LTS: Xung quanh vấn đề tích hợp "1 sách 3 thầy", "2 thầy 1 môn" trong chương trình, sách giáo khoa mới, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của nhà giáo Nguyễn Trọng Bình, một giảng viên đang sống và làm việc tại thành phố Cần Thơ.
Thầy Nguyễn Trọng Bình trao đổi và làm rõ vấn đề dạy học tích hợp được đề cập đến trong loạt bài phỏng vấn của chúng tôi với Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Phó Giáo sư Mai Sỹ Tuấn và phản biện, câu hỏi của các thầy cô giáo, bạn đọc trên cả nước.
Để rộng đường dư luận và thông tin đa chiều về một vấn đề học thuật nóng mà xã hội, thày cô rất quan tâm, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết này và trân trọng cảm ơn nhà giáo Nguyễn Trọng Bình!
Nội dung, văn phong trong bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của tác giả. Tiêu đề và các đề mục phụ trong bài viết do Tòa soạn đặt.
Nỗi lo “dạy học tích hợp” bị biến thành món thịt bò xào thập cẩm
Năm 2015, khi bản dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông lần đầu tiên được công bố, ngay lập tức đã bị dư luận nhất là giới sử học phản ứng vì môn “Lịch sử” được những người soạn thảo “tích hợp” vào môn “Công dân với Tổ quốc”.
Chủ để tích hợp môn Lịch sử đã trở thành một "cơn bão truyền thông", Quốc hội cũng phải vào cuộc giữ lại môn Lịch sử. Ảnh chụp màn hình phóng sự của VTV về chủ đề này, phát sóng ngày thứ Sáu, 11/12/2015. |
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết khi ấy đã lên tiếng phát biểu về vấn đề “dạy học tích hợp”. Phóng viên hỏi:
“Thưa Giáo sư, ông có thể phân tích mặt tích cực cũng như hạn chế của việc tích hợp nói chung, cũng như việc tích hợp môn Lịch sử nói riêng? Việc tích hợp này có ưu điểm gì so với cách dạy và học cũ”?
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã trả lời:
“Theo tôi, việc tích hợp kiến thức có nhiều ưu điểm hơn hạn chế. Nói cho dễ hiểu, tích hợp giống như làm một món ăn.
Thay vì dọn riêng món cà rốt sống, hành tây luộc, nước mắm, gia vị, thịt bò xào…, chúng ta xào tất cả với nhau thành một món ăn thì món ăn ấy sẽ đủ chất, đủ vị mà có thể ngon miệng hơn.
Sự ngon miệng chỉ kém nếu người nấu kém tài hoặc mỗi người nấu vẫn muốn giữ riêng món độc lập của mình”. [1]
Thật lòng mà nói, sau khi nghe Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết phát biểu như trên, tôi đã không tin vào mắt mình.
Tôi thật sự không hiểu một người như Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết sao lại có suy nghĩ dễ dãi và máy móc về vấn đề “dạy học tích hợp” như vậy?
Và cho đến hôm nay, qua theo dõi cuộc trao đổi giữa bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam với Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết và Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn xoay quanh vấn đề này, tôi càng hoang mang hơn!
Cụ thể là vấn đề “tích hợp” các môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ tổng thể (bậc trung học cơ sở) vừa mới được thông qua cho thấy, nguy cơ món“thịt bò xào thập cẩm” đang dần trở thành hiện thực!
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết phân công trả lời thắc mắc về chương trình mới |
Một cách chân thành và nghiêm túc, tôi xin mạo muội trao đổi với Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết và Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn về vấn đề này như sau:
Không đánh đồng triết lý với phương pháp
Trước hết, tôi cho rằng bản chất của vấn đề “dạy học tích hợp” là thuộc về quan điểm, nhận thức – những vấn đề thuộc về triết lý giáo dục nói chung, chứ không phải là một phương pháp dạy học thuần túy.
