Bỏ ngạch công chức, viên chức - không phải việc riêng của ngành Giáo dục

24/05/2017 06:26
Xuân Dương
(GDVN) - Một trong những nguyên nhân khiến nền giáo dục nước nhà tụt hậu so với khu vực và thế giới là chất lượng đội ngũ nhà giáo tất cả các cấp.

Theo số liệu thống kê, tổng số công nhân nước ta ước tính gần 13 triệu người, số công nhân này đang làm việc trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế: nhà nước, tư nhân, tập thể và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…

Toàn bộ số công nhân ấy không phải viên chức hay công chức nhà nước, riêng số công nhân làm việc trong gần nửa triệu doanh nghiệp tư nhân đóng góp khoảng 30% ngân sách và 40% GDP. [1]  

Bỏ ngạch công chức, viên chức - không phải việc riêng của ngành Giáo dục ảnh 1

Giáo viên 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì cho nghỉ

Một thống kê trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết, giai cấp nông dân Việt Nam hiện nay chiếm khoảng 70% dân số, nghĩa là khoảng 60 triệu người. [2]

Nông nghiệp nước ta hiện nay tuy có tỷ trọng giảm trong cơ cấu kinh tế, song giá trị tuyệt đối ngày càng tăng và đóng góp khoảng 20% GDP cho đất nước.

Toàn bộ nông dân không ai là viên chức hay công chức, nếu kể thêm thì văn nghệ sĩ, vận động viên, giới biểu diễn phần đông cũng không phải là công chức hay viên chức.

Tầng lớp tiểu thương, giới doanh nhân chẳng có ai là viên chức nhà nước.
Chiếm số lượng đông đảo nhất khối viên chức là hai ngành Giáo dục và Y tế và đây cũng là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, tiêu cực.

Không có con số cụ thể nhưng cả xã hội thừa nhận, muốn xin làm việc trong hai ngành này, số tiền “bôi trơn” không dưới trăm triệu?

Bỏ ngạch viên chức giáo dục không phải việc riêng của ngành Giáo dục. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Bỏ ngạch viên chức giáo dục không phải việc riêng của ngành Giáo dục. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Trong các trường học công lập, tồn tại một sự kỳ quái, lãnh đạo là công chức còn giáo viên là viên chức. 

Điều này có nghĩa là hai đối tượng này - dù cùng làm việc tại một sơ sở, cùng thực hiện một nhiệm vụ - nhưng lại bị điều chỉnh bởi hai đạo luật khác nhau, lãnh đạo bị chi phối bởi Luật Cán bộ Công chức còn giáo viên bị điều chỉnh bởi Luật Viên chức.

Trong khối ngành dịch vụ công (Giáo dục, Y tế, Văn hóa, Giao thông…), Giáo dục có khoảng 1,24 triệu người, theo Niên giám thống kê Y tế năm 2014, ngành Y tế có khoảng 430.000 người, cho đến nay chưa có số liệu mới hơn của các năm 2015, 2016. [3] 

Việt Nam hiện có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức, chỉ riêng hai ngành Giáo dục và Y tế là 1,67 triệu người, chiếm gần 60%.

Có thể thấy việc Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đề xuất “bỏ viên chức giáo dục” là việc làm rất mạnh dạn, rất cần thiết dù sẽ động chạm đến 1,24 triệu giáo viên, tức là khoảng 45% trên tổng số viên chức cả nước.

Một trong những nguyên nhân khiến nền giáo dục nước nhà tụt hậu so với khu vực và thế giới là chất lượng đội ngũ nhà giáo tất cả các cấp.

Có ba giai đoạn để hình thành nên một “nhà giáo”: tuyển chọn đầu vào; đào tạo chuyên môn; hành nghề (dạy học).

Có thể khẳng định không giai đoạn nào trong ba giai đoạn nêu trên không có vấn đề. 

