Câu hỏi mang tính triết học “con gà sinh ra quả trứng hay quả trứng sinh ra con gà” cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Còn câu hỏi rất đời thường của người Việt: “Vua Con sinh ra Không Vội hay Không Vội sinh ra Vua Con” thì chắc chắn chả cần phải giáo sư – tiến sĩ, chỉ cần người có kiến thức hơn “i tờ” một chút cũng có thể trả lời đúng.
Nói thế vì người ta biết chính xác “Không vội” sinh ngày, tháng, năm nào, ở đâu, không những thế còn biết cả phụ mẫu của “Không vội” nổi tiếng như thế nào.
Nếu có ai đó “cố đấm ăn xôi” mà nói rằng “Không Vội sinh ra Vua Con” thì chắc chắn sẽ nhận đủ “các loại mưa” từ dư luận.
Liệu đã có thể khẳng định năm 2016 này là thời điểm đánh dấu sự chấm dứt “kỷ nguyên” “Hà Nội không vội được đâu"? (Ảnh chưa rõ tên tác giả) |
Có thể nhiều năm sau, con cháu chúng ta sẽ cho xuất bản những tác phẩm văn học, chuyên khảo về Thủ đô trong thời kỳ mà chúng ta gọi là “Hà Nội thời không vội”.
Cũng có thể, rồi sẽ có nhà nghiên cứu ngôn ngữ bỏ công tìm kiếm nguồn gốc xuất xứ của câu “vè” hiện đại “Hà Nội không vội được đâu”.
Còn chúng ta, cư dân “Thời không vội” liệu đã có thể khẳng định năm 2016 này là thời điểm đánh dấu sự chấm dứt “kỷ nguyên” “Hà Nội không vội được đâu”?
Nếu cứ dựa vào thành ngữ dân gian, chẳng hạn “con chị nó đi, con dì nó lớn” hay “con hơn cha, nhà có phúc” thì có lẽ người Kẻ Chợ đành: “Xin chư vị thánh thần ban cho con chút…Vội”.
Không phải là ngẫu nhiên, càng không phải là may mắn khi liên tiếp những ngày qua, hai Ủy viên Bộ chính trị - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cùng mạnh mẽ phê phán quan điểm mang tính “định hướng” một thời chi phối mọi hoạt động của bộ máy công quyền Thủ đô.
Để chuyển từ “Thời không vội” sang thời “Miệng nói tay làm”, thời “Việc hôm nay chớ để ngày mai” liệu có cần giai đoạn quá độ, có cần một thời kỳ chuyển tiếp, chẳng hạn thời “Hà Nội chuẩn bị vội” hoặc thời “Hà Nội sẽ vội”?
Quy luật phủ định và sự đảo chiều cần thiết(GDVN) - Vấn đề hôm nay chúng ta cần làm là hãy trả lời câu hỏi “vấn nạn tham nhũng trong giáo dục” đang ở đâu trong “biểu đồ tham nhũng quốc gia”? |
Người dân đồng tình, hoan nghênh, ủng hộ quyết tâm của các vị lãnh đạo và mong rằng Thủ đô sẽ nêu gương cho cả nước trong chuyện bỏ qua “Thời không vội”.
Nhiều văn kiện, bài báo, công trình nghiên cứu viện dẫn nhận định mang tính kinh điển xuất hiện từ thời kháng chiến:
“Đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước ban hành hoàn toàn đúng, nhưng xuống đến các địa phương thì bị thực hiện sai lệch hoặc thực hiện không đến nơi đến chốn, đánh trống bỏ dùi...”.
Ở “Thời không vội”, nhận định trên thường xuyên được trích dẫn khi đề cập đến thực trạng kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng,…về sự tụt hậu của đất nước so với khu vực và thế giới.
Gần đây, có một bài báo với tít khá thú vị: “Đừng có đổ hết tội cho thể chế”. [1]
Bản thân tít bài cho thấy một cách nhìn biện chứng, rằng không thể phủ nhận “thể chế” không có lỗi.
Cũng “biện chứng” không kém qua tít bài này là “lỗi hệ thống” do nhiều nguyên nhân gây ra chứ không chỉ là chỉ do “thể chế”.
Một khi không được “đổ hết tội cho thể chế” thì cũng có nghĩa là cần nhìn nhận “thể chế” theo quan điểm khoa học, phần nào đúng và phần nào cần xem xét, sửa đổi.
