Chuyện cỏn con ở Kẻ Chợ

21/08/2016 07:00
Xuân Dương
(GDVN) - Nếu Hà Nội tiếp tục công bố “định mức văn phòng” mới thì dân Kẻ Chợ chắc chắn sẽ hết lòng ủng hộ!

Khi nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói câu “người ta ăn của dân không từ thứ gì”, điểm qua các báo mới thấy bò, dê, lợn, gà đi “lạc” vào nhà quan, không thấy báo nào nói “cỏ mọc nhầm trong vườn quan”.

Có lẽ lúc đó các giống vật - nguyên liệu chính chế biến thành sơn hào hải vị vẫn còn an toàn, vẫn chưa nhiễm chất độc như cá biển mấy tỉnh miền Trung gần đây.

Bây giờ, đang có phong trào tẩy chay rượu ngâm động vật như tắc kè, rắn, cá ngựa hay bộ phận của con dê, thay vào đó là rượu ngâm thực vật như Ba kích, Hà thủ ô hay rượu 138. Hỏi mấy đứa cháu rượu 138 là gì, chúng chỉ cười không nói.

Người Việt hiện đại có câu “ăn Bắc, mặc Nam” nghĩa là các món ăn nấu theo kiểu Bắc - đặc biệt là ẩm thực Hà Nội - thường rất ngon miệng, đạt đến độ tinh tế được quốc tế thừa nhận.

Nói về “mặc”, tức là độ “chịu chơi” thì phải hỏi mấy “anh hai Sài Gòn”.

Dư luận bức xúc vì mỗi năm Hà Nội dùng tới tới 700 tỷ đồng để cắt tỉa cây hoa, cây cảnh (ảnh: kinh tế đô thị).
Dư luận bức xúc vì mỗi năm Hà Nội dùng tới tới 700 tỷ đồng để cắt tỉa cây hoa, cây cảnh (ảnh: kinh tế đô thị).

Có phải xu hướng ăn “thực vật” khiến “một bộ phận nho nhỏ” trong “bộ phận không nhỏ” gần đây chuyển sang ăn… cỏ?

Chuyện này bắt nguồn từ thông tin Chủ tịch Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung cho biết ngân sách phải chi 53 tỷ đồng cho việc “cắt cỏ, tỉa cây” trên đại lộ Thăng Long.

Có lẽ vì thế nên xuất hiện câu đồng dao: “Bộc đừng ăn cỏ đồng xa, ăn cỏ “Kẻ Chợ” mới là cỏ ngon”.

Từ “bộc” thường còn kèm bên trái từ khác song dẫu thiếu một từ dân chúng vẫn hiểu “bộc” là gì, còn nếu có người không hiểu thì đành chờ cho họ hiểu, không nên vội và cũng không vội được!

“Kẻ Chợ” vốn là tên người xưa gọi mảnh đất nghìn năm văn hiến, còn nói “cỏ Kẻ Chợ” là cỏ ngon có thể chưa đúng, có thể là cỏ ngon với “bộc này” nhưng lại là cỏ đắng với “bộc khác”.

Chuyện cỏn con ở Kẻ Chợ ảnh 2

Nhân danh nhân dân để đục khoét tài sản của dân!

Các cụ dạy “đắt xắt ra miếng”, hay “của rẻ là của ôi, của đầy nồi là của không ngon”.

Người đi chợ, ngoại trừ trường hợp bị gian thương lừa, những “của ngon” bao giờ cũng là của đắt.

Tôm sông con to nhất chỉ bằng chiếc đũa ăn cơm, nhảy tanh tách trong rổ, mặc cả giá 200.000 đ/kg, cô bán hàng bảo bác đi mua tôm nuôi, tôm ấy con to mà lại rẻ.

Chỉ công cắt cỏ trên 24 km đại lộ Thăng Long ở Kẻ Chợ, tiền thuế của dân phải chi đã là 53 tỷ đồng, tính ra số “cỏ” này trị giá tương đương với 3.466.667 kg gạo ngon (15.000đ/kg).

Nếu tính theo giá thóc ở đồng bằng Nam Bộ 6.000 đ/kg thì tương đương ngót nghét chín nghìn tấn, giá trị như thế nên bảo cỏ ở Kẻ Chợ là “cỏ ngon” chắc  không sai bởi theo triết lý của các cụ, cỏ đắt thế thì phải là “cỏ ngon” chứ chẳng lẽ lại là “cỏ đắng”?

