"Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo cắt hợp đồng 647 giáo viên"

26/10/2016 11:30
QUỐC TOẢN (THỰC HIỆN)
(GDVN) - Chủ tịch UBND huyện Yên Định cho biết, việc chấm dứt hợp đồng với hàng trăm lao động là thực hiện theo chỉ đạo của tỉnh. Còn việc xin tuyển thêm là do nhu cầu.

LTS: Trong một thời gian dài, lãnh đạo huyện Yên Định (Thanh Hóa) đã “thả cửa” ký hợp đồng lao động với hàng trăm giáo viên. Trong khi đó, cơ quan có trách nhiệm chưa chú trọng thực hiện các quy định về việc rà soát, bố trí nhân sự, dẫn tới tình trạng dôi dư nhân sự.

Hậu quả là hàng trăm giáo viên bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Để làm rõ thêm vấn đề này, hôm 26/10, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Vũ Lâm – Chủ tịch UBND huyện Yên Định.

PV: Quan điểm của ông thế nào trước việc hàng trăm giáo viên bị chấm dứt hợp đồng lao động?

Ông Lưu Vũ Lâm:Về quy định, chúng tôi thực hiện theo chỉ đạo của tỉnh Thanh Hóa về công tác tinh giản biên chế.

Tuy nhiên, thực tế mà nói việc chấm dứt hợp đồng đối với người lao động đã nhiều năm gắn bó với ngành giáo dục là điều không ai mong muốn.

Tôi hiểu và chia sẻ đối với những giáo viên này, nhưng đã là chỉ đạo thì chúng tôi phải thực hiện.

Hàng trăm giáo viên ở Yên Định đang kêu cứu vì quyết định chóng vánh của Ủy ban Nhân dân huyện Yên Định (Thanh Hóa) (Ảnh: phapluatplus.vn).
Hàng trăm giáo viên ở Yên Định đang kêu cứu vì quyết định chóng vánh của Ủy ban Nhân dân huyện Yên Định (Thanh Hóa) (Ảnh: phapluatplus.vn).

Nhìn rộng ra, xã hội cũng còn nhiều đối tượng khác (công nhân, sinh viên...) cũng đang trong hoàn cảnh tương tự chứ không riêng gì giáo viên ở Yên Định. Do đó, cần có cái nhìn khách quan, công tâm trong chuyện này.

Ông có thể nói rõ nguyên nhân cụ thể dẫn tới việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với 647 giáo viên?

Ông Lưu Vũ Lâm: Tôi xin nhắc lại, việc chấm dứt hợp đồng với số giáo viên nói trên căn cứ theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. 

Bên cạnh đó, việc biến động (tăng, giảm) về trường lớp, số học sinh trong nhiều năm trở lại đây, kéo theo số lượng lao động hợp động cũng bị ảnh hưởng theo.

Từ năm 2009 đến nay, riêng bậc THCS giảm tới 60 lớp. Như vậy số giáo viên đã được ký hợp đồng ngắn hạn sẽ dư thừa. Trong khi đó, cán bộ tham mưu về công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển còn nhiều hạn chế, chưa sát với thực tế.

Ví dụ giáo viên thừa thì không đề xuất luân chuyển, trong khi chỗ thiếu giáo viên thì đề nghị tuyển thêm.

Ông Lưu Vũ Lâm - Chủ tịch UBND huyện Yên Định (ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam).
Ông Lưu Vũ Lâm - Chủ tịch UBND huyện Yên Định (ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam).

Một số trường hợp ký hợp đồng còn mang nặng tính tình cảm, theo kiểu quan hệ. Thật ra chuyện này không chỉ riêng ở Yên Định mà ở đâu cũng thế. 

Sự việc trên còn là hậu quả của cả một quá trình dài tuyển dụng, bố trí công việc chưa phù hợp. Đến khi có biện pháp ngăn chặn thì xảy ra xung đột lợi ích.

