Những ngộ nhận về "bỏ biên chế giáo viên"

17/06/2017 07:04
Hồng Thủy
(GDVN) - Với cách hiểu "biên chế" là một chế độ của cán bộ, công chức thì giáo viên không có "biên chế", vì giáo viên được quản lý và điều chỉnh bởi Luật Viên chức.

Ngày 12/5 khi tiếp xúc cử tri là cán bộ quản lý giáo dục tại Quy Nhơn, Bình Định, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết:

"Hiện nay giáo viên đang là định biên, hướng tới Bộ sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên mà sẽ theo chế độ hợp đồng có vào - có ra, có chế độ đãi ngộ lớn. 

Lĩnh vực đào tạo sẽ theo hướng thị trường lao động, tăng cường chất lượng.

Tuy nhiên, việc này chưa làm ngay được mà phải có lộ trình. Theo tính toán, chỉ tính riêng nhu cầu định biên kế toán và y tế, hiện khoảng 80.000 cán bộ.". [1]

Thông tin này lập tức dậy sóng dư luận xã hội cũng như truyền thông về việc bỏ hay không bỏ "biên chế giáo viên".

Đề tài thời sự liên quan đến 1,24 triệu giáo viên và gia đình của họ cũng đã làm nóng nghị trường Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ giải trình trước Quốc hội hôm 9/6 về một số vấn đề giáo duc. Ảnh chụp màn hình chương trình thời sự của VTV1.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ giải trình trước Quốc hội hôm 9/6 về một số vấn đề giáo duc. Ảnh chụp màn hình chương trình thời sự của VTV1.

Cá nhân người viết nhận thấy, dường như đang có sự hiểu lầm và ngộ nhận không nhỏ về "bỏ biên chế giáo viên". 

Tìm hiểu Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Bộ luật Lao động và một số văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, chúng tôi nhận thấy rằng:

Đã có một số hiểu lầm, ngộ nhận từ lâu và rất nặng nề trong xã hội về "biên chế", nay xin được nêu ra để cùng trao đổi, thảo luận, ngõ hầu làm rõ vấn đề đang được xã hội đặc biệt quan tâm.

Giáo viên làm gì có "biên chế" mà bỏ!

Đầu tiên, cần phải làm rõ khái niệm "biên chế" mà dư luận đang quan tâm là gì và tại sao người ta lại phản ứng gay gắt với nó như vậy?. 

Theo cá nhân người viết, "biên chế" thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật có 2 nghĩa chính.

Nghĩa thứ nhất, "biên chế" là một chế độ của đối tượng là cán bộ, công chức, quy định trong Luật Cán bộ, công chức 2008. [2]

Nghĩa thứ hai của "biên chế" là để chỉ số lượng nhân sự lao động hưởng lương từ ngân sách trong một đơn vị thuộc khối hành chính/sự nghiệp nhà nước, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ấn định.

Mọi sự tranh luận về bỏ hay không bỏ "biên chế giáo viên" thuộc về nghĩa thứ nhất này.

Nói cách khác, với cách hiểu "biên chế" là một chế độ của cán bộ, công chức thì giáo viên không có "biên chế", vì giáo viên được quản lý và điều chỉnh bởi Luật Viên chức 2010 và, hoặc Bộ luật Lao động 2012.

Trong giáo dục, chỉ có đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp mới có "biên chế", vì họ là công chức hoặc cán bộ, được quản lý và điều chỉnh bởi Luật Cán bộ, công chức 2008.

Từ "biên chế" được nhắc đến trong Luật Cán bộ, công chức 2008 tổng cộng 16 lần, nhưng không có từ "biên chế" nào xuất hiện trong Luật Viên chức 2010 hay Bộ luật Lao động 2012.

Hiểu lầm hay ngộ nhận về "biên chế" chính là ở chỗ này. Theo cách hiểu của cá nhân người viết thì:

- Cán bộ và công chức được quản lý theo “biên chế”, còn viên chức được quản lý bằng hợp đồng. 

