Ai được quyền đề nghị bắt giam, khám xét đại biểu Quốc hội?

08/01/2015 14:43
Ngọc Quang
(GDVN) - Không được bắt giam, truy tố, khám xét... đại biểu Quốc hội nếu không được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý.

Tối ngày 7/1, bà Châu Thị Thu Nga - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất Housing Group bị Cục Cảnh sát Kinh tế (C46) Bộ Công an bắt tạm giam.

Bà Châu Thị Thu Nga là Đại biểu Quốc hội khóa XIII (đoàn Hà Nội), theo Điều 58 Luật Tổ chức Quốc hội quy định về quyền của Đại biểu Quốc hội như sau:

Thứ nhất, không có sự đồng ý của Quốc hội và trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì không được bắt giam, truy tố đại biểu Quốc hội và không được khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội. Việc đề nghị bắt giam, truy tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Thông tin cá nhân của bà Châu Thị Thu Nga trên website Đại biểu Quốc hội.
Thông tin cá nhân của bà Châu Thị Thu Nga trên website Đại biểu Quốc hội.

Thứ hai, nếu vì phạm tội quả tang mà đại biểu Quốc hội bị tạm giữ, thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xét và quyết định.

Thứ ba, trong trường hợp đại biểu Quốc hội bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đó.

Thứ tư, Đại biểu Quốc hội bị Tòa án kết án thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Thứ năm, Đại biểu Quốc hội không thể bị cơ quan, đơn vị nơi đại biểu làm việc cách chức, buộc thôi việc, nếu không được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý.

Ngoài ra, theo Ðiều 3 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội quy định Ðại biểu Quốc hội có 5 tiêu chuẩn sau đây:

Một là, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

Hai là, có phẩm chất đạo đức tốt, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; kiên quyết đấu tranh, chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật.

Ba là, có trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Bốn là, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.

Năm là, có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

Ngọc Quang