Chiếc chăn Nguyên khí và câu chuyện Rừng nghèo

29/05/2018 06:10
Xuân Dương
(GDVN) - Trong lĩnh vực tinh hoa, lĩnh vực hàn lâm văn hóa - ngôn ngữ, liệu vừa tồn lại vừa thêm có khiến “Rừng nghèo” trở nên nghèo thêm...?

Ngày nay, nếu có ai đó tìm được dẫn chứng bác nông dân, anh công nhân, bà buôn thúng “đạo văn” thì đó là phát hiện chấn động không chỉ trong nước mà còn trên thế giới bởi đó sẽ là phát hiện mang tầm thế kỷ.

Còn nếu ai đó cho rằng bà tiến sĩ, ông giáo sư, ông trưởng khoa, ông phó hiệu trưởng đại học “đạo văn” là phát hiện động trời thì thiên hạ sẽ hỉ mũi mà rằng “chuyện thường ngày ở xóm”. 

Gần 5 năm trước trên báo điện tử Giaoduc.net.vn có bài: “Các giáo sư, họ đi đâu cả rồi?”. 

Những sự kiện nêu trong bài báo là những gì tác giả đã chứng kiến trong hành trình mấy chục năm đứng trên bục giảng của mình, kết luận của tác giả: 

Không nằm trong chăn sao biết chăn có rận. Chăn không có rận hoặc là rất sạch, hoặc là rận sợ, không dám ở trong chăn” cho thấy chất lượng của một “bộ phận không nhỏ” những người có lúc được xem là “nguyên khí quốc gia” thời hiện đại.  

Nói đến tham nhũng, người ta nhớ đến cụm từ “bầy sâu” mà nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã sử dụng, nói đến các kiểu đạo văn của những người đầy “hàm”, đầy “vị” mà lại dùng là “bầy sâu” thì hóa ra lại “đạo văn”, vậy thay vì dùng cụm từ “bầy sâu” xin gọi là “lũ rận”? 

Có những người đầy "hàm", đầy "vị" mà lại "đạo văn"? Ảnh mang tính minh hoạ, nguồn: Laodong.vn
Có những người đầy "hàm", đầy "vị" mà lại "đạo văn"? Ảnh mang tính minh hoạ, nguồn: Laodong.vn

Liệu có phải cái “chăn nguyên khí” bị bục chỉ hay còn lý do nào khác mà gần đây “rận” chui ra nhiều thế?

Có một sự thật là gần như chẳng thấy truyền thông đề cập đến mấy cô cậu cử nhân, kỹ sư “tò te” mới ra trường tố nhau đạo văn mà đa phần là những giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, toàn là thày của thày lên báo tung hê “kỹ thuật xào xáo”, “kỹ thuật nhai lại” sức lao động của đồng nghiệp, thậm chí của cả học trò.

Nói thế nếu không có dẫn chứng chính xác 99,9999% thì có thể bị cho là cách nói phiến diện, sai lệch, biết đâu còn có thể còn bị coi là “bôi nhọ nhân phẩm, danh dự người khác”.

Năm năm sau, câu hỏi “Các giáo sư, họ đi đâu cả rồi?” đã hé lộ đáp án. 

Thứ nhất, một số đang bận “choảng” nhau 

Đó là chuyện hai vị giáo sư, ông Trần Ngọc Thêm và ông Nguyễn Đức Tồn tố cáo nhau “đạo văn”.

Sự việc không bó hẹp trong phạm vi giữa hai con người vốn được xem là “đức cao, vọng trọng” trong ngôi đền ngôn ngữ mà còn liên quan đến Thường trực Hội đồng Chức danh giáo sư, Hội “Ngôn ngữ học” và thậm chí đã được đặt lên bàn của người đứng đầu Chính phủ.

Ông Tồn từng là Viện trưởng Viện “Ngôn ngữ”, khi về hưu thì chuyển sang cơ quan gọi là “Trung tâm Phục hồi chức năng ngôn ngữ”.

Chiếc chăn Nguyên khí và câu chuyện Rừng nghèo ảnh 2Giáo sư Trần Ngọc Thêm: “Tôi không muốn đôi co hay dính dáng gì đến ông Tồn nữa”

Ông Thêm đang đứng đầu Hội đồng Chức danh giáo sư ngành ngôn ngữ.

