Đại hội 19: ông Tập Cận Bình đang mạnh hơn sau kỳ lưỡng hội

26/03/2017 06:30
Hồng Thủy
(GDVN) - Trung Quốc có thể sẽ sửa đổi Hiến pháp, bãi bỏ giới hạn 2 nhiệm kỳ của chức danh Chủ tịch nước, mở đường cho ông Bình tiếp tục nắm quyền sau Đại hội 20.

The Straits Times ngày 25/3 có bài nhận định, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang trở nên mạnh mẽ hơn sau kỳ họp lưỡng hội (Chính hiệp trung ương và Quốc hội) vừa kết thúc vào trung tuần tháng Ba này.

So với lưỡng hội năm ngoái, những nỗ lực củng cố vị thế vai trò "lãnh đạo cốt lõi" của ông Tập Cận Bình đã có hiệu quả rõ rệt. Bất kỳ nghi ngờ nào về việc ông Bình củng cố quyền lực trước Đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm nay đều được xua tan.

Trong Báo cáo Công tác chính phủ năm 2016 được Thủ tướng Lý Khắc Cường trình bày trước Quốc hội hôm 5/3, không ít hơn 5 lần ông đã nói về "sự lãnh đạo của Ban chấp hành Trung ương mà đồng chí Tập Cận Bình là cốt lõi".

Tương tự như vậy, trong báo cáo hoạt động của Quốc hội Trung Quốc năm 2016 được ông Trương Đức Giang trình bày hôm 8/3 cũng nói: "phải tập hợp quanh sự lãnh đạo của Ban chấp hành Trung ương mà "đồng chí Tập Cận Bình là cốt lõi".

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: SCMP.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: SCMP.

Kỳ họp Quốc hội năm ngoái, báo cáo của cả ông Lý Khắc Cường lẫn ông Trương Đức Giang đều không nhắc đến từ "cốt lõi", mà chỉ có mệnh đề "hoàn toàn dựa vào các nguyên tắc định hướng từ các chủ trương lớn của Tổng bí thư Tập Cận Bình".

Trong khi ngay từ tháng Giêng năm ngoái, trước thềm lưỡng hội đã có nhiều nỗ lực từ một số Bí thư tỉnh thành kêu gọi danh hiệu "lãnh đạo cốt lõi" cho ông Tập Cận Bình.

Tệ hơn nữa, vào khoảng thời gian đó đã có một bức thư ngỏ được cho là của một nhóm đảng viên lão thành kêu gọi ông Tập Cận Bình từ chức.

Bức thư này cho rằng, sự tích lũy quyền lực và quyết định của ông đã dẫn đến "vấn đề chưa từng có và khủng hoảng trong tất cả các lĩnh vực".

Từ khi lên nắm quyền ở Đại hội 18 năm 2012, ông Tập Cận Bình đã nhanh chóng thâu tóm quyền lực thông qua các "tiểu tổ lãnh đạo" do ông thành lập và làm tổ trưởng, quyết định mọi chính sách quan trọng, bao gồm cả kinh tế - thương mại vốn thuộc vai trò điều hành của Thủ tướng.

Ngoài chức Chủ tịch Quân ủy trung ương từ Đại hội 12, ông Tập Cận Bình có thêm một chức danh mới: Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang sau chiến dịch cải cách quân đội.

Ông cũng thể hiện tinh thần chiến đấu mạnh mẽ chống tham nhũng và kết quả có ảnh hưởng lớn trong dân chúng Trung Quốc.

Chiến dịch đưa ông trở thành hạt nhân lãnh đạo tạm lắng xuống cho đến trước tháng 10 năm ngoái, khi Hội nghị Trung ương 6 diễn ra.

Đại hội 19: ông Tập Cận Bình đang mạnh hơn sau kỳ lưỡng hội ảnh 2

Tại sao Trung Quốc không kỷ niệm 20 năm ngày giỗ của Đặng Tiểu Bình?

Hội nghị này đã chính thức xác lập vị trí "lãnh đạo cốt lõi" cho ông Tập Cận Bình với kêu gọi: "toàn đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết chặt chẽ xung quanh Ban chấp hành Trung ương mà đồng chí Tập Cận Bình là cốt lõi".

Giáo sư Huang Jing từ Trường Chính sách công Lý Quang Diệu nhận định, quy định ông Tập Cận Bình là "lãnh đạo cốt lõi" có nghĩa là ông giữ vai trò chủ đạo trong 2 vấn đề quan trọng: sắp xếp nhân sự và thiết lập chương trình nghị sự cho Đại hội 19. [1]

Trước đó ngày 22/3, tờ Minh Báo xuất bản tại Hồng Kông cho biết, đảng Cộng sản Trung Quốc đang chuẩn bị dự thảo văn kiện Đại hội 19, trong đó "tư tưởng Tập Cận Bình" sẽ được đưa vào Điều lệ đảng sửa đổi.

Đặc biệt hơn, tờ báo này cho rằng sau Đại hội 19, (trong kỳ họp lưỡng hội đầu năm 2018) Trung Quốc có thể sẽ sửa đổi Hiến pháp, bãi bỏ giới hạn 2 nhiệm kỳ của chức danh Chủ tịch nước, mở đường cho ông Bình tiếp tục nắm quyền sau Đại hội 20 năm 2023. [2], [3]

Trong một động thái khác có liên quan, ngày 14/3 bộ sách "Tư tưởng Tập Cận Bình" đã được công bố tại Câu lạc bộ Tự do (National Liberal Club) ở London do cựu Thủ tướng Anh William Ewart Gladstone thành lập.

Sách viết bởi các học giả Trung Quốc, trong đó có Đại tá, Giáo sư Lưu Minh Phúc từ Học viện Quốc phòng. "Tư tưởng Tập Cận Bình" được viết bằng 2 ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Trung Quốc, trong đó ông Tập Cận Bình được gọi là "anh hùng chiến lược". [4]

Người viết cho rằng theo dõi và nghiên cứu nền chính trị, chính trường Trung Quốc cùng những biến động của nó là công việc rất quan trọng cần phải làm thường xuyên của các quốc gia láng giềng với họ, trong đó có Việt Nam.

Bởi lẽ mọi sự thay đổi về chính sách hay nhân sự qua mỗi kỳ đại hội, cá tính, xu hướng chính trị của những nhà lãnh đạo hàng đầu tại Trung Quốc sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ đối ngoại, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc tạo ra những tranh chấp phức tạp trên Biển Đông, và đóng vai trò không nhỏ trên các điểm nóng khác.

Những thông tin về việc đưa "tư tưởng Tập Cận Bình" vào Điều lệ đảng Cộng sản Trung Quốc hay khả năng sửa đổi Hiến pháp, bố trí nhân sự cấp cao Đại hội 19 có giá trị tham khảo. Tuy nhiên mọi diễn biến cần được tiếp tục quan sát, tổng kết và đánh giá thêm.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.straitstimes.com/opinion/xi-stronger-after-march-meetings

[2]http://www.appledaily.com.tw/realtimenews/article/new/20170322/1081994/

[3]http://www.mingpaocanada.com/tor/htm/News/20170322/tcaa3_r.htm

[4]http://mini.eastday.com/a/170317070932912.html

Hồng Thủy