LTS: Bày tỏ những băn khoăn về chương trình giáo dục phổ thông mới, thầy giáo Bùi Nam cho rằng chúng ta không nên vội vã mà cần cẩn trọng vì sản phẩm của giáo dục là con người.
Trong bài viết này, thầy Nam sẽ phân tích những nội dung trong chương trình cần điều chỉnh để đổi mới giáo dục hiệu quả nhất.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Vấn đề đổi mới căn bản toàn diện giáo dục luôn là vấn đề cấp bách, cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) đã xác định: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất người học”.
Việc thay đổi căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo đã được chỉ đạo cụ thể ở Nghị quyết số 29 – Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, cả hệ thống chính trị cũng làm với tinh thần trách nhiệm cao.
Đây là chính sách rất lớn nhận được sự quan tâm của toàn thể hệ thống chính trị, giáo viên, đồng bào và nhân dân cả nước.
Việc "tích hợp" môn Lịch sử từng gây xôn xao dư luận, ảnh minh họa: VTV.vn. |
Giáo dục là quốc sách ảnh hưởng rất lớn không chỉ thầy, cô giáo trong cả nước, còn ảnh hưởng đến hàng chục triệu học sinh cả nước, tầng lớp phụ huynh mà còn ảnh hưởng đến tương lai của đất nước.
Mỗi lần thay đổi phải được làm cẩn thận, chính xác, khoa học và phải đảm bảo thành công.
Sản phẩm giáo dục là đào tạo nên con người học giỏi, có ích cho xã hội, tạo nên thế hệ tương lai cho đất nước, không thể tạo ra sản phẩm lỗi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có nhiều cố gắng, nhưng chương trình mới ra đời và được thông qua nhận được rất nhiều tranh luận trái chiều.
Dư luận rất hoan nghênh việc Quốc hội cho lùi việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm có thêm thời gian xây dựng cụ thể hơn, chi tiết hơn và nhận được nhiều sự đóng góp của cả nước hơn.
Vì giáo dục không thể thất bại!
Đã có rất nhiều đóng góp cho chương trình phổ thông mới, theo tôi có hai luồng ý kiến.
Đa số ý kiến đồng tình với chương trình nằm ở Tổng chủ biên và những nhà biên soạn chương trình, sách giáo khoa.
Còn lại ý kiến các giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, nghiên cứu, giáo viên và nhân dân cả nước và bản thân tôi thì còn rất nhiều băn khoăn với chương trình phổ thông mới như sau:
Thứ nhất, về các môn học trong chương trình phổ thông mới
Tôi thấy xuất hiện nhiều môn mới trong chương trình nhưng giáo viên hiện tại không thể đáp ứng trong thời gian trong 10 năm tới chứ đừng nói năm học 2020 – 2021.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết có đang tự mâu thuẫn về 2 môn học tích hợp? |
Cụ thể ở bậc tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 5) có thêm môn Anh văn (từ lớp 3 đến lớp 5 là 4 tiết/tuần), Hoạt động trải nghiệm (3 tiết/tuần).
Bên cạnh đó, Môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số (không có giáo viên dạy) hoặc Ngoại ngữ 1,…
Việc học sinh tiểu học học quá nhiều môn, học sinh lớp 1 chỉ bắt đầu học nhưng chưa chú trọng vào 2 môn quan trọng là Toán và Tiếng Việt nhằm hình thành kỹ năng đọc, viết, làm quen với các chữ số.
Cấp trung học cơ sở (lớp 6 đến lớp 9) xuất hiện môn mới là Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, môn học tự chọn là tiếng dân tộc thiểu số hoặc Ngoại ngữ 2 đều không có giáo viên dạy.
Bên cạnh đó, việc xuất hiện 2 môn học “tích hợp” là Khoa học tự nhiên (Gộp 3 môn: Lý – Hóa - Sinh), Lịch sử và Địa lý là đề tài gây tranh cãi nhiều nhất (tôi sẽ phân tích thêm ở phần sau).
