Câu chuyện xảy ra vào cuối những năm 60 thế kỷ trước, một sinh viên năm thứ hai Đại học Bách Khoa Hà Nội được “tổ chức” yêu cầu từ bỏ ngành học yêu thích chuyển sang học chuyên ngành khác với mục đích bồi dưỡng trở thành giảng viên Đại học.
Sinh viên này đã gửi đơn lên “tổ chức” xin được tiếp tục theo học ngành cũ.
Câu trả lời của tổ chức là: “Hoặc phải học theo ngành mới để làm thầy giáo, hoặc tổ chức sẽ ra quyết định cho thôi học, trả về địa phương”?
Nhiều năm sau, người giảng viên ấy bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ tại châu Âu về nước.
Dù được Viện cơ học (nay thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam) gửi giấy xin đích danh, nhưng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp không đồng ý, thế là ông phải nhận quyết định về Đại học Nông Nghiệp dù ông nghiên cứu lĩnh vực Toán-Cơ.
Nộp quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng phòng Tổ chức Cán bộ không phân công về bộ môn mà bắt ông ngồi “cạo giấy” ở phòng Khoa học.
Bức tượng mẫu Đức thánh Trần Hưng Đạo (Ảnh nguồn: bienphong.com.vn). |
Mấy năm sau, khi đã quen thân với vị Hiệu phó kiêm Trưởng bộ môn, ông này mới thân tình tâm sự “vì chú là Phó tiến sĩ nên anh không thể nhận chú về bộ môn, nếu chú là kỹ sư thì chẳng có gì phải bàn”?
Câu chuyện này, những ông giáo già ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam chắc nhiều người biết.
Trong di chúc gửi lại cán bộ, đảng viên, đồng bào và chiến sĩ cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết".
Câu khẩu hiệu “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” được tuyên truyền rộng rãi toàn quốc suốt mấy chục năm nay. Năm 2016 này cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được tổ chức lần thứ 3.
Làm theo lời Cụ Hồ tức là phải đặc biệt quan tâm đến “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”.
Nửa thế kỷ sau khi Di chúc của Người được công bố, các cơ quan quyền lực, trong đó trọng tâm là Tổ chức và Nội vụ đã bồi dưỡng cho đất nước đội ngũ cán bộ, đảng viên như thế nào?
Đó là khoảng 11 triệu người hưởng lương và các khoản phụ cấp như lương, một lực lượng được cho là “không ngân sách nào có thể nuôi nổi”.
Đó là một đội ngũ cán bộ, đảng viên với những đặc trưng nổi bật đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tổng kết, theo đó một “bộ phận không nhỏ” (ngày nay đã không còn là “không nhỏ”) mang theo ít nhất là 23 thói hư, tật xấu:
“thoái hóa, biến chất, vô tổ chức, ăn cắp, bê tha, vô cảm, vô trách nhiệm, đục khoét, vơ vét, thông đồng hối lộ, bất chính, nịnh bợ cấp trên, chèn ép cấp dưới, ích kỷ, buông thả, coi thường quần chúng, ăn chặn của dân, vòi vĩnh đòi quà cáp biếu xén, quan cách, gia trưởng, ông vua con, trù dập, ức hiếp quần chúng”. [1]
Thế nhưng hình như người dân chưa bao giờ thấy những cơ quan này phải “nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc”?
Cái thời “Tổ chức” giữ quyền quyết định sinh mệnh chính trị công dân vẫn còn đọng lại trong tâm trí rất nhiều người, muốn xin đi làm, muốn vào học Đại học kể cả muốn đi bộ đội… đều phải có ý kiến “tổ chức”.
Bằng quyền lực được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó các cơ quan “Tổ chức – Nội vụ” hình như đã và đang tự biến mình thành một “vương quốc thần kỳ” như trong cổ tích mà ít ai được biết chính xác.
Có lẽ điều này sẽ còn tồn tại dài dài nếu không có chủ trương làm trong sạch Đảng, Chính phủ mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát động.
Không phải nhân dân có quyền xây dựng đội ngũ công bộc cho mình mặc dù “mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân”.
