Ngày 3/10/2018, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh – bà Bùi Thị Diễm Thu đã ký văn bản 3440/GDĐT-CTTT về triển khai hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong trường học.
Theo đó, căn cứ vào tình hình diễn biến bệnh tay chân miệng, sởi và các bệnh truyền nhiễm khác đang diễn ra trong trường học hiện nay, và trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị các cơ sở giáo dục trên địa bàn tích cực triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trong trường học.
Học sinh rửa tay sạch sẽ nhằm phòng chống các bệnh truyền nhiễm (ảnh minh họa: CTV) |
Nếu học sinh, giáo viên, nhân viên bị các dấu hiệu như sốt, ho, sổ mũi, phát ban, có mụn nước thì cần được nghỉ học, nghỉ làm để đi khám bệnh ở các cơ sở y tế, còn các triệu chứng này thì không nên đến trường, lớp, chỉ quay lại khi đã hết hẳn các dấu hiệu nói trên, hạn chế tiếp xúc với người khác.
Nếu được chẩn đoán có bệnh truyền nhiễm, thì phải cách ly ở nhà đúng với thời gian quy định. Chủ nhiệm, giám thị điểm danh học sinh, ghi rõ nguyên nhân học sinh nghỉ học vào sổ kiểm diện mỗi ngày.
Học sinh nghỉ học nhiều ngày mà không rõ lý do, giáo viên cần liên hệ với phụ huynh xem có phải mắc bệnh truyền nhiễm hay không.
Nhân viên y tế trường học tổng hợp học sinh nghỉ vì bệnh truyền nhiễm của trường vào sổ quản lý, sổ tổng hợp để theo dõi.
Trong trường hợp học sinh mắc bệnh truyền nhiễm nằm trong danh mục cần báo cáo, nhân viên y tế cần thông báo ngay đến trạm y tế phường, xã.
Trường học không nhận học sinh bị sốt, hay mắc bệnh truyền nhiễm vào lớp. Nếu có trường hợp học sinh sốt, bị bệnh thì phải đưa ngay đến phòng y tế, gọi điện cho phụ huynh đưa đi khám ngay.
Đối với các trường mầm non, nhóm trẻ, thì bảo mẫu đón trẻ vào mỗi buổi sáng, cần sàng lọc, hỏi phụ huynh về tình trạng sức khỏe của trẻ trước khi vô lớp.
Ngành giáo dục cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục đảm bảo vấn đề vệ sinh cá nhân, vệ sinh trường học, đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh.