Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết có đang tự mâu thuẫn về 2 môn học tích hợp?

26/10/2017 07:43
Nhật Duy
(GDVN) - Ban soạn thảo cần cân nhắc kĩ càng, thấu đáo. Sự thành công nào cũng được bắt đầu từ kế hoạch, sự chuẩn bị thấu đáo của những người thực hiện nhiệm vụ.

LTS: Sau khi đọc bài viết "Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Mỗi trường sẽ có quyền chọn riêng bộ sách giáo khoa" đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam (ngày 25/10/2017), bản thân là một nhà giáo đang đứng lớp - tác giả Nhật Duy đã có bài viết trao đổi một số vấn đề với Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết.

Tôn trọng thảo luận đa chiều một vấn đề quan trọng của giáo dục nước nhà, tòa soạn trân trọng giới thiệu bài viết này.

Thời gian qua, với vai trò là Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, thầy Thuyết đã có nhiều chia sẻ về nội dung chương trình sách giáo khoa.

Rồi đây, bộ sách giáo khoa mới sẽ ra đời và nó sẽ có nhiều thay đổi với sách giáo khoa hiện hành. Những môn học mới được ra đời, những hoạt động mới được đưa vào giảng dạy ở trường phổ thông.

Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể - Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết.
Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể - Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết.

Là những giáo viên đang trực tiếp đứng lớp, chúng tôi cũng vui mừng lắm. Đổi mới để hoàn thiện, để hội nhập đó là điều ai cũng mong muốn.

Song các môn học “tích hợp” là điều mà chúng tôi còn băn khoăn và lo lắng. Vất vả mấy, chúng tôi cũng sẵn lòng nếu chương trình hay hơn, phù hợp hơn. Nhưng….

Ngày 25/10/2017, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng bài Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Mỗi trường sẽ có quyền chọn riêng bộ sách giáo khoa, nội dung bài báo xoay quanh chương trình sách giáo khoa mới.

Trong bài viết này, phóng viên Thùy Linh đã đặt nhiều câu hỏi với thầy và được thầy trả lời.

Trong đó, chúng tôi đặc biệt lưu tâm đến các môn học tích hợp, dù đã mường tượng ra vấn đề nhưng hình như nó vẫn còn mông lung lắm, dù thời điểm đưa sách giáo khoa mới đang đến rất gần.

Thầy Thuyết nói rằng:

“Chương trình mới về cơ bản kế thừa chương trình hiện hành nhưng số lượng các môn học ở cả 3 cấp học đều giảm so với chương trình hiện hành. Về môn học mới thì chỉ có 2 môn tích hợp ở Trung học cơ sở là: Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên”. [1] 

Vậy, nếu ta cứ nhìn vào 2 môn học mới là Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên đang là 5 môn học đơn môn, bây giờ gộp thành 2 môn thì rõ ràng nó đã giảm về số lượng.

Thế nhưng, thầy nói:

Trường nào chưa có giáo viên đảm nhiệm được các môn tích hợp, mỗi môn học tích hợp sẽ do 2 hoặc 3 giáo viên phối hợp thực hiện, mỗi giáo viên dạy một học phần phù hợp với chuyên môn của mình”. [1]

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết có đang tự mâu thuẫn về 2 môn học tích hợp? ảnh 2

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: “Môn tích hợp sẽ do 3 giáo viên dạy”

Vậy theo thầy thì đây là giảm hay sao? Nếu “tích hợp” các môn lại thành một môn mà giảm được nội dung môn học, giảm được thời lượng giảng dạy và học tập thì mới gọi là giảm.

Còn nếu mà giảm môn nhưng nội dung và số tiết học vẫn vậy, vẫn là 2-3 người dạy một môn “tích hợp” thì vô hình trung có phải làm rối rắm thêm sao?

Chúng tôi còn nhớ, tháng 8/2015, khi trả lời báo chí về chương trình giáo dục mới, chính thầy đã khẳng định việc tích hợp các môn học là việc “thực hiện không dễ”.

Bởi, theo thầy: “Điều tôi băn khoăn là điều kiện để thực hiện. Bởi vì chúng ta đặt vấn đề học tích hợp vật lý, hóa học thành khoa học tự nhiên...

