Chuyện cháu bé học lớp 6 không biết đọc, viết ở Sóc Trăng mà dư luận thảng thốt thực ra không phải là chuyện chưa từng xảy ra.
Một khảo sát chất lượng hơn 2.000 học sinh Tiểu học từ lớp 2 đến lớp 5 tại huyện Kbang, tỉnh Gia Lai cho kết quả trên 50% không đọc thông, viết thạo. Còn chuyện đọc sai lỗi chính tả, sai dấu thì gần như 100%. [1]
“Sâu” tiến sĩ và “canh” Giáo dục |
Cũng ở Sóc Trăng, một số học sinh lớp 1 không biết đọc, viết nhưng vẫn được trường Tiểu học thị trấn Lịch Hội Thượng A (huyện Trần Đề) cho lên học lớp 2, đoàn công tác của Vụ Giáo dục Tiểu học Bộ Giáo dục và Đào tạo sau khi kiểm tra đã kết luận hiện tượng là có thật.
Sóc Trăng là tỉnh đông đồng bào dân tộc ít người, ba dân tộc chính là Kinh, Hoa và Khơ Me, trong đó người Hoa và Khơ Me chiếm gần 40% dân số toàn tỉnh.
Vấn đề là vì sao báo chí và mạng xã hội lại tốn nhiều công sức bình luận hiện tượng cháu bé lớp 6 chưa biết đọc viết, xem như là một mảng tối trong bức tranh toàn cảnh giáo dục Việt Nam mà không gắn kết nó với các điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể?
Người viết từng dạy những lớp có lưu học sinh nước ngoài, các sinh viên này có người học phổ thông ở Việt Nam, có người qua các lớp dự bị Đại học trước khi vào học chính thức, có thể khẳng định phần đông lưu học sinh chưa thạo tiếng Việt ngay khi ngồi ở giảng đường Đại học.
Ngồi nhầm lớp (Ảnh: tuoitre.vn). |
Nhiều năm trước, dạy một lớp bồi dưỡng kiến thức cho gần 50 giáo viên cấp 3 tỉnh Bắc Cạn, đa số giáo viên tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Việt Bắc, chính các giáo viên này nói tiếng Việt cũng chưa chuẩn, viết bài vẫn mắc lỗi chính tả.
Con em đồng bào các dân tộc ít người vùng sâu, vùng xa vào học Tiểu học gần như không biết tiếng Việt, với các cháu, tiếng Việt là ngoại ngữ cũng như với sinh viên nước ngoài vậy.
Không một người nước ngoài nào nói tiếng Việt dễ học, thậm chí đã hình thành câu nói cửa miệng: “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”!
Nêu lên một số ví dụ để thấy, giáo dục cấp Tiểu học không thể thực hiện đại trà tại các vùng miền đông đồng bào dân tộc ít người theo kiểu phổ cập Tiểu học mà một số người vẫn quan niệm.
Với một đất nước có tới 54 dân tộc, trong đó có những dân tộc số nhân khẩu chưa đến một nghìn người, giáo dục cấp Tiểu học tại các vùng miền đông người dân tộc thiểu số cần phải có những mục tiêu và phương pháp khác so với đồng bằng, ven biển và đô thị.
Những vấn đề này đã được thể hiện qua hai quyết định mà Chính phủ ban hành năm 2010, 2011.
Ngày 22/11/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 2123/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người”.
Đề án chỉ áp dụng đối với các cơ sở giáo dục có trẻ em, học sinh, sinh viên 9 dân tộc rất ít người: Ơ Đu, Pu Péo, Si La, Rơ Măm, Cống, Brâu, Bố Y, Mảng, Cờ Lao trong phạm vi 6 tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Kon Tum.
Đề án nêu rõ: “Nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học sinh dân tộc rất ít người; nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc rất ít người”.
Ngày 21/9/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1640/QĐ - TTg “Đề án củng cố phát triển hệ thống trường dân tộc nội trú giai đoạn 2011 - 2015”, một số nội dung chính của đề án là:
“Xây dựng mới 41 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện, 07 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh tại 22 tỉnh (Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Phước, Bình Thuận, An Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) có quy mô phù hợp theo tiêu chuẩn trường trung học đạt chuẩn quốc gia và đảm bảo các điều kiện nuôi dạy học sinh nội trú”.
“Bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường phổ thông dân tộc nội trú” trong các lĩnh vực: đổi mới công tác quản lý giáo dục, đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục học sinh dân tộc; về tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; về tổ chức nội trú; về giáo dục văn hóa dân tộc và kiến thức địa phương; bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số; tập huấn về công tác hướng nghiệp, tư vấn nghề và dạy nghề truyền thống…”.
Trong hai quyết định nêu trên, những vấn đề mang tính chuyên môn, nghiệp vụ chưa thể hiện cụ thể mà giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với một số bộ, ngành khác chủ trì.
Vấn đề là các bộ phận chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện quyết định của Chính phủ như thế nào?
Sở dĩ phải nêu hai quyết định trên vì câu chuyện đang làm xôn xao dư luận xảy ra tại Sóc Trăng, một tỉnh có tên trong Quyết định 1640/QĐ - TTg về giáo dục với con em đồng bào các dân tộc ít người.