Nhận diện nhóm lợi ích "bán nước, hại dân”(GDVN) - Những kẻ đang làm cho đất nước “đội sổ”, khiến lòng dân không yên có phải là những kẻ "bán nước, hại dân"? |
Chính cơ quan Tổ chức-Nội vụ, bằng quyền lực mà nhân dân giao cho đã tạo nên các “ông vua con”, những người “ăn của dân không từ một cái gì” và “bán bất cứ thứ gì có thể bán” kể cả danh dự, chức tước, tài nguyên, khoáng sản…
Đảm nhận trọng trách vô cùng quan trọng là xây dựng, bồi dưỡng “thế hệ cách mạng cho đời sau”, vì sao những người làm công tác cán bộ, cụ thể là Tổ chức – Nội vụ lại khiến nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và người dân phải thốt lên, rằng công tác xây dựng đội ngũ đang được thực hiện theo kiểu “nhất hậu duệ, bét trí tuệ”?
Phải chăng đây chỉ là sai sót của một vài cá nhân hay còn có gì đó không thể lý giải?
Hãy thử nhìn nhận vấn đề từ vụ Trịnh Xuân Thanh.
Người viết lúc đầu cũng bị một sai lầm như nhiều người là cố tìm hiểu xem “đồng chí này là con đồng chí nào”. Tìm mãi không thấy nhưng lại biết được một thông tin, trong khoản “quỹ đen” gần trăm tỷ của một đơn vị “quốc doanh” dưới quyền Trịnh Xuân Thanh, người ta tìm thấy số tiền 550 triệu mừng sinh nhật vị thân sinh ra nhân vật này. [2]
Đấy là chỉ mới một doanh nghiệp, còn bao nhiêu cá nhân, doanh nghiệp khác dưới quyền Trịnh Xuân Thanh “ăn theo” dịp sinh nhật này mà báo chí chưa có tư liệu?
Ở đời, đâu phải lúc nào “con hơn cha” nhà cũng “có phúc”!
Nguyên Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang, ông Huỳnh Minh Chắc đặt câu hỏi:
“Ban Tổ chức Trung ương không tham gia vào việc này, đồng chí này không phải dạng luân chuyển,… Vậy tại sao Ban Tổ chức Trung ương đồng ý cho đồng chí Trịnh Xuân Thanh vào Ban Chấp hành Tỉnh ủy?
Ban Tổ chức Trung ương đề nghị Bộ Chính trị phê duyệt kết quả Đại hội của Hậu Giang; trong đó, có đồng chí Trịnh Xuân Thanh.
Văn bản tôi còn giữ đây. Tôi hỏi mấy anh, như vậy, chuyện này có phải chỉ giữa Bộ Công thương và Tỉnh ủy Hậu Giang làm không?”. [3]
Có thể thấy sự bức xúc trong lời thanh minh của vị nguyên Bí thư Hậu Giang, và cũng có thể thấy câu hỏi của ông Huỳnh Minh Chắc không phải là không có lý.
Hiền tài như lá thu, tiểu nhân như cỏ dại |
Trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói Việt Nam, ông Lê Phước Thọ, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho rằng:
“Kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương vẫn còn chưa dám nói sai phạm đó thuộc về ai… Tôi đã đọc hết các kết luận đó rồi, không nói tới Ban Tổ chức chữ nào.
Xử lý như thế chưa phải là dám nói sai phạm đó thuộc về ai.
Tôi nói thật, tôi thấy không ổn, vì chỉ tập trung nói ông Vũ Huy Hoàng, Bộ Nội vụ, tỉnh Hậu Giang, không nói gì tới Ban Tổ chức”. [4]
Không phải ông Lê Phước Thọ “quên” công văn thứ hai của Văn phòng Trung ương, theo đó Tổng Bí thư yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương tham gia, tổ chức kiểm điểm một số đơn vị, cá nhân trong đó có Ban Tổ chức Trung ương.
Sự bức xúc của ông Lê Phước Thọ, người từng là Trưởng ban Tổ chức Trung ương vừa kỳ lạ vừa kỳ diệu bởi người ta vốn quen với câu thành ngữ “khôn ngoan đối đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”?
Làm quân tử dễ, làm tiểu nhân khó |
Nói phát biểu của ông Lê Phước Thọ là kỳ diệu bởi ông đã tự biến mình thành que diêm sẵn sàng đốt cháy mình để thiêu rụi cả rừng cỏ dại, bởi những tiếng nói ủng hộ quyết tâm của Tổng Bí thư đã vang lên không chỉ từ những người công nhân, nông dân chân lấm tay bùn mà còn từ trí thức, truyền thông và rất nhiều bậc lão thành cách mạng.
