Thí điểm cuốn chiếu sách giáo khoa kiểu này không ổn

22/10/2017 06:44
Thuận Thanh
(GDVN) - Chưa có sự tiếp cận kiến thức từ các lớp học dưới thì học sinh sẽ không thể học được ở các lớp học trên.

LTS: Trước thông tin về lộ trình dự kiến áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới được công bố, thầy giáo Thuận Thanh cho rằng lộ trình này còn nhiều điểm bất cập, chưa hợp lý.

Theo đó, thầy cho rằng nên lần lượt áp dụng từng lớp từ lớp 1 đến lớp 12 và có những đánh giá sau mỗi năm.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Nhằm thực hiện chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, Khung chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới đã chính thức được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua, sau hai lần lấy ý kiến nhân dân.

Đây được coi là một bước cụ thể hóa quan trọng nhằm thực hiện một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đã được đặt ra từ nhiều năm nay.

Mục tiêu hướng đến là tạo một diện mạo mới cho nền giáo dục trước các yêu cầu của đổi mới, tạo ra một lớp người mới trong nhu cầu của sự phát triển đất nước.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 14/10/2017 có đăng bài viết “Chi tiết lộ trình dự kiến áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới”.

Theo đó, bài viết đã cung cấp những nội dung về lộ trình dự kiến áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới do Chính phủ đề xuất theo Tờ trình số 408/TTr-CP ngày 14/10/2017 về tình hình thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông, được gửi tới Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

Hình minh họa, nguồn: Vtv.vn.
Hình minh họa, nguồn: Vtv.vn.

Tuy nhiên, khi nhìn vào những nội dung trong đề xuất này có thể thấy những bất cập và không hợp lý cho lộ trình thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông lớn, liên quan đến tất các học sinh trong đất nước chúng ta.

Vì vậy, cần thiết phải có sự trao đổi và xem xét lại về lộ trình thực hiện này.  

Cụ thể, theo những nội dung đã được đề xuất thì thời gian thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới cho học sinh phổ thông sẽ được áp dụng đối với cấp tiểu học là từ năm học 2019-2020;

Đối với cấp trung học cơ sở là từ năm học 2020-2021 và đối với cấp trung học phổ thông là từ năm học 2021-2022.

Theo đó, lộ trình thực hiện cụ thể sẽ theo từng bước trong các năm học như sau:

Năm học

Các lớp tiến hành thực nghiệm

Các lớp bắt đầu áp dụng

2018-2019

Lớp 1

2019-2020

Lớp 2 và lớp 6

Lớp 1

2020-2021

Lớp 3, lớp 7 và lớp 10

Lớp 2 và lớp 6

2021-2022

Lớp 4, lớp 8 và lớp 11

Lớp 3, lớp 7 và lớp 10

2022-2023

Lớp 5, lớp 9 và lớp 12

Lớp 4, lớp 8 và lớp 11

2023-2024

Lớp 5, lớp 9 và lớp 12

Như thế, theo lộ trình thực hiện này thì chương trình và sách giáo khoa mới sẽ được áp dụng ngay cho học sinh lớp 6 và lớp 10, sau đó sẽ là các lớp 7, 8, 9 và 11, 12.

Tuy nhiên, theo quan điểm xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới, chương trình sẽ có sự tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên.

Cùng với đó là đảm bảo sự kết nối chặt chẽ giữa các lớp học và các cấp học với nhau.

Theo đó, trong nội dung giáo dục sẽ có nhiều những môn học mà học sinh sẽ được học trong suốt 12 năm theo một mạch kiến thức chung.

Thí điểm cuốn chiếu sách giáo khoa kiểu này không ổn ảnh 2

Quốc hội thẩm tra sơ bộ tình hình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa

Như thế, với quan điểm cùng với những nội dung này thì có thể thấy nếu học sinh chưa được tiếp cận kiến thức từ các lớp học dưới thì học sinh sẽ không thể học tập được ở các lớp học trên.

Vì thế, nếu như theo lộ trình thực hiện đã được đề xuất trong dự kiến thì học sinh lớp 6 và lớp 10 cũng như các lớp học sau đó sẽ được học ngay chương trình với sách giáo khoa mới.

Nhưng do trước đó các học sinh đã học theo chương trình cũ, với sách giáo khoa cũ thì khi đó các học sinh có thể tiếp nhận kiến thức được không?

