LTS: Những chuyện như trường tuyển sinh cả học sinh điểm liệt vì thiếu chỉ tiêu, chất lượng đầu vào sư phạm thấp thê thảm… đã trở thành điểm nóng về vấn đề giáo dục.
Nêu ra các tiêu cực trong giáo dục địa phương, Tiến sĩ Vũ Thu Hương – giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học (Đại học Sư phạm Hà Nội) đưa những phân tích để thấy rằng người ta đang bao biện quá nhiều để lấp liếm đi những sai phạm, gian dối trong ngành giáo dục.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Tuyển thí sinh điểm liệt vào học
Cách đây vài ngày, câu chuyện một trường trung học phổ thông ở Phú Yên đề nghị được nhận thí sinh điểm liệt vào trường vì tuyển không đủ chỉ tiêu đã thực sự là một hình ảnh đen tối cho giáo dục nước nhà.
Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du (huyện Sông Hinh, Phú Yên) cho biết chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2017-2018 của trường là 400 học sinh.
Tuy nhiên, kết quả thi tuyển chỉ có 240 học sinh đủ điểm, còn thiếu 160 chỉ tiêu. Hầu hết học sinh đều không vượt qua kỳ thi tuyển vào lớp 10 do bị điểm liệt (dưới 0,5 điểm/môn), một số em bỏ thi.
Tương tự, Trường Trung học phổ thông Phan Bội Châu (huyện Sơn Hòa – Phú Yên) cũng có chỉ tiêu tuyển vào lớp 10 của trường năm học này là 416 học sinh nhưng chỉ 284 học sinh thi đậu.
Số còn lại hầu hết rớt do bị điểm liệt các môn.
Đang có nhiều tiêu cực trong giáo dục địa phương khi sự gian dối đã xảy ra một cách có tổ chức. (Ảnh minh hoạ trên vtv.vn) |
Điều đáng nói ở đây không phải là số em học sinh thi rớt mà ở động thái xin nhận các thí sinh đã bị điểm liệt.
Dường như với các cơ sở giáo dục này, kì thi trung học phổ thông quan trọng chỉ diễn ra cho đủ hình thức.
Những em học sinh có điểm liệt cũng được xét tuyển vào trường thì thật sự là tình trạng tiêu cực trong giáo dục địa phương đến mức báo động.
Học không nổi vẫn lên lớp, thi điểm liệt vẫn đỗ cấp 3, chỉ đạt 3 điểm vẫn đỗ cao đẳng sư phạm tỉnh.
Những hiện tượng đáng sợ này đã và đang diễn ra tại khắp mọi địa phương đã chứng tỏ một sự thật đau lòng:
Giáo dục địa phương đang ngày một giả dối và hình thức. Việc có đầy đủ chỉ tiêu tuyển sinh quan trọng hơn sự nghiêm túc của thi cử.
Rõ ràng tại những nơi nhận học sinh điểm liệt vào dạy, việc đánh giá học sinh trở nên hoàn toàn vô nghĩa.
Điểm liệt là điểm thuộc loại “Không thể chấp nhận được”. Điểm liệt thể hiện sự thiếu hụt kiến thức một cách nghiêm trọng và khẳng định thí sinh bị điểm liệt sẽ không thể đủ điều kiện học tập tại lớp trên.
Với những trường hợp điểm liệt, lui lại học tập thêm 1 năm nữa sẽ đảm bảo chất lượng giáo dục tốt hơn và sẽ tạo điều kiện cho học sinh đó được có cơ hội lần thứ hai tìm kiếm kiến thức nền tảng phù hợp hơn với trình độ của các em.
Nếu không chữa, bệnh thành tích sẽ "biến chứng" thành bệnh dối trá |
Tuy nhiên, vì chỉ tiêu tuyển sinh, vì thể diện gia đình, các em đã phải tiếp tục lên lớp để tiếp tục ngồi nhầm chỗ.