Cuối năm 2015, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo do ông Trần Ngọc Sơn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc làm trưởng đoàn có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang về việc triển khai “Đề án phát triển giáo dục các dân tộc rất ít người và củng cố, phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2011 - 2015”.
Thông tin từ Thông tấn xã Việt Nam được Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam đăng tải cho thấy, buổi làm việc chỉ thấy đề cập đến vấn đề xây dựng trường lớp và thiếu thốn kinh phí mà không có bất kỳ ý kiến nào về đội ngũ giáo viên, chương trình đào tạo cũng như Sách giáo khoa cho học sinh dân tộc. [2]
Cần phải thấy rằng với các lớp đầu cấp Tiểu học (lớp 1, 2, 3) vùng dân tộc ít người, cần xem dạy tiếng Việt là dạy ngoại ngữ cho con em đồng bào, trước khi các em nói sõi tiếng Việt thì đừng vội dạy chữ, nếu có kết hợp dạy chữ thì cũng nên xem đó là mục tiêu thứ hai, chỉ khi nào các cháu nói sõi tiếng Việt thì các cháu mới có thể tiếp thu những gì thầy cô giảng dạy.
Nhận diện “bộ phận không nhỏ” ngành Giáo dục |
Trẻ em dân tộc Kinh mất 5, 6 năm mới nói sõi tiếng Việt, mới bắt đầu vào Tiểu học sau khi đã qua các lớp mẫu giáo thế nhưng đến lớp nghe giáo viên giảng chưa hẳn là đã hiểu hết nội dung bài học.
Yêu cầu giáo viên vùng đồng bào dân tộc dạy chữ cho con em họ theo chương trình, sách giáo khoa cũng hệt như dạy chữ cho con em người Kinh là một đòi hỏi vô lý, lên án họ lại càng vô lý hơn nếu chỉ nhìn vào hiện tượng các cháu lớp 1, 2… chưa biết đọc, biết viết.
Tuy nhiên việc nhà trường cố tình để các cháu "ngồi nhầm lớp" thì không thể không xem xét trách nhiệm của giáo viên trực tiếp giảng dạy, Ban Giám hiệu và cơ quan quản lý giáo dục địa phương.
Chỉ cần đọc tường thuật buổi làm việc của đoàn cán bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Hà Giang do ông Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc làm trưởng đoàn [2] là có thể thấy cách thức làm việc từ Bộ xuống tỉnh, chưa nói xuống đến các trường là như thế nào.
Bài viết "Căn bệnh thành tích” trong giáo dục sẽ tích thành "trọng bệnh”!" [3] đăng năm 2013 đã phân tích cái gọi là “bệnh thành tích” trong giáo dục.
Nhiều ý kiến độc giả cho rằng, sự dối trá trong giáo dục và đào tạo ở tất cả các cấp học được ngụy trang dưới tên gọi “bệnh thành tích”!
Nhận định này không hoàn toàn chính xác, đặc biệt là mảng giáo dục Đại học, hàng loạt cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ có “bằng” mà không có “cấp”, không xuất phát từ “bệnh thành tích” mà từ “nồi cơm của các trường Đại học” - theo cách nói của ông Nguyễn Thiện Nhân khi còn phụ trách mảng giáo dục.
Khi vung tay “ném đá”, phê phán giáo viên Tiểu học dạy chưa đến nơi đến chốn khiến học sinh lớp 6 phải quay về học lớp 1, liệu chúng ta có nên hỏi bao nhiêu Thạc sĩ, Tiến sĩ cần quay về học lại chương trình Đại học, thậm chí bao nhiêu Phó Giáo sư, Giáo sư cần học thêm tại các trung tâm ngoại ngữ?
“Gieo nhân nào, gặt quả ấy”, thật khó để đổ hết lỗi cho đội ngũ giáo viên mà không xem xét lại triết lý giáo dục, không quy trách nhiệm cho những người chịu trách nhiệm quản lý và hoạch định chính sách giáo dục, kiểu “chính sách trên trời” hay “chính sách phòng lạnh” theo cách nói của cộng đồng mạng.
Một trường đạt chuẩn quốc gia mà học sinh lớp 6 không biết đọc, viết không chỉ là lỗi của giáo viên, vì mỗi giáo viên chỉ tiếp xúc với học trò trong một năm.
Sự việc xảy ra trong 6 năm thì lỗi chính thuộc về Ban Giám hiệu, cơ quan quản lý giáo dục địa phương bởi lẽ không năm nào không có thanh tra, kiểm tra của Phòng Giáo dục với các trường Tiểu học.
Cũng cần nói thêm là về công tác thanh tra giáo dục ở cấp cao nhất là Thanh tra Bộ, người viết đã có hàng loạt bài phân tích, chính vì trên không nghiêm nên dưới mới thoải mái làm ẩu. [4], [5], [6]
Nếu thanh tra các cấp làm việc nghiêm túc, chắc chắn sẽ không xảy ra chuyện “ngồi nhầm lớp” cũng như nhiều hiện tượng tiêu cực trong ngành mà dư luận bức xúc và đương nhiên cháu bé ở Sóc Trăng không mất 6 năm tuổi thơ để trở lại học lớp 1.
Tài liệu tham khảo:
[5] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Sau-tien-si-va-canh-Giao-duc-post166371.gd
[6] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Nhan-dien-bo-phan-khong-nho-nganh-Giao-duc-post163341.gd