"Kỷ nguyên mới” có giúp Trung Quốc soán ngôi Hoa Kỳ?

24/10/2017 07:31
PHẠM DOÃN TÌNH
(GDVN) - Trật tự thế giới hiện nay mà Hoa Kỳ là siêu cường số một đang tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của Trung Quốc, chứ không phải là một thách thức.

Trong ngày khai mạc Đại hội lần thứ 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đọc báo cáo chính trị với thời lượng gần 3 giờ 30 phút.

Trong đó, nhấn mạnh đất nước đã bước vào “một kỷ nguyên mới”, đồng thời đưa ra lời cam kết sẽ xây dựng Trung Quốc trở thành “một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại” vào giữa thế kỷ 21.

Nhu cầu mới của người dân trong “kỷ nguyên mới”

Tầm nhìn chiến lược của ông Tập về một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại mang đặc sắc Trung Quốc được nhấn mạnh ở sự phát triển ngày càng thịnh vượng và mạnh mẽ hơn.

Con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội mang đặc điểm Trung Quốc đã trở thành kim chỉ nam cho hành động của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua.

Thế nhưng, trong báo cáo chính trị đọc trước Đại hội 19, ông Tập tuyên bố, Trung Quốc đã bước vào “một kỷ nguyên mới”.

Khung cảnh ngày khai mạc Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc (Ảnh: Reuters)
Khung cảnh ngày khai mạc Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Điều này cho thấy, ông Tập có vẻ đang tạo cảm hứng cho Đảng Cộng sản và người dân Trung Quốc, khi ẩn ý rằng, dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông - Trung Quốc đã “đứng lên” trở thành một quốc gia độc lập tự chủ;

Dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình - Trung Quốc đã trở nên khá giả và ổn định hơn;

Còn bây giờ dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình - Trung Quốc đang trở thành một quốc gia thịnh vượng và hùng mạnh.

Như vậy, ông Tập đang muốn nhấn mạnh rằng, dưới sự lãnh đạo của ông, Trung Quốc đang bước vào “một kỷ nguyên mới” - kỷ nguyên mạnh mẽ thứ ba.

Có một điểm cần lưu ý rằng, trái với đặc điểm của các kỷ nguyên trước, ông Tập chỉ ra mâu thuẫn xã hội chủ yếu của Trung Quốc hiện nay là:

Mâu thuẫn giữa sự phát triển chưa cân đối và không đầy đủ của đất nước với nhu cầu ngày càng tăng của người dân về một cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Ông Tập nêu rõ, người dân Trung Quốc không chỉ đòi hỏi có một đời sống vật chất và văn hoá tốt hơn, mà họ còn đòi hỏi một môi trường sống tốt hơn, nơi có các giá trị như luật pháp, công bằng, công lý, an ninh và sự phát triển bền vững được duy trì tốt hơn.

Để đáp ứng được các nhu cầu này, ông Tập nhấn mạnh, Đảng Cộng sản Trung Quốc cần phải có sự lãnh đạo mạnh mẽ hơn và phải có một hệ tư tưởng mới dẫn đường.

Triết lý trị quốc qua các đời lãnh đạo

Nhìn lại lịch sử phát triển của Đảng Cộng sản Trung Quốc, các "tư tưởng lãnh đạo" luôn đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố địa vị chính trị của các nhà lãnh đạo và hướng dẫn cho hành động của đảng.

Mao Trạch Đông - người sáng lập ra nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1949), với tư tưởng “Phá bỏ bốn cũ” (tư tưởng cũ, văn hóa cũ, phong tục cũ và tập quán cũ), đã đưa ông trở thành người đầu tiên được ghi tên vào điều lệ đảng.

Hình ảnh Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc (Ảnh: SCMP)
Hình ảnh Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc (Ảnh: SCMP)

Đặng Tiểu Bình - người khởi xướng công cuộc đổi mới của Trung Quốc (1978) với khẩu hiệu chính trị “một lòng thực hiện bốn hiện đại hóa” cũng đã được ghi tên vào điều lệ đảng, với lý luận mang tên ông.

