Kanwa: Thổ Nhĩ Kỳ muốn mua tàu tấn công đổ bộ của Trung Quốc

15/06/2013 08:32
Việt Dũng
(GDVN) - Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm đến phương án tàu tấn công đổ bộ phiên bản Đại Liên, muốn được chuyển nhượng bản vẽ thiết kế, một phần được chế tạo tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Tàu vận tải đổ bộ Type 071 Tỉnh Cương Sơn của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc
Tàu vận tải đổ bộ Type 071 Tỉnh Cương Sơn của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc

Tờ "Kanwa Defense Review" Canada cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã tới Trung Quốc tìm kiếm mua bản vẽ và các thiết bị liên quan của tàu tấn công đổ bộ (LHA) lớp 20.000 tấn, nếu như hai bên đạt được nhất trí, đây sẽ là lần đầu tiên tàu chiến mũi nhọn của Trung Quốc xâm nhập vào các nước NATO.

Ngoài ra, tờ "Jane's Defense Weekly" Anh cho biết, hiện nay thị trường tàu tấn công đổ bộ cơ bản bị các nước phương Tây khống chế, đến ngay cả Nga cũng không thể không nhập khẩu tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral của Pháp.

Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm tới "bán tàu sân bay" Trung Quốc

Tờ "Kanwa Defense Review" dẫn nguồn tin từ ngành công nghiệp nặng đóng tàu Đại Liên, Trung Quốc cho biết, mặc dù Quân đội Trung Quốc vẫn chưa đặt mua tàu tấn công đổ bộ lớp 20.000 tấn do Trung Quốc nghiên cứu chế tạo, nhưng tàu này đã được duyệt. Tờ "Kanwa" giải thích, "cái gọi là đã được duyệt, chính là tất cả thiết kế đều đã hoàn thành".

Điều đáng chú ý là, Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ quan tâm tới tàu tấn công đổ bộ "phiên bản Đại Liên", muốn chuyển nhượng bản vẽ thiết kế, một phần thiết bị được chế tạo tại nhà máy đóng tàu của Thổ Nhĩ Kỳ, hiện nay công tác đàm phán đang được tiến hành.

Theo bài báo, Trung Quốc đưa ra hai loại giá chào hàng đối với Thổ Nhĩ Kỳ, một loại khác là giá chuyển nhượng bản vẽ thiết kế, chế tạo tại Thổ Nhĩ Kỳ. Theo tờ "Kanwa", giá chào hàng để Thổ Nhĩ Kỳ tự chế tạo cao hơn 40% so với giá chào hàng chế tạo tại Trung Quốc, vì vậy Trung Quốc cho rằng cân nhắc từ góc độ hiệu quả kinh tế, giá thành chế tạo tàu tấn công đổ bộ ở Đại Liên sẽ thấp hơn.

Tàu vận tải đổ bộ Type 071 Côn Luân Sơn của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc
Tàu vận tải đổ bộ Type 071 Côn Luân Sơn của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc

Tàu tấn công đổ bộ lớp 20.000 tấn mà tờ "Kanwa" nhắc tới trên thực tế là sản phẩm đã xuất hiện tại Triển lãm quốc phòng Bangkok Thái Lan vào đầu tháng 3 năm 2012. Theo tiết lộ của tờ "Jane's Defense Weekly", loại tàu này dài khoảng 211 m, tốc độ lớn nhất là 23 hải lý/giờ, có thể mang theo 8 máy bay trực thăng, đồng thời có không gian nhà chứa cho 4 máy bay trực thăng, khả năng chạy liên tục là 25-30 ngày, có thể cung cấp chỗ ở cho 1.068 binh sĩ thủy quân lục chiến.

Tàu này áp dụng các đặc điểm thiết kế và một số bộ cảm biến tương tự tàu vận tải đổ bộ Type 071 (LPD) đã biên chế cho Hải quân Trung Quốc, trang bị 2 pháo phòng thủ gần Type 730 và 2 hệ thống tên lửa hạm đối không tầm gần Phi Long-3000N (HQ-10). Ngoài ra, tàu này còn trang bị 2 khẩu pháo AK-176, hiện vẫn chưa rõ phiên bản Trung Quốc chào hàng Thổ Nhĩ Kỳ có những vũ khí kể trên hay không.

Hải quân Trung Quốc coi trọng “công trình 081”

Bài báo cho rằng, tàu tấn công đổ bộ được gọi là “bán tàu sân bay”, kiêm kiểm soát bầu trời trên biển và tác chiến đổ bộ, hiệu quả của nó tương đối cao so với các loại tàu chiến mặt nước, công nghệ lại phức tạp, chỉ có số ít quốc gia nắm được bí quyết chế tạo, vì vậy tạo nên cục diện “đầu cơ kiếm lợi”.