Vấn đề đặt ra là ai là người viết sách? Hiện chúng ta chưa có chuyên gia tích hợp mà chỉ có chuyên gia từng môn học”.[2]

Vậy xin được hỏi thầy Tổng chủ biên, từ tháng 8/2015 đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kịp chuẩn bị xong đội ngũ "chuyên gia tích hợp" rồi sao? 

Nếu quả thực như vậy thì đây thật là điều vi diệu.

Chúng tôi rất muốn được diện kiến, học hỏi từ các "chuyên gia tích hợp" này, vì đến bây giờ những giao viên đứng lớp vẫn chưa hình dung ra cách "tích hợp" Lý - Hóa - Sinh như thế nào.

Ngoài khó khăn của việc chưa có chuyên gia “tích hợp” viết sách thì thầy cũng đã băn khoăn:

“Thứ hai là người dạy, hiện nay các trường sư phạm vẫn đào tạo giáo viên theo từng môn. Ai là người sẽ dạy được môn tích hợp, đó là câu chuyện rất khó.

Dĩ nhiên để thực hiện điều này ngay từ lúc này các trường sư phạm sẽ phải thay đổi phương thức đào tạo.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết có đang tự mâu thuẫn về 2 môn học tích hợp? ảnh 3

Đề nghị Giáo sư - Tổng chủ biên giải thích thêm về tích hợp 1 sách 3 thày

Nhưng để thay đổi như vậy phải có nội dung, mà hiện nay nội dung tích hợp chưa có, vì vậy cũng chưa thể có giáo trình dạy tích hợp ở trường sư phạm”. [2]

Người viết còn nhớ, trên chính Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam này đã diễn ra những trao đổi sôi nổi về tích hợp giữa những người đứng lớp với Giáo sư Tổng chủ biên và các thầy soạn chương trình mới về "tích hợp".

Qua nội dung trao đổi, cho đến nay Giáo sư Tổng chủ biên cũng như chủ biên môn học "tích hợp" Khoa học Tự nhiên - Phó Giáo sư Mai Sỹ Tuấn chưa thể đưa ra bất kỳ ví dụ cụ thể nào về "tích hợp" Lý - Hóa - Sinh thành Khoa học Tự nhiên.

Điều đó có thể hiểu là đến nay nội dung tích hợp 3 môn này thành 1 chưa có?

Ấy vậy nhưng cũng chính thầy Tổng chủ biên mới đây trả lời rất nhẹ nhàng và rõ ràng:

Nếu Quốc hội đồng ý điều chỉnh thời gian áp dụng chương trình mới ở cấp Trung học cơ sở từ năm học 2020 – 2021 thì từ nay đến đó còn gần 3 năm, kịp đào tạo văn bằng 2 cho những giáo viên trẻ, có nguyện vọng đi học”. [1]

Nội dung tích hợp chưa có, vậy phải chăng các thầy sẽ trang bị cho những giáo sinh tương lai "phương pháp tích hợp" các thầy vẫn nói lâu nay mà giáo viên đứng lớp chúng tôi vẫn không hình dung nổi, để họ tự "tích hợp" khi giảng dạy? 

Hơn nữa, mới chỉ 5 tháng trước thôi, Giáo sư còn kiến nghị triển khai sách giáo khoa mới lớp 1 từ 2018 và thực nghiệm sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 và lớp 10. [3]

Nay nếu Quốc hội không đồng ý lùi thì các thầy vẫn làm được, nhưng chúng tôi không hiểu các thầy sẽ làm thế nào?

"Chuyên gia tích hợp" chưa có, "nội dung tích hợp" cũng chưa mà vẫn làm được, thế mới tài.

Cũng trong lần trao đổi đó, thầy đã từng băn khoăn về cơ sở vật chất:

“Điều kiện khó thực hiện nữa là cơ sở vật chất của các trường như thế nào?

Cho đến nay chúng ta biết ở các thành phố, nhất là thành phố lớn đất chật người đông, các lớp học rất đông học sinh, giáo viên áp dụng phương pháp dạy học tích cực rất khó.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết có đang tự mâu thuẫn về 2 môn học tích hợp? ảnh 4

Tích hợp “1 sách 3 thày”, Ban soạn thảo càng ngày càng rối

Ngược lại, ở miền núi lớp học vắng nhưng cơ sở vật chất nghèo nàn, điều kiện học tập như thế là thách thức đối với giáo viên khi thực hiện chương trình”. [2]

Những “khó khăn” ngày trước thầy nêu đã nhận được sự đồng tình của nhiều người, bởi thầy nói, đánh giá, nhìn nhận vấn đề lúc ấy có tính bao quát và khách quan hơn bây giờ rất nhiều.