Cấp trung học phổ thông (lớp 10 đến 12) cũng xuất hiện một số môn mới trong các môn học tự chọn và bắt buộc như:
Giáo dục kinh tế và pháp luật, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật), Tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2 cũng chưa có giáo viên đáp ứng.
Bên cạnh đó việc học sinh được chọn các môn học khác nhau sẽ dẫn đến thừa, thiếu cục bộ rất khó cho trường trong việc chủ động nguồn nhân lực, lực lượng giáo viên,…
Thứ hai, về sách giáo khoa
Chương trình mới tuy đã được thông qua nhưng vấn đề quan trọng nhất, ảnh hưởng lớn nhất chính là sách giáo khoa.
Theo lộ trình nếu dạy theo hình thức cuốn chiếu sẽ không phù hợp, khi đó nếu sách giáo khoa có sai thì sẽ không chỉnh sửa kịp.
Thí điểm cuốn chiếu sách giáo khoa kiểu này không ổn |
Tôi đề nghị trước khi thực hiện chương trình phải có toàn bộ bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 sau đó thành lập hội đồng phản biện, đóng góp của giáo viên và nhân dân cả nước.
Có như vậy tuy có thể chậm nhưng chắc chắn sẽ thành công. Không thể làm ẩu, làm nhanh rồi thất bại.
Vì đổi mới phải đảm bảo chắc chắn thành công, không thể lấy giáo viên, học sinh làm “chuột bạch” để thử nghiệm.
Lực lượng giáo viên đứng lớp là lực lượng rất quan trọng, họ sẽ biết chương trình, sách giáo khoa như thế nào là hợp lý, nên lấy rộng rãi ý kiến giáo viên cả nước khi đã có sách giáo khoa.
Khi đó sẽ thực hiện đồng loạt trong cả nước sau khi tập huấn cho giáo viên.
Thứ ba, cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới
Khi thực hiện theo chương trình mới muốn đáp ứng thì phải trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học, kể cả đồ dùng, sân chơi cho việc học tập hoạt động trải nghiệm, sáng tạo,… đảm bảo dạy 2 buổi/ ngày đối với học sinh tiểu học, trung học cơ sở.
Nhưng hiện nay theo tôi nghĩ chỉ 20% đến 30% trường học trên cả nước đáp ứng điều kiện trên.
Như vậy khi triển khai chương trình mới sẽ không thực hiện được, không thể để trường hợp trường nào có điều kiện thì thực hiện, nơi nào chưa đáp ứng thì chưa thực hiện.
Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn tiếp tục giải đáp các thắc mắc về "1 sách 3 thầy" |
Phải xây dựng trường, lớp, cơ sở vật chất đáp ứng trước mới thực hiện đổi mới.
Hiện nay, cấp học tiểu học không đồng đều có nơi dạy theo phương pháp, chương trình mới như VNEN, công nghệ giáo dục,… có nơi học sinh được học cả ngày (có bộ môn Anh văn, Tin học), có nơi do điều kiện chưa đáp ứng nên vẫn dạy theo phương pháp truyền thống học theo buổi (không có Anh văn, Tin học).
Vậy nên khi học sinh bước vào lớp 6 thì trình độ, nhận thức, kỹ năng rất không đồng đều giữa các học sinh nhất là trình độ Anh văn, Tin học nên giáo viên lớp 6 rất khó dạy và triển khai phương pháp mới cho cả lớp.
Vô hình trung khi vào lớp 6 trình độ học sinh khá chênh lệch, mức độ tiếp thu khác nhau tạo một sự bất công trong giáo dục, một số em không theo kịp chương trình mới chán nản, bỏ học, tự ti,…
Bên cạnh đó, học sinh trung học cơ sở cũng có nơi dạy ngày, nơi dạy buổi nên khi thi vào lớp 10 cũng có sự bất công không nhỏ.
