Sau khi rà soát, trong số 1.226 người được công nhận đạt chức danh Giáo sư, Phó giáo sư năm 2017 có 1.131 người “không vấn đề gì”, còn 95 người phải xem xét lại, số này chiếm gần 8%.
Văn phòng Chính phủ chính thức thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ như sau:
“...Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước và Hội đồng Chức danh cần nghiêm túc rút kinh nghiệm một cách sâu sắc vì để tình trạng còn nhiều hồ sơ ứng viên chưa bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn…”.
Có một nhận xét thú vị là sau rà soát tỷ lệ Giáo sư, Phó giáo sư đạt chuẩn là 92,25% thấp hơn với tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông trong trong các kỳ thi quốc gia gần đây một chút.
Ảnh minh họa: baohaiquan.vn |
Nếu rà soát tiếp, tỷ lệ này chắc chỉ có tăng chứ không giảm và có thể sẽ xấp xỉ tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông.
Dù Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - thay mặt nhân dân - từng đề cập đến chuyện “sợi dây kinh nghiệm gì mà rút hoài không hết”, song có lẽ “lòng dân” chưa phải là “ý trên” nên kinh nghiệm có rút nhiều năm nữa vẫn chưa thể thấy điểm dừng.
Khi quan chức và cơ quan (do Chính phủ quản lý) không hoàn thành nhiệm vụ, gây bức xúc cho cả xã hội bị Thường trực Chính phủ yêu cầu “rút kinh nghiệm một cách sâu sắc” thì câu trả lời được dự đoán sẽ là:
“Vâng, thưa Thường trực Chính phủ, chúng tôi nhất định sẽ … rút, rút nữa, rút mãi”.
Liệu quá trình “rút” này có kéo dài thêm vài năm nữa, khi nhiệm kỳ kết thúc?
Trước khi nộp danh sách cho Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước, hai hội đồng cấp cơ sở và liên ngành đã qua nhiều kỳ bình tuyển, sàng lọc, thế nên chỉ yêu cầu hội đồng cấp nhà nước rút kinh nghiệm mà “tha bổng” các hội đồng cấp dưới liệu có công bằng? (Sai phạm tại một vài Hội đồng cấp dưới này sẽ được đề cập ở phần sau).
Có phải do phân cấp quản lý, Thường trực Chính phủ sẽ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo để bộ này yêu cầu các Hội đồng cơ sở và liên ngành tiếp tục “rút kinh nghiệm một cách sâu sắc” như Chính phủ yêu cầu Hội đồng cấp nhà nước.
Kết quả rà soát việc công nhận giáo sư, phó giáo sư năm 2017 |
Báo chí nói nhiều về vụ “Phó Giáo sư” mới được công nhận đạt chuẩn là ông Đặng Công Tráng - Trưởng khoa Luật - Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông này và hai cộng sự “đạo” công trình nghiên cứu của nhiều người bị dư luận phát giác nên ông Nguyễn Thiên Tuế, Hiệu trưởng nhà trường đã yêu cầu nhóm nghiên cứu của ông Tiến sĩ Tráng hủy bỏ đề tài, trả lại tiền nghiên cứu khoa học đã được cấp.
Bản thân ông Tráng đã viết đơn gửi Hội đồng chức danh Giáo sư, Phó giáo sư cơ sở xin lỗi về sự việc trên, đồng thời xin rút tên ra khỏi danh sách phó giáo sư năm 2017.
Người làm khoa học, nhất là có học vị Tiến sĩ Luật đều biết “Đạo văn” là từ đã được định nghĩa, được giải thích trong từ điển, đó là hành động ăn cắp ý tưởng, công trình, tài liệu của người khác rồi “xào xáo” thành của mình với mục đích trục lợi (học vị khoa học, danh tiếng hoặc vật chất).
Hành vi gọi là “đạo văn” của ông Tráng và hai vị đồng nghiệp - tiến sĩ Vũ Thế Hoài, thạc sĩ Nguyễn Thị Hải Vân - đã quá rõ bởi chính đương sự đã thừa nhận.
Vậy xin hỏi ông Nguyễn Thiên Tuế, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, ba giảng viên quý trường thừa nhận đã “đạo văn” có còn đủ tư cách là nhà giáo, nếu vẫn đủ tư cách thì “đủ” theo chuẩn mực nào - của quốc gia hay của riêng quý trường?
Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh có thiếu giáo viên đến mức phải giữ một người khai man lý lịch (bị tù một năm cho hưởng án treo nhưng không khai trong hồ sơ [1] ), vi phạm đạo đức nghề nghiệp như ông Đặng Công Tráng?
Có nên giữ những người ăn cắp công sức lao động của người khác làm giảng viên, làm Trưởng khoa trong trường?
Từ câu chuyện về số lượng “nguyên khí quốc gia” được phong lần này, từ ông “chuẩn Phó giáo sư đạo văn”, có ý kiến nói vui đây là “Đại tiệc phong hàm” hay “Được mùa nguyên khí”!