Phải chăng, giờ đây, khi là Tổng chủ biên chương trình mới thì thầy thấy nó “dễ” hơn?

Chính vì vậy mà khi trả lời về vấn đề các môn học “tích hợp” tới đây thì thầy đều trả lời một cách rất “nhẹ nhàng” như chẳng hề có khó khăn gì. 

Thầy cũng biết đấy, lương giáo viên trẻ ba cọc ba đồng mà lại tiếp tục đi học văn bằng 2 mấy năm trời..! Chỉ nghĩ đến đó thôi chắc nhiều giáo viên “trẻ” chúng tôi cũng toát mồ hôi vì …sợ.

Rõ ràng với cách trả lời của thầy sẽ tạo nên sự hoài nghi cho dư luận về tính khả thi của các môn “tích hợp” trong chương trình sách giáo khoa mới tới đây.

Không chỉ hoài nghi cho môn học mà dư luận cũng hoài nghi về cách phát biểu của thầy Tổng chủ biên chương trình.

Bởi, cứ như chính thầy Thuyết từng nói trước đây:

Giáo trình dạy tích hợp ở trường sư phạm phải có nội dung cụ thể, chứ không đơn giản là một sinh viên vừa học Lý vừa học Hóa, tự sinh viên đó tổng hợp lại thành một cái gì đó gọi là tích hợp”. [2]

Với cách trả lời đầy mâu thuẫn với trước đây như vậy chúng ta có thể hình dung đến chuyện khó khăn của các môn tích hợp từ khi nó chưa bắt đầu.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết có đang tự mâu thuẫn về 2 môn học tích hợp? ảnh 5

“3 thầy 1 sách, dạy một môn”, kế hoạch do giáo viên và nhà trường chủ động

Là giáo viên đang trực tiếp giảng dạy chúng tôi có thể mường tượng ra nhiều những khó khăn ở phía trước.

Bởi mỗi môn học có một vai trò, chức năng, nhiệm vụ khác nhau.

Rồi đây, học sinh sẽ học tiết học đó như thế nào, tiếp cận ra sao, thi cử ra sao khi một môn học có nhiều đơn môn, vừa riêng, lại vừa dạy theo chủ đề?

Rõ ràng cách giải thích của những người biên soạn sách giáo khoa mới đang còn chung chung và vô cùng rối rắm! Thậm chí chính các thầy cũng chưa hình dung nổi về một bài học tích hợp Lý - Hóa - Sinh sẽ như thế nào?

Việc gộp một số đơn môn thành những môn học mới để gọi thành cái tên rất mới là “tích hợp”, sau đó lên cấp 3 lại tách nó ra, xin hỏi thật thầy Thuyết và những người đang biên soạn chương trình, sách giáo khoa mới, như thế có thực sự phù hợp?

Có lẽ, những khó khăn trong việc “tích hợp” ở bậc trung học cơ sở sẽ còn rất nhiều và những bất cập sẽ nảy sinh trong quá trình thực hiện sẽ còn lắm lắm.

Việc gộp nhiều môn học cũ thành 1 môn học mới xem chừng vẫn còn lắm những gian nan và chông chênh ở phía trước.

Vì thế, Ban soạn thảo cần cân nhắc kĩ càng, thấu đáo. Sự thành công nào cũng được bắt đầu từ kế hoạch, sự chuẩn bị thấu đáo của những người thực hiện nhiệm vụ.

Vai trò của những người tiên phong, đứng đầu mỗi môn học cần phải thể hiện bản lĩnh và trách nhiệm trước những quyết định của mình. Dù “tích hợp” hay “tích phân” cũng phải đặt quyền lợi, hiệu quả của người học, của đất nước lên trên tất cả.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Giao-su-Nguyen-Minh-Thuyet-Moi-truong-se-co-quyen-chon-rieng-bo-sach-giao-khoa-post180673.gd

[2]http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/chuong-trinh-giao-duc-moi-thuc-hien-khong-de-20150808073123288.htm

[3]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/kien-nghi-day-dai-tra-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-o-lop-1-tu-nam-2018-370700.html

Nhật Duy