Vụ “cô giáo” hành hạ trẻ mầm non: “Lỗi từ cha mẹ chứ đâu”!?

18/12/2013 14:00
ĐỘC GIẢ: MAI ANH
(GDVN) - Để hạn chế con trẻ không bị bạo hành ở các cơ sở mầm non, cha mẹ nên dành nhiều thời gian quan tâm, theo dõi đến những biểu hiện lạ của trẻ như; trong ánh mắt con có gì sợ hãi, tại sao trẻ lại sợ hãi, không muốn đi học…?

Clip “đày đọa trẻ mầm non” đăng trên Báo Tuổi trẻ ngày 17/12 được lan truyền nhanh chóng và khiến cả xã hội phẫn nộ.

Được biết, cơ sở mầm non tư thục Phương Anh (18 đường Hiệp Bình, P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức, TP.HCM), nơi xảy ra vụ hành hạ trên chưa được cấp phép hoạt động.

Và thông tin nữa, bảo mẫu Lê Thị Đông Phương từng tốt nghiệp đại học chuyên ngành giáo dục mầm non; bảo mẫu Nguyễn Lê Thiên Lý hiện đang học lớp cấp dưỡng tại ĐH Sài Gòn, vừa nhận thử việc cuối tháng 8. Như vậy, hai “cô giáo” đã hành hạ các bé đều là những người có chuyên môn, được học hành tử tế.

Một hình thức "tra tấn" trẻ tại cơ sở mầm non tư thục Phương Anh
Một hình thức "tra tấn" trẻ tại cơ sở mầm non tư thục Phương Anh

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra việc “cô giáo” hành hạ trẻ mầm non. Nhưng qua các vụ việc thấy rằng, một điểm chung là khi các cô dùng “cực hình” với trẻ thường vào lúc cho trẻ ăn.

Ở trường hợp Phương và Lý đây cũng là như vậy. Trong một lớp có nhiều bé, vậy nên tiêu chí của các cô là làm sao để các bé ăn càng nhanh càng tốt vì xong em này còn đi lo cho em khác. Có thể vì sức ép và trong lúc "bí bách", các cô đã phải thực hiện đủ “chiêu thức” với các bé, cốt sao cho nhanh xong việc.

Chuyện làm thế nào để trẻ biếng ăn tự nuốt “ừng ực” từng thìa cơm vào miệng không phải đơn giản. Ngay như ở nhà, nhiều ông bố, bà mẹ cũng phải phát cáu, dọa nạt, thậm chí “ra đòn” đối với những bé lười ăn. Vậy nói gì là “người dưng nước lã” như hai “cô giáo” đây.

Về mục đích của hai cô tôi cho là tốt. Nhưng cách thực hiện thì quá dã man, phản khoa học.

Sau khi xem clip, nhiều ông bố bà mẹ giật mình lo sợ vì “không biết ở chỗ con mình các cô có “hùng hổ” như thế này không?” Tôi tin đây hoàn toàn không phải là trường hợp cá biệt, có thể còn nhiều ''cô giáo'' như thế mà chúng ta chưa phát hiện ra.

Nhiều người đổ lỗi cho chính quyền đã buông lỏng quản lí, để cho cơ sở mầm non “chui” hoạt động và xảy ra sự việc đau lòng trên. Tôi cho rằng họ bức xúc là đúng và lãnh đạo Q.Thủ Đức cần làm rõ trách nhiệm của chính quyền sở tại.

Nhưng theo quan điểm của tôi, cho dù cơ sở có được cấp phép hay không cấp phép cũng không liên quan gì đến lương tâm của các “cô giáo”.

Một số người khác thì đổ lỗi cho hệ thống giáo dục mầm non ở nước ta, vì sao cho “ra lò” nhiều “cô giáo mãng xà” như thế?

Tôi không đồng tình với quan điểm trên. Nhà trường chỉ có thể đào tào cho sinh viên những kỹ năng để chăm sóc trẻ, về tâm lí của trẻ nhỏ… , còn không ai có thể giáo dục được “các em phải yêu trẻ, phải quý mến trẻ”. Có yêu trẻ hay không, cái đó thuộc về bản tính của từng con người, khó cưỡng ép, khó đào tào.

Đấy là chưa kể có nhiều trường hợp, bản thân các em không thích nghề “bảo mẫu” nhưng vẫn phải theo học vì cưỡng ép, định hướng của gia đình...

Bởi vậy, để hạn chế con trẻ không bị bạo hành ở các cơ sở mầm non, cuối cùng chỉ còn dựa vào sự sáng suốt của phụ huynh. Theo tôi, những trẻ bị bạo hành trong clip đó, mỗi sáng khi cha mẹ gọi đến trường chắc chắc các bé đều tỏ ra sợ hãi, trốn tránh. Phải đi đến một nơi mà hằng ngày bị “mẹ hiền” vả cho “bôm bốp” rồi bóp cổ, ấn đầu, lấy khăn bịt mũi…, không tỏ ra sợ hãi mới là lạ.

Do đó, cha mẹ nên dành nhiều thời gian quan tâm, theo dõi những biểu hiện lạ của trẻ như; Tại sao mấy ngày hôm nay trong ánh mắt con có gì sợ hãi, tại sao trẻ lại bơ phờ, sợ hãi không muốn đi học?…, từ đó tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến những biểu hiện lạ đó của trẻ.

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên xem xét kỹ lưỡng khi quyết định chọn cơ sở mầm non để gửi con vào.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

ĐỘC GIẢ: MAI ANH