“Cỏ Kẻ Chợ” ngon thế nên dân Kẻ Chợ tiền đâu mà mua, dù có muốn mua cũng khó cạnh tranh với các “quân xanh, quân đỏ” vì ngay tại phiên Thảo luận về dự thảo Luật Đấu giá tài sản ngày 19/11/2015, nhiều đại biểu cho rằng “tình trạng dàn trận “quân xanh, quân đỏ” khi đấu giá, đấu thầu diễn ra phổ biến và khá nghiêm trọng”. [1]

Có người ngại “đấu thầu” nên chạy vào tận Hậu Giang hay công ty bia đâu đó tưởng kiếm được “cỏ ngon” không ngờ lại vớ toàn “cỏ đắng”!

Ngồi tính kiểu “đếm cua trong lỗ” thì thế này, chiều rộng đại lộ Thăng Long là 140 mét, trừ 8 làn xe và các rào chắn còn lại khoảng 80 mét cho các dải đất dự trữ, cây xanh và cỏ mọc.

Một lao động một ngày cắt tỉa, dọn dẹp, trồng mới… nghĩa là “hầm pà lằng” mọi việc được 3 mét chiều dài (240 mét vuông), một tháng được khoảng 45 mét; 500 thợ một tháng dọn được cả tuyến (24 km).

Mỗi tháng lương thợ cho là 4 triệu, 500 thợ một tháng mất 2 tỷ đồng.

Mỗi tháng cắt cỏ một lần, số tiền chi cho thợ cả năm sẽ là 24 tỷ, phần còn lại là 29 tỷ đồng trừ chi phí phân gio, vật tư không biết bao nhiêu dành cho việc chuyển cỏ về trang trại để “bộc” nghiên cứu?

Vừa qua, sau bão số 2 hàng loạt cây xanh bật gốc còn nguyên bầu bọc lưới ở Hà Nội đã được ông Chủ tịch thành phố hứa làm rõ, ngay sau đó thành phố công bố đích danh mấy ông chỉ đạo, mấy ông nhà thầu nhận trồng cây, việc làm kịp thời này nhận được sự đồng tình, hoan nghênh của những người đóng thuế.

Khi công bố thông tin cắt cỏ trên 24 km đại lộ Thăng Long hết 53 tỷ đồng, chắc chắn ông Chủ tịch Hà Nội đã biết số tiền này được hạch toán như thế nào, giá như ông công bố luôn cho dân biết như vụ cây bật gốc, đừng để cho dân “đếm cua trong lỗ” thì hay biết mấy!

Nhân chuyện “cắt cỏ” trên đại lộ Thăng Long, dân Kẻ Chợ cũng mong ông Chủ tịch thành phố tìm hiểu xem vì sao gói thầu duy trì cây xanh, thảm cỏ đoạn đường Vành đai III đoạn từ nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ đến nút giao Phù Đổng với chiều dài 15 km được thực hiện với mức “thầu” trên 43 tỷ đồng? [2]

Được biết nút giao thông Phù Đổng nằm trên cao tốc Hà Nội-Bắc Giang, từ nút giao Pháp Vân-Cầu Giẽ đến nút giao Phù Đổng chắc chắn phải đi qua cầu Thanh Trì.

Thông số kỹ thuật cầu Thanh Trì cho thấy cầu chính dài 3.084 m với tổng chiều dài (tính cả phần đường dẫn) hơn 12.000 m, tức là 12 km.

Gói thầu dài 15 km, trong đó phần liên quan đến cầu Thanh Trì đã là 12 km, phần còn lại không biết trồng bao nhiêu cỏ?

Chuyện cỏn con ở Kẻ Chợ ảnh 3

"Bớt củi đáy nồi" và lời xin lỗi chân thành của Thủ tướng!

Trên 12 km toàn tuyến cầu Thanh Trì có bao nhiêu đoạn có dải phân cách cây xanh, có bao nhiêu đoạn trồng cỏ, hay là người ta phải tính cả cây xanh, cỏ dại phía dưới gầm cầu?

