Trung Quốc phát tín hiệu nghiên cứu chế tạo tàu sân bay hạt nhân

15/06/2013 17:12
Đông Bình
(GDVN) - Trong tình hình biển Hoa Đông và biển Đông nhanh chóng thay đổi, Trung Quốc cấp bách mong muốn mở rộng thực lực hải quân, chế tạo tàu sân bay động cơ hạt nhân đương nhiên được đặt lên chương trình làm việc hàng ngày.
Tàu sân bay động cơ hạt nhân tương lai của Hải quân Trung Quốc - do dân mạng tưởng tượng.
Tàu sân bay động cơ hạt nhân tương lai của Hải quân Trung Quốc - do dân mạng tưởng tượng.

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc vừa có bài viết cho rằng, tàu sân bay Ulyanovsk cuối thời Liên Xô không thể đi vào hoạt động, nhưng nó để lại bài học kinh nghiệm cho quá trình thiết kế, chế tạo, có thể dùng để Trung Quốc tham khảo theo đuổi giấc mộng tàu sân bay động cơ hạt nhân.

Các nguồn tin chính thức cho biết, gần đây, tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh của Trung Quốc tiếp tục ra biển. Sau khi biên chế thuận lợi tàu sân bay động cơ thông thường Liêu Ninh, tự chủ chế tạo tàu sân bay động cơ hạt nhân được coi là mục tiêu tương lai của Hải quân Trung Quốc.

Trước đó, trang mạng của Tập đoàn công nghiệp nặng tàu thủy Trung Quốc cho biết, chương trình "nghiên cứu an toàn và công nghệ then chốt tàu thủy động cơ hạt nhân" và "công nghệ lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ và ứng dụng mô hình của nó" của Bộ Khoa học công nghệ chính thức được lập hồ sơ, được dư luận cho là tín hiệu Trung Quốc sẽ bắt tay nghiên cứu phát triển tàu sân bay động cơ hạt nhân.

Có phân tích cho rằng, Trung Quốc sẽ thực hiện kế hoạch chế tạo tàu sân bay theo từng giai đoạn, giai đoạn thứ nhất sẽ chế tạo 4 tàu sân bay động cơ thông thường, giai đoạn thứ hai sẽ chế tạo ít nhất 2 tàu sân bay động cơ hạt nhân, dự kiến khoảng năm 2020 sẽ bàn giao cho hải quân.

Ngoài ra, theo tờ tạp chí "Quốc phòng châu Á-Thái Bình Dương" Hồng Kông, mặc dù Trung Quốc có nhiều năm kinh nghiệm trong phát triển tàu ngầm hạt nhân, việc chế tạo tàu sân bay động cơ hạt nhân dù sao cũng là lần đầu tiên tiến hành.

Trong tình hình không thể kiếm được tài liệu công nghệ từ châu Âu và Mỹ, Nga và Ukraine vẫn sẽ đóng vai trò "viện trợ bên ngoài" về công nghệ cho tàu sân bay động cơ hạt nhân của Trung Quốc. Vào thập niên 80 của thế kỷ 20, Liên Xô thực sự từng chế tạo tàu sân bay động cơ hạt nhân Ulyanovsk tại nhà máy đóng tàu Black Sea của Ukraine, kinh nghiệm thiết kế, chế tạo tàu này có thể cung cấp cho Trung Quốc tham khảo.

Tàu sân bay động cơ thông thường đầu tiên Liêu Ninh - Hải quân Trung Quốc.
Tàu sân bay động cơ thông thường đầu tiên Liêu Ninh - Hải quân Trung Quốc.

Từng là ngôi sao hy vọng của Hải quân Liên Xô

Tàu sân bay Ulyanovsk mang tên "Công trình 1143.7" là phiên bản cải tiến của tàu sân bay động cơ thông thường "Nguyên soái hải quân Kuznetsov" (Công trình 1143.5) và Varyag (Công trình 1143.6). Tàu này không chỉ trang bị lò phản ứng hạt nhân, số lượng máy bay trên tàu cũng tăng lên, đồng thời còn lắp máy phóng hơi nước.

