Với những cống hiến hết mình cho cộng đồng, cô Đỗ Thị Ngọc Quý (sinh năm 1983), giáo viên dạy môn Giáo dục Thể chất tại Trường Tiểu học Trà Nóc 2 (quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giảng dạy; đồng thời, được biết đến như một người truyền cảm hứng khi những năm qua, cô đã tổ chức dạy bơi miễn phí cho hàng nghìn học sinh.
Bằng tình yêu thương, sự tận tâm với nghề, năm 2024, cô Đỗ Thị Ngọc Quý vinh dự được nhận danh hiệu “Nhà giáo tiêu biểu 2024” - phần thưởng được trao cho những giáo viên có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy và nghiên cứu, nhằm khuyến khích phong trào đổi mới sáng tạo trong ngành giáo dục.
Chia sẻ về vinh dự này, cô Quý không khỏi xúc động: “Tôi rất tự hào và hạnh phúc. Đây không chỉ là sự ghi nhận cho những nỗ lực và cống hiến trong sự nghiệp giáo dục, mà còn là động lực thúc đẩy bản thân không ngừng tiếp tục phát huy những giá trị tích cực trong ngành giáo dục...”.
8 năm miệt mài dạy bơi miễn phí
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Đỗ Thị Ngọc Quý chia sẻ, trong một lần tình cờ trò chuyện với thầy giáo thể dục, cô đã tìm thấy sự đồng điệu về niềm đam mê thể thao. “Chính những chia sẻ, tâm sự về chuyện đời, chuyện nghề ấy đã thôi thúc bản thân tôi phải theo đuổi sự nghiệp 'trồng người', cũng là động lực lớn, giúp tôi quyết định gắn bó và cống hiến với con đường dạy học này. Và tôi chính thức trở thành giáo viên dạy môn Thể dục ở bậc tiểu học từ năm 2006” - cô Quý nhớ lại.
Suốt 8 năm qua, cô giáo Đỗ Thị Ngọc Quý đã duy trì tổ chức lớp dạy bơi miễn phí, cho các em học sinh. Mỗi năm, cô đã giúp khoảng 200 học sinh biết bơi, nhiều em đạt thành tích ở các hội thao của quận và thành phố.
Lớp học bơi của cô Quý thường bắt đầu vào thứ Hai, Tư, Sáu, lúc 16 giờ 20 phút, sau khi học sinh tan học. Thấy cô Quý dạy bơi miễn phí, Trường Tiểu học Trà Nóc 2 cũng hỗ trợ cô thuê xe 16 chỗ để đưa đón học sinh. Sau giờ học, cô Quý thường đón học sinh ở cổng trường, rồi đưa các em lên xe để di chuyển đến hồ bơi, đối với những em học sinh tan trễ, cô sẽ trực tiếp chở đi bằng xe máy.
Sau khi điểm danh học sinh, cô Quý sẽ cẩn thận hỏi thăm từng em về tình trạng sức khỏe, kiểm tra các đồ dùng và hướng dẫn bài tập khởi động, trước khi thực hiện các động tác bơi dưới nước.
Chia sẻ về lý do mở lớp dạy bơi miễn phí, cô Đỗ Thị Ngọc Quý cho biết: “Địa hình sông ngòi chằng chịt ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn về đuối nước cho trẻ. Thực tế, đã có nhiều vụ trẻ em bị đuối nước thương tâm, đã trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều gia đình.
Để giảm thiểu, ngăn chặn những sự cố, tai nạn ấy, tôi quyết tâm mở lớp dạy bơi miễn phí. Tôi may mắn nhận được sự ủng hộ của nhà trường và phụ huynh, còn các em học sinh thì vô cùng thích thú".
“Thú thực, ban đầu, khi thực hiện lớp dạy bơi miễn phí, tôi gặp nhiều khó khăn do phụ huynh chưa tin tưởng. Sau một thời gian giảng dạy, tôi dần rút ra được nhiều kinh nghiệm, số lượng học sinh theo học và biết bơi đạt tỉ lệ cao. Học sinh theo học ngày một nhiều hơn.
Trung bình mỗi năm, tôi tham gia tổ chức 3-6 khóa dạy bơi, mỗi lớp khoảng 40-50 em, chủ yếu là học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Đến nay, nhờ lớp dạy bơi miễn phí mà tỉ lệ học sinh biết bơi ở trường đạt hơn 80%” - nữ giáo viên cho biết thêm.
