Australia chính thức đề nghị mua tàu ngầm Nhật Bản

19/10/2014 09:37
Việt Dũng
(GDVN) - Đề nghị này được đưa ra khi Bộ trưởng Quốc phòng Australia vừa hội đàm với người đồng cấp Nhật Bản ở Tokyo, loại tàu này tương đồng lớp Soryu công nghệ AIP.
Bộ trưởng Quốc phóng Australia David Johnston thăm Nhật Bản
Bộ trưởng Quốc phóng Australia David Johnston thăm Nhật Bản

Mạng BBC ngày 17 tháng 10 cho biết, Australia đã lần đầu tiên chính thức đưa ra đề nghị hợp tác với Nhật Bản về chương trình nhập khẩu tàu ngầm mới. Ngày 16 tháng 10, trong cuộc hội đàm 50 phút với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Akinori Eto ở Tokyo, Bộ trưởng quốc phòng Australia David Johnston đã đưa ra đề nghị này, yêu cầu Nhật Bản hỗ trợ cho dự án tàu ngầm tương lai của Australia.

Theo bài báo, đây là lần đầu tiên Nhật Bản căn cứ vào "Ba nguyên tắc chuyển giao trang bị phòng vệ" do hội nghị Nội các quyết định vào tháng 4 năm 2014, coi tàu ngầm là đối tượng hợp tác công nghệ, có thể mở đường cho xuất khẩu tàu ngầm cho Australia.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Akinori Eto bày tỏ sẽ xem xét "phương thức cung cấp hỗ trợ" trước đề nghị của ông David Johnston.

Hãng tin Reuters cho biết, Australia hy vọng vào năm 2030 đào thải 6 tàu ngầm cũ hiện có, dùng tàu ngầm tàng hình mới để thay thế.

Ngày 16 tháng 10 năm 2014, Bộ trưởng Quốc phòng Australia và Nhật Bản hội đàm
Ngày 16 tháng 10 năm 2014, Bộ trưởng Quốc phòng Australia và Nhật Bản hội đàm

Hãng tin Kyodo, Nhật Bản dẫn lời nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản cho biết, loại tàu ngầm mới mà Australia muốn mua tương đồng với tàu ngầm lớp Soryu mới nhất của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản do Công nghiệp nặng Kawasaki sản xuất.

Bài báo cho biết, Nhật Bản quyết định cung cấp hợp tác công nghệ chứ không phải xuất khẩu tàu ngầm, chủ yếu do không thể chứng minh xuất khẩu tàu ngầm có đóng góp trực tiếp cho bảo đảm an ninh của Nhật Bản.

Ngoài ra, theo tờ “The Japan Times” ngày 16 tháng 10, trong cuộc họp báo sau hội đàm lần này, Bộ trưởng Akinori Eto cho biết: “Chúng tôi đã thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác quốc phòng và quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt giữa hai bên”. Được biết, vào tháng 7, Thủ tướng Shinzo Abe và Thủ tướng Tony Abbott đã ký hiệp định song phương tại Canberra để tăng cường hợp tác về thiết bị quốc phòng, nghiên cứu công nghệ.

Hai bên cũng nhất trí tìm các cách thức để tăng cường các cuộc tập trận chung.

Đối với quan hệ quân sự Nhật-Mỹ, Bộ trưởng Akinori Eto cho biết, phía Australia đã ủng hộ báo cáo tạm thời sửa đổi Nguyên tắc (Phương hướng) hợp tác phòng vệ Nhật-Mỹ đưa ra trong tuần trước, kêu gọi hai nước tăng cường hợp tác quân sự toàn cầu hơn nữa.

Cả hai Bộ trưởng đồng ý cho rằng, phát triển quan hệ đối tác đa phương trong đó có Nhật Bản, Australia và Mỹ sẽ đem lại sự ổn định cho Đông Bắc Á – ông Akinori Eto nói.

