- Các quốc gia châu Á đang tự quay quanh trục của mình nhưng bị ảnh hưởng bởi cạnh tranh Mỹ - Trung.
- Sẽ không có các khối liên minh kiểu Chiến tranh Lạnh được hình thành.
- Đối tác của quốc gia này có thể là đối tượng, đối thủ của một quốc gia khác. Các trục quan hệ nảy sinh để kiềm chế, ngăn chặn lẫn nhau.
Trong quãng thời gian một vài năm trở lại đây, người dân châu Á rõ ràng đang chứng kiến một sự thật là tình hình địa chính trị ở khu vực châu Á đang thay đổi theo chiều hướng phức tạp. Dư luận được thể hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng ở khu vực rõ ràng cho thấy đang có sự cạnh tranh rất gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc.
Chính quyền Hoa Kỳ đang dần hiện thực hóa chiến lược xoay trục sang sang Châu Á Thái Bình Dương, nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin đang lâm vào khủng hoảng kinh tế mà hệ lụy trực tiếp xuất phát từ các đòn trừng phạt của phương Tây và giá dầu mỏ giảm mạnh.
Lãnh đạo Nga - Trung Quốc |
Trong khi đó, Trung Quốc – một quốc gia lớn nhất trong châu lục đang gia sức phát triển quân đội, vừa duy trì chủ trương vừa hiện thực hóa các tuyên bố đòi hỏi chủ quyền khó chấp nhận thông qua các hành động thực trong quan hệ với các nước láng giềng.
Bất chấp việc Mỹ đang củng cố các mối quan hệ đồng minh, đối tác tại châu Á Thái Bình Dương, Trung Quốc vẫn đang tìm cách hất cẳng sự hiện diện cũng như vai trò ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại khu vực bằng mọi giá.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, rất ít người để ý rằng, thực tế, khu vực châu Á sở dĩ trở lên năng động chính là bởi vì nó xoay quanh môi trường cạnh tranh của trục quan hệ Mỹ - Trung – mối quan hệ đã tạo ra các cam kết, ràng buộc mới giữa hai kẻ thù mới.
Cũng chính mối quan hệ đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến cho khu toàn bộ khu vực châu Á đang bị lấn sâu vào quá trình tái, hợp địa chính trị rộng lớn chưa từng có, thậm, quá trình này còn có thể vượt khỏi những dự đoán và trông đợi của các nhà phân tích khi nói về tương lai chiến lược của khu vực.
Hiện nay, không chấp nhận chính sách chỉ trích, trừng phạt của phương Tây, chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đang chuyển hướng chiến lược sang khu vực phía Đông, trong đó Moscow coi Trung Quốc là một đối tác quan trọng mặc dù thực tế là trong mối quan hệ Trung – Nga chưa bao giờ có sự tin cậy nhau tuyệt đối.
Moscow thực hiện chiến lược chuyển dịch sang phía Đông bằng các thỏa thuận cung cấp khí đối trị giá hàng trăm tỷ USD với đối tác Trung Quốc trong 30 năm với hy vọng (theo các nhà phân tích) là xây dựng được mối quan hệ liên minh chống lại thế giới phương Tây cùng đối tác Bắc Kinh.
Nga và Trung Quốc cũng đang lên kế hoạch cùng nhau tổ chức, tiến hành các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn mang nhiều màu sắc chính trị, răn đe các đối thủ tiền tàng. Về mặt tư tưởng, lãnh đạo của Moscow và Bắc Kinh đang đoàn kết với nhau trong cuộc cạnh tranh chống lại phương Tây trên quy mô quốc gia và cả trên các diễn đàn, tổ chức quốc tế.
Giới quan sát bình luận rằng “Tổng thống Nga Vladimir Putin đang sử dụng bàn tay yếu lực vì trọng thương để chơi ván bài địa chính trị với giá trị cược cao” bởi thực tế hiện nay, một Trung Quốc có tiềm lực kinh tế mạnh, tham vọng có thể qua mặt, lấn át nước Nga suy yếu vào bất cứ lúc nào.
Trong cuộc chơi với Trung Quốc và các đối thủ khác, Bắc Kinh được đánh giá là người đang nắm quân bài chủ, đặc biệt là trong các cuộc đàm phán thương mại song phương cũng như các “câu lạc bộ” chung giống như mô hình Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO).
Tuy nhiên, các lựa chọn chiến lược của ông Putin khi chuyển mình sang hướng Đông cũng không hẳn chỉ có lợi cho Trung Quốc. Cách chơi của Moscow ở phương Đông cũng thắp lên vài hy vọng ở Nhật Bản và một số nơi nào đó mà chính quyền của Nga coi họ là đối tác, trái ngược với ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực.
Trong khi Trung Quốc đang nổi lên như một thế lực đáng quan ngại ở khu vực châu Á thì Nhật Bản cũng đang tham gia vào quá trình định hình tương lai của khu vực. Nhật Bản chủ động bước đi, tránh sự lệ thuộc hoàn toàn vào Mỹ, thiết lập quan hệ đối tác quan trọng với nhiều quốc gia có cùng quan điểm giống mình trong khu vực Đông Nam Á.
Chính quyền Tokyo hiện nay đang âm thầm và công khai thực hiện chiến lược cải thiện vị thế của mình trong cơ cấu sức mạnh ở châu Á. Nhật Bản cũng đang đầu tư, hợp tác rất mạnh với đồng minh mới Ấn Độ, quốc gia đóng vai trò quan trọng, nắm giữ vị trí địa chiến lược nơi án ngữ lối vào – lối ra của Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt tay với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trước cuộc hội đàm tại Tokyo tháng 12/2013 (ảnh minh họa) |
Ở khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản đang tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, ngoại giao, quân sự với các quốc gia nòng cốt như Indonesia, Việt Nam và Myanmar.
Vấn đề lịch sử cho đến nay vẫn tạo nên một chướng ngại vật khó giải quyết trong quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Chính điều này đã tạo nên một cuộc tái hợp, chia cắt chiến lược giữa Tokyo – Seoul cũng như giữa Seoul – Bắc Kinh.
Một phần trong chiến lược xây dựng hậu thuẫn của mình ở trong nước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đều cũng đã sử dụng vấn đề lịch sử của Nhật Bản để tìm kiếm ảnh hưởng.
Chính quyền của ông Tập Cận Bình và bà Park Geun-hye về cơ bản có lập trường chống lại chính quyền của ông Shinzo Abe vì “những kỷ lục của Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới” khi đó Hàn Quốc và Trung Quốc là các nạn nhân.
Chính vấn đề lịch sử cũng là nguyên nhân dẫn đến các mâu thuẫn, căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc – hai quốc gia được xem là đồng minh lớn nhất của Mỹ ở khu vực Đông Bắc Á nói chung và châu Á nói riêng.
Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (ảnh minh họa) |
Giai đoạn hiện nay, trong khi Mỹ đang cố gắng thúc giục Hàn Quốc và Nhật Bản sửa chữa, khôi phục quan hệ thì lại xuất hiện các “va đập” giữa Bắc Triều Tiên và đồng minh lớn nhất của nước này là Trung Quốc.
Sau khi nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong Un của Bắc Triều Tiên cho thi hành mệnh lệnh xử tử đối với người chú họ Jang Song Thaek – người được xem là đồng minh mạnh nhất của Bắc Kinh trong hành lang quyền lực ở Bình Nhưỡng thì quan hệ giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc đã trở lên nguội lạnh.
Ông Tập Cận Bình – Chủ tịch nước Trung Quốc thậm chí đã phá lệ, tiến hành gặp gỡ Tổng thống Hàn Quốc trước khi nhìn mặt ông Kim Jong Un khiến nhà lãnh đạo trẻ vô cùng căm tức bởi Hàn Quốc được Bắc Triều Tiên coi là kẻ thù không đội trời chung.
Đáp trả lại Trung Quốc, chính quyền của ông Kim Jong Un đã tỏ ra cởi mở hơn với chính quyền Nhật Bản. Quan hệ giữa Tokyo và Bình Nhưỡng ấm lên lại làm cho Seoul vô cùng quan ngại.
Từ trước đến nay, Ấn Độ luôn duy trì quan hệ ngoại giao và quân sự tốt đẹp với Nga, hai bên chưa hề có mâu thuẫn dù là nhỏ nhất ngoại trừ một số phiền hà liên quan đến mua bán vũ khí, trong đó Ấn Độ chê Nga chậm tiến độ.
Tuy nhiên, khi những cái bắt tay và những hợp đồng liên tiếp được ký kết giữa Nga và Trung Quốc xuất hiện thì cũng là lúc Ấn Độ bày tỏ quan ngại, đặc biệt là những thỏa thuận của ông Putin và ông Tập Cận Bình về nằng lượng và công nghệ quân sự.
Quan hệ Nga – Trung Quốc đã và đang đặt ra sức ép với mối quan hệ liên minh truyền thống giữa Nga và Ấn Độ vốn chủ yếu xoay quanh các hợp đồng hợp tác, cung cấp vũ khí của Nga cho quân đội đang hiện đại hóa nhanh chóng của Ấn Độ.
Hơn nữa gần đây, ông Putin cũng đã cam kết công khai rằng sẽ tìm cách làm sâu sắc hơn mối quan hệ với Pakistan – kẻ thù truyền kiếp của Ấn Độ, đồng minh tin cậy, thân thiết nhất của Trung Quốc.
Chính điều này đã nảy sinh nghi ngờ từ New Delhi buộc giới chức nước này liên kết với Mỹ bên cạnh một nước Nga đang ngả về vòng tay TQ, đối thủ tiềm tàng của Ấn Độ trong quá khứ lẫn hiện tại.
