Oan sai làm "phá sản" cuộc đời nhiều con người
Năm 2013, lịch sử tư pháp Việt Nam thêm một lần trấn động khi vụ án oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn (tỉnh Bắc Giang) được đưa ra ánh sáng.
Trong vụ việc này các điều tra viên đã dùng nhiều "tiểu xảo" ép buộc ông Chấn khai nhận không đúng sự thật, rồi đẩy một người nông dân hiền lành chân chất trở thành kẻ có tội, khiến 4 đứa con của ông bị thất học, gia đình ly tán.
Trước hoàn cảnh éo le của ông Chấn còn là một loạt các vụ án oan khác như Bùi Minh Hải ở Đồng Nai bị kết án tù chung thân. Trần Văn Chiến ở Tiền Giang cũng bị phán quyết tù chung thân. Nguyễn Minh Hùng ở Tây Ninh bị tuyên án tử hình, sau đó được minh oan và trả tự do.
5 năm tù, 10 năm tù đều là những khoảng thời gian rất dài, đủ để phá sản cả cuộc đời của một con người, một gia đình trong tủi nhục, dưới con mắt miệt thị của dòng họ, của xã hội.
Dẫu biết rằng án oan sai không phải là hiện tượng cá biệt chỉ có ở Việt Nam mà đôi khi xảy ra ở những nước phát triển có nền tư pháp mạnh. Nhưng đã là oan sai, dù xảy ra ở đâu, hay trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì hậu quả mà nó gây ra cũng vô cùng nghiêm trọng.
Nói như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nếu lấy công lý, nếu lấy quyền con người, nếu lấy trách nhiệm của nhà nước đối với dân, nhà nước phục vụ nhân dân thì đã oan, đã sai là nghiêm trọng. Còn oan, còn sai, còn nghiêm trọng. Dù 1 trường hợp hay 5 trường hợp cũng như vậy.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: "Đã oan, đã sai là nghiêm trọng". |
Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ rằng, oan sai bắt đầu từ đánh giá nghi có tội, điều tra, tạm giam, truy tố, buộc tội và xét xử mà lại không làm nghiêm túc chứng minh theo trình tự của pháp luật, không thực hiện đúng theo quy định của pháp luật thì mới oan sai.
Nó không chỉ gây ra mất mát về thể chất tinh thần, sự nghiệp, gia đình không gì bù đắp được mà cònlàm suy giảm nghiêm trọng lòng tin của xã hội, của người dân, thậm chí có thể làm đổ vỡ mọi cố gắng trước đây của hệ thống tư pháp.
"Nhân loại tiến bộ, cơ quan điều tra phải độc lập với tạm giam, tạm giữ" |
Bởi thế mà các cơ quan tư pháp rất cần có sự nhìn nhận thật sự nghiêm túc, khách quan về hệ thống tư pháp và hoạt động tư pháp, sớm có những điều chỉnh thay đổi cần thiết và rút ra những bài học kinh nghiệm xương máu.
Đặc biệt là phải đề cao nhận thức, trách nhiệm của chính những người tiến hành tố tụng, không chỉ làm rõ những chứng cứ xác định có tội, mà còn phải làm rõ cả những chứng cứ xác định vô tội.
Thế nhưng trên thực tế trong rất nhiều trường hợp mới chỉ quan tâm chủ yếu đến những chứng cứ xác định có tội, chứ phần chứng cứ xác định vô tội rất ít được quan tâm.
Vì thế mới dẫn tới oan sai. Và nói như bà Bà Lê Thị Thu Ba – Phó trưởng Ban cải cách tư pháp Trung ương nhận định, trong hoạt động điều tra xét xử lâu nay không chú trọng gỡ tội cho bị can, bị cáo, mà chủ yếu là tập trung vào việc chứng minh tội phạm.
Thậm chí có những trường hợp lỡ bắt rồi nên phải xử, phải tuyên một tội gì đó cho tương xứng với việc đã làm. Hoặc "lợi dụng luật" để miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo, vì hành vi đó không còn nguy hiểm cho xã hội. Cái cách đó là lạm dụng, vi phạm quyền con người.
Lẽ sống của người cán bộ
Có một câu hỏi rất quan trọng dù mong rằng không có nhưng cũng vẫn phải đặt ra, đó là đằng sau những vụ án oan sai ấy có sự vô cảm của cơ quan chức năng hay không? Nếu không vô cảm thì tại sao không đề cao nguyên tắc “suy đoán vô tội” mà chỉ nhăm nhăm tìm cách buộc tội?
Bà Nguyễn Thị Khá - Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã nói rất thẳng rằng, người bị oan sai phải chịu đựng rất nhiều nỗi tủi nhục với 5 cái mất: Mất vật chất, mất tinh thần, mất sức khỏe, mất uy tín danh dự và có khi mất cả gia đình, tan nhà nát cửa.
Thế nhưng để được minh oan và được đền bù thì họ phải trải qua “3 cái khổ”: Cái khổ thứ nhất là làm sao gặp được những người công tâm để làm rõ cái đúng, cái sai và làm ngay thì mới gặp được công lý. Cái khổ thứ hai là sau khi công lý được làm sáng tỏ, minh bạch bằng một bản án hay quyết định nào đó thì phải tiếp tục tới cái khổ thứ ba là tìm sự công bằng.
Quốc hội đưa ra 9 giải pháp chống án oan sai và đảm bảo bồi thường |
Để được bồi thường, được xin lỗi đúng nghĩa và đúng luật là một quá trình gian nan mòn mỏi đợi chờ. Để đi tìm cái công bằng mà mình đã bị tước đoạt thì người oan sai phải trải qua 3 giai đoạn đi tìm 3 cái công đó, quả thực là một sự gian nan không dễ chút nào.
Và, có một câu hỏi dù rất cũ nhưng vẫn quanh quẩn nhiều năm qua chưa tìm ra lời giải: Bao giờ mới ngăn chặn được oan sai? Câu hỏi này lặp đi lặp lại nhiều năm qua, nhưng ngay cả những lãnh đạo cấp cao nhất của Tòa án, Viện kiểm sát cũng không thể đưa ra câu trả lời dứt khoát.
Năm 1967, trong Hội nghị cán bộ toàn ngành kiểm sát, phát biểu về một số vấn đề về chuyên chính vô sản và pháp chế xã hội chủ nghĩa, Tổng Bí thư Lê Duẩn từng nói: “Một người bị tội oan, chẳng những người ấy đau khổ, mà gia đình, con cái họ càng đau khổ hơn. Làm điều oan cho một người nào đó thì chúng ta không còn lẽ sống nữa, bởi vì chúng ta là những người cộng sản.
Cán bộ ngành Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát phải thấy hết trách nhiệm cao cả và nặng nề của mình, luôn luôn tôn trọng sự thật, phân rõ đúng sai, hết sức giữ thái độ khách quan, thận trọng, công minh, chính trực…”.
Nguyễn Viết Hòa, cựu cán bộ điều tra PC25 Công an tỉnh Thái Nguyên chiếm đoạt tiền tỷ, khi đã bị bắt vẫn chỉ đạo đe dọa nhân chứng. ảnh minh họa: Tuổi trẻ. |
Nhìn lại lịch sử 70 năm về trước, trong nghèo khó, thiếu thốn đủ bề vậy mà cuộc Cách mạng tháng Tám đã thành công vang dội. Điều gì đưa chúng ta tới thành công ấy nếu không phải là lòng tin của hàng triệu đồng bào với cách mạng, với Đảng?
Rồi khi cách mạng Tháng tám thành công, nước nhà giành được độc lập, nhưng ngân khố quốc gia chẳng còn được mấy đồng, khó khăn chồng chất.
Ngày 4/9/1945 Bác Hồ phát động “Tuần lễ vàng” kêu gọi mọi người ủng hộ ngân sách quốc gia, đã nhận được sự hưởng mạnh mẽ của các tầng lớp, quyên góp được hàng triệu đồng và hàng trăm ki-lô-gam vàng.
Khi quân Pháp trở lại xâm chiếm nước ta một lần nữa, người dân lại nắm tay nhau đặt niềm tin vào Đảng. Tin vào những người cộng sản. Ở nhiều thành phố lớn, người dân bảo nhau đục tường thông từ nhà nọ sang nhà kia, để các chiến sĩ chiến đấu có nơi ẩn nấp an toàn.
Ở dải đất miền Trung, khi xe tăng của quân giải phóng đi qua, nhiều gia đình đã dỡ bỏ tất cả những gì có thể, thậm chí là cả ban thờ để lấp "ổ trâu, ổ voi" cho xe qua.
Điều gì đã khiến những người dân nghèo sẵn sàng hy sinh đến như vậy? Có lẽ, đó không chỉ còn là lòng tin, mà cao hơn nữa đó là đức tin.
Nhưng rồi đây đức tin ấy có còn vẹn nguyên khi mà nhiều người dân nơm nớp lo sợ oan sai sẽ rơi vào mình? Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào cách hành xử của những người lãnh đạo ở các cơ quan công quyền.
Nói như Tổng Bí thư Lê Duẩn thì khi nhắc đến kiểm tra việc tuân thủ theo pháp luật, cần chú trọng trước hết kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan nhà nước.
Bởi vì, sự vi phạm của một số công dân nào đó đối với pháp luật có lẽ không tai hại bằng những sự lạm quyền của các cơ quan chính quyền, các cơ quan quản lý kinh tế, văn hóa và của những người có trách nhiệm thi hành pháp luật.
Nếu những người này làm sai pháp luật thì chẳng những vi phạm các quyền tự do dân chủ của nhân dân, mà còn làm trái chủ trương, chính sách là sinh mạng của Đảng, là linh hồn của pháp luật Nhà nước; điều đó sẽ đánh vào nguồn gốc sức mạnh của chế độ ta – là sự tín nhiệm và sự ủng hộ của nhân dân đối vối Đảng và Nhà nước.