Cụm từ “băng trơ” nghe không được thuận tai cho lắm, ngôn ngữ dân gian chỉ thấy nói “mặt trơ trán bóng” chứ không có “băng trơ”.
Nhiều bài viết, văn bản dùng cụm từ “phần chìm của tảng băng” để mô tả hiện tượng, sự việc đang bị che giấu, chưa được công khai, ví dụ nguyên nhân dẫn đến tình trạng tham nhũng khá “ổn định” hiện nay.
Phần chìm của tảng băng là phần mà đứng trên cao, đứng xa chẳng bao giờ nhìn thấy trừ trường hợp lặn xuống để xem, nhưng lặn xuống dưới tảng băng trôi nổi ấy thường rất nguy hiểm, dễ bị mắc kẹt.
Mấy hôm nay ở thành phố Hồ Chí Minh, nhờ có cuộc Hội nghị phòng chống tham nhũng - lãng phí mà phần chìm của tảng băng ấy “trơ” ra một ít, thế nên mới nói là “băng trơ”.
Cuộc chiến chống tham nhũng chỉ có thể thành công nếu cơ quan thực thi pháp luật chỉ tuân thủ phát luật, không bị bất kỳ rào cản nào. (Ảnh: vietnamnet.vn) |
Còn tít bài “Sài Gòn mùa băng trơ” là viết cho ngắn gọn, khi nào cần diễn giải đúng theo thủ tục hành chính thì phải viết khác.
Thật khó để nói nên vui hay buồn khi sự thật về hoạt động của cơ quan công quyền ở thành phố Hồ Chí Minh được hé lộ bởi những người có trọng trách, mà lại chỉ vài tháng sau khi thành phố này “tuyên bố” ở đấy rất trong sạch, không phát hiện tham nhũng.
Phát biểu tại Hội nghị phòng chống tham nhũng, lãng phí do Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiều 8/3/2016, Phó Giám đốc sở Công an thành phố - Thiếu tướng Phan Anh Minh nói:
“Nhiều trường hợp ở thành phố phải hủy án, trong thâm tâm tôi phải chấp hành nhưng tôi không tin rằng cái hủy đó là đúng, hoặc là có đúng nhưng mà không tới mức hủy án”; một số vụ án mà Công an thành phố đã được ý kiến của Thường trực Thành ủy để tiếp cận bản kê khai tài sản của một số cán bộ, nhưng cho tới nay Công an thành phố không tiếp cận được". [1]
Tổng cục Hải quan đáp lời Thiếu tướng Phan Anh Minh về 50% vụ án buôn lậu(GDVN) - Theo Tướng Minh, 50% số vụ án buôn lậu phát hiện tại TP.HCM có bóng dáng của Hải quan. Thông tin này gây bất ngờ cho nhiều người đặc biệt là người trong cuộc. |
Lý giải vì sao công an không tiếp cận được tư liệu phục vụ chuyên án, bài viết trên Infonet.vn cho biết: Ngày 7/7/2007, Bộ Chính trị ra Chỉ thị 15-CT/TW “Về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng”.
Theo tinh thần Chỉ thị 15, chỉ khi được tổ chức Đảng, cấp uỷ Đảng xem xét đồng ý cho điều tra, khởi tố, bắt...thì cơ quan bảo vệ pháp luật mới được tiến hành các biện pháp tố tụng. [2]
Phát biểu thẳng thắn của tướng Minh cho thấy, trong một số vụ án ở thành phố Hồ Chí Minh, ý kiến của Thường trực Thành ủy và cơ quan điều tra không phải là ý kiến quyết định cuối cùng.
Có thể có người hoặc tập thể hiểu chưa đúng tinh thần Chỉ thị 15, cũng không loại trừ có trường hợp lợi dụng Chỉ thị 15 cản trở công tác của cơ quan thực thi pháp luật nhằm bảo vệ cán bộ sai phạm.
Thật tiếc khi đã là lẽ phải, đã là công lý mà Thường trực thành ủy và vị thủ trưởng cơ quan điều tra Công an thành phố đều chịu bó tay? Chẳng lẽ câu than “lực bất tòng tâm” lại phải đảo nghịch thành “tâm bất tòng lực”?
Những án bị hủy mà tướng Minh đánh giá “không tin rằng cái hủy đó là đúng” rất có thể dẫn tới oan sai.
Oan cho Công an thành phố vì dù muốn thực thi pháp luật song lại không đủ “tầm” xử lý, sai thì lẩn khuất đâu đó mà người dân không thể biết, còn công an biết hay không có lẽ phải chờ tướng Phan Anh Minh phát biểu tiếp.
Theo số liệu công bố tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ ngày 24/12/2015: "Trong 10 năm từ năm 2006-2015, Công an thành phố Hồ Chí Minh đã thụ lý điều tra 152 vụ án tham nhũng, án chức vụ với 463 bị can.
Tổng giá trị tài sản thiệt hại, phạm tội là trên 600 tỉ đồng và 136.000 USD, thu hồi cho Nhà nước số tiền trên 40 tỉ đồng”. [3]
Bình minh im tiếng, hoàng hôn lắm mồm(GDVN) - Vo tròn một tờ giấy rất dễ, gấp nó thành bông hoa, cánh chim hay thanh gươm mới khó. |
Tuy nhiên trong Hội nghị phòng chống tham nhũng - lãng phí vừa qua, ông Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Dương Ngọc Hải cho biết:
“Trong năm qua (2015) Viện kiểm sát Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử 4 vụ án tham nhũng do Ban Bí thư chỉ đạo xử trước Đại hội Đảng 12”.
Chỉ với bốn vụ án mà: “Tổng số tài sản nhà nước thiệt hại là hơn 2.000 tỉ đồng. Tuy nhiên các bị cáo chỉ tự nguyện khắc phục hơn 5 tỉ đồng. Cơ quan điều tra thu hồi 650 triệu đồng và kê biên một căn nhà. Số tiền còn lại chưa thu hồi được”. [4]
Sự khác nhau giữa con số 600 tỷ và 2.000 tỷ nói lên điều gì? Phải chăng thiệt hại 2.000 tỷ mà Nhà nước và nhân dân phải gánh chịu là thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan khác chứ không thuộc địa bàn thành phố Hồ Chí Minh quản lý và đó cũng không phải thuộc lĩnh vực tham nhũng?
Năm 2015, nói chính xác là 9 tháng đầu năm, thành phố Hồ Chí Minh chưa phát hiện tham nhũng, đó là ý kiến của Phó chánh thanh tra thành phố [5].
Trong khi - như đã khẳng định trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ - bình quân 10 năm qua ở thành phố Hồ Chí Minh mỗi năm có 15 vụ án tham nhũng.
Không nói về thời gian quá xa, chỉ nói 5 năm gần đây, mỗi năm khám phá bình quân 15 vụ án tham nhũng, cộng với những vụ bị hủy án hoặc chưa phát hiện thì con số thực sẽ là bao nhiêu, trách nhiệm để xảy ra tham nhũng và ngăn cản điều tra thuộc về ai?
Theo nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” đương nhiên cả tập thể và cá nhân đều phải chịu trách nhiệm, trong số các cá nhân, một số tiếp tục giữ trọng trách, không ít người đã, sẽ nghỉ hưu, vậy những người liên quan sẽ trả lời thế nào về những dữ liệu mà tướng Phan Anh Minh công bố?
Với những người đã hết nhiệm kỳ, có lẽ cách tốt nhất là học tập Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch rằng “chúng mình sẽ nhường cho nhiệm kỳ sau trả lời”.
Đôi điều mong đợi ở Bí thư Đinh La Thăng(GDVN) - Người viết xin nêu một vài con số so sánh giữa thành phố Hồ Chí Minh với Singapore năm 2014 để Bí thư Đinh La Thăng tham khảo. |
Chính xác câu nói của ông Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch là “tôi nhường cho nhiệm kỳ sau trả lời”, ở đây thay vì dùng đại từ “tôi”, xin dùng cụm từ “chúng mình” để đại diện cho các vị đang hoặc sắp làm thủ tục chuyển sang Hội người cao tuổi.
Còn một lý do nữa phải dùng cụm từ “chúng mình” vì chẳng biết cụ thể một, hai, ba, hay bao nhiêu người liên quan nên dùng “chúng mình” cho “tình cảm” vì nó gồm cả “tôi” và “chúng ta”.
Câu trả lời của “nhiệm kỳ sau” thể hiện qua phát biểu của tướng Phan Anh Minh: “...lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa 50% vụ án liên quan đều dính tới Hải quan. Lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng là ngân hàng, tài chính, giải phóng mặt bằng, phê duyệt dự án, quản lý xóa đói giảm nghèo ở cơ sở…”
Và còn nữa: “hầu hết án tham nhũng được phát hiện do đơn thư tố cáo và cấp trên kiểm tra chứ không do lực lượng phòng chống tham nhũng phát hiện”. [6]
Những gì mà “nhiệm kỳ sau” công bố liệu có dẫn tới một suy luận, rằng “chúng mình” bây giờ tuổi cao, sức yếu lắm rồi, hễ bị xúc động là dễ phải vào bệnh viện điều trị, mà ở Sài Gòn bệnh nhân nằm gầm giường không có lợi cho sức khỏe người cao tuổi!