Lên lớp không hiểu bài do thiếu hụt kiến thức từ lớp dưới sẽ khiến các em thêm chán học và cảm thấy nặng nề, áp lực hơn.
Việc ngồi nhầm lớp cũng vậy, với tỉ lệ ngồi nhầm lớp cao đến mức trong 1 trường có đến 4 em thì trong cả nước con số đó là bao nhiêu?
Liệu giáo dục sẽ còn nghiêm túc được chăng khi thi cử chỉ là hình thức, điểm liệt cũng đỗ?
Ngoài ra, cho dù các học sinh điểm liệt được học lớp riêng, không học chung với các bạn điểm cao, nhưng điểm liệt đã báo động rằng kiến thức lớp 9 của các học sinh này quá kém, quá thiếu hụt.
Vì thế, điều cần thiết với các em là cho các em học lại chương trình lớp 9 để bù đắp thiếu hụt chứ không phải ép lên 10 bằng mọi cách dù là học riêng hay học chung.
Hơn nữa, khi kiến thức đã hổng, liệu khi các em lên lớp trên, có không kết quả đánh giá chính xác, hay lại xuất hiện hiện tượng làm đẹp bảng điểm để các em có thể dễ dàng lên lớp rồi tham gia dự thi trung học phổ thông như các bạn khác khi thực sự kiến thức không có là bao?
Học bằng sự giả dối, liệu rằng khi tốt nghiệp phổ thông, kiến thức có trong đầu các em còn lại bao nhiêu?
Kiến thức nền tảng không có, liệu rằng các em sẽ học nghề như thế nào và sau đó có đủ kiến thức để làm việc không hay lại tham gia vào đội quân thất nghiệp?
Mới đây, khi tình trạng điểm chuẩn thấp trong tuyển sinh tại các trường cao đẳng sư phạm các tỉnh xảy ra, đã có ý kiến cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nâng điểm liệt lên để tránh tình trạng này.
Tuy nhiên, điều này có thể ngăn được các trường tuyển sinh với điểm chuẩn thấp hay không khi điểm liệt cũng được nhận vào trường.
Liệu đến khi đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhận được hàng chồng đơn đề nghị được nhận các thí sinh đạt điểm liệt vào trường để đào tạo thành các giáo viên tương lai?
Những hậu quả lớn của việc giáo dục không nghiêm túc, hình thức và giả dối chúng ta đang hàng ngày hàng giờ phải đối mặt và giải quyết khi học sinh ra trường kiến thức và kĩ năng không đủ đã khiến tỉ lệ thất nghiệp tăng cao, vấn đề đạo đức thanh niên xuống cấp ngày càng nghiêm trọng, số lượng trẻ phạm tội ngày càng nhiều.
Điều này tưởng như mâu thuẫn nhưng hết sức rõ ràng, khi các việc đánh giá không được tiến hành nghiêm túc dẫn đến trẻ học được sự thiếu trung thực và hình thức trong mọi việc.
Hiện trạng này đã khiến chúng ta còn phải đặt ra một câu hỏi lớn: Sau khi có kết quả kì thi trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng rồi việc tuyển dụng còn tồi tệ đến vậy, liệu tính nghiêm minh trong thi cử tại các kì thi này đặt ở các địa phương có thật sự nghiêm túc hay cũng chỉ diễn ra dưới dạng hình thức mà thôi?
Không cho học sinh lưu ban để khỏi ảnh hưởng đến thành tích nhà trường
Hiện tượng ngồi nhầm lớp không chỉ là hiện tượng hiếm gặp khi một em học sinh lớp 6 Trường Trung học cơ sở Lê Vĩnh Hòa (Thành phố Sóc Trăng), bị phát hiện không thể đọc, viết lưu loát.
