LTS: Trước thực trạng "điểm học và điểm thi khác nhau một trời một vực" như hiện nay, tác giả Đỗ Quyên đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết nhằm chỉ ra nguyên nhân của nghịch lý trên, cũng như những hệ lụy mà nó mang lại.
Đồng thời, tác giả cho rằng chính các thầy cô giáo cũng cần có cái nhìn và suy nghĩ lại về vấn đề đạo đức nghề nghiệp trong ngành giáo dục hiện nay.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Câu nói “học tài thi phận” vẫn thường được sử dụng đối với những học sinh có lực học tốt nhưng lại không gặp may mắn trong chuyện thi cử. Nhưng, xem chừng sự ví von ấy chỉ đúng với khoảng chục năm về trước, khi giáo dục chưa bị căn bệnh thành tích “càn quét”.
Còn bây giờ, khi nhìn vào điểm tổng kết, nhìn vào danh hiệu và những thành tích đạt được sẽ chẳng ai dám chắc em học sinh đó có thật sự học giỏi hay không. Bởi, điểm số lúc này không đơn giản là sự đánh giá năng lực học sinh, đó còn là sự vụ lợi của thầy cô, của nhà trường và những hư danh ảo.
Hình ảnh minh họa về sự khác biệt giữa điểm học và điểm thi của học sinh (Ảnh: Tuoitre.vn) |
Chênh lệch quá lớn từ điểm học đến điểm thi
Qua 2 kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và kỳ thi vào lớp 10 vừa qua đã có hàng ngàn điểm liệt từ 0 - 1 điểm. Thế nhưng, nếu nhìn vào điểm tổng kết của những học sinh này lại đạt từ mức trung bình trở lên và không ít em có mức học lực khá.
Nếu ở kỳ thi trung học phổ thông quốc gia đề thi có 60% là kiến thức phổ thông thì đáng ra điểm thi các em cũng phải đạt khoảng 3, 4 điểm mới là hợp lý. Nhưng, có những trường hợp học sinh chỉ đạt 0,5 điểm môn Hóa nhưng điểm tổng kết môn học này ở lớp 12 đạt tới 8,0. Có em môn Anh văn thi đạt 0 điểm nhưng điểm tổng kết đạt lại 6,5…
Tương tự, nhiều trường phổ thông trung học tuyển sinh vào lớp 10 mới đây đã đưa ra mức điểm chuẩn không thể thấp hơn được nữa. Cả ba môn thi trong đó Toán, Anh văn nhân hệ số 2 nhưng điểm chuẩn chỉ 8 - 10 điểm là đã đỗ.
Cụ thể, một loạt trường ở An Giang như Trường trung học phổ thông Bình Phục Nhứt, Dưỡng Điềm, Lê Văn Phẩm; rồi ở Bình Thuận có trường Lương Thế Vinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Quyền…
Nhìn vào số điểm của những học sinh này đạt được nhiều người không khỏi giật mình như: Toán 2; Anh văn 0,5; Văn 1,5… trong khi đề thi chỉ sử dụng kiến thức lớp 9. Giáo viên chấm thi cũng là những thầy cô khối 9 nên không thể nói rằng đề thi quá cao, thầy cô chấm quá chặt.
Điểm thi thấp như thế nhưng so với điểm tổng kết vẫn một trời một vực. Hầu như đối với các môn dự thi, học sinh đều đạt điểm tổng từ 5,0 trở lên, có em còn đạt tới mức khá là 7,0.
Có giáo viên bật mí “Ở trường, những học sinh này nếu đánh giá “thẳng tay” một cách công tâm thì điểm số các em nhận được cũng chỉ ở mức vậy”.
Điểm đầu vào quá thấp như vậy (8 điểm đã nhân hệ số) nhưng khi vào trường những học sinh này vẫn lên lớp gần như 100%, cùng với điểm tổng kết luôn ở mức trung bình trở lên.
Nguyên nhân tạo ra nghịch lý
Đầu năm, các trường đều đưa ra chỉ tiêu thi đua và từng giáo viên phải đăng kí theo bộ môn giảng dạy của mình. Chỉ tiêu đưa ra luôn ở mức trên 90%, cho nên dù một số em có lực học yếu thì các thầy cô cũng chẳng thể thẳng tay cho điểm 1, điểm 2.
Chưa nói đến việc những học sinh có lực học yếu này thường đi học thêm nên điểm đạt được sẽ cao mặc dù kiến thức thì vẫn vậy.
Nhìn lại 2 kỳ thi lớn của ngành giáo dục trong năm qua |
Về phía nhà trường, vẫn luôn nhắc nhở giáo viên không nên quá khắt khe khi cho điểm học sinh, nên để các em có đủ điều kiện dự thi, có “phép lợi thế” trong xét tuyển.
Có rất nhiều nguyên nhân tác động đến điểm số của học sinh. Điểm số của trò cứ tăng còn nhận thức của các em lại tụt xuống do không ít em đã ỷ lại, tự mãn. Tình trạng điểm số với học lực của các em luôn tỉ lệ nghịch với nhau là điều dễ hiểu.
Với cách đánh giá “ba bên cùng có lợi” như vậy (nhưng thực chất học trò chỉ có lợi trước mắt còn hậu quả sẽ ảnh hưởng về sau). Những học sinh này vẫn không thể có sức để theo học tiếp.
Và rồi, những ngã rẻ gần như đã đợi sẵn các em như việc chẳng thể vào nổi một trường đại học hay cao đẳng. Có em ở nhà lông bông, đi làm “thợ”, hay có em lại học một trường tư thục nào đó rồi vật vã lắm mới được tốt nghiệp ra trường.
Trong các trường học hiện nay, vấn đề đạo đức nghề nghiệp là điều vẫn thường được nhắc đến mỗi ngày. Nhưng, hình như họ nghĩ rằng, giáo viên xúc phạm học sinh bằng lời nói, bằng hành động mới là vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Họ đã bỏ quên việc nhà trường chạy theo thành tích, giáo viên vì quyền lợi cá nhân để đánh giá sai về kết quả học tập của học sinh cũng là hình thức vi phạm đạo đức nghề nghiệp nghiêm trọng.