Với chức vụ đảm nhận, ông Tồn ông Thêm chắc đều là thày của nhiều thạc sĩ, tiến sĩ, còn cử nhân thì không đáng đưa vào thống kê.

Có tờ báo đưa tin về sự kiện ông Thêm bảo ông Tồn đạo văn trong các cuốn sách đã xuất bản như sau:

Giáo sư Thêm, Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ khẳng định, việc ông Tồn đạo văn của học trò là có thật.

Việc đạo văn đã khiến ông Tồn trải qua 7 năm hồ sơ xét giáo sư không được thông qua, tuy nhiên cuối cùng đến năm 2009 vẫn được thông qua vì tinh thần nhân văn và lòng vị tha. [1]

Năm 2009 ông Thêm mới là Ủy viên, chưa phải là Chủ tịch Hội đồng Chức danh ngành Ngôn ngữ (như ông cải chính lời ông Tồn).

Cả 10 thành viên Hội đồng Chức danh (trong đó có ông Thêm) đã bỏ phiếu cho ông Tồn “làm” giáo sư, nay ông Thêm lại tố cáo ông Tồn “đạo văn”, vậy ông Thêm là thành viên kiểu gì của Hội đồng chức danh? 

Trong đời sống, những người “tiền hậu bất nhất” thường bị gọi là “tiểu nhân”, chẳng lẽ ngôn ngữ Việt Nam thời hiện đại phải thêm vào cụm từ “Tiểu giáo sư”?

Mặt khác “vì tinh thần nhân văn và lòng vị tha” mà phong “giáo sư” thì khía cạnh chuyên môn đương nhiên phải xếp hàng thứ yếu, vậy bao nhiêu lần Hội đồng ông Thêm lãnh đạo đã “nhân văn” đã “vị tha” hay chỉ duy nhất có trường hợp ông Tồn?

Liệu “các kiểu hội đồng” ở những lĩnh vực khác có góp phần làm cho đất nước thêm nhiều “Tiểu giáo sư” hay chỉ “nhõn” hội đồng mà ông Thêm lèo lái?

Nói đến ngôn ngữ, chợt nhớ ngày xưa có quán ăn trương biển là quán “Mộc tồn”, “mộc” là “cây”, “tồn” là “còn”, “cây còn” là “con cầy” tức là thịt chó!

Theo cách ấy, có người bảo “lâm” là rừng, “hàn” là nghèo, vì thế “Hàn lâm” là “Rừng nghèo”!

Chiếc chăn Nguyên khí và câu chuyện Rừng nghèo ảnh 3Được mùa nguyên khí?

Nói đến “Khoa học xã hội”, chắc chắn dư luận không thể quên chuyện “lò ấp tiến sĩ” ở Học viện Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và ông giáo sư - tiến sĩ Võ Khánh Vinh - cựu Giám đốc học viện này.

Năm 2015 ông giáo sư này hướng dẫn 44 học viên (trình độ thạc sĩ) các ngành Luật, Chính sách công, Công tác xã hội. 

Về đào tạo tiến sĩ, ông Vinh còn hướng dẫn 12 nghiên cứu sinh, tổng cộng ông “chỉ hướng dẫn” có 56 người cùng một lúc???

Không biết ông giáo sư Võ Khánh Vinh đã cho “ra lò” bao nhiêu tiến sĩ, thạc sĩ suốt thời gian đương chức?

Và số lượng “thạc - tiến” được “ấp nở” như thế sẽ góp phần làm cho khoa học đất nước “sánh ngang các cường quốc năm châu” hay ngược lại?

Cùng với Học viện Khoa học Xã hội, báo điện tử Congly.vn còn đưa tin cuộc “ăn chặn” tiền nghiên cứu khoa học của cán bộ Viện Ngôn ngữ học dưới sự chỉ đạo của ông Viện trưởng với tiêu đề “Những lùm xùm Viện Ngôn ngữ học sẽ được kiểm tra làm rõ”. [2]

Với những ví dụ đã nêu, nói “Hàn lâm” là “Rừng nghèo” chắc không phải là chuyện “rừng cười” (tiếu lâm)? 