Cục thiết kế Neva triển khai công tác thiết kế vào năm 1984, bản kế hoạch được phê chuẩn vào năm 1986, bản kế hoạch chi tiết toàn bộ con tàu được xét duyệt vào tháng 10 năm 1987. Những nhà thiết kế đầu tiên của chương trình này lần lượt do L.V. Belov và Yu.M. Vafolormeev đảm nhiệm.

Tàu sân bay "Công trình 1143.7" dài 321 m, mạn tàu rộng 79,5 m, đường băng kiểu nhảy cầu ở mũi tàu dài 33 m, lượng giãn nước tiêu chuẩn là 62.580 tấn, khởi công ngày 22 tháng 11 năm 1988, nhà máy tên là "Sản phẩm 107", dự kiến đưa vào hoạt động năm 1995, chi phí chế tạo khi đó là 800 triệu rúp.

Tàu này do nhà máy đóng tàu Black Sea phụ trách thi công. Để bảo đảm cho tàu sân bay hoàn thành đúng thời hạn, các dây chuyền sản xuất của nhà máy đóng tàu đều đã tiến hành cải tạo hiện đại hóa, đồng thời đã tăng thêm một số nhà xưởng mới, như nhà xưởng lắp ráp lò phản ứng hạt nhân, nhà xưởng lắp ráp linh kiện máy chính, phòng thử nghiệm thông tin hạt nhân, những nhà xưởng bổ sung này có tổng diện tích lên tới 48.000 m2.

Nhìn vào bề ngoài, thân tàu sân bay "Công trình 1143.7" lớn hơn một chút so với tàu sân bay "Công trình 1143.6" (tiền thân của tàu sân bay Liêu Ninh), có 3 thang máy dành cho máy bay, đảo tàu chếch, hẹp. Tàu sân bay này có rất nhiều trang bị được thiết kế đặc biệt, trang bị 2 máy phóng hơi nước được gọi là Mayak (trong bản thiết kế ban đầu hoàn toàn không có trang bị này), đồng thời có đường băng kiểu nhảy cầu ở mũi tàu dùng để máy bay chiến đấu cất cánh.

Tàu sân bay động cơ thông thường Kuznetsov của Hải quân Nga - tàu chị em với tàu Liêu Ninh.
Tàu sân bay động cơ thông thường Kuznetsov của Hải quân Nga - tàu chị em với tàu Liêu Ninh.

Động cơ hạt nhân của "Công trình 1143.7" được phát triển từ tàu tuần dương lớp Kirov, gồm có lò phản ứng hạt nhân KN-3 và tua-bin khí GT3A-653 đồng bộ, về lý thuyết có thể làm cho khả năng chạy liên tục của tàu sân bay đạt vô hạn, còn tàu sân bay Liên Xô trước đó đều sử dụng nồi hơi xăng dầu truyền thống.

Tàu này có thể mang theo 70 máy bay hải quân, gồm máy bay chiến đấu Su-27K, máy bay chiến đấu MiG-29K, máy bay cảnh báo sớm cánh cố định Yak-44RLD, máy bay trực thăng săn ngầm/tìm kiếm Ka-27 và máy bay trực thăng cảnh báo sớm Ka-31. Dự trữ nhiên liệu và đạn dược cho máy bay hải quân trên tàu cũng nhiều hơn gấp đôi so với tàu sân bay động cơ thông thường.

Về vũ khí trên tàu, tàu sân bay "Công trình 1143.7" trang bị hệ thống tên lửa chống hạm siêu âm P-700 Granit (NATO gọi là SS-N-19 Shipwreck), hệ thống tên lửa hạm đối không Shtil, hệ thống phòng thủ gần Kashtan và pháo bắn siêu nhanh AK-630. Mục tiêu tác chiến chủ yếu nhất của tàu sân bay động cơ hạt nhân này là đoạt lấy quyền kiểm soát biển cục bộ ở biển xa, tiêu diệt mục tiêu chiến lược và hạm đội của kẻ thù dưới sự phối hợp của các tàu chiến khác.

Trong lịch sử chế tạo tàu sân bay Liên Xô, "Công trình 1143.7" có thể nói là một cột mốc, về số lượng mang theo máy bay chiến đấu, nó cơ bản tương đương với tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ khi đó, hỏa lực tấn công-phòng thủ tự thân chỉ hơn chứ không kém. Tóm lại, nếu tàu sân bay "Công trình 1143.7" thực sự đi vào hoạt động, có thể cơ bản đạt được trình độ đỉnh cao nhất của hải quân toàn cầu trong giai đoạn 1995-2000.