Nói thì nói thế nhưng ủng hộ là một chuyện, công khai phát biểu quan điểm lại là chuyện khác.
Nếu không phải là nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương, liệu dân thường có ai dám nêu ý kiến như ông Lê Phước Thọ?
Xưa nay, chỉ có những đơn vị gắn với chức năng “tổ chức” nhận xét, đánh giá người dân chứ làm gì có chuyện ngược đời người dân đánh giá “tổ chức”.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương không phải là dân, nhưng nếu ngay cả Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cũng “chưa dám nói sai phạm đó thuộc về ai” hay “không nói gì tới Ban Tổ chức” thì liệu Văn phòng Trung ương có phải ban hành công văn tiếp theo truyền đạt chỉ thị của Tổng Bí thư về công cuộc “làm trong sạch Đảng”?
Báo Nhân Dân điện tử số ra ngày 28/7/2016 dẫn ý kiến ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương:
“Việc cung cấp đầy đủ thông tin trung thực và trách nhiệm giải trình là nhiệm vụ, trách nhiệm phải thực hiện của các cơ quan Đảng và Nhà nước. Không thể lẩn tránh hoặc làm cho qua chuyện.
Que diêm và rừng cỏ dại |
Khi không minh bạch thì giống như chưa đủ ánh sáng, còn để cho bóng tối che khuất, dù cố ý hay vô tình thì cũng là chừa nơi ẩn nấp cho các tiêu cực, “lợi ích nhóm”.
Việc “chừa nơi ẩn nấp cho các tiêu cực, lợi ích nhóm” có phải là chỉ là cảnh báo hay đã là thực tế?
Nếu giả sử tình trạng các nhóm lợi ích “chừa nơi ẩn nấp cho nhau” thực sự tồn tại thì giải pháp là gì?
Liệu lúc đó có cần “nhất thể hóa” để tạo ra một bàn tay thép, để người đứng đầu có đủ quyền lực và sức mạnh tiêu diệt tất cả các “nhóm lợi ích” đang tàn phá đất nước hay phải thực sự tin dân, trao quyền cho dân, dựa vào dân chứ không phải bất kỳ “nhóm lợi ích” nào đó?
Các nhóm lợi ích ngày nay đều có sự trao đổi, đan xen quyền lực, nhiều nhóm nhỏ tạo thành nhóm lớn.
Tuy nhiên, dẫu có lớn đến mấy cũng không thể lớn hơn “nhóm lợi ích quốc gia, dân tộc”, thế nên chỉ dựa vào dân mới có thể tiêu diệt những “nhóm lợi ích bán nước, hại dân”, những thế lực tạo nên đạo quân tiên phong cho bọn “giặc nội xâm” hiện tại.
Không làm được việc đó, chỉ còn cách để đất nước trở lại thời kỳ “12 sứ quân”?
Những gì mà một người dân thường có thể đề xuất có thể chỉ là những suy nghị “vụn vặt” trong con mắt các “thượng công bộc”, thế nên tít bài mới là “Những sai lầm vụn vặt…”.
Những vấn đề lý luận tầm cỡ quốc gia đại sự, những kim chỉ nam cho mọi hành động phải thuộc quyền của các nhà lý luận cao cấp, điều này mọi người đều biết, chẳng ai dám phủ nhận!
Việt Nam đã có một đội ngũ trí thức đúng nghĩa? |
Vậy những gì đã đề cập có phải chỉ là “những sai lầm vụn vặt” trong công tác cán bộ hay nó cũng có thể coi là nhỉnh hơn “vun vặt” một tí?
Người xưa có câu “vận nước có lúc thịnh lúc suy nhưng hào kiệt thời nào cũng có”.
Đất nước ngày nay chưa “thịnh” và cũng chưa đến mức “suy”, chẳng lẽ vì thế mà hào kiệt vẫn còn e ngại?
Tài liệu tham khảo:
[1] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Que-diem-va-rung-co-dai-post168271.gd
[2] http://dantri.com.vn/blog/nua-ti-sinh-nhat-bo-sep-350-trieu-bo-do-choi-golf-va-2016080404032563.htm