Dân trí thấp, ta biết dựa vào đâu?

06/07/2015 05:00
Xuân Dương
(GDVN) - Thế đấy, “mọi nẻo đường đều dẫn tới thành Rome”, vài “cao kiến” đánh giá dân trí bây giờ thấp, vậy nếu dân trí còn thấp, ta biết dựa vào đâu?

Thủ tướng không hài lòng vì lãnh đạo tỉnh không biết Nghị quyết của Chính phủ”. Tin trên được Nld.com.vn đưa ngày 29/6/2015 khi tường thuật phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2015 trực tuyến với các địa phương nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2015. [1]

Bài viết trên nld.com.vn (Ảnh chụp màn hình)
Bài viết trên nld.com.vn (Ảnh chụp màn hình)

Trước bài viết của nld.com.vn, Vietnamnet.vn đưa tin: "Quan huyện, lãnh đạo sở các tỉnh mua nhà Hà Nội rất nhiều”. 

Vietnamnet không nói thêm, nên người đọc phải tự hỏi, phải chăng “quan”  địa phương mua nhà ở Hà Nội chỉ dừng ở cấp lãnh đạo sở?

Dân trí thấp, ta biết dựa vào đâu? ảnh 2
Bài viết trên Vietnamnet.vn (Ảnh chụp màn hình)

Người tinh ý có thể thấy sự cảnh giác cao độ của Vietnamnet.vn khi đưa tin, chỉ dừng ở cấp sở chứ không động đến cấp tỉnh.

Chẳng lẽ một số “quan” địa phương cấp cao hơn sở không thèm mua nhà Hà Nội? Hay chuyện xảy ra trước đây với một bài báo về “quan tỉnh” khiến người ta mặc nhiên xem đây là “vùng cấm”, chẳng dại gì mà đụng chạm đến!

Nld.com.vn viết “lãnh đạo tỉnh không biết Nghị quyết Chính phủ” là dựa vào ý kiến của Thủ tướng, mà chính Thủ tướng đã nhiều lần khẳng định: “không có một vùng cấm nào cả. Bất cứ người nào tham nhũng đều phải bị nghiêm trị…”.[2]

Thủ tướng trả lời câu hỏi của người dân (Ảnh chụp màn hình)
Thủ tướng trả lời câu hỏi của người dân (Ảnh chụp màn hình)

Vậy nên người viết, trong bài này xin mượn cụm từ “lãnh đạo tỉnh” mà đồng nghiệp bên nld.com.vn đã dùng để khỏi phải thêm một số từ khiến câu văn trở nên rườm rà.

Câu hỏi mà người dân khó có thể trả lời chính xác là “lãnh đạo tỉnh” không có thời gian và điều kiện tìm hiểu Nghị quyết của cấp trên trực tiếp là Chính phủ hay là họ “không cần biết” đến Nghị quyết ấy? 

Với “lãnh đạo tỉnh” như vậy, Thủ tướng nếu chỉ dựa vào các Bộ trưởng và lãnh đạo cơ quan Trung ương liệu có thể điều hành được mọi hoạt động của Chính phủ trong điều kiện tồn tại cùng lúc cả giặc “nội xâm” lẫn “ngoại xâm”?

Nếu không dựa vào được “lãnh đạo tỉnh không biết Nghị quyết Chính phủ” thì cách duy nhất là dựa vào dân.

Nhưng mà “dân” thì bị một số “quan” đánh giá là “trí thấp”, mà điều này không phải chỉ là một hai “quan cá biệt” mà là “không ít quan” ở nhiều vị trí, cấp độ từ thấp đến khá cao. 