Nhưng tại sao Yên Định vừa chấm dứt hợp đồng với 647 giáo viên, lại xin tuyển thêm 253 trường hợp khác? Chuyện này liệu có mâu thuẫn gì không, thưa ông?

Ông Lưu Vũ Lâm: Việc chấm dứt hợp đồng với hơn 600 giáo viên và tuyển mới 253 người là hai việc hoàn toàn khác nhau.

Việc chấm dứt hợp đồng với các giáo viên nói trên là thực hiện theo chỉ đạo. Đến nay tỉnh Thanh Hóa đã có 3

Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa ban hành công văn khẩn số 1173-CV/VPTU về việc chỉ đạo giải quyết đơn của tập thể giáo viên, nhân viên hành chính các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Yên Định. Sau khi xem xét, ông Trịnh Văn Chiến - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa chỉ đạo giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh căn cứ các quy định hiện hành, khẩn trương chỉ đạo giải quyết đơn phản ánh của công dân theo ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy tại công văn 1117-CV/VPTU, ngày 6/10, báo cáo Bí thư Tỉnh ủy kết quả.

văn bản chỉ đạo về việc này.

Sau khi chấm dứt hợp đồng với hơn 600 giáo viên, chúng tôi thực hiện sắp xếp cán bộ theo vị trí và việc làm theo biên chế tỉnh giao là 1.797 người.

Đến thời điểm hiện tại, giáo viên cấp 1, cấp 2 cơ bản đã đủ. Chỉ thiếu cục bộ giáo viên tiếng Anh, tin học. 

Như vậy qua rà soát, ngành giáo dục huyện còn thiếu 253 giáo viên, trong đó có 154 giáo viên mầm non, 36 kế toán 5 giáo viên tiếng Anh…

Việc tuyển dụng này cũng do áp lực về số học sinh, trường lớp. Hiện tại Yên Định đã có 80% trường chuẩn, như vậy cơ sở vật chất, cũng như đội ngũ giáo viên phải đủ để đảm bảo dạy 2 buổi/ngày.

Tuy nhiên, sau khi có văn bản xin ý kiến thì lãnh đạo tỉnh không đồng ý, đồng thời cho rằng, việc sắp xếp nhân sự của huyện vẫn chưa đạt yêu cầu và không cho bổ sung thêm nhân sự.

Do đó, nếu tỉnh Thanh Hóa không đồng ý ký thì chúng tôi cũng không dám tuyển. Trước đây ký đã sai, bây giờ ký thêm lại sai nữa thì không ổn. 

Điều này cũng cho thấy, cái dở nhất hiện nay là việc phân cấp quản lý. Cụ thể ngành giáo dục quyết định chuyện phân định trường, lớp, nhưng chốt biên chế lại là Sở Nội vụ. Quá nhiều đơn vị quản lý nhân sự đâm ra lôi thôi.

Trường hợp tỉnh đồng ý cho huyện Yên Định tuyển dụng mới 253 giáo, liệu một bộ phận trong số 647 giáo viên vừa bị chấm dứt hợp đồng có còn cơ hội trở lại làm việc?

Ông Lưu Vũ Lâm: Nếu được tuyển mới, tôi sẽ cam kết với tỉnh chỉ tuyển dụng những đối tượng trong diện vừa bị vừa chấm dứt hợp đồng.

Theo đó, chúng tôi sẽ ưu tiên những đối tượng phù hợp với vị trí, việc làm, thâm niên công tác khi thực hiện tuyển dụng.

Nhưng trên thực tế, nếu được tuyển thì số lượng này cũng không đáng bao nhiêu so với số giáo viên vừa bị chấm dứt hợp đồng.

Còn hiện tại, chúng tôi đang tập chung giải quyết chế độ cho những người trong diện bị chấm dứt hợp đồng lao động. Số ít người khác thì đang chần chừ, chờ cơ hội đi làm việc lại, nên chưa hoàn tất thủ tục giải quyết quyền lợi.

Trân trọng cảm ơn ông!

QUỐC TOẢN (THỰC HIỆN)