Tuy vậy, ở mức độ nào đó nếu xem đây là một phương pháp trong dạy học thì cần phải hiểu đó là phương pháp của tư duy chứ không phải phương pháp cơ học – những vấn đề thuộc về “kỹ năng”, “kỹ thuật”, “kỹ nghệ”…
(Giống như hàng loạt các phương pháp như: “phương pháp chậu cá”, “phương pháp khăn trải bàn”, “phương pháp bàn tay nặn bột”… mà trước đây Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hẳn một đề án đồ sộ, tiêu tốn khá nhiều tiền nhưng kết quả thu về là như hiện nay, nghĩa là phải tiếp tục “đổi mới căn bản và toàn diện”).
Nói cho dễ hiểu hơn, dạy học theo quan điểm “tích hợp” là khi dạy học, người giáo viên trước khi muốn cắt nghĩa, giải thích hay rút ra một quan điểm, một kết luận nào đó để nói với học sinh thì nhất định phải vận dụng, kết hợp, tổng hợp những tri thức mang tính liên ngành trên tinh thần khoa học.
Chứ không phải giáo viên chỉ dựa vào cảm nhận, suy diễn chủ quan, hoặc tệ hơn là dựa hẳn vào một quan điểm, cái nhìn phiến diện một chiều nào đó nhiều khi đã được mặc định, chỉ định trước.
Tệ nhất là khi giáo viên áp đặt, không cho học sinh có cơ hội suy nghĩ, tìm tòi những cách hiểu khác, lý giải vấn đề bằng góc nhìn khác...
Ví dụ, để lý giải nguyên nhân của chiến thắng thắng Điện Biên Phủ thì phải trên cơ sở của quá tìm hiểu tài liệu, chứng cứ lịch sử nhiều chiều (phỏng vấn người trong cuộc cả phía ta lẫn đối phương, đến tham quan bảo tàng chiến tranh…).
Phải tìm hiểu tương quan về khí tài quân sự các bên; phải có kiến thức cơ bản về địa lý – vị trí, không gian của những nơi xảy ra chiến sự…và vô số vấn đề khác nữa, nếu như muốn kết luận của mình thật sự thuyết phục người khác.
Nếu chỉ đơn giản là một sự mặc định trước: chiến thắng này chỉ thuần túy là do “sự lãnh đạo tài ba của đại tướng Võ Nguyên Giáp” không chỉ khó thuyết phục học sinh, mà còn đánh mất đi giá trị và ý nghĩa thực sự của môn Lịch sử…
Hình ảnh về hội thảo dạy học tích hợp ở trường tiểu học. (Ảnh nguồn: Phòng giáo dục thị xã Cao Bằng) |
Một ví dụ cụ thể hơn. Xin nói về một cuốn sách đang gây xôn xao giới học thuật hiện nay của nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công – quyển “Từ điển Tiếng Việt của Giáo sư Nguyễn Lân, phê bình và khảo cứu”.
Có thể thấy, để có thể cắt nghĩa, giải thích nhằm phản biện và chỉ ra những sai sót của Giáo sư Nguyễn Lân, tác giả Hoàng Tuấn Công đã phối hợp vận dụng nhiều tri thức của nhiều ngành khoa học như: lịch sử, văn hóa, dân tộc, khảo cổ…
Đó là chưa kể những hiểu biết về trải nghiệm thực tiễn về đời sống xã hội của chính bản thân tác giả… Chính cách làm việc nghiêm túc, khoa học như thế nên Hoàng Tuấn Công đã thuyết phục được bạn đọc đặc biệt là các nhà nghiên cứu…
Từ đây, có thể nói ưu điểm của vấn đề “dạy học tích hợp” qua một số phương diện cụ thể là:
Về tư duy và nhận thức chung:
Tránh sự áp đặt và nhồi nhét kiến thức một chiều vô tình thủ tiêu sự sáng tạo của cả người dạy lẫn người học. Chính sự áp đặt và nhồi nhét kiến thức là nguyên nhân gây nên sự nhàm chán trong hoạt động dạy học nói chung. Góp phần giảm tải các vấn đề, những kiến thức bị trùng lắp giữa các môn học với nhau.
