Thông tin Giáo sư Nguyễn Đức Tồn gửi đơn kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam liên quan đến việc ông Tồn bị tố đạo văn của học trò đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Theo phản ánh trên báo chí, trong đơn thư ngoài việc mong muốn làm rõ việc mình bị tố đạo văn, ông Nguyễn Đức Tồn có ý kiến liên quan đến nhiều giáo sư và phó giáo sư trong đó có Giáo sư Trần Ngọc Thêm về vấn đề đạo văn.
Ông Tồn kiến nghị cần làm rõ thông tin phản ánh ông Thêm đạo văn trong hai công trình “Cơ sở Văn hóa Việt Nam” và “Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ” cùng những vấn đề liên quan đến ông Thêm khi tham gia Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước năm 2017 [1].
Giáo sư Trần Ngọc Thêm cho rằng: "Tôi không muốn dính đến những gì liên quan đến ông Tồn hết" - ảnh nguồn vanhoahoc.vn. |
Liên quan đến những kiến nghị của ông Tồn, chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 23/5, Giáo sư Trần Ngọc Thêm cho rằng, ông không muốn đôi co hay dính dáng gì với ông Tồn nữa.
Theo ông Thêm: “Việc ông Tồn có đề cập chuyện đạo văn ở hai cuốn sách “Cơ sở Văn hóa Việt Nam” và “Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ" là việc ông Tồn chỉ nghe đâu đó chứ chẳng có bằng chứng gì”.
Chia sẻ thêm, Giáo sư Trần Ngọc Thêm cho rằng: “Cuốn “Cơ sở Văn hóa Việt Nam” từ những năm 1996 – 1997 ông Trần Mạnh Hảo đã có ý kiến cho rằng tôi đạo văn của ông Kim Định nhưng cuối cùng đã kết luận là tôi không đạo văn.
Trong công trình này, tôi có dẫn tới 17 cuốn sách của ông Kim Định. Trong sách nói chỗ nào đều có trích dẫn hết nên không có chuyện tôi đạo văn.
Còn chuyện đạo văn của tôi ở sách “Văn hóa người Việt ở Tây Nam Bộ” thì cũng đã giải quyết xong nên không còn vấn đề gì”.
Giáo sư Trần Ngọc Thêm nhấn mạnh: “Tôi được nhắc nhở không tham gia tranh luận về việc này nữa. Nhắc đi nhắc lại đôi co là không cần thiết”.
Liên quan đến việc ông Tồn có ý kiến không nên để ông Trần Ngọc Thêm tham gia vào Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước ngành ngôn ngữ vì ông không còn hoạt động trên lĩnh vực ngôn ngữ nữa, Giáo sư Thêm nói:
“Tôi vào Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước vì tôi được bổ nhiệm từ trên xuống và tôi làm đúng chức trách của tôi. Còn ai muốn có ý kiến gì thì có ý kiến với cấp trên.
Thực ra, lâu nay tôi vẫn hoạt động trong lĩnh vực văn hóa và lĩnh vực ngôn ngữ.
Hoạt động trong lĩnh vực ngôn ngữ không nổi tiếng như lĩnh vực văn hóa chứ nói như vậy là thiếu hiểu biết”.
Ngoài ra, Giáo sư Trần Ngọc Thêm còn cho biết, nếu cấp trên vẫn giao ông tham gia vào hội đồng xem xét ông Tồn có đạo văn hay không thì ông vẫn làm.
Còn nếu cấp trên không giao thì ông cũng không có ý kiến gì.
“Tôi không muốn dính đến những gì liên quan đến ông Tồn hết” – Giáo sư Trần Ngọc Thêm nhấn mạnh.
Trong đơn đề nghi gửi Thủ Tường Chính phủ, ông Nguyễn Đức Tồn có đề cấp đến các nội dung cơ bản sau: Đề nghị làm rõ phản ánh nhiều Giáo sư, Phó Giáo sư mà dư luận cho rằng đạo văn trong đó có Giáo sư Trần Ngọc Thêm. Ông Tồn dẫn chứng trường hợp Giáo sư Trần Ngọc Thêm bị phản ánh "đạo văn" ở các công trình: "Cơ sở văn hóa Việt Nam" và "Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ" [1]. Cũng trong đơn thư, ông Tồn có đề nghị không cử vào ban thẩm tra nghi án "đạo văn" của ông những người đã trả lời báo chí quy kết ông "đạo văn" (gồm 2 thành viên của Hội đồng chức danh Giáo sư ngành ngôn ngữ là Giáo sư Trần Ngọc Thêm và Phó Giáo sư Phạm Hùng Việt) và những người mà ông "đã và đang đấu tranh lên án những hành vi tiêu cực, có dấu hiệu phạm pháp" . Ngoài ra, ông Tồn cũng nêu rõ đã từng kiến nghị trong phiên họp rút kinh nghiệm đợt xét phong chức danh Giáo sư và Phó Giáo sư năm 2017 về việc Giáo sư Thêm "đã không còn nghiên cứu ngôn ngữ học hàng mấy chục năm nay mà vẫn ngồi chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư ngành ngôn ngữ học" [2]. |
Tài Liệu Tham khảo
1. https://tuoitre.vn/gs-bi-
2. https://www.tienphong.vn/