Trung Quốc trang bị toàn bộ 3 tàu vận tải đổ bộ Type 071 hiện có gồm Trường Bạch Sơn (số hiệu 989), Tỉnh Cương Sơn (số hiệu 998), Côn Luân Sơn (số hiệu 999) cho Hạm đội Nam Hải - lực lượng phụ trách tác chiến trên biển Đông.
Trung Quốc trang bị toàn bộ 3 tàu vận tải đổ bộ Type 071 hiện có gồm Trường Bạch Sơn (số hiệu 989), Tỉnh Cương Sơn (số hiệu 998), Côn Luân Sơn (số hiệu 999) cho Hạm đội Nam Hải - lực lượng phụ trách tác chiến trên biển Đông.

Theo tờ “Jane's Defense Weekly”, tàu tấn công đổ bộ có thể thông qua máy bay trực thăng để vận chuyển binh sĩ, tiến hành đổ bộ thẳng đứng, nâng cao tính bất ngờ, tính nhanh chóng và tính cơ động cho tác chiến đổ bộ.

Điều quan trọng hơn là, một bộ phận tàu tấn công đổ bộ có thể mang theo máy bay chiến đấu cất/hạ cánh thẳng đứng, có thể dùng để tiến hành chi viện hỏa lực cho lực lượng đổ bộ, cộng với tàu tấn công đổ bộ có ụ tàu, có thể mang theo tàu đệm khí dùng cho đổ bộ, tiến hành đánh chiếm “lập thể” đối với bãi biển hay bãi đảo/đá ngầm.

Hiện nay, tàu tấn công đổ bộ lớn nhất thế giới là tàu USS America, lượng giãn nước trên 40.000 tấn, lớn hơn cả tàu sân bay hạng nhẹ thực sự của một số nước, là “đại ca” trong gia tộc tàu chiến đổ bộ. Ngoài ra, các tàu lớp Mistral của Pháp, lớp Dokdo của Hàn Quốc, lớp Juan Carlos I của Tây Ban Nha cũng đều là tàu tấn công đổ bộ điển hình.

Xét thấy tàu tấn công đổ bộ thuộc hàng quân sự chất lượng cao, Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ đã chú ý đến phương án tàu tấn công đổ bộ của Trung Quốc, phần nào phản ánh được thực lực của công nghiệp đóng tàu của Trung Quốc. Điều cần chỉ ra là, phiên bản tàu tấn công đổ bộ được Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm lại không được Hải quân Trung Quốc chú ý, có thể thấy Hải quân Trung Quốc có tham vọng và ý đồ chiến lược lớn hơn.

Có chuyên gia cho rằng, tàu tấn công đổ bộ mà Hải quân Trung Quốc quan tâm là “công trình 081” đã được tuyên truyền bấy lâu nay, tàu tấn công đổ bộ phiên bản xuất khẩu chính là phiên bản đơn giản hóa của nó.

Mô hình tàu tấn công đổ bộ Type 081 của Trung Quốc tại Triển lãm quốc phòng Bangkok, Thái Lan.
Mô hình tàu tấn công đổ bộ Type 081 của Trung Quốc tại Triển lãm quốc phòng Bangkok, Thái Lan.

Theo tờ “Jane's Defense Weekly”, những thông tin về tàu tấn công đổ bộ Type 081 đã xuất hiện ngay sau khi chiếc tàu vận tải đổ bộ Type 071 đầu tiên hạ thủy không lâu. Năm 2007, tại Triển lãm hàng hải Singapore, một đại diện doanh nghiệp đóng tàu Trung Quốc đã xác nhận sự tồn tại của “công trình 081” với phóng viên tờ “Jane’s”.

Được biết, tàu tấn công đổ bộ Type 081 có điểm giống với tàu lớp Mistral của Pháp, truyền thông nước ngoài liên tưởng đến hồi ký của cựu lãnh đạo Hải quân Trung Quốc Lưu Hoa Thanh, trong đó có liên quan đến chi tiết trao đổi công nghệ hải quân giữa Trung Quốc và Pháp.

Có chuyên gia cho rằng, tàu đổ bộ cỡ lớn tương tự như 071, 081: trong thời chiến sẽ được tiến hành đổ bộ vượt đường chân trời và cũng có thể thực hiện nhiệm vụ chống tàu ngầm; còn trong thời bình giúp cho Trung Quốc tăng cường năng lực điều động lực lượng, đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với các hoạt động cứu trợ nhân đạo.

Năm 2011, Trung Quốc tiến hành hoạt động rút người Hoa về nước với quy mô lớn nhất, nhưng khi đó Hải quân Trung Quốc chỉ điều tàu hộ vệ đến hộ tống, nếu sở hữu tàu chiến đổ bộ cỡ lớn như 081, 071, thì sẽ có thể trực tiếp dùng để rút người Hoa. Ngoài ra, loại tàu chiến này có trọng tải lớn, khả năng chạy liên tục dài, đặc biệt thích hợp cho hoàn thành nhiệm vụ hộ tống ở vịnh Aden hay các hoạt động an ninh phi truyền thống trong thời gian dài.

Tàu tấn công đổ bộ Type 081 Trung Quốc được thiết kế có điểm giống với tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral Pháp (trong hình).
Tàu tấn công đổ bộ Type 081 Trung Quốc được thiết kế có điểm giống với tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral Pháp (trong hình).
Việt Dũng