Điều gì được chờ đợi ở cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần này?

19/09/2018 07:43
Thanh Bình
(GDVN) - Hiện nay, Hàn Quốc được cho là thích hợp nhất để đưa tiến trình phi hạt nhân hóa quay trở lại đúng quỹ đạo và kết nối lại đối thoại Mỹ-Triều.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã chào đón rất nồng ấm Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tại sân bay Bình Nhưỡng ngày 18/9/2018 khi hai nước có cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 03 trong năm nay.

Thế giới sẽ chờ đợi điều gì ở cuộc gặp thượng đỉnh lần này?

Tổng thống Moon Jae In và Chủ tịch Kim Jong Un dự lễ diễu hành tại thủ đô Bình Nhưỡng ngày 18/9/2018 (Nguồn ảnh: cnn.com).
Tổng thống Moon Jae In và Chủ tịch Kim Jong Un dự lễ diễu hành tại thủ đô Bình Nhưỡng ngày 18/9/2018 (Nguồn ảnh: cnn.com).

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ ngoại giao giữa hai miền Triều Tiên liên tục có dấu hiệu ấm dần lên trong thời gian qua, đặc biệt là kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh ngày 27/4/2018 tại làng đình chiến Panmunjom.

Trước chuyến công du kéo dài 03 ngày tới Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tuyên bố mục đích chính của cuộc gặp thượng đỉnh này là đem lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên.

Theo Tạp chí Phố Wall, Tổng thống Moon Jae In và Chủ tịch Kim Jong Un sẽ đàm phán về một tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 vốn tạm dừng chỉ bằng một thỏa thuận ngừng bắn. [1]

Ngoài ra, hai bên sẽ bàn biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế liên Triều, khi tháp tùng Tổng thống Moon Jae In có nhiều lãnh đạo Tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc như Samsung, LG, Huyndai bất chấp nhiều ý kiến cho rằng đây chưa phải “thời điểm thích hợp”. [2]

Đặc biệt, một nội dung quan trọng khác mà Seoul mong muốn đạt được đó là giúp Bình Nhưỡng quay trở lại quỹ đạo của tiến trình phi hạt nhân hóa như đã cam kết trước đó.

Giới quan sát cho rằng đây sẽ là cuộc gặp đầy khó khăn, trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Triều “đang có vấn đề” khi tiến trình phi hạt nhân hóa không mang lại nhiều bước tiến như kỳ vọng.

Tổng thống Moon Jae In đã chứng tỏ được năng lực ngoại giao của mình khi thuyết phục được nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử với Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/6/2018 tại Singapore.

Theo đó, thỏa thuận về việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên được cho là một dấu mốc quan trọng đối với cộng đồng quốc tế sau khi cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Kim kết thúc.

Nếu tiến trình phi hạt nhân hóa diễn ra thuận lợi, cộng đồng quốc tế sẽ nới lỏng trừng phạt Triều Tiên và giúp nước này có cơ hội mở rộng hợp tác kinh tế với bên ngoài.

Đây cũng là điều mà chính Tổng thống Donald Trump đã cam kết sẽ tạo điều kiện cho nhân dân Triều Tiên được “giàu có”.

Chủ tịch Kim Jong Un tiếp Ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo nhân chuyến thăm Triều Tiên vào tháng 7/2018 (Ảnh: KCNA).
Chủ tịch Kim Jong Un tiếp Ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo nhân chuyến thăm Triều Tiên vào tháng 7/2018 (Ảnh: KCNA).

Mặc dù vậy, kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Kim, cộng đồng quốc tế vẫn rất hoài nghi về việc Triều Tiên triển khai các bước phi hạt nhân hóa của mình.

Trong một báo cáo mới đây, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) khẳng định không thấy bất kỳ yếu tố nào cho thấy Triều Tiên đã dừng các hoạt động hạt nhân.

Trong khi đó, nhà khoa học hạt nhân Siegfried Hecker ở Đại học Stanford lại nhận định quá trình giải trừ hạt nhân và dọn dẹp sạch điểm thử hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên có thể kéo dài đến 10 năm. [3]

Đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng đã gặp nhiều trở ngại trong thời gian gần đây.

Tình trạng này làm dấy lên nghi ngờ liệu ông Kim Jong Un có thực sự muốn từ bỏ kho hạt nhân.

Các bất đồng đã khiến Tổng thống Donald Trump hủy chuyến thăm theo kế hoạch của Ngoại trưởng Mike Pompeo tới Triều Tiên vào tháng 8/2018 vừa qua.

Hiện nay, Hàn Quốc được cho là thích hợp nhất để đưa tiến trình phi hạt nhân hóa quay trở lại đúng quỹ đạo và kết nối lại đối thoại Mỹ - Triều.

Thực tế, chính quyền của Tổng thống Donald Trump vẫn bảo vệ những nỗ lực nhằm thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, John Bolton khẳng định việc giải trừ kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên có thể hoàn thành trong 1 năm nếu Bình Nhưỡng hoàn toàn hợp tác và minh bạch với Washington. [4]

Vấn đề được giới chuyên gia quan tâm lúc này là khi chấp nhận ký vào bản thỏa thuận "phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên" thì ông Kim Jong Un thực sự muốn điều gì từ cộng đồng quốc tế?

Đây có lẽ là nội dung cần được Tổng thống Moon Jae In làm rõ sau khi kết thúc chuyến thăm Triều Tiên.

Ngay sau chuyến thăm Triều Tiên, Tổng thống Moon Jae In sẽ lên đường đến New York dự Đại hội đồng Liên hợp quốc và chắc chắn ở đó sẽ có cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Moon Jae In.

Theo đó, kết quả cuộc gặp với ông Kim Jong Un lần này sẽ có ý nghĩa quyết định đến việc liệu Chính quyền của Tổng thống Donald Trump có nối lại đối thoại với Triều Tiên hay không?

Một thỏa thuận hòa bình lâu dài là chỉ dấu quan trọng cho việc Washington chấm dứt "chính sách thù địch" đối với Bình Nhưỡng.

Chính ông Kim Jong Un cũng bày tỏ mong muốn cuộc gặp lần này sẽ “đem lại một kết quả lớn” cho cả Bình Nhưỡng và Seoul. [5]

Tài liệu tham khảo:

[1]http://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/binh-luan-quoc-te/kim-jong-un-thach-thuc-lon-cho-tong-thong-han-khi-gap-kim-jong-un-lan-3-477210.html

[2]https://www.bloomberg.com/news/articles/2018-09-17/samsung-chief-lee-to-visit-north-korea-for-moon-kim-summit?srnd=technology-vp

[3]https://edition.cnn.com/2018/09/17/asia/north-korea-south-korea-summit-intl/index.html

[4]https://www.channelnewsasia.com/news/asia/moon-flies-to-pyongyang-for-third-inter-korean-summit-10730590#

[5]https://www.channelnewsasia.com/news/asia/north-korea-kim-hopes-for-big-outcome-at-inter-korean-summit-10729870

Thanh Bình