Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 53.529 trường hợp mắc tay chân miệng.
Trong đó có 25.845 trường hợp nhập viện và đã có 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố khu vực phía nam.
Một số tỉnh, thành phố ghi nhận số ca mắc bệnh tích lũy cao và gia tăng nhanh trong mấy tuần gần đây là Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Tây Ninh... với hơn 4.000 ca từ đầu năm đến nay (chiếm 77% cả nước), chủ yếu gặp ở trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 99,5%).
Thống kê của y tế dự phòng cho thấy những địa phương có nhiều khu công nghiệp thường tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch tay chân miệng rất cao.
Hướng dẫn trẻ rửa tay tại trường phòng chống bệnh chân tay miệng. |
Về diễn biến dịch sởi, dù chưa thấy biểu hiện bất thường nhưng cần cảnh báo về chu kỳ của bệnh này là sau 4-5 năm có thể bùng phát do mỗi năm vẫn sót lại khoảng 10% trẻ chưa được tiêm chủng.
Trước tình hình diễn biến của bệnh dịch sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết, Bộ Y tế yêu cầu Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Cục Quản lý Dược… phối hợp, tập trung lực lượng để ứng phó.
Theo đó, Cục Y tế dự phòng tăng cường giám sát, phát hiện sớm, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch.
Đồng thời tăng cường lấy mẫu các trường hợp nghi mắc bệnh đặc biệt các trường hợp nặng, có biến chứng xác định sự lưu hành của tuýp virus gây bệnh và theo dõi sự biến đổi của virus.
Các cơ sở y tế phải tổ chức, hướng dẫn khuyến cáo hoặc bắt buộc thực hiện yêu cầu những người bệnh sởi và nghi sởi mang khẩu trang khi đi khám bệnh, đối với trẻ nhỏ (không thể mang khẩu trang) thì người nhà dùng khăn giấy che miệng trẻ khi ho, hắt hơi.
Đối với bệnh tay chân miệng phải rửa tay bằng xà phòng mỗi khi chăm sóc, vệ sinh cho trẻ...
Bệnh sốt xuất huyết thì phải phòng, chống muỗi đốt khi nằm viện.
Để tránh tình trạng lây chéo trong bệnh viện, Cục Quản lý khám, chữa bệnh yêu cầu các bệnh viện phải tổ chức phân luồng, bố trí khu khám riêng để sàng lọc bệnh sởi, nghi sởi.
Chỉ nhập viện điều trị nội trú những ca bệnh sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết nặng và đúng tuyến điều trị để tránh quá tải.
Đồng thời, tư vấn, hướng dẫn người bệnh biết cách chăm sóc ca bệnh nhẹ tại nhà để giảm chi phí điều trị, tránh lây nhiễm chéo và quá tải bệnh viện.
Các cơ sở y tế cần tăng cường nhân lực nếu bệnh nhân tăng cao, nhất là khu vực điều trị nội trú nhằm giảm quá tải cho nhân viên y tế.
Những trường hợp bệnh nặng, bệnh viện phải tổ chức hội chẩn khoa, liên khoa, liên bệnh viện theo quy định hoặc xin ý kiến hướng dẫn, trao đổi thông tin, hỗ trợ về chuyên môn với tuyến trên.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm hỏi một bệnh nhân tại BV Chợ Rẫy ngày 13/8. ảnh: Hoàng Hùng. |
Nhằm giảm áp lực cho tuyến trên, không để các trường hợp nhẹ dồn về như từng xảy ra khi có dịch bệnh, gây hậu quả là quá tải bệnh viện và nhiễm chéo, Cục Quản lý khám, chữa bệnh yêu cầu các bệnh viện tuyến cuối phải chú trọng công tác chỉ đạo tuyến.
Sẵn sàng hội chẩn, góp ý, chỉ đạo chuyên môn qua đường dây nóng. Nếu thay đổi số điện thoại đường dây nóng hoặc người phụ trách thì phải thông báo kịp thời với cơ sở khám chữa bệnh và cá nhân liên quan.
Công tác thường trực các đội cấp cứu cơ động, hỗ trợ tuyến dưới luôn sẵn sàng.
Về đảm bảo cung ứng thuốc phòng, điều trị bệnh, Cục Quản lý Dược đã có Công văn khẩn số 19043/QLD-KD ngày 9/10 về việc đảm bảo cung ứng thuốc phòng, điều trị bệnh chân tay miệng.
Cục chỉ đạo các đơn vị khẩn trưởng sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc để đảm bảo cung ứng thuốc phòng chống dịch bệnh theo quy định.
Các đơn vị kịp thời báo cáo về Bộ Y tế trong trường hợp có nguy cơ thiếu thuốc phục vụ công tác phòng và điều trị bệnh tay chân miệng.
Cục Quản lý Dược cũng chỉ đạo các viện, bệnh viện chủ động lập kế hoạch mua sắm thuốc, cập nhật số lượng và tình trạng các ca mắc tay chân miệng để kịp thời liên hệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc để bảo đảm đủ thuốc cho công tác phòng và điều trị bệnh.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc phải chuẩn bị sẵn nguồn thuốc có chất lượng, giá cả hợp lý để ưu tiên cung ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu phòng, chống dịch bệnh.
Công văn do ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục quản lý Dược nhấn mạnh: “Cục Quản lý Dược sẽ xem xét giải quyết ngay các đơn hàng nhập khẩu thuốc của các cơ sở để bảo đảm đủ thuốc đáp ứng nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch bệnh theo quy định”.