Nếu chịu khó thống kê thì từ tỉnh thuộc hàng có diện tích lẫn dân số nhỏ nhất cả nước như Vĩnh Phúc, một “quan” ngành Văn hóa nói: “không lấy ý kiến nhân dân, dân có ai biết đâu mà lấy ý kiến”. [3]

Dân trí thấp, ta biết dựa vào đâu? ảnh 4
Ý kiến lãnh đạo văn hóa Vĩnh Phúc về hỏi ý kiến dân (Ảnh chụp màn hình)

Đến “quan” ở nơi quan trọng nhất cả nước như Thủ đô, Infonet.vn dẫn lời một vị nói: “Vậy tôi xin hỏi, đất nước bây giờ động đến cái gì cũng đi hỏi dân thì bầu ra chính quyền làm gì?”. [4]

Động đến cái gì cũng đi hỏi dân thì bầu ra chính quyền làm gì? (Ảnh chụp màn hình)
Động đến cái gì cũng đi hỏi dân thì bầu ra chính quyền làm gì? (Ảnh chụp màn hình)

To hơn Thủ đô phải kể đến cơ quan quyền lực cao nhất quốc gia là Quốc hội, một vị ĐBQH cho rằng: “khi nào trình độ dân trí cao hơn và kinh tế ổn định hơn thì mới có thể ban hành Luật biểu tình”. [5]

Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, cũng một vị Đại biểu được cho là cho rằng: “Dân chủ của ta có hạn, dân trí còn rất thấp, số người dân trí cao là thiểu số, trưng cầu có khi gây hại, không thể tùy tiện". [6]

Dân trí thấp, ta biết dựa vào đâu? ảnh 6
Ảnh chụp màn hình để minh họa

Không ít “quan bé”, “quan nhỡ” đến cả cỡ “quan nhà” (do dân bầu mà nên) đều chê dân là “trí thấp”, đều không cần đếm xỉa đến dân, vậy dân xứng đáng làm gì?

Trả lời câu hỏi này có lẽ nên tham khảo ý kiến một vị tướng, ông Nguyễn Xuân Tỷ, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng nói trước Quốc hội: “Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa”.

Ý kiến của Thiếu tướng Tỷ (Ảnh chụp màn hình)
Ý kiến của Thiếu tướng Tỷ (Ảnh chụp màn hình)

Ý kiến của Thiếu tướng Tỷ đã cho biết trong mọt số trường hợp, đối với một số cán bộ thì “dân” được sử dụng làm gì rồi nên thiết nghĩ không cần bình luận gì thêm.

Thế đấy, “mọi nẻo đường đều dẫn tới thành Rome”, song một vài “cao kiến” đã nêu đều đánh giá dân trí bây giờ thấp, thậm chí là “rất thấp”, vì dân trí thấp nên hệ quả tất yếu là không thể dựa vào dân?

Có lẽ các “nhà lý luận” ấy bây giờ không muốn làm “công bộc” cho dân nữa, chẳng lẽ lại đi làm công bộc cho những người “dân trí thấp”?

Có lẽ những người không thuộc vào hàng “dân trí thấp” muốn ngầm gửi thông điệp tới Thủ tướng, rằng không thể dựa vào dân mà chỉ có thể dựa vào “quan” kể cả “quan” không biết gì đến Nghị quyết của Chính phủ.

Quan” kiểu gì thì cũng “hơn đứt” dân một vài bậc! Chỉ có điều trách nhiệm làm cho dân trí cao lên thì là của ai đó chứ không phải là của những người phát ra những nhận định đó!

Thế nên người dân phải tự trách mình, rằng “dân ơi, sao mà trí thấp thế”?

Tài liệu tham khảo: 

[1]http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/thu-tuong-khong-hai-long-vi-lanh-dao-tinh-khong-biet-nghi-quyet-chinh-phu-20150629101617222.htm

[2] http://thutuong.chinhphu.vn/Home/Noi-dung-toan-bo-buoi-Doi-thoai-truc-tuyen-cua-Thu-tuong-Chinh-phu-Nguyen-Tan-Dung-voi-nhan-dan/201012/17769.vgp

[3] http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/243924/nghich-ly--dan-tri-viet-nam-luc-cao-luc-thap.html

[4] http://infonet.vn/pho-ban-tuyen-giao-thanh-uy-ha-noi-noi-gi-ve-de-an-chat-ha-cay-xanh-post160196.info

[5] http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20111118/chua-can-luat-bieu-tinh-vi-dan-tri-thap/465571.html

[6] http://vtc.vn/noi-trinh-do-dan-tri-thap-bi-phan-ung-dai-bieu-ha-minh-hue-len-tieng.2.556547.htm

Xuân Dương