Lương Chấn Anh ra tối hậu thư về thời hạn dọn dẹp đường phố

05/10/2014 15:00
Nguyễn Hường
(GDVN) - Chính phủ đã quyết định sẽ "thực hiện tất cả những hành động cần thiết để khôi phục trật tự xã hội" để người dân "trở lại làm việc và sinh sống bình thường".

Khi các cuộc biểu tình hòa bình ở Hồng Kông bắt đầu có dấu hiệu của bạo lực, nhiều người biểu tình và thường dân ở thành phố này không khỏi lo ngại quân đội Trung Quốc có thể dùng vũ lực để dập tắt phong trào này.

Xét về phương diện chính trị, pháp lý và chiến lược thực tế, sự can thiệp của quân đội Trung Quốc có thể nhanh chóng dập tắt được cuộc biểu tình làm tê liệt thành phố Hồng Kông những ngày qua. Nhưng cũng có thể nhìn thấy trước những hậu quả chính trị to lớn và kéo dài của nó.

Những người biểu tình ủng hộ và phản đối Bắc Kinh đối đầu nhau.
Những người biểu tình ủng hộ và phản đối Bắc Kinh đối đầu nhau. 

Lo ngại về khả năng xảy ra sự can thiệp này đang ngày càng gia tăng khi đặc khu trưởng Hồng Kông Lương Chấn Anh cuối ngày 4/10 tuyên bố, chính phủ đã quyết định sẽ "thực hiện tất cả những hành động cần thiết để khôi phục trật tự xã hội" để người dân "trở lại làm việc và sinh sống bình thường".

Ông Lương Chấn Anh nhấn mạnh tới sự cần thiết phải đưa các nhân viên chính phủ trở lại làm việc bình thường vào ngày 6/10 và cho biết phong trào biểu tình đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với trật tự an toàn xã hội, hủy hoại hình ảnh của thành phố.

Sau tuyên bố trên của Lương Chấn Anh, hàng chục ngàn người biểu tình phong tỏa trung tâm thành phố Hồng Kông hơn tuần qua đã giảm xuống chỉ còn vài trăm người.

Tuy nhiên, truyền thông phương Tây cho biết vẫn phải chờ xem liệu người biểu tình đã chú ý tới tuyên bố của ông Lương Chấn Anh hay chỉ đơn thuần là về nhà nghỉ ngơi lấy sức chuẩn bị cho một đợt phản đối mới với quy mô lớn hơn. Trước đó, những người biểu tình đã thể hiện quyết tâm sẽ không rút lui trước khi yêu cầu của họ được chấp thuận. 

Theo Reuters, các cố vấn chính phủ và các chuyên gia tin rằng các nhà lãnh đạo ở cả Bắc Kinh và Hồng Kông đều hiểu được cái giá chính trị to lớn của việc đưa quân đội can thiệp.

 Các nhà ngoại giao nước ngoài đang theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình cũng như các động thái của gần 10.000 binh sĩ Trung Quốc đồn trú tại cơ sở ở Hồng Kông.

Theo báo cáo chưa được xác nhận, lực lượng này đã tiến hành diễn tập chống bạo động ở cả đô thị và nông thôn.

 "Tôi chắc chắn các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh biết rõ rằng bất kỳ sự can thiệp như vậy sẽ sẽ đem lại những rủi ro chính trị lớn. Vì lý do đó, quân đội Trung Quốc ở Hồng Kông được duy trì chủ yếu như một sự hiện diện mang tính biểu tượng", một nhà nghiên cứu về chính trị Hồng Kông giấu tên nói với Reuters./.

Nguyễn Hường