Đây là những vấn đề mà Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn đã trình bày trong bài viết của mình về phương diện lý thuyết với các khái niệm như: “tích hợp đa môn”, “liên môn”, “xuyên môn”…
Về kiến thức, tri thức:
Đảm bảo đó là những kiến thức, tri thức được rút ra dựa trên kết quả của quá trình tìm hiểu, tổng hợp, suy luận, khảo nghiệm… cả về lý thuyết lẫn thực hành một cách khách quan, khoa học cho cả người học lẫn người dạy.
Về kỹ năng, năng lực, phẩm chất:
Giúp người học biết cách lập luận, nói năng sao cho có lý lẽ, “nói có sách mách có chứng”, muốn biết chuyện này phải liên hệ tìm tòi từ những chuyện khác.
Phát huy tinh thần sáng tạo, độc lập trong suy nghĩ; biết tôn trọng sự khác biệt… từ đó vận dụng vào cuộc sống thực tiễn xã hội một cách chủ động, tự tin để đạt hiệu quả cao nhất.
Dạy học tích hợp: khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn
Về mặt lý thuyết, không ai phủ nhận “dạy học tích hợp” là xu hướng và quan điểm giáo dục hiện đại, tiến bộ.
Tuy nhiên, để vận dụng vào thực tiễn dạy học ở Việt Nam hiện nay là chuyện không hề đơn giản, nếu như chúng ta không có một sự thống nhất về quan điểm, nhận thức lẫn cách thức, phương thức thực hiện.
Bằng chứng là qua cách trình bày của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết lẫn Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn, gần như ngay lập tức cô giáo Phan Tuyết và rất nhiều bạn đọc đã lên tiếng phản ứng, bày tỏ sự không đồng tình. Và theo quan sát của tôi, sự phản ứng và không đồng tình này là có cơ sở.
Trao đổi với Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn về 2 môn tích hợp của chương trình mới |
Nếu hiểu “dạy học tích hợp” chỉ đơn giản là một sự gán ghép, kết hợp một cách cơ học các môn học lại với nhau như kiểu Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết và Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn thì quả là rất đáng lo.
Bởi, dù muốn dù không ở đây cần phải phân biệt giữa vấn đề dạy học theo quan điểm “tích hợp” và chuyện “kết hợp” môn “Lịch sử” và “Địa lý” lại thành môn “Lịch sử và Địa lý”; hay các môn Lý, Hóa, Sinh thành môn “Khoa học tự nhiên” để dạy. Đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.
Nói cách khác, cho dù có kết hợp các môn lại với nhau để dạy thì về bản chất “Lịch sử” vẫn phải là “Lịch sử”, “Địa lý” vẫn là “Địa lý”. Nghĩa là nó vẫn “độc lập” về mặt bản chất (đối tượng, phạm vi học tập, nghiên cứu…).
Ngoài ra, cho dù anh có kết hợp các môn học lại nhưng trong quá trình dạy anh vẫn thiên về áp đặt, nhồi nhét kiến thức một chiều thì cũng là chẳng giải quyết được gì.
Không dừng lại ở đó, qua việc giải thích và trả lời của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết và Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn liên quan đến khâu chuẩn bị cho vấn đề này chỉ càng làm cho người ta hoang mang hơn vì sự vội vã, nếu không muốn nói là thiếu nghiêm túc, không lường hết các tình huống nảy sinh.
Cụ thể như việc biên soạn sách giáo khoa cho các môn học mới, tập huấn giáo viên, tổ chức phân công giảng dạy (“1 sách 3 Thầy” hay “3 Thầy một sách”?)…
Nói tóm lại, có thể khẳng định “dạy học tích hợp” vấn đề thuộc về quan điểm, định hướng có tính triết lý trừu tượng, chứ hoàn toàn không phải phương pháp dạy học thuần túy cơ học.