Hình chiếu tàu sân bay động cơ hạt nhân Ulyanovsk Nga
Hình chiếu tàu sân bay động cơ hạt nhân Ulyanovsk Nga

Buộc phải dỡ bỏ, công nghệ lưu truyền hậu thế

Các tài liệu ghi lại cho biết, việc lắp ráp thân tàu sân bay Ulyanovsk rất thuận lợi, trước khi Liên Xô tan rã năm 1991, ước chừng đã hoàn thành lắp ráp thân tàu với 2.700 tấn, đồng thời chuẩn bị tiếp tục lắp hệ thống động cơ. Căn cứ vào thiết kế, 4 lò phản ứng hạt nhân của con tàu này có tổng trọng lượng là 1.400 tấn.

Từ năm 1990-1991, nhà máy đóng tàu Black Sea lần lượt nhận được các bộ kiện vận chuyển từ các khu vực khác nhau của Liên Xô, gồm có lò phản ứng, máy phát điện hơi nước, máy lọc nước và ống dẫn hơi nước, năm 1991 hoàn thành công tác hàn nối của tổ máy lò phản ứng đầu tiên, tổ máy thứ hai cũng bước vào giai đoạn hàn nối.

Việc chế tạo tàu sân bay Ulyanovsk hoàn toàn không gặp bất cứ khó khăn công nghệ nào, dự kiến có thể hoàn thành đúng thời hạn, nhà máy Black Sea thậm chí chuẩn bị khởi động chế tạo chiếc tàu tương tự thứ hai vào năm 1992.

Đến tháng 11 năm 1991, tàu sân bay Ulyanovsk đã hoàn thành 17-20%. Nhưng, Liên Xô tan rã đã cắt đứt triệt để cung ứng vốn cho chương trình này, bỏ lại thân tàu khổng lồ và gây trở ngại cho việc chế tạo các tàu khác.

Ngày 4 tháng 2 năm 1992, chính phủ Ukraine đành phải hạ lệnh hạ lệnh vứt bỏ, ngày tiếp theo nhà máy đóng tàu đã tiến hành công tác dỡ bỏ. Tháng 11 cùng năm, công tác tháo dỡ được tuyên bố hoàn thành. Vì vậy tàu sân bay Ulyanovsk không chỉ là tàu sân bay động cơ hạt nhân tiên tiến nhất của Liên Xô, mà cũng đã trở thành tàu sân bay cuối cùng của nước này.

Tàu sân bay động cơ hạt nhân Ulyanovsk của Hải quân Nga đã chết non
Tàu sân bay động cơ hạt nhân Ulyanovsk của Hải quân Nga đã chết non

Bài viết của tờ "Quốc phòng châu Á-Thái Bình Dương" cho rằng, bắt đầu từ Trung Hoa Dân Quốc, chế tạo và sở hữu tàu sân bay chính là mục tiêu của Hải quân Trung Quốc. Tháng 9 năm 2012, tàu sân bay Liêu Ninh hoàn thành chạy thử, nhưng nó vẫn là một chiếc tàu sân bay truyền thống, không thể tuần tra lâu dài trên  biển.

Trong tình hình biển Hoa Đông và biển Đông nhanh chóng thay đổi, Trung Quốc cấp bách mong muốn mở rộng thực lực hải quân, chế tạo tàu sân bay động cơ hạt nhân đương nhiên được đặt lên chương trình làm việc hàng ngày.

Do Trung Quốc không thể có được các nguồn tin công nghệ từ tàu sân bay động cơ hạt nhân từ phương Tây, Nga và Ukraine vẫn có thể đóng vai trò "người hướng dẫn" cho Trung Quốc phát triển tàu sân bay động cơ hạt nhân, kinh nghiệm chế tạo có liên quan đến tàu Ulyanovsk có lẽ là mục tiêu gấp rút tìm hiểu của Trung Quốc. Do sức ép kinh tế và nhu cầu chiến lược, bên thứ ba cũng rất khó ngăn chặn hai nước Nga, Ukraine giúp đỡ cho Trung Quốc.

Đông Bình