EMagazine

Đại úy công an và lớp học đơn sơ nơi vùng biên giúp học sinh bớt “sợ” tiếng Anh

Đại úy công an và lớp học đơn sơ nơi vùng biên giúp học sinh bớt “sợ” tiếng Anh

23/04/2024 06:46
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Lên tăng cường tại xã biên giới vùng cao, Đại úy Vũ Văn Chính mở lớp dạy kèm tiếng Anh cho học sinh, với hy vọng truyền niềm đam mê học ngoại ngữ cho các em.

Đại úy Vũ Văn Chính (sinh năm 1982) - giảng viên tiếng Anh của Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy là một trong 22 cán bộ của các đơn vị trực thuộc Bộ Công an với tinh thần xung phong được tăng cường về các xã biên giới trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự trong đợt 2, giai đoạn 2023-2025.

Đại úy Vũ Văn Chính được phân công công tác tại xã Nậm Ban (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) từ ngày 15/11/2023.

Nậm Ban là xã vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Nậm Nhùn. Những năm qua, mặc dù địa phương đã từng bước được quan tâm đầu tư xây dựng về cơ sở hạ tầng trường lớp học, nhưng vẫn còn nhiều đơn vị trường trên địa bàn gặp không ít khó khăn trong công tác giảng dạy và học tập, do thiếu về cơ sở vật chất, thiếu giáo viên đứng lớp.

Chứng kiến cảnh các em học sinh tiểu học và trung học cơ sở không có điều kiện học ngoại ngữ, một phần vì thiếu giáo viên, Đại úy Vũ Văn Chính đã nghĩ ngay đến việc sẽ tận dụng khoảng thời gian ngoài giờ làm việc của mình để làm điều ý nghĩa - mở lớp dạy tiếng Anh.

GDVN_1.png

Cơ duyên nghề giáo từ chuyện thi trượt đại học và một năm khổ luyện với tiếng Anh

Nhắc đến cơ duyên với nghề giáo, Đại úy Vũ Văn Chính không ngần ngại chia sẻ: “Thực ra, đến năm lớp 12, tôi vẫn là một học sinh không biết nổi một từ tiếng Anh. Năm 2000, sau khi thi trượt đại học khối A, tôi bắt đầu “khăn gói” từ quê ra Hà Nội, dành nguyên một năm chỉ có ăn và học tiếng Anh. Tôi lóc cóc đạp xe đi tìm thầy cô giáo dạy tiếng Anh ở khắp nơi, cứ ở đâu có lớp là lại đăng ký học. Thời ấy, học phí cũng vừa phải, nên tôi cứ miệt mài học hết ở trung tâm này đến trung tâm khác. Có những kiến thức phải “cày” đi “cày” lại, đến khi “nằm lòng” mới thôi...

Năm 2001, tôi đã chuyển sang thi khối D và đỗ vào khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Hà Nội.

Lúc bấy giờ, tôi vẫn đinh ninh sau khi tốt nghiệp, mình sẽ đi theo các ngành như phiên dịch, biên dịch hay tiếng Anh thương mại... bởi trước đó, bản thân luôn đặt đam mê vào lĩnh vực kinh tế, kinh doanh.

Nhưng cơ duyên cũng đến thật bất ngờ. Trong một lần làm phiên dịch viên cho lãnh đạo Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, được biết, trường đang thiếu giáo viên tiếng Anh, một phần do thời điểm ấy, mình cũng đã bước sang tuổi 30, muốn có một công việc ổn định, nên đã quyết định chuyển sang lĩnh vực sư phạm”.

Khi chính thức đứng trên bục giảng và truyền đạt kiến thức, người giảng viên ấy cảm nhận, đến với nghề giáo quả là một sự lựa chọn đúng đắn.

“Tôi cảm thấy đó là một điều rất đáng tự hào, khi có thể giúp các em sinh viên có thêm một “bước tiến” nhất định, đặc biệt, giúp các em tự tin hơn trong cuộc sống và ngay trong chính lĩnh vực của mình.