Bỏ ngạch công chức, viên chức - không phải việc riêng của ngành Giáo dục ảnh 3

Thầy giáo hiến kế bỏ công chức, viên chức giáo viên

Cho đến nay, Sư phạm vẫn không phải ngành thu hút được sự ưu tiên của người học, điểm chuẩn đầu vào các trường Sư phạm vẫn thuộc tốp dưới, trừ vài ngành thuộc tốp giữa. 

Không có “bột” không thể gột nên “hồ”, đào tạo đội ngũ giáo viên giỏi từ nguồn học sinh học lực không phải khá giỏi là điều rất khó nếu không nói là bất khả thi. 

Trong khi đầu vào như thế thì ngoài một vài Đại học Sư phạm có bề dày đào tạo, số trường còn lại chủ yếu thành lập theo phong trào để chiêu sinh, đặc biệt là một số khoa sư phạm trong một số trường đa ngành.

Điều đáng nói là khả năng nghiên cứu, tự học tập, bồi dưỡng của đội ngũ giáo viên phổ thông sau khi ra trường còn rất hạn chế.

Yên vị với vai trò “viên chức nhà nước”, với cuốn sách giáo khoa trong tay đa số giáo viên cứ chậm rãi sải bước cho đến ngày nhận sổ hưu.

Không có sự cạnh tranh về chuyên môn đương nhiên sẽ khó phân biệt người giỏi với người bình thường, càng khó đào thải nếu người ta không phạm sai lầm trầm trọng. 

Có một thực trạng buồn nói ra có thể mất lòng không ít giáo viên, tình trạng “học vẹt” không chỉ đúng với học trò mà cũng đúng với thày cô giáo.

Thuộc lòng giáo án, lên lớp không cần nhìn bài soạn sẵn, múa phấn thao thao hết 45 phút được xem là giáo viên giỏi. 

Từng tham gia giảng dạy một số lớp bồi dưỡng kiến thức Công nghệ Thông tin cho giáo viên cấp 3 (trung học phổ thông), người viết nhận thấy số người tiếp thu được các kiến thức khá hạn chế, đa số “ngơ ngác” lắng nghe và “gật gù” thấu hiểu!

Khi đã yên vị là viên chức nhà nước, nỗi lo lớn nhất của giáo viên phổ thông là bị điều chuyển đến các trường xa nhà chứ không phải là bổ sung kiến thức.

Bỏ ngạch công chức, viên chức - không phải việc riêng của ngành Giáo dục ảnh 4

“Công chức robot” và sợi dây kinh nghiệm

Nỗi lo tiếp theo là sáng kiến kinh nghiệm, là chuẩn bị đối phó thanh, kiểm tra

Có một nhận định khá thú vị thế này: “Cạnh tranh nơi công sở - không "nóng" không thể tiến bộ”. [4].

Từ “cạnh tranh” ở đây được hiểu theo nghĩa lành mạnh, cạnh tranh “có văn hóa” chứ không phải theo kiểu “thọc gậy bánh xe”.

Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức thăng tiến không phải nhờ năng lực chuyên môn mà do những “kỹ năng mềm”, nếu không phải là “cả họ làm quan” thì nhờ vào khả năng xoay xở, chạy chọt, “mua quan bán chức”. 

Trong các trường học, hầu như không tồn tại khái niệm “cạnh tranh nơi công sở” vì không ai được quyền “mon men” đến lĩnh vực nhân sự, kể cả lãnh đạo ngành giáo dục, đó là độc quyền của bên Tổ chức hoặc Nội vụ. 

Người viết hoàn toàn ủng hộ quan điểm “bỏ biên chế” ngành Giáo dục, song có một vài đề xuất:

Thứ nhất: Để đảm bảo tiêu chí “công bằng”, chủ trương bỏ biên chế viên chức cần được tiến hành đồng bộ trong tất cả các ngành. 

