Ajinomoto đồng hành cùng chuyên mục sức khỏe
Hội thảo do Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tổ chức, có sự tham dự của đại diện ngành Y tế, đại diện Bộ Công Thương, Bộ Công an, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam…
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế - ông Nguyễn Việt Tiến cho biết hiện nay văn bản pháp luật quản lý rượu bia đã có nhưng chưa thật chặt chẽ, rõ ràng.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết: Khi xảy ra ngộ độc rượu, dù cấp cứu kịp thời không gây tử vong nhưng di chứng để lại rất lớn. ảnh: H.Lực. |
“Ngay trong các vụ ngộ độc rượu xảy ra vừa qua người chịu trách nhiệm chính vẫn chưa rõ.
Ngành Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hay Bộ Công an phải chịu trách nhiệm vẫn chưa rõ ràng”, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Theo Thứ trưởng Tiến, thời gian qua liên tục xảy ra những vụ ngộ độc Methanol do uống rượu, người bị ngộ độc chủ yếu là người trẻ đang trong độ tuổi lao động.
Khi xảy ra ngộ độc dù cấp cứu kịp thời không gây tử vong nhưng di chứng để lại rất lớn.
“Vậy chúng ta có thể cấm uống rượu được không, tôi cho rằng biện pháp này không khả thi.
Vấn đề phải truy xét xuất xứ nguồn gốc rượu có Methanol ở đâu, trách nhiệm thuộc về ai”, ông Tiến nêu vấn đề.
Theo Thứ trưởng Tiến, ngộ độc rượu là trách nhiệm của mọi người, không phải khi xảy ra thì bộ này, ngành kia phủ nhận nhận trách nhiệm.
Thứ trưởng Tiến đề nghị qua hội thảo đại diện các bộ, ngành cần đóng góp ý kiến để đề xuất để quản lý làm rõ xuất xứ rượu có Methanol.
Làm rõ trách nhiệm bộ, ngành qua đó đề xuất Chính phủ có nghị định rồi tiến tới ban hành luật chống lạm dụng rượu bia.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Hùng Long – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rượu là nguyên nhân của 31% vụ đánh, giết nhau, 33% vụ hiếp dâm, 18% tai nạn giao thông và 60 loại bệnh khác nhau…
Thống kê Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương Việt Nam cho thấy tỷ lệ điều trị tâm thần do rượu chiếm khoảng 5-6%.
“Ngộ độc rượu trong những năm gần đây ghi nhận từ 1 -7 vụ/ năm (con số này chỉ chiếm 1,5 -2,1% tổng số vụ ngộ độc thực phẩm/ năm nhưng số người chết chiếm tới 6,8 – 7,7% tổng số người từ vong do ngộ độc.
Ngộ độc do rượu trắng cao nhất 42,9%, rượu ngâm thuốc 36% rượu ngâm độc vật 10,7%”, ông Long cho biết.
Thống kê của Cục An toàn thực phẩm cũng cho thấy, tính từ năm 2007 – tháng 3/2017 toàn quốc ghi nhận 58 vụ ngộ độc do sử dụng rượu bia làm 382 người mắc và 98 người chết.
Ngộ độc rượu tập chung nhiều nhất khu vực Miền núi phía Bắc (16 vụ, 126 người mắc và 26 người chết) và khu vực Đông Nam Bộ 11 vụ, 45 người mắc và 22 người chết).
Nguyên nhân ngộ độc do người dân mua và sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Rượu chủ yếu bán trong cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, bán rong.
Nêu lên tình trạng sử dụng rượu bia hiện nay, trao đổi tại hội thảo, Bác sĩ Trần Quốc Bảo (Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế) cho biết, hiện nay 77% nam giới Việt Nam uống rượu bia, trong đó 44% nam uống ở mức nguy hại (Cao cần gấp đôi so với tỷ lệ này vào năm 2010).
Tỷ lệ nam giới hiện uống rượu, bia của Việt Nam cao hơn mặt bằng chung toàn cầu và của các khu vực.
“Không có mức độ uống rượu, bia nào là an toàn. Uống rượu bia nhiều hay ít đều ảnh hưởng sức khỏe”, Bác sĩ Trần Quốc Bảo khẳng định.
Theo Bác sĩ Bảo để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc rượu người bình thường không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam và một đơn vị cồn/ngày đối với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần.
Nếu uống từ 20g cồn/ngày trở lên thì nguy cơ tử vong tăng lên rõ rệt.
Theo một khảo sát của Cục Y tế dự phòng thì hiện nay, rượu tự nấu chiếm 69% số lượng rượu được tiêu thụ trên thị trường và chủ yếu là vùng nông thôn.
Vì tham lợi nhuận, nhiều nơi có thể sản xuất rượu hòa thêm cồn, dung môi hòa tan... làm cho rượu không còn nguyên chất, dễ gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng tới tính mạng người dân.
Nói đến tác hại của rượu, Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, sử dụng rượu bia sẽ gây hậu quả lâu dài sẽ sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới ít nhất 30 bệnh về thần kinh.
Ngoài ra sử dụng rượu bia còn tăng nguy cơ ung thư, tim mạch, đái tháo đường, tiêu hóa, tổn thương hệ miễn dịch, gây hành vi nguy cơ như bạo lực, tự tử...
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: Ngộ độc Methanol gây tỷ lệ tử vong rất cao. ảnh H.Lực. |
Để giảm ngộ độc rượu, bia trao đổi với phóng viên bên lề hội thảo, Phó Giáo sư, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến nghị: “Người dân tuyệt đối không sử dụng rượu, bia không rõ nguồn gốc xuất xứ không có nhãn mác”.
Ông Phong khẳng định, ngộ độc Methanol gây tỷ lệ tử vong rất cao, điều trị ngộ độc Methanol rất tốn kém, cho dù điều trị được nhưng di chứng để lại rất nặng nề.
Theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, thời gian vừa qua Bộ Y tế đã liên tục kiểm tra xử lý đơn vị vi phạm.
“Tuy nhiên vẫn còn tình trạng cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ tiếp tục cố tình đưa rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ ra thị trường. Đồng thời vẫn có người dân sử dụng sản phẩm rượu bia không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Để giảm ngộ độc do rượu, cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân không sử dụng rượu, bia không rõ nguồn gốc xuất xứ không có nhãn mác”, ông Phong nêu giải pháp.