Thời điểm cận Tết Nguyên Đán, nhu cầu mua thực phẩm chuẩn bị cho năm mới tăng rất cao. Tuy nhiên, vấn đề chọn thực phẩm nào để đảm bảo an toàn thực phẩm trong mâm cỗ ngày Tết khiến không ít người tiêu dùng lo lắng.
Thực tế, việc sử dụng phẩm màu để làm đẹp thực phẩm, tạo ra tính hấp dẫn cho món ăn tại không ít cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm đã bị lạm dụng. Đáng nói, nhiều cơ sở kinh doanh vì lợi nhuận đã lạm dụng quá đà thực phẩm độc hại gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Như dịp Tết Nguyên Đán 2018, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một ca bệnh nhi bị tan máu cấp rất nặng do nhiễm độc. Nguyên nhân được cho là xuất phát từ món thịt bò khô tự làm có sử dụng một loại phẩm màu không rõ nguồn gốc.
Phẩm màu thực phẩm là một nhóm những chất có màu được dùng làm phụ gia thực phẩm, để tạo ra hoặc cải thiện màu sắc của thực phẩm, nhằm làm tăng tính hấp dẫn của sản phẩm.
Nếu sử dụng tùy tiện, không đúng chủng loại, không đảm bảo độ tinh khiết và không đúng liều lượng thì phẩm màu sẽ là tác nhân gây ra nhiều loại bệnh cho người sử dụng. Nhiều trường hợp bị ngộ độc đã xảy ra trong thời gian qua do thực phẩm bị nhuộm bằng phẩm màu độc hại.
Rất nhiều thực phẩm nhuộm màu bán tràn lan ở các chợ nhưng không rõ nguồn gốc. |
Bộ Y tế đã lên danh mục 21 chất màu (gồm 11 chất màu tự nhiên, 10 chất màu tổng hợp) được phép sử dụng trong thực phẩm, nhưng không phải cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm nào cũng tuân thủ. Vì lợi nhuận họ coi thường tính mạng người tiêu dùng.
Theo quy định, sử dụng chất tạo màu dùng cho thực phẩm rất nghiêm ngặt, nhà sản xuất chỉ được sử dụng các loại màu thực phẩm đã được cơ quan chức năng cho phép.
Trên thực tế nhiều vụ ngộ độc thực phẩm đã xảy ra do sử dụng các chất màu độc hại nằm ngoài danh mục được Bộ Y tế cho phép. Việc lạm dụng phẩm màu không nằm trong danh mục cho phép để chế biến thực phẩm diễn ra hàng ngày, còn người tiêu dùng không biết đâu mà lần.
Một trong những loại phẩm mầu độc hại như phẩm màu Rhodamine B là hóa chất phẩm màu chỉ sử dụng để nhuộm, cấm dùng trong thực phẩm, nhưng họ vẫn vô tư giới thiệu, tiếp tay cho các cơ sở kinh doanh bát nháo.
Phẩm màu Rhodamine B nếu sử dụng trong thực phẩm, người tiêu dùng ăn phải sẽ gây hại cho gan, thận, thậm chí ung thư. Thời gian qua cơ quan chức năng từng phát hiện loại phẩm màu này được sử dụng trong chế biến hạt dưa, tương ớt, sa tế...
Người tiêu dùng cũng dễ bình đánh lừa trước nhiều loại thức ăn được chế biến sẵn như chim rán, vịt quay, hạt dưa, mứt kẹo, thịt bò khô, nước giải khát, mứt Tết, măng khô... được nhuộm màu thực phẩm rất bắt mắt được bày bán nhiều nơi trên thị trường.
Đáng nói, việc mua các loại phẩm màu không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không được phép sử dụng trong thực phẩm dễ như mua mớ rau ngoài chợ. Thực tế, việc bắt quả tang, xử phạt các cơ sở này cũng không phải dễ.