Quá trình rà soát mà Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước yêu cầu các Hội đồng cấp dưới thực hiện chủ yếu xoay quanh chất lượng như không có đủ sách hoặc bài báo khoa học (ISI/Scopus), không đủ thời gian giảng dạy, nghiên cứu khoa học,…
Về điều này, người viết đã nêu ý kiến trong bài “Đừng lập lờ đánh lận con đen nữa”. [2] Nhận thấy ý kiến đó hình như đưa ra muộn nên Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước chưa kịp xem xét.
Số ứng viên chưa đạt chuẩn chỉ thay đổi từ 94 lên 95 người.
Chủ trương của Đảng và Nhà nước là xây dựng một nhà nước thượng tôn pháp luật, bất kỳ hoạt động nào trên lãnh thổ Việt Nam cũng phải tuân thủ luật pháp Việt Nam, hoạt động công nhận đạt chuẩn Giáo sư/Phó giáo sư năm 2017 của Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước không thể xem là ngoại lệ.
Người viết hy vọng Thường trực Chính phủ sau khi yêu cầu Chủ tịch và Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước “nghiêm túc rút kinh nghiệm một cách sâu sắc” sẽ có chỉ đạo tiếp theo về việc rà soát 1.131 người còn lại xem ai không đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật bên cạnh các tiêu chuẩn học thuật.
Được biết, Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị trình Quốc hội dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục.
Tiêu chuẩn Giáo sư, Phó giáo sư trong luật 2005 và luật sửa đổi (quy định tại điều 71) là:
“Giáo sư, phó giáo sư là chức danh của nhà giáo đang giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở cơ sở giáo dục đại học.
Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư”.
Quyết định công nhận đạt chuẩn Giáo sư, Phó giáo sư do Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước ký, tại điều 1 ghi:
“Công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư và phó giáo sư năm 2017 cho các nhà giáo (danh sách kèm theo)”…
Điều này hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật.
Tuy nhiên khi nghiên cứu dữ liệu đã công bố (trang tính Excel), sắp xếp dữ liệu theo cột “Nơi làm việc” nhận thấy trong số phó giáo sư, có hai người làm việc tại Công an tỉnh Nam Định và Công an thành phố Đà Nẵng, 115 người làm việc tại các viện nghiên cứu, không phải cơ sở giáo dục đại học.
Danh sách đạt chuẩn giáo sư có một trường hợp đặc biệt - ông Hoàng Thế Liên, chuyên ngành Luật học, nơi làm việc ghi là “Nghỉ Hưu” (chữ “Hưu” viết hoa là theo đúng nguyên văn).
Nếu Hội đồng đã xác minh người ta “Nghỉ Hưu” thì tiêu chí “nhà giáo đang giảng dạy” có còn phù hợp?
Vậy Chủ tịch Hội đồng Chức danh nhà nước đã kiểm tra tiêu chuẩn “Nhà giáo” theo Luật Giáo dục với 128 người trong danh sách ban đầu mà Báo Tuổi trẻ có nêu, liệu họ có đúng là “nhà giáo” theo luật mà quý Bộ soạn thảo?
Liên quan đến đề nghị này, xin trích dẫn thống kê đăng trên báo điện tử Giáo dục Việt Nam” về số người tạm được để lại để so sánh thêm. [3]
Tới đây, xin nêu hai ý kiến của ông Bùi Văn Ga, Phó Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước trao đổi với phóng viên báo Tienphong.vn:
“Phải xác định rõ, giáo sư, phó giáo sư chỉ là ngạch bậc của giảng viên đại học theo quy định của Luật Giáo dục đại học”.
“Giáo sư, phó giáo sư không phải là chức danh trọn đời nữa. Chỉ khi đạt tiêu chuẩn phải được một trường đại học nào bổ nhiệm thì họ mới là giáo sư, phó giáo sư.
Còn nếu chưa được bổ nhiệm thì họ chỉ đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư”. [4]
Người viết hiểu ý Giáo sư Ga thế này không biết có đúng:
Thứ nhất: “Giáo sư, phó giáo sư chỉ là ngạch bậc của giảng viên đại học”, như vậy những ai hưởng lương ngạch chuyên viên không thể được công nhận Giáo sư, Phó giáo sư?
Thứ hai: Công nhận đạt chuẩn chức danh Giáo sư, Phó giáo sư chỉ là hoạt động nhằm tạo “kho dự trữ giáo sư, phó giáo sư quốc gia”, cơ sở giáo dục đại học cần hoặc thiếu thì vào đó chọn, nếu không cần thì thôi.
Thứ ba: “Giáo sư, phó giáo sư không phải là chức danh trọn đời”, vậy những người đã nghỉ hưu có được được phép xưng mình là giáo sư?