Rừng mà nghèo thì chỉ còn lại dây leo, cỏ dại, lấy đâu ra cổ thụ, lấy đâu ra gỗ quý! 

Lùi lại vài năm, trước khi hai vị giáo sư “choảng nhau” về chuyện đạo văn, nhiều người còn nhớ vụ Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Xuân Quế (Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng – Tài chính Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) bị tố đạo văn.

Vào thời điểm đó, người bị “đạo” - Tiến sĩ Mai Thanh Quế (Giám đốc Trung tâm Đào tạo – Bồi dưỡng của Học viện Ngân hàng) - không lên tiếng tố cáo người “đạo” như hai vị đáng kính Tồn - Thêm tố cáo lẫn nhau.

Chiếc chăn Nguyên khí và câu chuyện Rừng nghèo ảnh 4Thế nào là “mặt nghệt như ngỗng …"?

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tước bằng tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế và Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước đã ra văn bản quyết định hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư đối với ông này.

Ông Hoàng Xuân Quế đã kiện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo ra tòa, không biết kết quả vụ kiện ra sao.

Tại Đại học Bách Khoa Hà Nội có vụ không gọi là “đạo văn” mà là “sao chép nhiều nội dung tài liệu” bị phanh phui, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong kết luận thanh tra ngày 2/3/2015 ghi: 

“Nội dung tố cáo ông Trần Văn Tớp đã sao chép nhiều nội dung tài liệu “Một số vấn đề kỹ thuật điện áp cao ở siêu cao áp và cực cao áp” năm 1993 của Phó giáo sư, Tiến sĩ Võ Viết Đạn trong giáo trình “Kỹ thuật điện cao áp” xuất bản năm 2007 là đúng một phần”. [3]

Báo Vietnamnet.vn viết: “Khi kê khai đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó giáo sư năm 2009, ông Trần Văn Tớp đã kê khai là viết "một mình" giáo trình này trong khi một phần nội dung của giáo trình đó đã sử dụng từ Tập bài giảng năm 1993 và đã được Giáo sư, Tiến sĩ Võ Viết Đạn kê khai  để xét công nhận chức danh giáo sư năm 1996”. [3]

Khác với ông Hoàng Xuân Quế, ông Tớp vẫn được phong phó giáo sư và trở thành một trong các lãnh đạo Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Xin nhấn mạnh, dẫn chứng nêu trên đăng trên Vietnamnet.vn, người viết chỉ trích dẫn lại và không có ý định phê phán hay kết luận vì việc đó là của cơ quan chức năng.

Thứ hai, họ đang “giấu mình chờ thời”

Tiến sĩ làm luận án bằng cách… sao chép sách đồng nghiệp

Một ông trưởng khoa Luật, Tiến sĩ Đặng Công Tráng - Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh - “đã có hành vi gian dối, vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, đạo đức nhà giáo trong nghiên cứu khoa học". [4] 

Ông này đã được Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước công nhận đạt chuẩn và suýt thành phó giáo sư nếu không bị tố cáo “đạo văn”.

Hơn 40 vị, chính xác là 42 vị thực hiện gần thành công chiến thuật “anh hùng núp”, thiếu tí chút là trở thành giáo sư, phó giáo sư trong vụ phong hàm đầu năm 2018 liệu có phải là minh chứng cho việc không ít (hay nhiều?) người trở thành giáo sư, phó giáo sư theo kiểu “núp” trong “rừng nghèo”.

Bị vạch lá lộ mặt, mấy ai lên tiếng xin lỗi, mấy ai thấy xấu hổ?

Loại được mấy chục người suýt nữa “lẻn” được vào hàng nguyên khí quốc gia nhưng liệu số còn đủ tiêu chuẩn sau vài năm nữa có xuất hiện những người như hai ông giáo sư vừa “choảng” nhau làm ầm ĩ cả “báo đàn”? 

Trong nền kinh tế thị trường, giới kinh doanh thừa biết một nguyên tắc, nếu hàng “tồn” mà tiếp tục sản xuất “thêm” thì thua lỗ, phá sản là điều khó tránh khỏi.