Cùng một chủ trương, chính sách có hiệu lực trên toàn quốc, Đà Nẵng là “thành phố đáng sống” còn thành phố Hồ Chí Minh thì Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng phải thốt lên: “Mọi thứ đều tốt mà vẫn có cướp giật, trộm cắp... Vậy thì lỗi của ai? Chả lẽ lỗi của dân?". [2]
Những vụ xả thải gây ô nhiễm môi trường, phá rừng phòng hộ, hội chứng “đầu tiên”… cho thấy, một “bộ phận không nhỏ” cán bộ thực thi công vụ, bảo vệ pháp luật trong cả ba nhánh quyền lực - lập pháp, hành pháp và tư pháp chưa làm tròn bổn phận là người “canh giấc ngủ” cho dân.
Chẳng những thế họ tự biến mình thành những “ông vua con” – như nhận định mới đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cụm từ “bộ phận không nhỏ” xuất hiện trong Nghị quyết TW4 khóa 11 của Đảng. Sau Đại hội 12, đầu năm 2016 này Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định:
“Nhiều năm qua, những hiện tượng cán bộ, đảng viên sa sút phẩm chất, thoái hoá có chiều hướng gia tăng và ngày càng nghiêm trọng”. [3]
'Hà Nội, không vội được đâu'Chưa bao giờ câu “Hà Nội, không vội được đâu” đúng trong bối cảnh xử lý xe khách “xuyên tâm” (chạy xuyên trung tâm, từ đầu thành phố đến cuối thành phố) như hiện nay. |
Một khi trong “nhiều năm” cả lượng và chất đội ngũ cán bộ, đảng viên đều thay đổi theo “chiều hướng gia tăng và ngày càng nghiêm trọng” thì “bộ phận không nhỏ” có còn “không nhỏ”?
Sự “gia tăng” đến mức “nghiêm trọng” của “bộ phận không nhỏ” liệu đã khiến cho cụm từ “bộ phận không nhỏ” không còn chính xác?
Đôi lúc người ta cứ tưởng “không vội” là đặc sản của Hà Nội, vào Sài Gòn hóa ra “món ngon” này cũng phổ biến không kém. Xin nêu vài sự kiện minh chứng cho nhận định này:
Thứ nhất: Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đề nghị Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cách chức Trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện này vì làm việc không hiệu quả nhưng đến nay những người chịu trách nhiệm thi hành vẫn “không vội”?
Vô số lý do được đưa ra để biện minh cho sự “không vội” của đội ngũ cán bộ thành phố Hồ Chí Minh như Luật Cán bộ, Luật công chức, Viên chức, đặc biệt là “quy trình”… Thậm chí có người còn nêu ý kiến “Bí thư đề nghị cách chức cán bộ có đúng luật?”.
Thứ hai: Vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty L&M Việt Nam liên quan đến hai bị cáo là Nguyễn Thị Bạch Tuyết và Yee Lip Chee.
Tháng 3/2016, trong phiên xử bị cáo Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Hội đồng xét xử đã ra quyết định khởi tố vụ án để làm rõ vai trò, đối tượng chủ mưu là công dân nước ngoài Yee Lip Chee.
Tuy nhiên báo chí vẫn phải nêu câu hỏi vì sao “Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh tiếp tục “câu giờ” khi không áp dụng các biện pháp ngăn chặn và điều tra hành vi phạm tội đối với Yee Lip Chee”. [4] Từ “câu giờ” mà bài báo sử dụng liệu có đồng nghĩa với “không vội”?
Thứ ba: Vụ án “lều vịt” và “quán cà phê Xin Chào”: từ khẳng định của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, có thể thấy lãnh đạo Công an và Kiểm sát huyện Bình Chánh rõ ràng đã phạm tội “Truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội”.
Cuộc chiến với thực phẩm bẩn, đừng để cái đúng thành thiểu số!(GDVN) - Người Việt đang ngập trong cơn bão thực phẩm kém an toàn là do cái đúng còn quá ít, nền giáo dục còn quá nhiều “sạn”... |
Vậy đến bao giờ thì hai người phạm tội này mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Liệu đình chỉ công tác, cách chức có phải là hình thức xử lý cuối cùng?
Hy vọng Bí thư và Chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh sớm có câu trả lời để người dân khỏi mặc cảm, rằng thành phố này cũng vẫn còn đang trong thời kỳ “không vội”.
Góp “công đầu” trong việc làm nên “thời không vội” là các “đầy tớ”. Người ta tình nguyện làm công bộc của dân, phấn đấu làm công bộc của dân, kiên quyết bằng mọi cách trở thành công bộc của dân. Khi thành công bộc rồi, Ngọc Hoàng có vội thì cứ việc, Thiên tử (các vua con) chả dại gì mà vội.
Liệu có phải cái sự “không vội” ấy xuất phát từ tâm lý khá phổ biến, rằng ở đời ai chẳng thương con dứt ruột đẻ ra, ai nỡ bắt con nhịn đói, nhịn khát, ai chẳng muốn con mình hơn “con hàng xóm”.
Khối nơi con cái nhà có tiền hỗn hào với xóm giềng, bố mẹ chúng quát con vài câu, xin lỗi vài câu, vỗ vào mông con vài cái cho thiên hạ khỏi ấm ức, kéo con về nhà dúi cho con tập tiền đi chơi điện tử…
Không biết có sai không nếu nhận định, rằng “không vội” đã trở thành “một nét văn hóa”, một thuộc tính gắn liền với đội ngũ công chức, viên chức “thời không vội” không chỉ ở cả hai thành phố quan trọng mà ở mọi miền đất nước?
Hậu quả đương nhiên là cả một “guồng máy không vội” vận hành “trơn tru” ít nhất là cho đến “hoàng hôn nhiệm kỳ”.
Và người dân, khi đã “thấm nhuần” tư tưởng “không vội” thì “trà đá vỉa hè” sẽ thành biểu tượng đặc trưng khiến Tổng thống Mỹ cũng muốn tìm hiểu.
Trong tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc” (Phần 3: Mấy điều kinh nghiệm) Hồ Chủ Tịch viết: “Tức là vô luận việc gì, đều do người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả". [5]
Trở thành người đứng đầu là để lo “việc nhỏ, việc to, từ gần đến xa” chứ không phải để ngụy biện, để trốn tránh trách nhiệm qua lời khuyên “đừng vội”.
Nếu không hoàn thành nhiệm vụ, hãy dành dũng cảm nói lời xin lỗi trước khi từ chức.
Không dám từ chức, không biết nói lời xin lỗi trước sự yếu kém của cơ quan, địa phương mà mình phụ trách tức là chưa bao giờ biết đến lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bởi lỗi không phải của “địa phương” chung chung, lỗi là của người đứng đầu đã nêu gương xấu cho đội ngũ cán bộ dưới quyền.
Trở lại bài báo “Đừng có đổ hết tội cho thể chế”, rõ ràng là bài báo cũng nhận thấy có cái gì đó mà “thể chế” phải chịu trách nhiệm?
Người viết cho rằng “cái gì đó” ở đây chính là cơ chế “giằng chéo” vốn được sử dụng phổ biến trong các kết cấu thép như cầu, cần trục, mái vòm...
Vậy “cơ chế giằng chéo” cụ thể là gì? Đó là ba thanh giằng gắn với nhau tạo nên một khung tam giác: người lãnh đạo (chủ trương, đường lối), người thực thi và người dân.
Cựu cán bộ công an muốn truy trách nhiệm hình sự Đại tá Quý và Viện phó Tòng(GDVN) - Qua vụ việc “Quán cà phê Xin Chào” và vụ án “cái chòi vịt” đủ cơ sở cho thấy Đại tá Qúy và Viện phó Tòng đã truy tố công dân vô tội. |
Dù là người đứng đầu, là lãnh đạo cao nhất thành phố, ông Đinh La Thăng lại không có quyền cách chức cán bộ trong bộ máy mà ông lãnh đạo.
Trong khi đó, nhiều báo (Tienphong.vn - 8/3/2016, Dantri.com.vn - 11/3/2016…) đều trích dẫn ý kiến của Phó Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh, Thiếu tướng Phan Anh Minh giải đáp câu hỏi “vì sao án tham nhũng do Công an Thành phố phát hiện qua khâu trinh sát ít”, ông Minh nói:
“Tôi xin nói thẳng không phải ít mà là không có vì chúng tôi phải chấp hành Chỉ thị 15. Hầu hết đối tượng gây ra hành vi tham nhũng từ đảng viên, mà công an không được tổ chức trinh sát đảng viên”.
Người dân, với quyền “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” vì sao lại “giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng (lời Tổng Bí thư)”?
Một khi “thanh giằng Nhân Dân” không tham gia “chịu lực” thì nó trở thành khâu yếu nhất, phá vỡ sự bền vững của kết cấu.
Một khi lãnh đạo Đảng không có quyền cách chức cán bộ, cán bộ không có quyền “tổ chức trinh sát đảng viên” thì mong muốn chấm dứt thời đại “không vội” vẫn mãi gắn với từ “sẽ”.
Thực tế chỉ ra rằng, mọi chủ trương, đường lối đều được thông qua tại các kỳ họp toàn thể, các đại hội, hội nghị liên tịch…
Thành phần chiếm đa số tham dự, biểu quyết chính là đại diện “địa phương”, tức là người - cơ quan chịu trách nhiệm thi hành.
Mọi quyết sách đều được thảo luận từ cơ sở, được tổng kết ở cấp trên trước khi ban hành.
Một khi “địa phương” thi hành sai thì không thể nói họ chỉ sai khi thực thi mà không sai khi thảo luận, biểu quyết, khi bấm nút thông qua quyết định cuối cùng.
Vậy nên khi nói “địa phương làm sai” thì cũng có nghĩa là chính bộ phận không nhỏ những người đã tham gia xây dựng văn bản không làm những điều mình đã thảo luận, đã biểu quyết, những người như thế không phải là người trung thực.
Họ chính là các thành tố tạo nên “chuỗi sai” từ soạn thảo – ban hành – thực hiện.
Không khó để nhận thấy, chính cái sai khi biểu quyết dẫn đến cái sai khi thực thi bởi rất có thể người ta biết sai nhưng lại thấy “cái đúng” khi quyết định thông qua “cái sai” đó.
Tìm lỗi ở “địa phương”, ở cá nhân thi hành thường dễ dàng hơn mọi cách biện luận khác, nó tai hại ở chỗ dễ làm cho người ta an tâm, rằng lỗi là ở khâu thực hiện chứ không phải khâu ban hành.
Một văn bản chứa đựng các điều khoản hoàn toàn đúng vẫn có thể sai. Cái sai của “văn bản đúng” không phải ở các điều khoản mà ở chỗ nó không đi vào được cuộc sống, không lường trước được phản ứng tiêu cực từ đội ngũ “không vội” – những người chịu trách nhiệm thi hành.
Một chủ trương gọi là đúng nếu nó thỏa mãn cả hai điều kiện: thứ nhất, đó phải là chủ trương khoa học, phù hợp với quy luật phát triển tự nhiên và tình hình cụ thể của xã hội và thứ hai, nó giúp cho đối tượng thực hiện chủ trương đó có khả năng hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời có cơ chế bắt buộc người ta phải thực hiện.
Chủ trương đưa nước ta thành một nước công nghiệp vào năm 2020 không sai nhưng nó không thành hiện thực vì những nguyên nhân chủ quan và khách quan trong đó rào cản chính là người thực hiện.
Nửa năm đã trôi qua từ sau Đại hội Đảng 12, người dân cảm nhận những chuyển động tích cực từ lãnh đạo cấp cao ở Trung ương cũng như hai thành phố lớn nhất nước.
Nhưng người dân vẫn thấy thực phẩm bẩn tràn lan; xe tải vẫn băm nát đường phố; “lương y” vẫn nhận hàng xấp phong bì của người bệnh; ô tô, tàu thuyền chở khách vẫn bị tai nạn và các “vua con” vẫn chễm trệ trên các xe tiền tỷ thích gắn biển gì thì gắn như ở Hậu Giang,…
Liệu câu nói vui: “Về chuyện chấm dứt tư tưởng “không vội”, xin trao lại cho lãnh đạo nhiệm kỳ sau thực hiện” có còn giữ nguyên giá trị?
Tài liệu tham khảo:
[1]http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/304543/dung-co-do-het-toi-cho-the-che.html
[3] http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Toan-van-phat-bieu-cua-Tong-Bi-thu-ve-cong-tac-dan-van/255067.vgp