Chưa xử lý tài sản không giải trình hợp lý nhưng không phải bất lực, buông xuôi

20/11/2018 14:09
Đỗ Thơm
(GDVN) - Luật Phòng, tham nhũng (sửa đổi) vừa được thông qua chưa đưa quy định xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc vào Luật nhận được nhiều sự quan tâm.

Sáng 20/11, ngay sau khi Quốc hội họp phiên bế mạc, Tổng Thư ký Quốc hội đã tổ chức họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Sau 22,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã kết thúc tốt đẹp.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội. Ảnh: N.P
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội. Ảnh: N.P

Tại cuộc họp báo, nhiều nhà báo đã đặt câu hỏi xung quanh Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vừa được thông qua.

Trong đó, việc chưa bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc đặt ra băn khoăn là vậy Luật có bước tiến gì mới và nó có thể hiện được quyết tâm mạnh mẽ trong phòng chống tham nhũng?

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh, lần này Quốc hội đã sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng và được các đại biểu thông qua với tỷ lệ phiếu cao.

Trong nội dung sửa đổi có nhiều điểm đổi mới quan trọng như mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực tư.

Luật đã khắc phục được hạn chế, bất cập qua tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng từ việc thực hiện biện pháp phòng ngừa như công khai minh bạch, chuyển đổi vị trí công tác, quà tặng, quy tắc ứng xử của người có chức vụ quyền hạn... được sửa đổi bổ sung.

“Đồng thời bổ sung nội dung mới dung mới liên quan đến kiểm soát xung đột lợi ích.

Luật hoàn thiện một bước quan trọng về chế định kiểm soát tài sản thu nhập, hệ thống cơ quan kiểm soát được kiện toàn, mở rộng hơn về căn cứ xác minh, nhờ đó việc xác minh sẽ có hiệu quả hơn hiện nay”, ông Cường nhấn mạnh.

Cũng tại cuộc họp báo, các nhà báo đã đặt câu hỏi với cá nhân Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc rằng ông có hài lòng với dự án Luật vừa được thông qua khi điểm trên không được đưa vào Luật.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, khi thông qua Luật, điều liên quan đến xử lý tài sản bất minh, vẫn thực hiện theo luật hiện hành.

Các phương án xử lý tài sản không giải trình rõ nguồn gốc khi xin ý kiến đại biểu đều không đủ quá bán.

“Nguyên tắc cái gì chín, chắc chắn thì đưa vào luật. Cái gì chưa rõ, đại biểu rất băn khoăn. Dự án Luật cũng kéo dài đến 3 kỳ họp.

Vì thế cần có thời gian nữa để quá trình thực hiện được chín mới đưa vào luật.

Không phải vì thế mà không hài lòng, thậm chí giờ mạnh hơn.

Cán bộ, đảng viên không kê khai trung thực phải xử lý về mặt đảng, nhà nước.

Nếu ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân sẽ bị xoá tên. Đó là những quy định mạnh mẽ hơn trước”, ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định.

Ông Nguyễn Mạnh Cường nói thêm, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm hoàn thiện các cơ chế kiểm soát phòng ngừa chống tham nhũng nhưng không được xâm hại đến quyền lợi ích hợp pháp của công dân.

“Trong sửa luật lần này, với tài sản thu nhập không giải trình chưa xử lý nhưng không phải bất lực, buông xuôi.

Thực tế, trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, chưa kiểm soát được tài sản thu nhập toàn xã hội, người dân nói chung và tài sản của cán bộ công chức viên chức nói riêng, việc thanh toán tiền mặt phổ biến, cần cơ quan chức năng tăng cường điều tra xác minh các loại tài sản, xem tài sản đó có phải là do hành vi tham nhũng, phạm tội mà có hay không để từ đó xử lý cho phù hợp”, ông Cường phân tích.

Đỗ Thơm