Về kinh phí duy trì lớp dạy bơi, cô giáo Đỗ Thị Ngọc Quý chia sẻ: “Để có thể duy trì lớp dạy bơi, tôi đã xin ý kiến Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Trà Nóc 2, vận động xã hội hóa, để thuê xe đưa học sinh đến nơi tập luyện, trả chi phí thuê hồ bơi.
Ngoài ra, tôi kết nối với một số giáo viên dạy bơi, để huấn luyện các kỹ năng, quản lý các em trong các buổi học. Gần đây, quản lý hồ bơi đã hỗ trợ miễn phí 100% cho học sinh trong các lớp dạy bơi miễn phí này”.
Đến nay, sau 8 năm miệt mài và tận tụy, cô Quý đã “phổ cập bơi” miễn phí cho hơn 1.500 học sinh, trong đó có gần một nửa là các em có hoàn cảnh khó khăn.
"Cô ơi, sao cô không cười giống cô chủ nhiệm em ạ?"
Tâm sự về nghề, cô Quý nhấn mạnh: “Vai trò của môn Giáo dục Thể chất đang ngày càng trở nên quan trọng. Môn học này giúp các em học sinh phát triển về thể lực, nâng cao tinh thần, năng lực xã hội và kỹ năng hợp tác.
Tuy nhiên, cũng có những khoảng thời gian ban đầu, khi mới bước chân vào nghề, tôi cũng có những lo lắng nhất định. Ngày đầu tiên đứng lớp, tôi cảm thấy khá hồi hộp... Các em học sinh còn quá nhỏ, chưa hiểu được tầm quan trọng của việc học thể dục. Điều đó cũng là một phần khiến tôi căng thẳng. Tôi nhớ mãi khoảnh khắc mà một học sinh hỏi: 'Cô ơi, sao cô không cười giống cô chủ nhiệm em ạ?'.
Trong giây phút đó, tôi nhận ra rằng sự gần gũi, thân thiện rất cần thiết để tạo nên một môi trường học tập tích cực. Ký ức về những ngày đầu ấy, là bài học cho tôi về sức mạnh của tình yêu thương và sự kiên trì trong việc giáo dục thể chất cho các em”.
“Đặc biệt, trong năm học 2006-2007, tôi đối mặt với một thách thức lớn, khi gặp một số học sinh đồng bào dân tộc Khmer có điều kiện khó khăn, còn rất nhút nhát, thiếu tự tin. Để khuyến khích các em tham gia học tập và vui chơi, tôi thường xuyên tổ chức các hoạt động nhóm, hoạt động ngoại khóa, giúp các em không chỉ học kiến thức mà còn phát triển kỹ năng xã hội.
Ngoài ra, vấn đề ngôn ngữ cũng là một thách thức lớn. Nhiều em học sinh sử dụng tiếng Việt chưa tốt, dẫn đến khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức và tham gia các hoạt động học tập. Cô trò nhiều khi chỉ có thể giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ hình thể” - cô kể.
Chia sẻ về dự định của mình trong tương lai, cô Quý bày tỏ: “Tôi mong muốn mở rộng các câu lạc bộ ngoại khóa như bóng đá, cầu lông, cờ vua, bơi lội, aerobic… và đưa hoạt động này gắn liền với các dự án cộng đồng. Ngoài ra, tôi dự định tổ chức các buổi giao lưu thể thao giữa các trường học hoặc tổ chức các hoạt động thiện nguyện hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Với những kinh nghiệm tích lũy từ nghề giáo, tôi hy vọng sẽ tạo ra ảnh hưởng tích cực không chỉ trong môi trường học đường, mà còn lan tỏa tới cộng đồng. Để góp phần xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh và năng động”.
Cô Nguyễn Kiều Phương, Trưởng phòng Giáo dục quận Bình Thuỷ (Cần Thơ) cho biết: “Cô giáo Đỗ Thị Ngọc Quý vinh dự nhận danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu 2024, là niềm tự hào của không chỉ Trường Tiểu học Trà Nóc 2, mà còn là niềm tự hào của tất cả các trường trên địa bàn quận.
Cô Quý là người tích cực trong các hoạt động, có ý thức phấn đấu, nhiệt tình, năng nổ, biết quan tâm đến công tác "phổ cập bơi" cho học sinh. Cô cũng là giáo viên giỏi, có nhiều đóng góp trong công tác xã hội như công tác thiện nguyện, hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào lũ lụt. Trong thời gian tới, chúng tôi mong rằng, cô giáo Ngọc Quý sẽ nỗ lực, cống hiến nhiều hơn cho nhà trường, cho địa phương, để tạo sức lan tỏa trong ngành, để xứng đáng với danh hiệu này”.