Thế còn trong lĩnh vực tinh hoa, lĩnh vực hàn lâm văn hóa - ngôn ngữ, liệu vừa tồn lại vừa thêm có khiến “Rừng nghèo” trở nên nghèo thêm, có khiến dây leo, cỏ dại trở thành những loài thực vật bao phủ cánh rừng khiến các loài thân gỗ, mọc thẳng không còn đất sinh sôi?

Chiếc chăn Nguyên khí và câu chuyện Rừng nghèo ảnh 5Bằng cấp và… bằng lòng!

Có phải hậu quả nhãn tiền mà ngôn ngữ “Rừng nghèo” mang lại cho đất nước là chuyện “thu giá BOT”?

Dư luận xã hội đang sôi nổi chuyện vài dân biểu  hay lãnh đạo một viện liên quan đến chữ nghĩa ủng hộ chuyện “thu giá”.

Thiết nghĩ, tốt nhất là nên đề nghị các giáo sư ngôn ngữ như ông Tồn, ông Thêm vào cuộc giúp cho dân được mở mắt, cứ để như hiện nay thật khó cho những người “nghèo chữ”!

Hình như tiếng Việt đang bị “sang chấn sọ não” vì vụ “thu giá BOT”, thế nên những ai tâm huyết với tiếng mẹ đẻ, muốn giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt nên kiến nghị với “Trung tâm Phục hồi chức năng ngôn ngữ” mời ông Tồn đến thuyết giảng.

Cả gầm trời này có lẽ thích hợp nhất để chỉ dẫn cho những người đang hoang mang phải nói và viết tiếng Việt thế nào chỉ có thể là những vị đáng kính như ông “phục hồi chức năng ngôn ngữ” và ông “giáo sư vị tha”.

Nếu ông “phục hồi chức năng ngôn ngữ” giải thích mà nhiều vị tóc bạc còn chưa hiểu thì mời tiếp ông “vị tha - nhân văn” hoặc những “bồ ngôn ngữ khác”, chẳng lẽ hơn 90 triệu người Việt đều chưa nói sõi tiếng mẹ đẻ? 

Nhà báo Lương Phán, Phó Tổng biên tập báo Dân trí đề nghị:

Lẽ ra công an phải xử phạt cái loại tội làm tối tăm tiếng Việt. Xả rác ra đường thì bị phạt. Vậy xả chữ tối tăm vào làm bẩn môi trường Tiếng Việt thì lại cứ ngông nghênh là sao vậy?" [5]

Ông Lương Phán nêu đề nghị phạt tội “xả chữ tối tăm” làm bẩn tiếng Việt chỉ là phạt “cái ngọn”, muốn phạt cho chừa, phạt cho “sạch không kình ngạc” thì phải tìm đến “rừng nghèo”, phải “đào tận gốc, trốc tận rễ” các loại dây leo, cỏ dại trong cánh rừng này.

Nói thế xem chừng khó, vì hàng đống hạt dại đã được chim chuột mang đi gieo ở nơi khác, không chỉ gieo trên rừng mà còn ngay trong phòng lạnh ở những lâu đài khoa học.

Có điều ở cương vị như ông Phán góp ý thì được chứ dân cỏ mà ti toe là “hỗn”, viết được cuốn sách nào về “ngôn” về “ngữ” mà dám múa rìu qua mắt các “sư” các “giáo”!

Tài liệu tham khảo:

[1]https://www.tienphong.vn/giao-duc/gs-nguyen-duc-ton-gui-don-kien-nghi-len-thu-tuong-vi-bi-to-dao-van-1276061.tpo

[2] http://congly.vn/xa-hoi/doi-song/nhung-lum-xum-vien-ngon-ngu-hoc-se-duoc-kiem-tra-lam-ro-187912.html

[3] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/ket-luan-don-to-cao-hieu-pho-dh-bach-khoa-ha-noi-223547.html

[4]https://tuoitre.vn/tan-pho-giao-su-nganh-luat-bi-to-chep-luan-van-nguoi-khac-20180302091127865.htm

[5] http://dantri.com.vn/blog/xa-rac-thi-bi-phat-xa-chu-lam-ban-moi-truong-tieng-viet-thi-sao-20180525051324991.htm

Xuân Dương