Dạy học tích hợp càng không phải như Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã “ví von” là người ta chế biến món thịt bò thập cẩm.
(Cũng xin mở ngoặc nói thêm, trong nấu ăn, nếu người đầu bếp không có kiến thức về thực phẩm và dinh dưỡng nói chung mà kết hợp lung tung các nguyên liệu với nhau có khi sẽ phản tác dụng.
Do sự tương tác và phản ứng giữa thành phần sinh, hóa trong các nguyên liệu nên món ăn sẽ bị mất dinh dưỡng, thậm chí trong nhiều trường hợp có thể gây ngộ độc thực phẩm dẫn tới tử vong cho người ăn.
Vì thế, “tích hợp” trong trường hợp này là cực kỳ nguy hiểm).
Người xưa bảo, “danh có chính thì ngôn mới thuận”. Các nhà ngôn ngữ học hiện đại thì khẳng định, đại khái rằng “ngôn ngữ vừa là công cụ giao tiếp vừa phản ánh năng lực và trình độ tư duy” của con người.
Theo tôi, việc giải thích vấn đề “dạy học tích hợp” có phần máy móc, dễ dãi như Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, hoặc hàn lâm và rối rắm như Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn - những người đang trực tiếp phụ trách và triển khai vấn đề này trong đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục” nước nhà hiện nay mà như thế là rất đáng quan ngại.
Nói khác đi, theo quan sát của tôi, liên quan đến vấn đề này nếu mọi khâu chuẩn bị chưa tốt thì nên chăng rất lưu ý đến ý kiến của nhà giáo Phạm Toàn: cần dừng lại Chương trình Phổ thông tổng thể và bỏ ra làm lại cho kỹ càng, chu đáo hơn.
Tài liệu tham khảo:
1. “Việc lên tiếng môn Lịch sử bị “khai tử” là phản ứng quá vội vàng!”. Xem tại: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/viec-len-tieng-mon-lich-su-bi-khai-tu-la-phan-ung-qua-voi-vang-20151116231305383.htm
2. “Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: “Môn tích hợp sẽ do 3 giáo viên dạy”. Xem tai: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Giao-su-Nguyen-Minh-Thuyet-Mon-tich-hop-se-do-3-giao-vien-day-post178674.gd
3. “Đề nghị Giáo sư - Tổng chủ biên giải thích thêm về tích hợp 1 sách 3 thày”. Xem tại: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/De-nghi-Giao-su--Tong-chu-bien-giai-thich-them-ve-tich-hop-1-sach-3-thay-post178713.gd
4. “Tích hợp “1 sách 3 thày”, Ban soạn thảo càng ngày càng rối”. Xem tại: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Tich-hop-1-sach-3-thay-Ban-soan-thao-cang-ngay-cang-roi-post178817.gd
5. “3 thầy 1 sách, dạy một môn”, kế hoạch do giáo viên và nhà trường chủ động”. Xem tại: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/3-thay-1-sach-day-mot-mon-ke-hoach-do-giao-vien-va-nha-truong-chu-dong-post178782.gd
6. “Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn tiếp tục giải đáp các thắc mắc về "1 sách 3 thầy". Xem tại: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Pho-giao-su-Mai-Sy-Tuan-tiep-tuc-giai-dap-cac-thac-mac-ve-1-sach-3-thay-post178841.gd
7. “Phó Giáo sư Mai Sỹ Tuấn giải thích 4 khái niệm tích hợp trong chương trình mới”. Xem tại: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Pho-Giao-su-Mai-Sy-Tuan-giai-thich-4-khai-niem-tich-hop-trong-chuong-trinh-moi-post178918.gd
8. “Nhà giáo Phạm Toàn: Tôi thấy bóng dáng của Chương trình 2000 đang hiển hiện”. Xem tại: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Nha-giao-Pham-Toan-Toi-thay-bong-dang-cua-Chuong-trinh-2000-dang-hien-hien-post177083.gd