Hãy tôn trọng quyền “được lưu ban” của học trò |
Vào năm 2016, bà Dương Thị Hương, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trần Đề (Sóc Trăng), cũng thừa nhận tại Trường Tiểu học Lịch Hội Thượng A, xã Lịch Hội Thượng sau khi rà soát lại thì phát hiện có bốn em đọc viết không rành khi đã lên lớp 2, lớp 3.
Một khảo sát chất lượng hơn 2.000 học sinh Tiểu học từ lớp 2 đến lớp 5 tại huyện Kbang, tỉnh Gia Lai cho kết quả trên 50% không đọc thông, viết thạo.
Còn chuyện đọc sai lỗi chính tả, sai dấu thì gần như 100%.
Hay tại Trường Tiểu học Bằng Luân, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ có 3 em học sinh dù đã học đến lớp 5 nhưng vẫn chưa đọc thông, viết thạo, thậm chí có em còn đánh vần không bằng học sinh lớp 1.
Khi vấn đề ngồi nhầm lớp đặt ra, hầu hết chúng ta chỉ đề cập đến mức độ là giáo dục hình thức mà thôi.
Tuy nhiên, điều này rõ ràng là cả một hệ thống giáo dục qua các cấp lớp đều ngăn cản không cho các em học sinh đó lưu ban để học thêm cho chắc chắn.
Điều này cũng có nghĩa là các em được đẩy lên lớp liên tục mặc dù các em không có đủ khả năng theo lớp.
Đây không phải là vấn đề giáo dục hình thức hay đơn giản chỉ là bệnh thành tích thông thường mà có thể nói là hiện tượng gian dối có tổ chức.
Những cơ sở giáo dục chắc chắn đã làm giả các học bạ của học sinh để các cháu có thể đủ tiêu chuẩn lên lớp.
Việc làm giả hồ sơ giấy tờ là vi phạm pháp luật, phải bị xử lý theo quy định. Tuy nhiên, khi cả hệ thống các cấp lớp trong các trường học làm giả học bạ thì mọi việc như được xem xét làm giảm nhẹ với khung hình phạt: Bệnh thành tích.
Điều này rõ ràng không phù hợp và không công bằng với các tội danh làm giả giấy tờ khác.
Tìm hiểu thêm về tỉ lệ học sinh lưu ban, chúng ta thấy vấn đề không phải đơn giản chỉ nằm ở các tỉnh thành được nêu tên ở trên mà dường như đã phổ biến ở khắp nơi trên cả nước.
Tỉ lệ học sinh lưu ban theo các năm học. |
Nhìn bảng số liệu này cho thấy, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo các năm từ 2003 đến 2013, so sánh với năm 1981 đến năm 1985, tỉ lệ học sinh lưu ban đã giảm đáng kể.
Từ con số 7 – 9% hàng năm, tỉ lệ trẻ lưu ban đã giảm đến mức 1 – 2%.
Nếu tính trung bình số học sinh hàng năm là 7 triệu trẻ, số trẻ lưu ban tính theo tỉ lệ những năm 80 sẽ là 500.000 – 600.000 trẻ.
Tuy nhiên, nếu tính theo số liệu năm 2013 là 1% thì số trẻ lưu ban chỉ là 70.000 trẻ.
Như vậy, số trẻ còn lại liệu có phải là những trẻ ngồi nhầm lớp? Từ những con số này cho thấy, số trẻ ngồi nhầm lớp sẽ lên đến hơn 400.000 – 500.000 trẻ.
Có nghĩa là, số trẻ ngồi nhầm lớp do không được lưu ban vô cùng cao. Những trường hợp được phát hiện trên mặt báo chỉ là một vài trường hợp điển hình.
Liệu những điểm tiêu cực tồi tệ này ở các địa phương, các cấp quản lý có biết hay không? Hay đó chỉ là những vấn đề đơn giản có thể dễ dàng bỏ qua? Đó chắc chắn là điều mà dư luận đặc biệt quan tâm trong thời điểm này.