Vậy nên “chúng mình” hãy học tập cách nắm chặt tay nhau, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai!
Về chuyện “chìm xuồng” đối với những gì mà “chúng mình” trót để xảy ra, có việc có thể làm theo cái lý của người xưa “đánh kẻ chạy đi chứ ai nỡ đánh người quay lại”, duy có việc liên quan đến “quản lý xóa đói giảm nghèo ở cơ sở” thì dẫu đã xanh cỏ cũng phải gọi lên mà hỏi.
Đối với việc “xóa đói giảm nghèo” mà còn đang tâm “ăn không từ một cái gì” thì có nên để tồn tại như một thành viên trong cộng đồng?
Không hiểu sao chuyện Hội nghị ở Sài Gòn, dù nghe được toàn những chuyện kinh thiên động địa mà người dân lại cảm thấy vui?
Có lẽ lần đầu tiên mấy người dân thường “chúng mình” nghe được những lời đáng nghe cất lên từ thành phố phương Nam, vào đúng thời điểm bình minh nhiệm kỳ chứ không phải lúc “chiều dần buông màu tím”.
Nói thế vì khi bánh xe nhiệm kỳ bắt đầu lăn trên đại lộ Hoàng hôn, người dân đã được nghe khá nhiều lời “có cánh” cất lên trên các diễn đàn tầm cỡ quốc gia chứ không phải riêng ở Hà Nội.
Vui, đặc biệt vui vì những người trong cuộc không còn sợ “chiều tà” đến sớm, vì họ đang và sẽ chung tay cùng Bí thư Đinh La Thăng thổi bùng ngọn lửa làm tan lớp sương che phủ đâu đó trên nóc các nhà trụ sở.
Thực lòng, người viết rất muốn viết là “họ đã, đang và sẽ chung tay cùng Bí thư Đinh La Thăng…”, tiếc rằng ở Sài Gòn, ông Thăng chỉ mới có hơn một tháng chuẩn bị cho những dự định lâu dài.
Con chim Hồng Hộc bay cao là nhờ có sáu trụ cánh, Bí thư Thăng đã có những trụ cánh dày dạn kinh nghiệm, đối mặt với những trận đánh án siêu khủng như vụ liên quan đến cựu Cục trưởng Hải quan thành phố.
Vấn đề còn lại là Bí thư Đinh La Thăng sẽ kết nối sáu trụ cánh ấy thế nào, vận dụng Chỉ thị 15 như thế nào?
Cuộc chiến chống tham nhũng chỉ có thể thành công nếu cơ quan thực thi pháp luật chỉ tuân thủ phát luật, không bị bất kỳ rào cản nào.
Một khi pháp luật không phải là quyền lực tối thượng, một khi các nhóm lợi ích có đủ sức mạnh chi phối luật pháp thì không một tổ chức, cá nhân nào có thể bảo vệ pháp luật.
Rồi đây, người viết tin rằng Đảng và chính quyền sẽ không để các bản kê khai tài sản cán bộ trong hộc bàn, nhưng nếu đưa ra ánh sáng những bản kê khai đã được tinh chỉnh đến từng chi tiết mà không có cách nào kiểm tra tính trung thực thì liệu có cần thiết?
Kiểm soát quyền lực, rõ ràng là vấn đề bức thiết hiện nay, các trung tâm siêu quyền lực không thể tồn tại trong một xã hội pháp trị.
Hy vọng thành phố Hồ Chí Minh ngày mới sẽ giúp cho cả nước nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc làm thế nào để chính quyền thực sự do dân và vì dân.
Tài liệu tham khảo:
[2] http://infonet.vn/shop-tin-103-toi-san-sang-danh-sap-to-bao-cua-anh-post193009.info
[3] http://tphcm.chinhphu.vn/phat-hien-so-ho-bat-cap-de-hoan-thien-luat-chong-tham-nhung
[4] http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20160308/tham-nhung-2000-ty-thu-hoi-duoc-5-ty/1063933.html
[5] http://infonet.vn/tphcm-suot-9-thang-dau-nam-2015-chua-phat-hien-tham-nhung-post185110.info