(Bốn hiện đại hóa gồm: hiện đại hóa nông nghiệp, hiện đại hóa công nghiệp, hiện đại hóa quốc phòng và hiện đại hóa khoa học công nghệ)

Giang Trạch Dân đưa ra lý thuyết mới về “Ba đại diện” (đảng đại diện cho nhu cầu phát triển của lực lượng sản xuất tiên tiến, đại diện cho phương thức phát triển của nền văn hóa tiên tiến, đại diện cho lợi ích của đông đảo quần chúng nhân dân);

Và Hồ Cẩm Đào với khẩu hiệu “Phát triển khoa học” (hài hòa, toàn diện và bền vững) là những đóng góp của các ông, tuy nhiên các ông không được ghi tên trong điều lệ đảng để gắn liền với ý thức hệ của họ.

Tại Đại hội 19, nhiều khả năng “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội với các đặc điểm Trung Quốc cho một kỷ nguyên mới” sẽ được đưa vào điều lệ đảng.

Đó như một hướng dẫn hành động dài hạn mà Đảng Cộng sản Trung Quốc phải tuân thủ và phát triển.

Vì nó tượng trưng cho thành tựu mới nhất của đảng trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Trung Quốc.

Theo đó, Tư tưởng Tập Cận Bình sẽ được thể hiện trên bốn nhiệm vụ lớn, còn được gọi là “bốn toàn diện”, bao gồm:

Xây dựng toàn diện xã hội khá giả, làm sâu sắc toàn diện cải cách, quản lý toàn diện đất nước bằng pháp luật và quản lý đảng nghiêm minh toàn diện.

Nếu ông Tập thành công trong việc nâng cao sự đóng góp mới của mình vào hệ tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thì ông sẽ được đứng ngang hàng với Mao Trạch Đông.

Ưu tiên trong nước giữ vai trò chủ đạo

Tầm nhìn mới của ông Tập trong ba thập kỷ tới là nhằm xây dựng Trung Quốc trở thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại vào giữa thế kỷ 21, dựa trên cơ sở tầm nhìn cũ của ông Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào về xây dựng một xã hội Trung Quốc thịnh vượng vừa phải vào năm 2020, đã cho thấy tham vọng rất lớn của ông Tập.

Trong giai đoạn đầu từ năm 2020 đến năm 2035, Trung Quốc sẽ thực hiện hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa.

Một poster ở Trung Quốc với dòng chữ “Giấc mơ Trung Hoa, Giấc mơ của nhân dân” (Ảnh: Reuters)
Một poster ở Trung Quốc với dòng chữ “Giấc mơ Trung Hoa, Giấc mơ của nhân dân” (Ảnh: Reuters)

Trong giai đoạn thứ hai từ năm 2035 đến năm 2049, khi Trung Quốc tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước, Trung Quốc sẽ trở thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại “thịnh vượng, mạnh mẽ, dân chủ, văn hoá tiên tiến, hài hòa và tươi đẹp”.

Nhìn vào mục tiêu này, các học giả nghiên cứu đã có sự chia rẽ trong cách đánh giá, nhận định về tương lai và xu hướng phát triển của Trung Quốc.

Những người có xu hướng bi quan đã nhìn vào những thách thức khổng lồ cả về đối nội và đối ngoại mà Trung Quốc sẽ phải đối mặt trong chặng đường phát triển.

Họ đưa ra những kịch bản không mấy sáng sủa về sự “sụp đổ”, “suy giảm”, và “phân rã”…

Những người có xu hướng lạc quan lại tập trung nhìn vào những nỗ lực của Trung Quốc và những thành tựu đã đạt được trong những năm qua để nhận định về ​​một Trung Quốc sẽ phát triển mạnh mẽ về mặt kinh tế và quân sự, trở thành một siêu cường mới thách thức cả vị trí siêu cường số một của Mỹ.

