LTS: Câu chuyện về điểm chuẩn đầu vào các trường thấp kỉ lục trong khi sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp khiến nhiều người tâm huyết với giáo dục đau lòng và lo lắng đến chất lượng đào tạo sau này.
Là một giáo viên đứng lớp gần 30 năm, thầy giáo Dương Khánh Toàn (công tác tại Trường Trung học phổ thông Quang Hà, tỉnh Vĩnh Phúc) chia sẻ những suy nghĩ của mình về giáo dục và thời đại 4.0.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Mấy hôm nay dư luận bận tâm nhiều đến thực trạng điểm đầu vào khối ngành sư phạm thấp. Nhiều người bình luận kêu ca, lo lắng cho chất lượng giáo dục sau này khi thế hệ những sinh viên sư phạm đó ra trường.
Là một người đứng lớp gần 30 năm, đi học gần 20 năm, chứng kiến sự thăng trầm của ngành giáo dục từ những năm 80 của thế kỷ trước đến nay tôi có vài điều tâm sự muốn bày tỏ cùng bạn bè, đồng nghiệp và nhất là những tân sinh viên sư phạm:
Thứ nhất, điểm đầu vào ngành sư phạm thấp vì đầu ra không có việc làm. Việc tuyển dụng công chức ngành giáo đã đóng cửa nhiều năm nay và chưa biết đến bao giờ mới mở rộng. Nếu có cũng chỉ là nhỏ giọt. Lỗi này thuộc hệ thống.
Muốn có học trò 4.0 thì phải có thầy 4.0 trước đã. (Ảnh minh hoạ: Baoquocte.vn) |
Thứ hai, điểm đầu vào thấp chưa phải là thảm họa nếu xét đến hệ quả thứ hai của việc không có đầu ra: Đa số sinh viên sư phạm học tập nhưng vẫn mang tâm lý là học lấy tấm bằng chứ mong gì ra được đứng trên bục giảng.
Tâm lý ấy sẽ khiến sinh viên không nỗ lực rèn luyện chuyên môn trau dồi phẩm chất để trở thành người thầy trong tương lai.
Thứ ba, hiện nay người ta ta nói nhiều đến thế hệ công dân 4.0. Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm đào tạo nên những công dân ấy? Chính là thế hệ sinh viên sư phạm hiện nay.
Muốn có học trò 4.0 thì phải có thầy 4.0 trước đã.
Sinh viên thế hệ 4.0 cần chuẩn bị những gì? |
Giáo dục là quốc sách không phải chỉ nói suông.
Nhà nước cần có ngay những quyết sách đầu tư cho các trường sư phạm mũi nhọn để các trường này ngang tầm với những trường tiếng tăm trong khu vực và thế giới.
Các trường sư phạm cũng không thể mãi trông chờ vào chính sách của nhà nước mà phải đổi mới chương trình đào tạo để sinh viên ra trường nếu chưa có biên chế thì cũng có thể dễ dàng được nhận các công việc đòi hỏi nhân lực kỹ thuật cao khác.
Thứ tư, các em sinh viên sư phạm đừng mặc cảm, đừng thoái chí. Hãy ra sức học tập để trở thành người trí thức có thực học để sau này xã hội phải trọng dụng các em.
Điểm đầu vào chỉ là xuất phát. Nó không quyết định được các em sẽ về đích ở vị trí nào vì việc học là suốt đời và ai nỗ lực người đó sẽ có thành tựu. Chúc các em đạt được ước mơ!