Ngày 8 tháng 10 năm 2014, Nhật Bản hạ thủy tàu ngầm Thần Long lớp Soryu
Ngày 8 tháng 10 năm 2014, Nhật Bản hạ thủy tàu ngầm Thần Long lớp Soryu

Hợp tác này sẽ gặp rất nhiều trở ngại

Thủ tướng Australia Tony Abbott từng cam kết hỗ trợ công nghiệp đóng tàu của nước này, bảo vệ họ tránh bị tác động bởi các công ty nước ngoài, trong tương lai có thể buộc phải thay đổi quan điểm do thỏa thuận hợp tác tàu ngầm với Nhật Bản.

Đã có dấu hiệu cho thấy, lực lượng chính trị phản đối nhập khẩu tàu ngầm của Nhật Bản đang gia tăng.

Phe đối lập trong đó có lãnh đạo Công đảng Australia Bill Shorten chỉ ra, hợp tác này sẽ tác động đến việc làm trong nước, đặc biệt sẽ làm “trọng thương” khu công nghiệp quân sự quan trọng phía nam nước này.

Chính quyền Tony Abbott hiện nay vẫn đang quan sát chiều hướng của chính trường.

Ông Tony Abbott nói với truyền thông rằng, chính phủ Australia đang cân nhắc nhiều loại phương án đổi mới lực lượng tàu ngầm trong đó có chế tạo tàu ngầm ở trong nước và ở nước ngoài.

Cơ sở chế tạo tàu ngầm của Australia tương đối lạc hậu, nếu dùng để sản xuất tàu ngầm lớp Soryu, có thể sẽ xuất hiện các vấn đề như thời hạn kéo dài và chi tiêu vượt dự toán.

Còn Nhật Bản cần cân nhắc, hợp tác này với Australia sẽ làm tức giận Trung Quốc - nước có thái độ và hành động ngày càng cứng rắn (hung hăng dọa nạt trên biển).

Ngày 31 tháng 10 năm 2013, Nhật Bản hạ thủy tàu ngầm Kokuryu số hiệu SS-506 lớp Soryu.
Ngày 31 tháng 10 năm 2013, Nhật Bản hạ thủy tàu ngầm Kokuryu số hiệu SS-506 lớp Soryu.

Hơn nữa, đây này cũng có thể trở thành sản phẩm công nghiệp quốc phòng lắp ráp hoàn chỉnh của Nhật Bản lần đầu tiên xuất khẩu kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay.

Đồng thời, Đức cũng đang tranh giành giao dịch này với Nhật Bản.

Báo chí Canberra, Australia cho biết, đại diện Công ty ThyssenKrupp Đức tuần này đến Australia, đưa ra phương án đề nghị sản xuất tàu ngầm kiểu mới ở cơ sở đóng tàu tại Australia.

Nhật Bản được Mỹ ủng hộ

Mỹ đã lần lượt ký hiệp ước bảo đảm an ninh với Australia và Nhật Bản, điều này có thể làm cho tàu ngầm của Nhật Bản có sức hấp dẫn hơn đối với Australia. Phía Mỹ sớm đã cho biết, họ vui mừng nhìn thấy Australia trang bị, sử dụng tàu ngầm do Nhật Bản chế tạo.

Theo dự đoán của Quỹ Di sản, cơ quan nghiên cứu của phe bảo thủ, trong 15 năm tới, số lượng tàu ngầm của Mỹ trên toàn cầu có thể sẽ từ khoảng 50 chiếc hiện nay giảm xuống còn 41 chiếc, trong khi đó, lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc có thể sẽ mở rộng 1/4, lên tới khoảng 80 chiếc.

Tàu ngầm lớp Soryu Nhật Bản thăm Trân Châu Cảng (ảnh tư liệu)
Tàu ngầm lớp Soryu Nhật Bản thăm Trân Châu Cảng (ảnh tư liệu)

Nhật Bản hiện nay có 16 tàu ngầm, có kế hoạch tăng lên 22 chiếc trong 10 năm tới.

Theo hãng Kyodo, khi hội đàm với ông Akinori Eto, Bộ trưởng Quốc phòng David Johnston còn xác nhận, hai nước sẽ hợp tác triển khai công tác duy tu, bảo dưỡng máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến nhất F-35 nhập khẩu từ Mỹ.

Nhật Bản đang xem xét xây dựng cơ sở sửa chữa khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm này.

Việt Dũng