Các tài liệu, văn bản, công trình khoa học ra đời khi họ chính thức nghỉ hưu có được phép ghi chức danh của họ như khi vẫn làm việc?
Nếu cách hiểu như trên được chấp nhận thì xin hỏi giáo sư Bùi Văn Ga:
“Có bao nhiêu người không hưởng lương theo ngạch bậc giảng viên đại học được công nhận đạt chuẩn Giáo sư, Phó giáo sư năm 2017”?
"Nếu "kho dự trữ giáo sư, phó giáo sư quốc gia” sau nhiều năm dự trữ trở nên dư thừa, các cơ sở giáo dục đại học “dùng” không hết thì có nên dừng việc công nhận đạt chuẩn?"
Sợ rằng nêu thêm các câu hỏi Giáo sư Ga không có thời gian trả lời nên xin tạm dừng.
Trở lại vấn đề để cho các Hội đồng chức danh “tự rà soát” mà không có kiểm chứng độc lập, điều này dư luận gọi là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Vì sao không thể giao cho các tổ chức độc lập khác rà soát, sao không tạm dừng công nhận chờ rà soát một lần nữa?
Giới học thuật và người dân không thể nói là tin tưởng hoàn toàn kết quả rà soát của các Hội đồng Chức danh bởi đang tồn tại những vấn đề với chính thành viên các Hội đồng Chức danh cả ba cấp (nhà nước, cơ sở và liên ngành).
Danh sách 1.131 người đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư sau rà soát |
Ở tầm quốc gia báo Tienphong.vn viết “Giáo sư ‘rởm” xét cho ứng viên Giáo sư thật.
Giáo sư “rởm” ở đây là giáo sư không đạt chuẩn quốc tế, không có kinh nghiệm nghiên cứu và công bố quốc tế lại đi thẩm định cho ứng viên đạt chuẩn quốc tế”. [4]
Nhà giáo lão thành Phạm Toàn đề nghị:
“Gần đây tôi thấy dư luận ầm ầm lên là tại sao ông VKV, “Giám đốc lò tiến sĩ” kia tiếp tục làm Chủ tịch Hội đồng ngành Luật mà chúng ta đã biết ông này vi phạm pháp luật khi hướng dẫn đến 12 nghiên cứu sinh và 42 thạc sỹ trong 1 kỳ học.
Hội đồng luật này được phản ánh là không có ứng viên Phó giáo sư/Giáo sư nào có bài đăng quốc tế. Tôi đề nghị bác Xuân Dương chất vấn ông Bộ trưởng tại sao để xảy ra như vậy”. [5]
Liên quan đến ý kiến này, Báo điện tử Vtc.vn viết: “Năm 2015, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Khánh Vinh hướng dẫn đến… 44 học viên các ngành Luật, Chính sách công, Công tác xã hội.
Còn với đào tạo tiến sĩ, ông Vinh hướng dẫn 12 nghiên cứu sinh”. [6]
Theo quy định trong các Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo (số 10/2009/TT-BGDĐT và số 08/2017/TT-BGDĐT), một giáo sư chỉ được hướng dẫn tối đa 7 học viên cao học và không quá 5 nghiên cứu sinh trình độ tiến sĩ.
Với người làm Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Luật nhiệm kỳ 2014-2019 như ông Võ Khánh Vinh, chắc chắn ông biết Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo là văn bản quy phạm pháp luật.
Việc không tuân thủ các quy định trong Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo nếu không phải là hành vi vi phạm pháp luật thì nên gọi là hành vi gì?
Vậy xin hỏi ông Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, sau khi Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có kết luận về vụ việc liên quan đến ông Võ Khánh Vinh, vì sao vẫn để một người mà dư luận coi là vi phạm pháp luật làm Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Luật?
Việc ông Đặng Công Tráng, người buộc phải viết đơn xin “thôi” Phó giáo sư ngành Luật có cho thấy Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Luật (dưới sự lãnh đạo của ông Võ Khánh Vinh) đã không làm đúng chức trách được giao phó.
Nói chính xác, nếu không bị dư luận phát giác, ông Võ Khánh Vinh và các thành viên Hội đồng ngành Luật đã góp phần tạo nên một “Phó giáo sư rởm”, điều mà cả xã hội đang phản ứng rất mạnh mẽ.
Để tồn tại một Hội đồng với nhân sự bất cập như vậy, trách nhiệm này ai chịu?
Hiện tại, thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ yêu cầu: “...rà soát lại kỹ lưỡng, bảo đảm đúng theo quy định."
Chúng ta sẽ cùng chờ kết quả này.
Tài liệu tham khảo:
[2] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Dung-lap-lo-danh-lan-con-den-nua-post184126.gd
[3] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Chi-tiet-danh-sach-95-ung-vien-phai-ra-soat-lan-2-chuan-giao-su-pho-giao-su-post184300.gd
[5] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Dung-lap-lo-danh-lan-con-den-nua-post184126.gd