Không thể có chuyện Giáo dục bỏ mà Y tế, Văn hóa,… vẫn giữ ngạch viên chức cho cán bộ của mình. Nói cách khác, chủ trương này phải là chủ trương của Chính phủ, phải được thể chế hóa thành luật do Quốc hội ban hành.

Thứ hai: Cần ban hành “Chứng chỉ hành nghề dạy học”, giống như hành nghề Luật hoặc Báo chí.

Điều này có nghĩa là những người tốt nghiệp đại học thuộc tất cả các trường, sau khi được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, kiểm tra khả năng truyền thụ kiến thức, ngoại hình,… khi được cấp “chứng chỉ hành nghề dạy học” thì đều có quyền thi tuyển làm giáo viên.

Thứ ba: Trong vòng 3 năm, từ nay đến 2020 tiến hành thí điểm tại tất cả các cấp học để rút kinh nghiệm. Riêng các cơ sở giáo dục đại học, việc tuyển chọn giáo viên cần đi kèm với quá trình tự chủ đại học

Thứ tư: Cùng với quá trình bỏ ngạch “viên chức”, cần ban hành các quy định chặt chẽ về thi tuyển giáo viên. 

Các trường có nhu cầu tuyển chọn giáo viên cần thông tin công khai, không hạn chế về hộ khẩu, việc thi tuyển sẽ do ngành Giáo dục chủ trì với mục đích đánh giá chính xác trình độ chuyên môn của người dự thi.

Thứ năm: Cần có lộ trình cụ thể, trước mắt, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đề xuất ban hành các văn bản pháp luật có liên quan đến chế độ, quyền lợi, trách nhiệm của cơ sở giáo dục khi tuyển chọn giáo viên. 

Đặc biệt là cần sửa lại tất cả luật liên quan đến giáo dục (Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp) cũng như các văn bản dưới luật, việc này cần hoàn thành trước năm 2020.

Xin nhấn mạnh, chủ trương bỏ “viên chức giáo dục” cần đặt trong bối cảnh tổng thể tinh giản đội ngũ hưởng lương từ ngân sách song không có nghĩa là khoán trắng cho các trường. 

Giáo dục luôn là “quốc sách hàng đầu” và vì thế ngân sách dành cho giáo dục và đội ngũ giáo viên cần phải do ngành Giáo dục quản lý cả về quỹ lương lẫn nhân sự. 

Không thể tồn tại tình trạng Bộ trưởng Giáo dục không thể cách chức Giám đốc Sở Giáo dục khi đương sự không hoàn thành nhiệm vụ.

Đây là chủ trương lớn, quyết tâm của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cần nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo Đảng và Nhà nước và sự tin tưởng của đội ngũ giáo viên.

Lợi ích trước mắt có thể thấy là giáo viên giỏi có quyền lựa chọn nơi công tác, có thể tự do chuyển tới những nơi đãi ngộ tốt hơn. 

Các trường, để giữ được thương hiệu cũng có quyền chọn giáo viên giỏi, sa thải các giáo viên không đạt yêu cầu, còn giáo viên yếu thì phải tự rèn luyện nếu không muốn bị đào thải.

Chủ trương này chắc chắn sẽ gây nên những xáo trộn nhưng đó là xáo trộn cần thiết để "đổi mới căn bản, toàn diện" nền giáo dục nước nhà.

Người viết rất mong Bộ trưởng Nhạ sẽ quyết tâm, kiên định với lựa chọn mà Bộ trưởng đã công bố.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20150818/doanh-nghiep-tu-nhan-dong-gop-40-gdp/953820.html

[2] http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/van-kien-dang/gioi-thieu-van-kien-dang/doc-593020159515846.html

[3] http://moh.gov.vn/province/Pages/ThongKeYTe.aspx?ItemID=16

[4] http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/canh-tranh-noi-cong-so-khong-nong-khong-the-tien-bo-27664.html

Xuân Dương