Sau này, khi các em ra trường, mỗi khi thầy trò có dịp hội ngộ, các em vẫn nhớ “thầy Chính”, thậm chí có những em vẫn thường xuyên cập nhật, chia sẻ, về cuộc sống, về công việc. Có lần, trong một chuyến công tác vào miền Nam, tôi đã gặp lại cậu học trò cũ, hai thầy trò còn ở chung nhà trọ, ôn lại chuyện cũ... Đó có lẽ là một trong những điều đáng trân quý nhất trong sự nghiệp sư phạm của tôi, cũng là động lực để mình ngày một nhiệt huyết hơn” - nụ cười rạng rỡ trên gương mặt nam giảng viên khi kể lại.

Lớp học tiếng Anh giữa bản nghèo biên giới

Có lẽ, một phần vì sẵn chuyên môn tiếng Anh, một phần vì hiểu được sự thiệt thòi, thiếu thốn trong cuộc sống và học tập nhất là học ngoại ngữ của những học sinh nơi biên giới, nên ngay sau khi nhận công tác tại xã Nậm Ban, Đại úy Vũ Văn Chính đã suy nghĩ đến việc mở một lớp phụ đạo miễn phí cho các em học sinh.

Điều đó vừa giúp học sinh nơi đây “bắt kịp” những kiến thức, kỹ năng ngoại ngữ - một môn học quan trọng trong hành trang học tập lên cấp học cao, vừa góp phần đưa công an cơ sở gần dân, hiểu dân, vì nhân dân phục vụ.

Sau vài đêm trăn trở, Đại úy Chính báo cáo Ban chỉ huy Công an xã Nậm Ban, rồi gặp ông Nguyễn Văn Đài - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, bày tỏ tâm nguyện muốn giúp những em học sinh nơi đây học thêm tiếng Anh. Vị Phó Chủ tịch xã cho “thầy giáo công an” mượn khoảnh sân rộng, có mái che trước nhà để mở lớp. Bảng và bàn ghế được Đại úy Chính mượn từ một trường mầm non đang không dùng tới, phấn thì nhờ đồng chí Trưởng công an xã tiện đi công tác mua giúp ở phố huyện.

Được sự ủng hộ của chính quyền địa phương và phụ huynh học sinh, một lớp học đơn sơ nơi biên giới của thầy giáo công an được tổ chức từ tháng 12/2023.

Những ngày đầu, chỉ có 3-4 học sinh, nhưng sau đó, lớp học thu hút ngày càng nhiều thành viên. Đều đặn hai buổi học diễn ra vào chiều tối thứ Năm và sáng Chủ nhật hằng tuần đã cải thiện khả năng ngoại ngữ cho các em học sinh từng ngày.

GDVN_2.png

Một trong những trở ngại lớn nhất đối với “thầy giáo công an” khi mới bắt đầu mở lớp chính là rào cản ngôn ngữ. Vốn là người con quê Bắc Ninh lần đầu đặt chân lên xã vùng biên Nậm Ban với 13 dân tộc thiểu số khác nhau, thầy Chính không khỏi khó khăn khi học sinh của mình mỗi em sử dụng một ngôn ngữ, thậm chí có những em chưa nói sõi tiếng Việt.

“Cho nên, giai đoạn đầu lên lớp đối với tôi tương đối khó khăn. Bên cạnh việc một số học sinh bị “mất gốc” tiếng Anh, thì việc các em nói tiếng Mường, tiếng Thái... cũng khiến tôi phải thực sự kiên trì, mới giúp các em “bắt nhịp” được. Một khoảng thời gian sau, các em mới bắt đầu yêu thích và đam mê với tiếng Anh” - thầy giáo Chính nhớ lại.

Để tạo hứng thú cho các em, thầy giáo Chính thường bắt đầu bài học bằng những bài hát tiếng Anh vui nhộn hoặc các trò chơi tương tác. Sau khi kiểm tra kiến thức bài cũ, anh lại dạy những kiến thức mới.

Cứ như vậy, sau gần 5 tháng, lớp học đã có những kết quả bước đầu. Học sinh biết cách tự học, yêu thích môn tiếng Anh hơn và không còn “sợ” như trước. Có những học sinh còn chủ động rủ nhau lên công an xã, xin gặp riêng thầy Chính để hỏi thêm bài, nhờ thầy chữa bài.

Đại úy Chính tâm sự: “Từ lúc đặt chân lên mảnh đất này, tôi luôn cảm nhận được tình cảm nồng hậu của bà con nơi đây. Những học sinh quý mến thầy, có khi mang theo một mớ rau, một quả trứng đến tặng thầy, nhưng tôi đều từ chối. Tôi nói với các em: Chỉ cần các em học tập thật chăm chỉ và mỗi khi nhìn thấy thầy, thì chào thật to, thế là thầy vui rồi!”.