- Viên chức phải qua thi tuyển đầu vào như công chức (trừ một số trường hợp Luật Viên chức quy định khác, như chuyển từ công chức sang viên chức).

- Công chức 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, đơn vị, tổ chức có thẩm quyền giải quyết cho thôi việc (Điều 58 Luật Cán bộ, công chức 2008).

Còn viên chức 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc (Điều 29 Luật Viên chức 2010).

Những ngộ nhận về "bỏ biên chế giáo viên" ảnh 2

Bỏ biên chế trong y tế, giáo dục phải cẩn thận kẻo “giao trứng cho ác”

Cán bộ và công chức thì không có hợp đồng, còn viên chức thì có hợp đồng.

Như vậy có thể thấy rằng, viên chức là một dạng lao động hợp đồng có thời hạn hoặc không có thời hạn. 

Điều 2, Luật Viên chức 2010 xác định rõ khái niệm "viên chức":

Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật. [3]

Tóm lại, giáo viên là viên chức, không có chế độ "biên chế" như cán bộ và công chức. 

Họ "cực" hơn công chức vì phải thi tuyển đầu vào và tuân thủ các điều kiện khắt khe như công chức, trong khi lại được quản lý bằng hợp đồng như lao động hợp đồng, chứ không phải “biên chế” như công chức.

Họ "cực" hơn lao động hợp đồng thông thường, vì lao động hợp đồng có thể không phải thi tuyển, chỉ cần người / đơn vị sử dụng lao động đồng ý là được. Còn viên chức phải qua thi tuyển mới được vào làm việc, nhưng sẽ có thể bị chấm dứt hợp đồng.

Vì vậy, nếu nói "bỏ biên chế trong giáo dục", tức là bỏ biên chế cán bộ, công chức quản lý giáo dục các cấp và chuyển họ sang chế độ hợp đồng, chứ không phải "bỏ biên chế giáo viên", vì giáo viên làm gì có "biên chế" mà bỏ?

Nghĩa thứ 2 của từ "biên chế" có thể tìm thấy tại Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế được Chính phủ ban hành ngày 20/11/2014:

“Biên chế” sử dụng trong Nghị định này được hiểu gồm: biên chế cán bộ, biên chế công chức, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và lao động hợp đồng được cấp có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật. [4]

Và tại Nghị định 71/2003/NĐ-CP Về phân cấp quản lý biên chế hành chính, sự nghiệp nhà nước giải thích rõ hơn nội hàm khái niệm "biên chế" theo nghĩa số lượng:

Điều 2. Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Biên chế hành chính là số người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào một ngạch công chức hoặc giao giữ một công vụ thường xuyên trong các tổ chức giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân nhân dân cấp huyện) thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về quản lý hành chính nhà nước được giao.

2. Biên chế sự nghiệp là số người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào một ngạch viên chức hoặc giao giữ một nhiệm vụ thường xuyên trong các đơn vị sự nghiệp nhà nước về giáo dục và đào tạo, khoa học, y tế, văn hoá, nghệ thuật, thể dục thể thao và các đơn vị sự nghiệp khác do cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập để phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước hoặc để thực hiện một số dịch vụ công của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo quy định của pháp luật. [5]

Như vậy có thể thấy, khái niệm “biên chế” duy nhất có liên quan đến giáo viên là “biên chế sự nghiệp”, thuộc về số lượng chứ không phải quyền lợi, như khái niệm “biên chế cán bộ”, “biên chế công chức”.

Thông tin "bỏ biên chế" khiến nhiều thày cô giáo bất an. Đã có những ngộ nhận về "biên chế" từ hai phía. Ảnh minh họa: Báo Nhân Dân.
Thông tin "bỏ biên chế" khiến nhiều thày cô giáo bất an. Đã có những ngộ nhận về "biên chế" từ hai phía. Ảnh minh họa: Báo Nhân Dân.