Hiện tại, rõ ràng, không có dấu hiệu nào cho thấy sự “sụp đổ”, “suy giảm” hay “phân rã” trên bất kỳ phương diện nào của Trung Quốc, mà chỉ có những khó khăn, thách thức mà quốc gia này sẽ phải đối mặt.

Do đó, để Trung Quốc phát triển trở thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại vào giữa thế kỷ 21 như mục tiêu đặt ra cũng không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.

Bởi vậy, trong báo cáo chính trị tại Đại hội 19, có rất nhiều tín hiệu cho thấy ông Tập sẽ tập trung mọi ưu tiên vào bên trong, nơi sự tăng trưởng và thịnh vượng đều được hướng tới đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng ở trong nước và nâng cao mức sống cho người dân.

Theo đó, ông Tập sẽ tập trung phát triển mạnh mẽ về kinh tế, xóa bỏ đói nghèo và chênh lệch mức thu nhập, đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng, cải cách hành chính, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao đời sống văn hóa - tinh thần của người dân… nhằm đáp ứng nhu cầu cốt yếu của họ.

"Kỷ nguyên mới” có giúp Trung Quốc soán ngôi Hoa Kỳ? ảnh 4

Sự bất bình đẳng về thu nhập đe dọa “Giấc mộng Trung Hoa”

Bởi đây chính là tiêu chuẩn mà người dân đánh giá về tầm nhìn chiến lược mà ông Tập đã vạch ra trong “kỷ nguyên mới”.

Một số chuyên gia nhận định rằng, sự phát triển thành công của Trung Quốc sẽ đưa quốc gia này trở thành một siêu cường, và là mối đe dọa đối với Hoa Kỳ cũng như trật tự thế giới hiện nay.

Tuy nhiên, cho dù Trung Quốc có ý định thay đổi trật tự thế giới và chấp nhận thách thức vai trò của Mỹ, thì trên thực tế sự hợp tác với Hoa Kỳ vẫn sẽ là lựa chọn tốt nhất cho sự phát triển của Trung Quốc hiện nay.

Bởi xét cho cùng, trật tự thế giới hiện nay mà Hoa Kỳ là siêu cường số một đang tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của Trung Quốc, chứ không phải là một thách thức.

Tuy nhiên, với vai trò là một nước lớn và đang trên con đường thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”, Trung Quốc vẫn sẽ thể hiện ngày càng tăng sự ảnh hưởng của mình đối với các vấn đề quốc tế.

Theo đó, Trung Quốc sẽ vẫn duy trì sự hiện diện mạnh mẽ trong công tác quản trị toàn cầu thông qua việc tham gia vào các Diễn đàn kinh tế thế giới, Hội nghị Thượng đỉnh G20, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải…, và tham gia giải quyết các vấn đề nóng của thế giới.

Trong quan hệ với các quốc gia láng giềng, thì vấn đề khủng hoảng hạt nhân của Triều Tiên, tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông sẽ vẫn là các vấn đề mà Trung Quốc quan tâm hàng đầu.

Tuy nhiên, nhận thức hiện nay của Trung Quốc và các bên liên quan đều thấy rằng, đối thoại là giải pháp duy nhất để giải quyết các bất đồng.

Từ những phân tích trên có thể thấy rằng, trong “kỷ nguyên mới”, Trong Quốc sẽ tiếp tục có những bước đi mạnh mẽ cả về đối nội cũng như đối ngoại.

Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ dành ưu tiên nhiều hơn cho việc đáp ứng các nhu cầu ngày càng cao của người dân và các vấn đề quản trị ở trong nước, nhằm tạo ra sự ổn định bền vững của đất nước trước khi hướng đến các chính sách đối với bên ngoài.

Đây có lẽ cũng chính là bản chất của tầm nhìn về “một kỷ nguyên mới” của Trung Quốc được nêu ra tại Đại hội 19. [1]

Tài liệu tham khảo:

[1] Channel News Asia/ Commentary: Vision of a new era for a strong China reflects domestic priorities, not global ambitions.

PHẠM DOÃN TÌNH