Hơn 50 nghìn trường hợp bị sốt xuất huyết, 15 người đã tử vong

20/07/2017 16:02
Diệu Linh
(GDVN) - Đây là con số báo cáo mới nhất của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đáng chú ý là dịch vẫn có xu hướng gia tăng tại nhiều địa phương.

Trong số hơn 50 nghìn trường hợp bị mắc sốt xuất huyết thì 15 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2016, số trường hợp nhập viện tăng 0,3%, trường hợp tử vong tăng 2 trường hợp.

Chiều 19/7, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về công tác phòng chống và điều trị về dịch bệnh sốt xuất huyết.

Tại buổi làm việc, nhiều chuyên gia nhận định, hiện nay số ca bệnh sốt xuất huyết tại Thành phố Hồ Chí Minh đang tăng cao và dự báo, dịch bệnh năm nay sẽ có những diễn biến phức tạp.

Đi thực tế tại phường một số điểm nóng về sốt xuất huyết, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long trực tiếp kiểm tra khu nhà trọ của người dân và phát hiện nhiều nơi nước đọng với các ổ lăng quăng. Đây là khu vực dễ phát sinh ổ dịch do điều kiện vệ sinh chưa đảm bảo.

Ông Long lưu ý, người dân thường ít để ý đến những vật dụng bình thường trong nhà như thùng bia uống hết, bình bông trên bàn thờ, vỏ lốp xe… bị đọng nước. Đó đều là những nơi thuận lợi cho muỗi đẻ trứng, phát sinh ổ lăng quăng.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long kiểm tra và phát hiện nhiều ổ lăng quăng trong khu dân cư. ảnh: Công an Nhân dân.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long kiểm tra và phát hiện nhiều ổ lăng quăng trong khu dân cư. ảnh: Công an Nhân dân.

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố tích lũy từ đầu năm 2017 đến nay là hơn 10.150 ca. Hiện 18/24 quận, huyện có số ca sốt xuất huyết nhập viện tăng so với trung bình 4 tuần trước.

Tại các bệnh viện nhi của Thành phố Hồ Chí Minh, số ca phải nhập viện do sốt xuất huyết đang tăng cao, trong đó có nhiều ca bệnh nặng. Bác sĩ Trịnh Hữu Tùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, từ đầu tháng 7 đến nay, số ca sốt xuất huyết điều trị nội trú và ngoại trú tại bệnh viện tiếp tục tăng, lúc nào cũng có 50 đến 70 bệnh nhi nằm điều trị do bệnh sốt xuất huyết.

Còn tại Hà Nội, dịch vẫn đang có xu hướng tăng mạnh tại Hà Nội, tính đến thời điểm hiện tại đã có 5.300 trường hợp bị mắc sốt xuất huyết (riêng tuần qua tăng thêm 1000 ca mới).

Theo Cục Y tế dự phòng, năm 2017 khu vực Hà Nội mùa hè đến sớm, không có đợt rét tháng 3 (rét nàng Bân) nên đàn muỗi có điều kiện phát triển, kết hợp với sự cố vỡ đường ống nước sông Đà dẫn đến việc người dân tăng trữ nước tạo điều kiện cho bọ gậy/lăng quăng phát triển.

Ngoài ra nhiều công trình xây dựng đang khiển khai trong các khu dân cư và nhiều khu tập thể cũ gia tăng, kết hợp các khu nhà trọ của công nhân lao động có điều kiện vệ sinh kém cũng là nguy cơ cho véc tơ truyền sốt xuất huyết phát triển.

Số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh khiến bệnh nhân phải nằm ghép giường. ảnh: Báo Nhân dân.
Số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh khiến bệnh nhân phải nằm ghép giường. ảnh: Báo Nhân dân.

Trước đó tại buổi giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 7/6, Ông Hoàng Đức Hạnh – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết số ca mắc sốt xuất huyết năm nay tại Hà Nội tăng bất thường.

“So với cùng kỳ năm 2016, số ca mắc sốt xuất huyết trong năm 2017 đã tăng 2,6 lần dù chưa phải đỉnh dịch.

Số ca mắc sốt xuất huyết thường tăng dần từ tháng 4 đến cuối đỉnh dịch vào tháng 11, nhưng thời điểm này so với cùng kỳ 2016 đã tăng 2,6%”, ông Hạnh thông tin.

Biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết

Thể bệnh nhẹ: 

Sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ sốt.

Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu.

Có thể có nổi mẩn, phát ban.

Thể bệnh nặng:

Bao gồm các dấu hiệu trên kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu sau:

Dấu hiệu xuất huyết: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng).

Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Cần làm gì khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết?

Đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Thời tiết thay đổi bất thường, nắng nóng sau đó lại mưa ẩm nhiều ngày là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển và bệnh chưa có vắc-xin phòng đặc hiệu nên có thể sẽ tiếp tục gia tăng trong các tháng cuối năm 2017.

Đỉnh dịch thường rơi vào vào tháng 9 và 11 hàng năm, do đó cần thực hiện tốt công tác giám sát dịch, đặc biệt là giám sát phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng; tập trung tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, phế liệu không để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có nơi cư trú, sinh sản, áp dụng các biện pháp diệt bọ gậy.

Và trên thực tế hiện nay số ca mắc sốt xuất huyết không chỉ với Hà Nội mà tính trên cả nước cũng tăng nhanh.

Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, trong hai tuần trở lại đây, số bệnh nhân sốt xuất huyết tăng nhanh, với hơn 200 bệnh nhân khám mỗi ngày, tỷ lệ nhập viện 10 – 20%.

So với cùng kỳ năm ngoái, số bệnh nhân sốt xuất huyết tăng bốn lần và nhiều ca diễn biến nặng.

Tiến sĩ Kính cũng cho biết thêm, ca tử vong thứ 15 vì sốt xuất huyết là trường hợp bị xuất huyết não tại Bệnh việ Nhiệt đới Trung ương.

Đây là bệnh nhân nam giới, 51 tuổi, ở phường Vạn Phúc, Cống Vị, Ba Đình. Trước đó, bệnh nhân được chẩn đoán sốt xuất huyết, chụp CT não phát hiện xuất huyết não được chuyển sang Bệnh viện Nhiệt đới vào sáng sớm ngày 12/7 và tử vong vào rạng sáng 14/7 do xuất huyết não quá nặng.

Tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai, số lượng bệnh nhân điều trị nội trú tăng đột biến, lên 199 bệnh nhân sốt xuất huyết (tính từ đầu năm 2017 đến 19/7).

Trung bình từ tháng 1 đến tháng 4/2017, mỗi tháng có 10 bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện, nhưng từ tháng 5 trở đi, số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tăng lên đột biến.

Để chủ động phòng tránh dịch sốt xuất huyết, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như sau:

1. Đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi.

2. Thường xuyên rửa tay với xà phòng  trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

3. Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.

4. Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng.

5. Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày.

6. Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

7. Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác xúc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

8. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.

Diệu Linh