Các thày cô là viên chức, nếu quan tâm đến sự giống và khác nhau giữa “hợp đồng làm việc” của mình giống và khác nhau như thế nào với “hợp đồng lao động”, xin vui lòng hỏi Google.

Cách giải thích về “bỏ biên chế” đang gây hiểu lầm

Ngày 20/5, tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về Đề án Đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết:

“Đội ngũ công chức, viên chức trong ngành Giáo dục khác với công viên chức thông thường.

Trong luật viên chức có hợp đồng làm việc. Nếu hợp đồng làm việc 2 năm liền không hoàn thành thì cho nghỉ.

Tôi muốn nhấn mạnh là phải thực hiện nghiêm túc hợp đồng làm việc này và đẩy mạnh cho các trường phổ thông được tự chủ, còn không được tự chủ, không được hợp đồng.”. [6]

Sáng 9/6, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải trình trước Quốc hội về một số vấn đề giáo dục, trong đó có "biên chế":

"Thực tế, với chế độ công chức, viên chức hiện nay bộc lộ nhiều bất cập.

Bất cập rất rõ là trong tuyển dụng, đặc biệt là phổ thông, hiện chưa phù hợp với nhu cầu về môn học, đặc biệt chuyên môn, dẫn đến hiện tượng thừa thiếu cục bộ rất nhiều.

Thứ hai, về động lực, phần nhiều giáo viên có tâm lý là vào biên chế nên ổn định, rất khó khăn trong nâng cao kiến thức, đặc biệt là phẩm chất năng lực để đáp ứng nhu cầu đổi mới, dạy theo chương trình mới, dẫn đến chất lượng giáo dục chưa nâng cao”.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu:

Những ngộ nhận về "bỏ biên chế giáo viên" ảnh 4

Tôi phản đối "tối ngày đầy công", ủng hộ bỏ biên chế trong ngành giáo dục

“Đề xuất thí điểm chuyển dần từ công chức viên chức sang hợp đồng lao động, trước hết là thí điểm từ khu vực đại học và một số trường phổ thông có điều kiện, sau đó từng bước rút kinh nghiện nhân rộng.

Chúng tôi cho rằng đối với khu vực giáo viên và quản lý nhà giáo phải được đặc biệt đổi mới vì đây là yếu tố quyết định nâng cao chất lượng giáo dục và phải có lộ trình từng bước thực hiện.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nghiên cứu đề xuất làm từng bước, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ và quản lý nhà giáo, qua đó thực hiện thành công đổi mới Nghị quyết 29 đưa ra.". [7]

Xét về mặt quản lý nhà nước, quyền lợi và trách nhiệm của viên chức, chúng tôi chưa hiểu hết ý của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ rằng “đội ngũ công chức, viên chức trong ngành giáo dục khác với công viên chức thông thường”, là khác ở chỗ nào?

Giáo viên trúng tuyển viên chức, có hợp đồng làm việc. Luật Viên chức 2010 có hẳn 2 điều về chấm dứt hợp đồng làm việc:

Điều 28. Thay đổi nội dung, ký kết tiếp, tạm hoãn và chấm dứt hợp đồng làm việc

Điều 29. Đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc

Như đã phân tích ở trên, khi đã là hợp đồng, dù hợp đồng làm việc hay hợp đồng lao động, thì tất yếu sẽ "có vào - có ra", không phải "biên chế suốt đời".

Bản thân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nói: “Tôi muốn nhấn mạnh là phải thực hiện nghiêm túc hợp đồng làm việc này…”.

Luật Viên chức 2010 cũng đã quy định rõ ràng chuyện "có vào - có ra", thì có nhất thiết phải đặt vấn đề như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Quy Nhơn ngày 12/5:

"Hiện nay giáo viên đang là định biên, hướng tới Bộ sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên mà sẽ theo chế độ hợp đồng có vào - có ra, có chế độ đãi ngộ lớn."? [1]

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng: “về động lực, phần nhiều giáo viên có tâm lý là vào biên chế nên ổn định”.