Một vấn đề gây phân hóa, tái hợp địa chính trị khác cũng cần phải nhắc đến là chính quyền của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lại rất cởi mở trong vấn đề hợp tác kinh tế, quân sự với Israel, quốc gia được xem như cái gai trong mắt trong thế giới A Rập.
Điều này gây sự chú ý lớn bởi Ấn Độ là một trong những quốc gia có dân số theo đạo Hồi lớn nhất thế giới, nơi có truyền thống ủng hộ người A Rập trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, có quan hệ chặt chẽ về văn hóa với Iran – quốc gia từng tuyên bố xóa sổ Israel khỏi bản đồ thế giới.
Thủ tướng Ấn Độ gần đây cũng đã tiến hành gặp gỡ đối tác cùng cấp ở Israel và cuộc gặp gỡ này được xem là đầu tiên trong vòng 1 thập kỷ nay. Một sự thật đáng chú ý nữa là Bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ hiện nay lại là bạn lâu năm của Bộ trưởng nội vụ Israel.
Theo báo Bloomberg, trong 6 tháng vừa qua, Ấn Độ đã mua số lượng vũ khí của Israel lớn hơn nhiều số lượng trong 3 năm trước đó cộng lại. Ấn Độ và Israel cũng đang hợp tác để phát triển công nghệ tên lửa tầm xa siêu thanh cũng như sẵn sàng cùng nhau tập trận chống khủng bố.
Myanmar |
Cuối cùng, Myanmar được nhắc tới như là một trong những quốc gia đang quay trong trục xoay của chính nó giống như toàn bộ trục xoay mà khu vực châu Á đang quay quanh.
Myanmar từ lâu vẫn được xem là nước nằm vòng cương tỏa và ảnh hưởng của Trung Quốc nhưng kể từ khi tiến trình cải cách chính trị ở nước này được thực hiện, Myanmar lại tỏ ra cởi mở trong quan hệ hợp tác kinh tế, chính trị, ngoại giao với các đối thủ của Trung Quốc là Ấn Độ, Nhật Bản. Mỹ.
Tương lai của tiến trình cải cách ở Myanmar hiện nay vẫn chưa có kết quả rõ ràng nhưng về cơ bản nhiều mục tiêu đã sớm gặt hái được thành quả từ quá trình cải cách thể chế quân quản ở nước này, đặc biệt là sự độc lập về kinh tế.
Tuy nhiên, với Myanmar, mọi lựa chọn vẫn đang trong quá trình diễn ra trong lúc chính quyền nước này đang làm quen với mô hình thể chế dân chủ và sửa đổi luật pháp.
Giới quan sát cho rằng, Myanmar, từ một quốc gia ít được nhắc đến bỗng nhiên trở thành một điểm sáng, một quốc gia nòng cốt ở khu vực châu Á nơi chứng kiến sự cạnh tranh ảnh hưởng của nhiều cường quốc giàu có, hùng mạnh.
Myanmar đang trong quá trình sắp xếp lại các mối quan hệ với nước ngoài cả trong và ngoài khu vực để khẳng định mình cũng giống như những gì đang diễn ra với trục xoay, hay nói khác là sự thay đổi địa chính trị của toàn bộ khu vực châu Á.
Daniel Twining |
Theo Daniel Twining - học giả cao cấp chuyên nghiên cứu tình hình chính trị châu Á của Qũy German Marshall Fund, cựu thành viên của Uỷ ban hoạch định chính sách ngoại giao của Ngoại trưởng Mỹ giai đoạn 2007 -2009, bản chất của bức tranh địa chính trị hiện nay ở châu Á đó chỉ là việc từng quốc gia vận hành như thế nào dưới sự ảnh hưởng của môi trường cạnh tranh giữa Bắc Kinh và Washington.
Những quốc gia của khu vực đang tạo ra những thực tế mới và chúng có thể dẫn đến những kết quả khó ngờ như: ngăn chặn được xung đột Mỹ - Trung Quốc, ngăn chặn ý đồ mong muốn thiết lập được “mô hình quan hệ cường quốc mới” được lãnh đạo TQ mơ tưởng trong quan hệ với Hoa Kỳ, trong đó xóa bỏ vai trò và tiếng nói của những nước có “thể trạng” yếu hơn TQ.
Trên một bài phân tích được hãng tin Nikkei Asian Reviw đăng tải tháng 12/2014, học giả Daniel Twining đưa ra khuyến nghị rằng để đạt được các mục tiêu của mình Hoa Kỳ buộc phải duy trì sức hút của mình cũng như hỗ trợ các quốc gia bạn bè ở châu Á để định hình được môi trường chiến lược khu vực đi vào trạng thái hòa bình, thịnh vượng như mong muốn của đa số các quốc gia châu Á.