Bởi kiến thức luôn có sự liền mạch, logic theo một chỉnh thể thống nhất.

Vì thế, nếu học sinh không có sự tiếp cận từ lớp dưới thì học sinh sẽ không thể học được ở các lớp trên.

Đó là chưa kể đến trong chương trình giáo dục phổ thông mới còn có những môn học mới.

Chúng ta biết, nguyên tắc chung nhất cho một chương trình giáo dục và cũng được đặt ra trong việc dạy học là:

Học sinh được bắt đầu từ những kiến thức căn bản và cơ sở, sau đó nội dung sẽ được định hướng và phát triển dần lên theo một mạch kiến thức và tư duy, mang tính hệ thống và logic chung.

Và trong chủ trương đổi mới giáo dục lần này, đó là sự đổi mới căn bản và toàn diện, vì thế có thể nói, những nội dung mà học sinh sẽ được học là những kiến thức mới.

Như thế, nếu học sinh chưa có sự tiếp cận kiến thức từ các lớp học dưới thì học sinh sẽ không thể học được ở các lớp học trên.

Vì thế, có thể nói, lộ trình cùng với cách thực hiện này đã thể hiện một sự vội vàng, mang tính áp đặt nên đã bộc lộ như những bất cập.

Bởi vì đã không đảm bảo được các yêu cầu về mặt khoa học của kiến thức và các yêu cầu về giảng dạy trong sư phạm theo một sự thống nhất chung.

Trên thực tế, một chương trình giáo dục được xây dựng công phu, nhằm đảm bảo được các yêu cầu đặt ra cho việc đổi mới, có đủ thời gian tập huấn cho các giáo viên cũng như có sự chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất nhưng lộ trình thực hiện không hợp lý, nếu như không muốn nói là phản khoa học sẽ không mang lại được được hiệu quả và gây trở ngại cho sự học tập của các học sinh.    

Thí điểm cuốn chiếu sách giáo khoa kiểu này không ổn ảnh 3

Chi tiết lộ trình dự kiến áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới

Vì thế, để đảm bảo hiệu quả cho việc thực hiện một chương trình giáo dục mới với các yêu cầu về mặt khoa học cũng như sư phạm thì một lộ trình hợp lý sẽ được thực hiện là:

Chương trình và sách giáo khoa mới sẽ phải được thực nghiệm và áp dụng dần lên bắt đầu cho học sinh từ lớp 1 cho đến lớp 12, cũng có thể được hiểu đó là theo hình thức cuốn chiếu dần lên.

Nghĩa là, năm đầu tiên sẽ tiến hành thực nghiệm và áp dụng cho lớp 1, sau đó khi học sinh học lên lớp 2 là sẽ có sự thực nghiệm và áp dụng tiếp chương trình cho lớp 2, và sau đó là lên lớp 3...

Và cứ như như thế cho đến khi học sinh học đến hết lớp 12.

Như thế, theo lộ trình với cách thực hiện này thì phải sau 12 năm, chương trình cùng với sách giáo khoa mới sẽ được triển khai và áp dụng hoàn toàn.

Tuy đó là một thời gian dài nhưng đảm bảo được các yêu cầu chung cho giáo dục, đặc biệt là về mặt khoa học và sư phạm trong việc đảm bảo hiệu quả học tập cho học sinh.

Từ đó, các khóa học của các học sinh ở các lớp sau sẽ được học tiếp nối theo một chương trình mới thống nhất.

Do vậy, đây là lộ trình dự kiến được đề xuất trong cách thực hiện nên cần thiết phải được xem xét lại.

Bởi đó là những bước thực hiện một chương trình giáo dục quan trọng của quốc gia nên không thể có sự triển khai một cách nóng vội, theo sự áp đặt mang tính chủ quan.

Từ đó sẽ gây ra sự bất lợi cho các học sinh ngay trong những năm đầu thực hiện.

Trên đây là một vài trao đổi để chúng ta cùng chia sẻ và làm rõ hơn về vấn đề này nhằm tránh gây thiệt hại cho các học sinh và đảm bảo hiệu quả cho việc thực hiện một chương trình giáo dục mới mang tính toàn diện trong tiến trình đổi mới của đất nước.

Rất mong có được sự quan tâm để cùng được trao đổi.

Thuận Thanh