Vậy tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo không giải thích cho các thày cô giáo rằng, giáo viên không có “biên chế ổn định” để mà ỷ lại, dạy không tốt là có thể bị chấm dứt hợp đồng?

Nếu 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ là bị chấm dứt hợp đồng làm việc. Đó là còn chưa tính đến việc chấm dứt hợp đồng làm việc do các nguyên nhân khác quy định trong Điều 28, Điều 29 Luật Viên chức 2010.

Chưa kể, nhận xét này có thể khiến phần lớn các thày cô giáo tâm huyết - trách nhiệm sẽ cảm thấy tổn thương:

“Về động lực, phần nhiều giáo viên có tâm lý là vào biên chế nên ổn định, rất khó khăn trong nâng cao kiến thức, đặc biệt là phẩm chất năng lực để đáp ứng nhu cầu đổi mới, dạy theo chương trình mới, dẫn đến chất lượng giáo dục chưa nâng cao.”.

Bởi lẽ, chất lượng giáo dục “chưa được nâng cao” không thể đổ lên đầu giáo viên. Cha ông ta vẫn dạy, “một người lo bằng kho người làm”. 

Trong khi “người lo” liên tục thay đổi chính sách về hoạt động chuyên môn (bàn tay nặn bột, VNEN, Công nghệ giáo dục, giảm tải chương trình - sách giáo khoa, Thông tư 30 - Thông tư 22…), “người làm” chưa kịp thích nghi thì lại đến “chuyển từ công chức, viên chức sang hợp đồng lao động”.

Những ngộ nhận về "bỏ biên chế giáo viên" ảnh 5

Bỏ ngạch công chức, viên chức - không phải việc riêng của ngành Giáo dục

Chúng tôi rất hiểu, chia sẻ với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về mong muốn đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. 

Ngay cả chủ trương chuyển giáo viên từ viên chức sang hợp đồng lao động, chúng tôi biết Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có cái lý của mình vì mục đích nâng cao chất lượng đời sống cho các thày cô giáo, qua đó nâng cao chất lượng giáo dục. 

Về mục đích này cũng như tính khả thi của chủ trương “chuyển đổi”, chúng tôi xin được quay trở lại phân tích trong bài viết tiếp theo.

Hy vọng trước một chủ trương mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có phương án tuyên truyền giải thích một cách dễ hiểu, tránh gây ra những xáo trộn tâm tư tình cảm một cách không cần thiết cho đội ngũ các thày cô giáo.

Về phía các thày cô giáo, chúng tôi cũng rất mong mỏi một sự bình tĩnh, sáng suốt khi tiếp cận chủ trương này.

Thiết nghĩ điều các thày cô giáo nên làm lúc này là, tìm hiểu các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để biết quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đến đâu, từ đó cùng tham gia góp ý, đồng hành với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chính sách.

Đó chính là cách tốt nhất để các thày, các cô giáo bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của mình.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Sap-toi-thay-co-chi-co-hop-dong-khong-con-cong-chuc-vien-chuc-post176671.gd

[2]http://moj.gov.vn/vbpq/lists/vn%20bn%20php%20lut/view_detail.aspx?itemid=12364

[3]http://www.moj.gov.vn/vbpq/lists/vn%20bn%20php%20lut/view_detail.aspx?itemid=26495

[4]http://moj.gov.vn/vbpq/lists/vn%20bn%20php%20lut/view_detail.aspx?itemid=29390

[5]http://www.moj.gov.vn/vbpq/Lists/Vn%20bn%20php%20lut/View_Detail.aspx?ItemID=21462

[6]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Giao-vien-2-nam-khong-hoan-thanh-nhiem-vu-thi-cho-nghi-post176771.gd

[7]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Quan-diem-moi-nhat-cua-Bo-truong-Nha-truoc-quoc-hoi-ve-xoa-bien-che-giao-vien-post177268.gd

Hồng Thủy