Theo tôi,khi triển khai chương trình mới Bộ Giáo dục và Đào tạo nên quy định thống nhất việc thực hiện chương trình trong cả nước.
Cố gắng tăng cường mở rộng trường, lớp để có thể dạy ngày trong cả nước không để tùy địa phương thực hiện.
Thứ tư, việc đưa vào chương trình 2 môn tích hợp là bước lùi
Theo tôi việc ghép cơ học 2 hay 3 môn vào một môn học mới là điều không nên thậm chí phản khoa học trong khi thực tế chưa cho phép.
Một số nước có nền giáo dục tiên tiến người ta chú trọng chuyên sâu như môn Hóa có nhiều giáo viên dạy Hóa vô cơ, hữu cơ; Vật lý có nhiều giáo viên chỉ dạy phần cơ, nhiệt, điện,…
Chương trình mới tích hợp 3 môn Lý, Hóa, Sinh thành Khoa học tự nhiên theo tôi là bước lùi, không phù hợp xu thế phát triển của thế giới và tình hình giáo dục tai Việt Nam.
Để tích hợp được phải trả lời các câu hỏi sau:
- Việc tích hợp 3 môn Lý, Hoá, Sinh thành môn Khoa học tự nhiên mà vẫn do 3 giáo viên dạy;
Môn Sử, Địa thành môn Sử và Địa do 2 giáo viên dạy.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: “Môn tích hợp sẽ do 3 giáo viên dạy” |
Nó chỉ có điểm khác là có một quyển sách do nhiều giáo viên dạy thì sao gọi là tích hợp?
Có nước nào trên thế giới tích hợp "lạ lùng" như trên không? Khi nào mới cho ra đời giáo viên “tích hợp”?
- Ba giáo viên dạy cùng một quyển sách, cùng một môn như Khoa học tự nhiên có 3 phần Lý, Hoá, Sinh vậy khi kiểm tra miệng, 15 phút hay 1 tiết, học kỳ thì 3 bài riêng hay 3 môn vô một bài?
Ai chịu trách nhiệm ra đề, đánh giá đề? Ai chịu trách nhiệm về chất lượng học sinh?
Ai vào điểm phần mềm? Ai vào học bạ? Rồi sinh hoạt chuyên môn, chuyên đề do ai phụ trách,...?
- Tại sao khi biên soạn chương trình và sách giáo khoa không giữ các bộ môn như cũ: Lý, Hoá, Sử,... nội dung nào tích hợp thì soạn trong sách giáo khoa môn đó.
Nó vừa đảm bảo nội dung tích hợp, vừa đảm bảo tính liên thông, vừa đảm bảo chuyên môn hoá, chuyên ngành, chuyên sâu, đơn giản và tiết kiệm (một giáo viên mang một quyển sách có 3 phần nhưng chỉ dạy một phần, rồi chi phí tập huấn, bồi dưỡng,...).
Khi cấp trung học phổ thông không có môn “tích hợp” thì tại sao lại tích hợp ở cấp trung học cơ sở?
Việc tích hợp khi giảng dạy tại trường trung học cơ sở sẽ diễn ra rất rối rắm.
Các phân tích của ông Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới và ông Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn – Trưởng nhóm chương trình khoa học tự nhiên không thỏa mãn được đông đảo hay nói rõ hơn là có rất nhiều phản đối của giáo viên và nhân dân cả nước.
Không thể giao cho các trường chủ động sắp xếp kế hoạch tích hợp, nếu thực hiện không khéo có nguy cơ “vỡ trận”, nếu tích hợp thì phải có kế hoạch đào tạo giáo viên mới trong khoảng ít nhất 10 năm nữa
Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo lắng nghe ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, các nhà giáo; nếu Bộ thận trọng, kỹ lưỡng, tôi tin rằng công cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục sẽ thành công, sánh vai với cường quốc năm châu – như lời Bác Hồ kính yêu đã dạy.