Hiện tại, lớp học đang có 6 học sinh. Thầy giáo Chính chia sẻ: “Mặc dù, đã có thêm một số phụ huynh muốn gửi con vào lớp, nhưng thời gian này, tôi dành trọn vẹn cho các em đã theo học từ tháng 12 để ôn thi cuối kỳ, cuối cấp đạt kết quả tốt nhất.

Dịp Hè tới đây, tôi sẽ mở rộng quy mô lớp học với nhiều học sinh ở các độ tuổi khác nhau và phân chia theo trình độ để giảng dạy phù hợp với năng lực của chính các em”.

GDVN_3.png

Bên cạnh đó, lớp tiếng Anh sắp tới này không chỉ có dạy ngoại ngữ đơn thuần, mà còn kết hợp với dạy về kỹ năng sống; tuyên truyền, phổ biến các kỹ năng, hiểu biết về phòng chống ma túy, tác hại của bạo lực học đường và thậm chí có thể còn truyền đạt, giáo dục thêm một số kiến thức về tâm lý lứa tuổi cho học sinh, do chính những chiến sĩ với cảnh phục màu mạ non đảm nhiệm. Lớp học nhằm trang bị cho các em hành trang để tiếp tục học lên những bậc học cao hơn và biết cách phòng ngừa, bảo vệ mình trước những sự cố, tai nạn.

Đại úy Vũ Văn Chính chia sẻ rằng, tất cả những việc làm này của anh chỉ với mong muốn nâng cao nhận thức về pháp luật và truyền cảm hứng học tập nói chung và môn ngoại ngữ nói riêng, cho những đứa trẻ nơi vùng cao biên giới xa xôi, nghèo khó.

“Sau mỗi buổi học, nhìn thấy sự tiến bộ từ các em, thấy các em thêm yêu thích và ham học hỏi hơn, tôi cảm thấy vui không lời nào kể xiết.

Sau khi hết thời gian công tác tại đây, tôi vẫn hy vọng có thể đồng hành cũng các em học sinh có nhu cầu, thông qua việc kết nối online trên điện thoại” - thầy Chính tâm sự.

Phụ huynh, học sinh đều rất tin tưởng và quý thầy Chính

Chia sẻ về lớp học của thầy Chính, ông Nguyễn Văn Đài - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nậm Ban (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) cho biết: “Lớp chỉ có một thầy 6 trò; các em ham học nên việc phụ đạo nhanh có kết quả tốt.

Nhờ có lớp học đặc biệt này, các em học sinh đã được kèm thêm những kiến thức căn bản về từ vựng và ngữ pháp, các kỹ năng nghe - nói - đọc - viết của các em cũng được cải thiện từng ngày. Lớp học của thầy Chính cũng giúp các em ngày một tự tin, thích thú hơn trong giao tiếp tiếng Anh, các bậc phụ huynh cũng rất tin tưởng và quý thầy Chính”.

“Chúng tôi rất mong, Đại úy Vũ Văn Chính tiếp tục giúp đỡ bà con xã Nậm Ban, giúp đỡ ngày càng nhiều học sinh tiếp cận và làm quen với tiếng Anh hơn nữa” - vị Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã bày tỏ.

GDVN_cover.png

Thầy Đỗ Văn Lý - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Nậm Ban chia sẻ: “Năm học 2023-2024, nhà trường có 1 giáo viên tiếng Anh, bên cạnh đó, thầy Hiệu trưởng cũng có chuyên môn ngành tiếng Anh. Với đội ngũ như vậy, cơ bản đảm bảo đáp ứng yêu cầu chương trình học của nhà trường.

Tuy nhiên, từ khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 (học sinh học tiếng Anh từ lớp 3), do trường tiểu học trên địa bàn xã không đủ giáo viên nên trường phải tăng cường cho khối tiểu học.

Trước tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh của huyện nói chung và Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Nậm Ban nói riêng, nhà trường mong muốn tháo gỡ khó khăn bằng cách xin Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Nhùn bổ sung giáo viên hợp đồng tiếng Anh cho tiểu học.

Mộc Trà