Sắm cả… “chân dài” cúng lễ ông Công, ông Táo

04/02/2013 08:19
Zing.vn/Infonet
Trước nhu cầu đồ cúng lễ ông Công, ông Táo, cúng lễ tạ ơn gia tiên, năm nay nhiều nơi sản xuất vàng mã ngoài tivi, tủ lạnh, nhà lầu, điện thoại… còn sản xuất cả các cô gái “chân dài” bằng vàng mã để cúng lễ.

Trao đổi với PV, chị Liên, một người dân làm nghề kinh doanh buôn bán vải ở chợ Hà Đông chia sẻ: "Ngày 23 tháng Chạp âm lịch cúng ông Công, ông Táo như cá chép, quần áo, dày, mũ… Tiện đấy tôi còn đặt mua đồ lễ khác cúng gia tiên. Năm nay, ngoài sản phẩm vàng mã là xe hơi, nhà lầu, điện thoại di động, Iphone… người ta còn sản xuất cả các “cô gái – chân dài” để phục vụ cho người âm".
Theo chị Liên, trần sao thì âm vậy, vì đi một số cửa hàng vàng mã người ta tư vấn, nên chị quyết định đặt mua tất cả các món đồ để cúng người âm từ nhà lầu, xe hơi, điện thoại... đến Iphone, gái hầu – chân dài. Các cô gái “chân dài” được làm bằng vàng mã phục vụ người âm không mang ý nghĩa gì khác là làm các công việc như dọn dẹp nhà cửa, bếp núc, giặt giũ… kiểu như “ô sin” cho người âm đỡ vất vả.
“Bố mẹ chồng tôi rất kỹ trong khoản sắm lễ cúng tổ tiên, hay lễ tiễn ông Táo đi, đón ông Táo về, nên năm nào tôi cũng phải bỏ ra một vài ngày để sắm sửa đầy đủ từ tiền, vàng, quần áo, vật phẩm, phương tiện, nhà cửa, thậm chí cả các cô gái… ô sin phục vụ cho “các cụ cõi âm”. – Chị Liên phản ánh.
Vì vậy, năm nào gia đình chị Liên cũng tốn tiền triệu để sắm những món đồ này, nhưng vẫn không thể hời hợt. Những đồ dễ mua tôi mua ở chợ nhỏ, còn cá chép, hay ngựa, ôtô, xe máy… tôi phải đặt trên phố Hàng Mã mới yên tâm.
Các loại nhà cửa, ô tô tùy từng kích cỡ, chất liệu có giá khác nhau
Các loại nhà cửa, ô tô tùy từng kích cỡ, chất liệu có giá khác nhau
Không cầu kỳ như gia đình chị Liên, nhưng chị Minh ở quận Hoàng Mai cũng cho rằng việc sắm sửa hàng mã, đồ cúng gia tiên, hay cúng ông Táo, vào mỗi dịp cuối năm là rất cần thiết. Theo chị Minh, tiền bạc có hạn, nên chị cũng chỉ dám đặt mua hàng mã ở chỗ quen biết. Năm nay mọi thứ đều đắt đỏ, nên dù chỉ sắm mỗi thứ một chút cho đủ lễ cũng tốn nửa triệu bạc.
Theo chị Minh, lo lắng có thể cháy hàng, giá tăng cao như năm ngoái nên chị đã đi mua hàng mã ông Công, ông Táo từ vài ngày trước. Năm ngoái công việc bận rộn quá nên trưa muộn ngày 23 tháng Chạp mới ra phố mua vàng mã, cháy hàng, giá bị đội lên gấp 3, nên năm nay mua sớm cho yên tâm…
Khảo sát của PV tại phố Hàng Mã giá cả các loại hàng cúng như nhà cửa, ô tô, chân dài, Iphone… có rất nhiều mức giá: bộ hàng mã nhỏ từ 70.000 đến 90.000 đồng/bộ, bộ tầm trung 120.000 đến 150.000/bộ, bộ hàng mã lớn giá 190.000 đến 220.000/bộ…
Đặc biệt, một số những bộ được làm bằng chất liệu đặc biệt như giấy gấm, giấy thơm có thể có giá 300.000 đến gần 500.000 đồng/bộ, cô gái ô sin giá từ 150.000 đến 300.000 đồng/cô, ngựa giấy bán từ 100.000 đến 160.000 đồng/cặp, nhà hàng mã tùy theo số tầng và độ to nhỏ nhưng giá từ 50.000 đến trên 200.000 đồng/chiếc, ngoài ra còn có rất nhiều mặt hàng khác như tiền, vàng, các đồ lễ…
Nhiều người sắm cả "chân dài" cũng lễ ông Công, ông Táo
Nhiều người sắm cả "chân dài" cũng lễ ông Công, ông Táo
Trong vai khách hàng đặt một số đồ cúng lễ như ô tô, điện thoại, Iphone, chân dài… PV Infonet tìm đến cửa hàng vàng mã Tùng Ngọc ở phố Hàng Mã để tìm hiểu. Chủ cửa hàng Tùng Ngọc cho biết, tất cả các đồ lễ mấy ngày cận Tết đó đều có, nhưng không bày bán ở cửa hàng mà để ở kho. Từ nhà cửa, ngựa cưỡi, ô tô, gái ô sin, điện toại... nếu gia đình anh có nhu cầu có thể đặt hàng trước, mấy hôm sau đến lấy cũng được.
Lý giải về sự tăng giá của nhiều mặt hàng vàng mã, chủ một cửa hàng vàng mã Tùng Ngọc cho biết, so với năm trước, năm nay giá nguyên liệu đầu vào như giấy, cốt làm mã, phụ liệu đều đắt hơn. Mặt khác, nhiều khách hàng đặt nhiều loại hàng khó như nhà tầng, xe hơi, ngựa, cô gái… theo kích cỡ, lại yêu cầu giống y như thật nên hàng đặt đương nhiên đắt hơn.
Theo chủ vàng mã Tùng Ngọc, còn các loại hàng mã thông thường như tiền giấy, vàng mã, quần áo hay đồ gia dụng cắt bằng giấy màu theo kiểu mô phỏng thì cũng không đắt, chỉ 200.000 - 300.000 đồng là đầy đủ lễ cho cả ông Táo, lẫn cúng bái gia tiên trong cả dịp Tết.
Cứ mỗi dịp Tết nhiều người lại sẵn sàng bỏ ra vài triệu đồng mua đủ thứ hàng mã về cúng rồi đốt đi. Quan niệm của nhiều người, cả năm có vài ngày lễ Tết, gia đình trần gian đầy đủ thì cũng phải sắm cho “các cụ” dưới đó không thiếu thứ gì chứ? Làm vậy vừa phải đạo, lại vừa được lộc, tuy tốn kém nhưng nhiều người cũng chấp nhận…
Nhưng suy nghĩ trần sao âm vậy cứ mua sắm các vật phẩm cúng lễ lạ mắt, khác người… là được các cụ phù hộ, làm ăn vào cầu. Và đối với nhiều người đã biến thành sự mê tín, dẫn đến thói quen mua sắm hoang phí cho việc cúng bái. Việc làm sang cho người âm không chỉ lãng phí tiền bạc mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, khi hóa vàng. 
Zing.vn/Infonet