Thói xấu tồn tại lâu nay “Hà Nội không vội được đâu” đã được Bí thư Thành ủy Hà Nội, Hoàng Trung Hải yêu cầu loại bỏ, thế nhưng vì sao vẫn tồn tại câu chuyện mà Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đề cập: 

Thành phố chỉ đạo xử lý, Chủ tịch huyện Gia Lâm vẫn cho rằng việc... cỏn con”?

Cũng tại Gia Lâm, còn một “việc cỏn con” khác mà báo An ninh Thủ đô đã viết: “Xe quá tải hoạt động ầm ầm trên đường Ỷ Lan”.

Ảnh chụp màn hình Báo An ninh Thủ đô
Ảnh chụp màn hình Báo An ninh Thủ đô

Bài báo trên đăng ngày 20/7/2015, khi ông Nguyễn Đức Chung vẫn còn lãnh đạo Công an thành phố, liệu với cương vị mới, ông còn quan tâm đến vấn đề này, có nên bỏ vài tiếng thị sát hiện trường xem một năm sau báo An ninh Thủ đô nói sai hay đúng?

Chuyện cỏn con ở Kẻ Chợ ảnh 5

Những sai lầm “vụn vặt”: Công tác cán bộ

Mỗi “việc cỏn con” ở Hà Nội có giá vài chục tỷ đồng, nhiều “việc cỏn con” riêng cho “cắt cỏ” gộp lại là 700 tỷ đồng, vậy Hà Nội còn bao nhiêu việc “cỏn con” khác nữa?

Tháng 3/2016, liên quan đến một việc “cỏn con” của Hà Nội trong thi tuyển viên chức giáo dục, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nói: "làm sai thì nhận đi cho tiến bộ". [3]

Quan chức đồng liêu phải “sẵng” với nhau như thế đủ thấy, Hà Nội còn rất nhiều việc phải làm.

Việc cần làm ngay có lẽ là hai vị Bí thư – Chủ tịch thành phố hãy khiến cấp dưới phải biết tuân thủ ý kiến chỉ đạo, phải biết rằng với lãnh đạo ở Hà Nội việc có thể là “cỏn con” cũng như ở Sài Gòn việc có thể “bé bằng cái móng tay” nhưng với người dân đó lại là cuộc sống, là sinh mạng chính trị của một con người, một gia đình.

Cổ nhân dạy “tích tiểu thành đại”, nhiều cái “cỏn con” sẽ thành “cỏn lớn”, nhiều nỗi “bức xúc con” sẽ thành “bức xúc lớn”, khi đã là “bức xúc lớn” thì hậu quả khôn lường, điều đó chẳng phải là lý thuyết, điều đó ai làm lãnh đạo cũng biết, chỉ có điều khi đã biết thì giải quyết như thế nào, giải quyết nhanh hay chậm?

Thành phố đang chuyển mình với những quyết sách, chỉ đạo theo tư duy mới, liệu Hà Nội có nên “tìm người tài, không tìm người nhà”, có nên cứ để các ý kiến của Bí thư, Chủ tịch thành phố bị cấp dưới xem là “việc cỏn con” nên chả việc gì phải vội?

Được biết Hà Nội đã công bố định mức “cắt cỏ” mới, một số công nhân cắt cỏ đã phải nghỉ việc, nếu Hà Nội tiếp tục công bố “định mức văn phòng” mới, nếu một số “cắp ô” tiếp tục được bố trí như người cắt cỏ thì dân Kẻ Chợ chắc chắn sẽ hết lòng ủng hộ.

Vẫn biết lãnh đạo Hà Nội là rất khó vì phải “cân bằng” nhiều yếu tố, song có khó thì mới cần người tài, cần người có tầm, có tâm chứ không phải cần nhà hùng biện.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://www.tienphong.vn/Kinh-Te/ngan-sach-that-thoat-vi-quan-xanh-quan-do-934907.tpo

[2] http://vietnamnet.vn/vn/bat-dong-san/du-an/321723/cat-co-tien-ty-tranh-nhau-thuc-hien-du-an-von-ngan-sach-nha-nuoc.html

[3] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/293073/thu-truong-bo-noi-vu-lam-sai-thi-nhan-di-cho-tien-bo.html

Xuân Dương