Cục An toàn Thực phẩm khuyến cáo, người tiêu dùng tránh xa những loại thực phẩm lòe loẹt, bắt mắt vì nhuộm bằng phẩm màu độc hại, ăn phải dễ bị ngộ độc. |
Tại chợ Kim Biên (quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh), phẩm màu công nghiệp được rao bán không tới 10.000 đồng/100 g, không hạn chế số lượng. Nhiều cơ sở kinh doanh cũng mời chào nếu làm mứt chỉ cần cho một ít, sản phẩm có màu đẹp tươi và bền lâu.
Đáng nói, gần như phẩm màu được đựng trong những bịch không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ. Thậm chí, khảo sát của phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tại Hà Nội, nhiều cửa hàng hóa chất trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận cũng rỉ tai nên mua bột màu công nghiệp vì vừa rẻ vừa nhuộm được nhiều.
Phẩm màu có hai loại, gồm phẩm màu tự nhiên và hóa học. Phẩm màu tự nhiên thường có màu sắc không rực rỡ do được chiết suất từ chất hữu cơ như củ, quả, lá...
Do vậy, khi chế biến, người dùng phải sử dụng một lượng lớn thì mới tạo được màu sắc bắt mắt cho thực phẩm. Phẩm màu hóa học thì ngược lại, dùng lượng ít nhưng màu sắc rất rực rỡ. Bằng mắt thường khó có thể phân biệt đâu là phẩm màu tự nhiên, đâu là phẩm màu hóa học.
Tuy nhiên, thực phẩm có màu càng sặc sỡ thì nguy cơ dùng phẩm màu hóa học càng cao, mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người càng nghiêm trọng.
Hạt dưa nhuộm phẩm màu hóa chất độc hại được bày bán tràn lan trên thị trường. |
Hiện nay, phẩm màu công nghiệp vẫn được dùng khá phổ biến trong một số thực phẩm dành cho trẻ em như: Thạch, nước trái cây, đồ ăn nhanh, kẹo, bánh... Đa số phẩm màu độc hại đi vào cơ thể con người và gây ra hiện tượng “ngộ độc trường diễn”, nghĩa là chúng tích tụ một thời gian dài trong cơ thể rồi gây bệnh.
Bánh, kẹo, nước giải khát, chế biến gia súc, gia cầm... là những thực phẩm hay sử dụng và lạm dụng phẩm màu nhất. Bên cạnh việc sử dụng các phẩm màu tự nhiên, để tạo thêm tính hấp dẫn cho sản phẩm, các nhà sản xuất còn dùng các phẩm màu tổng hợp.
Đáng nói, họ còn sử dụng cả loại phẩm màu dùng trong công nghiệp để nhuộm màu cho thực phẩm hoặc che dấu cho các sản phẩm bị hư hỏng sẽ rất nguy hiểm (vì những loại phẩm màu công nghiệp này thường chứa nhiều tạp chất và kim loại nặng).
Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, để phòng ngừa ngộ độc thức ăn và các bệnh liên quan đến thực phẩm, người dân tuyệt đối không ăn những thức ăn không rõ nguồn gốc, đặc biệt không ăn những thức ăn có phẩm màu lòe loẹt, bắt mắt.
Đặc biệt với trẻ em, rất nhạy cảm với những thức ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nguy cơ bị ngộ độc nguy hiểm đến tính mạng cao hơn người lớn.
Khi có biểu hiện bất thường, cha mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và chữa trị kịp thời, không chủ quan để ở nhà theo dõi và tự ý cho trẻ dùng thuốc khiến tình trạng bệnh tăng nặng, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Nhiều biện pháp mạnh đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Ngày 10/12, Cục An toàn Thực phẩm cho biết, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm vừa Ban hành Kế hoạch số 1350/KH-BCĐTƯVSATTP ngày 7/12/2018 về việc triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa Lễ hội Xuân 2019. Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ hợi và Lễ hội Xuân 2019 phục vụ nhân dân đón Tết, vui Xuân an toàn, bảo đảm sức khỏe cho người dân, Cục An toàn Thực phẩm thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành từ trung ương đến cấp xã phường. Liên ngành sẽ tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và Lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn trên cả nước, thanh kiểm tra từ ngày 01/01/2019 đến hết 25/3/2019. |