luật là nhiệm vụ của chính quyền nhưng “tuân thủ pháp luật” không có nghĩa là chịu đựng tham nhũng, không có nghĩa là 10 năm “quá khổ” mà vẫn chưa biết khi nào được giải quyết?
Có thể thấy, lần đầu tiên một vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Quốc hội nói “dân quá khổ”, và cũng có thể nói lần đầu tiên Thủ tướng “xin lỗi” dân nếu không kể “nhận lỗi”.
Dân có thể vui vẻ chấp nhận lời “xin lỗi” của Thủ tướng nhưng dân chắc chắn sẽ không chấp nhận cuộc sống “quá khổ”.
“Mức độ chịu đựng tham nhũng của người Việt Nam ngày càng tăng” cần phải xem là nguy cơ tiềm ẩn, gây bất ổn xã hội.
Sống trong trạng thái bức xúc cả vật chất và tinh thần, con người dễ nảy sinh các hành động bột phát.
Người lãnh đạo giỏi là người biết “bớt củi đáy nồi”, biết trừng trị một số kẻ có lỗi để răn đe nhiều kẻ khác.
Vì sao tội phạm ma túy ở Philippines ra đầu thú hàng loạt khiến nhà giam không còn chỗ chứa, đó là vì hành động nghiêm khắc mà chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte đang tiến hành dù vấp phải sự phản đối từ dư luận trong nước và quốc tế.
Mạn đàm về "sự im lặng của những người tử tế!" |
Với giặc nội xâm, chỉ có thể dùng lý chứ không thể dùng tình.
Đừng bao giờ cho rằng với kẻ tham nhũng thời nay, có thể dùng lời khuyên bảo, hay dùng biện pháp “vuốt ve” để khống chế vì trong cuộc “đi buôn” này nếu kẻ tham nhũng kiếm được lợi nhuận 300% thì có treo cổ lên, họ vẫn làm (C. Mác).
Người lãnh đạo thông thái là người biết “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy trí nhân thay cường bạo” nhưng không phải lúc nào “đại nghĩa, trí nhân” cũng thắng được tội ác.
Một số nước phương tây bãi bỏ tội tử hình vì họ coi giết người là tội ác. Nếu xem hành động giết bọn tội phạm ma túy ở Philipines là tội ác thì chẳng lẽ cứ để chúng hoành hành khiến cả quốc đảo trở thành con nghiện?
Tương tự như vậy, nếu để những kẻ bất tài chui vào bộ máy công quyền, nếu cứ cấp dưới làm sai Thủ tướng phải xin lỗi thì các tập đoàn làm ăn thua lỗ, các dòng sông bị bức tử, các cánh rừng bị phá trụi, thực phẩm bẩn tràn lan… sẽ cần bao nhiêu lần xin lỗi của Thủ tướng?
Chuyện “Quốc gia đội sổ và báo cáo Thủ tướng” đã được đề cập, nhưng đến bao giờ mới chấm dứt tình trạng như ông Võ Kim Cự lý giải, rằng Formosa Hà Tĩnh không phải do một mình Hà Tĩnh quyết mà đã được nhiều bộ, ban, ngành và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt?
Thông cảm với dân như Chủ tịch Quốc hội hay xin lỗi dân như Thủ tướng Chính phủ là việc làm cần thiết nhưng dân không chỉ mong như thế.
Để lãnh đạo Đảng, Nhà nước không phải “thông cảm” với dân, không phải xin lỗi dân, việc cần làm là đuổi hết cán bộ bất tài khỏi bộ máy, là trừng trị những kẻ đang ngày đêm “vun trồng” cho đất nước một tầng lớp “cường hào, ác bá” mới.
Không có kẻ “vun trồng” tầng lớp “cường hào, ác bá” đất nước sẽ không nhiều “trái đắng” như hiện tại.
Tài liệu tham khảo: