Sách Việt in cờ Trung Quốc: Sách liên kết - không sai mới lạ!

08/03/2013 10:54
Dân Việt
Vụ bộ “Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ” in cờ Trung Quốc gây nóng dư luận cuối cùng cũng đã tìm ra lý do sâu xa nhất: Sai phạm (hay buông lỏng quản lý) trong khâu xuất bản sách liên kết.
Một chuyên gia Hiệp hội Xuất bản kết luận: Quản lý sách liên kết kiểu này, không sai mới lạ.

Đủ kiểu... “tai nạn”

Trong khoảng thời gian một vài năm gần đây, số lượng sai phạm trong lĩnh vực sách liên kết xuất bản tăng nhiều và dày đặc. Những sai phạm này phát triển theo hướng “muôn hình vạn trạng” và rất khó lường.

Mới cuối năm 2012, độc giả bất bình vì truyện cổ tích Tấm Cám bị một cuốn truyện tranh bóp méo theo kiểu mô tả việc mẹ Cám mắng Tấm bằng ngôn ngữ vần điệu kiểu: “Tấm! Tao cấm mày xào nấm với giấm rồi cơ mà. Đầu mày có bị ấm không? Cẩn thận tao cho vài đấm!”, hay: “Tấm! Mày hâm à? Mày câm à? Sao mày làm thủng cái mâm”...

Sách cho trẻ em vốn rất được các gia đình quan tâm vì nó ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách của trẻ nhỏ, thế nhưng thật đáng tiếc vì đây chính là lĩnh vực có nhiều sai phạm nhất. Các bộ sách dịch thường để nguyên tên gọi ngôn từ thô thiển, chẳng hạn “Mèo Angus, Quần lọt khe và Nụ hôn thắm thiết”, “Thuyền trưởng quần lót”...

Các sách hỏi đáp cho học sinh tiểu học với các đề tựa “Thông minh tuyệt đỉnh”, “Trí tưởng tượng diệu kỳ” do NXB Lao động - Xã hội ấn hành của tác giả Hương Thảo thì còn kinh hoàng hơn khi “sáng tạo” ra những tình huống hỏi đáp nhố nhăng như "Công chúa Bạch Tuyết kết hôn với Bao Công, con sinh ra có tên gì?”. Đáp án: “Cô bé Lọ lem”.

Sách Việt in cờ Trung Quốc: Sách liên kết - không sai mới lạ! ảnh 1

Hình ảnh cờ Trung Quốc được dùng minh họa trong một cuốn sách dạy tập đọc.

Gần đây nhất, việc phát hiện ra sách “Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ” có in cờ Trung Quốc cắm ở cổng trường hoặc hình cờ Trung Quốc trong phần minh họa cho từ “cờ” ở một cuốn sách dạy tập đọc cho thiếu nhi khiến dư luận xôn xao, bức xúc. Nó chứng tỏ sự ẩu tả trong công tác biên dịch của các công ty làm sách liên kết và sự thiếu sát sao trong quản lý của cơ quan quản lý cao nhất là Cục Xuất bản.

Theo thông tin mới nhất thì NXB Dân trí đã có quyết định thu hồi và tiêu hủy toàn bộ số sách “Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ” đã phát hành, Cục Xuất bản cũng đã chuyển vụ việc sang Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông để xử lý vì rõ ràng sách đã vi phạm Điều 10 Luật Xuất bản. Việc phát hành cuốn sách này vi phạm cả về nội dung lẫn hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động xuất bản. Đó là “... không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia...” (khoản 1, điểm d) và “Phát hành xuất bản phẩm không có nguồn gốc hợp pháp hoặc chưa nộp lưu chiểu” (khoản 2, điểm d).

Lỗi lưu chiểu hay còn gì nữa?

Một lý do chung nhất được đưa ra cho tất cả những vụ việc vi phạm về sách liên kết xuất bản trong thời gian gần đây là “công ty liên kết tự ý phát hành khi chưa nộp lưu chiểu cho nhà xuất bản theo đúng quy định”. Tại sao dù “tai nạn” trong sách liên kết thì đủ kiểu mà lỗi thì lại giống nhau đến thế, thật là khó hiểu (?!). Chẳng lẽ Cục Xuất bản chịu “bó tay” trước vấn nạn này hay là do lơi lỏng trong quản lý, thiếu xử phạt nghiêm khắc nên bệnh lâu ngày trở nên “nhờn thuốc”?

Theo quy định hiện nay, các nhà xuất bản phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về nội dung bản thảo các xuất bản phẩm của mình, thế nhưng có một thực tế là mọi việc đã hoàn toàn bị phó mặc cho các công ty liên kết.

Trong một hội nghị của ngành xuất bản, một giám đốc nhà xuất bản cho biết có đơn vị đã bán giấy phép của mình với giá rẻ mạt: 300.000 đồng. Còn ông Nguyễn Văn Phước- Giám đốc Công ty First News thì cung cấp thông tin cho biết:

“Có nhiều nhà xuất bản tự mang giấy phép đến đơn vị in và rao bán “khống”, để họ muốn in gì thì in. Đây là tình trạng “đi đêm” trong ngành xuất bản”.

Chính vì tình trạng “loạn cào cào” của giấy phép liên kết xuất bản như thế nên các đơn vị liên kết xuất bản cũng thừa nước đục thả câu, làm sách ẩu tả, thiếu chọn lọc dẫn đến tình trạng ngày càng nhiều ấn phẩm thiếu giá trị, nguy hại được nhập về.

Một chuyên gia của Hiệp hội Xuất bản cho biết: “Nhiều công ty làm sách ẩu tới mức thuổng nguyên nội dung từ sách nước ngoài, dịch sơ sài rồi ngang nhiên để tên mình biên soạn, may mà có những vụ như lùm sùm bị phát giác thì mới lòi ra, còn không, họ tha hồ múa tay trong bị”.

Ông Đoàn Tử Huyến - Giám đốc Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông- Tây thẳng thắn nhận xét: “Cách quản lý xuất bản còn lệch lạc, không trúng, không đúng dẫn đến tình trạng chung là méo mó và cản trở việc phát triển văn học. Với cách quản lý theo kiểu thủ tục và hình thức như hiện nay thì việc xảy ra tình trạng như cuốn “Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ” cũng là điều dễ hiểu. Những trường hợp này phải bị xử lý thật nghiêm”.

Sáng 7.3, khi PV liên hệ phỏng vấn về vấn đề quản lý sách liên kết xuất bản, bà Phan Thị Tuyết Nga - Trưởng phòng Quản lý xuất bản (Cục Xuất bản, Bộ Thông tin - Truyền thông) tỏ ra khá ngạc nhiên:

“Tại sao Báo Nông Thôn Ngày Nay mà lại quan tâm đến vấn đề sách nhỉ?”; và bà Nga yêu cầu phải có sự cho phép của Cục trưởng Cục Xuất bản mới trả lời.

Tuy nhiên, sau khi liên hệ, phóng viên cũng đã không nhận được sự đồng ý từ ông Cục trưởng vì lý do bận họp.

Đây quả là một quan điểm đáng buồn của người làm trong công tác quản lý xuất bản sách với vấn đề văn hóa đọc - nhất là với khu vực nông thôn.

Dân Việt