Bằng cấp và… bằng lòng!

07/01/2018 06:40
Trương Khắc Trà
(GDVN) - Bằng cấp – chuyện xưa như quả đất nay lại được "khai quật" trở lại sánh vai cùng vô vàn những câu chuyện còn bỏ ngỏ trong giáo dục đại học.

Bằng cấp – chuyện xưa như quả đất nay lại được "khai quật" trở lại sánh vai cùng vô vàn những câu chuyện còn bỏ ngỏ trong giáo dục đại học.

Khởi phát cho chuỗi tranh luận là từ một vấn đề trong dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi, có thể tóm gọn: từ nay sẽ không phân biệt bằng đại học chính quy hay tại chức.

Lẽ đương nhiên, những người hiên ngang bước vào cổng trường đại học bằng chất xám khi mới tốt nghiệp phổ thông có lý do để lên tiếng về sự bất công vô hình nào đó lởn vởn quanh tấm bằng.

Xin ghi lại câu nói cửa miệng: "dốt chuyên tu, ngu tại chức".

Nội hàm câu nói này vừa đúng lại vừa sai, sai vì không phải ai "tại chức" cũng thiếu kiến thức, kỹ năng; đúng vì sự thật nhiều chủ nhân tấm bằng "tại chức" còn… tệ hơn "vợ thằng Đậu"!

Đây là hạn chế khách quan mà những người đang sở hữu tấm bằng tại chức không nên lấy làm bực dọc.

Thứ nhất: Nếu đủ thực lực sao không vào đại học bằng 18, 20 điểm?

Thứ hai: Nếu vì một lý do nào đó mà không thể tham gia thi thố, không được đào tạo đầy đủ trước khi vào đại học coi như kiến thức đã mang một lỗ hổng cực lớn!

Ảnh minh họa / VTV.vn
Ảnh minh họa / VTV.vn

Là kiến thức, là học thuật, là "cử nhân", ở đây không có chuyện "thông cảm" hay nhân đạo nào cả.

Với khoa học chỉ có "YES" or "NO", nên không thể lấy điều kiện hoàn cảnh ra và cho rằng vì "nọ", vì "kia".

Cũng do vì "nọ" vì "kia" nên không thể thế này thế khác…!

Hãy tưởng tượng nếu không có "thuyết tương đối rộng", "thuyết tương đối hẹp" thì cái tên Einstein cũng giống như hàng vạn Mary, Daisy, Tom, Jerry… khác mà thôi.

Một ông Amater nào đó -  hàng xóm nhà Einstein không thể gân cổ cho rằng, mấy cái thuyết đó là nhờ tôi chỉ ra nhưng do bận tham gia chiến tranh thế giới lần thứ nhất nên không nghiên cứu đến cùng!?

Ở đây về mặt khoa học phải thừa nhận với nhau rằng, "chính quy" và "tại chức" là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

Bằng cấp và… bằng lòng! ảnh 2Bộ Giáo dục vẫn chưa phân rõ trắng-đen giữa bằng chính quy và tại chức?

Là khái niệm đương nhiên có "nội hàm" và "ngoại diên", có logic hẳn hoi chứ không phải nói cho sang miệng.

Nếu không phân biệt rạch ròi giữa chúng tức là đánh tráo khái niệm.

Có thể hiểu ngược lại, nếu muốn đánh đồng "chính quy" và "tại chức" là phải dẹp luôn một trong hai hình thức này hoặc nghĩ ra một hình thức khác thay thế chứ không có chuyện trong "tại chức" có "chính quy" và trong "chính quy" có "tại chức".

Một chiếc áo không thể mặc cho hai người một lúc. Đó không phải là cải cách mà thụt lùi, làm rối rắm vấn đề.

Đến cả người phụ trách lĩnh vực giáo dục của Chính phủ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng thẳng thừng "cử nhân phải ra cử nhân, tiến sĩ phải ra tiến sĩ"[1].

Hà cớ gì lại làm nhập nhằng nhấp nhem giữa các hình thức học tập, đào tạo?

Ở giác độ thực tiễn, có nhiều nan đề cần giải quyết. Muốn "chính quy" và "tại chức" được công nhận ngang nhau thì ít ra phải tạo ra những điều kiện học tập tương đương nhau.

Có hai hướng để giải quyết.

Một là nâng cấp những điều kiện thi cử, học tập, sát hạch của hệ "tại chức" sao cho bằng với "chính quy", đây là cách làm đúng logic.

Hai là hạ điều kiện thi cử, học tập, sát hạch của hệ "chính quy" cho ngang với…"tại chức". Như thế mới gọi là công bằng.

Không ai muốn làm cách thứ hai, nhưng đã là ngang nhau tấm bằng thì phải ngang nhau về tất cả mọi điều kiện!

Bằng cấp và… bằng lòng! ảnh 3Bộ Giáo dục giải thích như thế nào về văn bằng hệ tập trung và không tập trung?

Việc "san bằng" hai loại hình đào tạo không chỉ nằm ở cách gọi, vì cách gọi suy cho cùng chỉ là quy ước để phân biệt.

Ví dụ, một ngày nào đó người ta gọi bậc tiểu học là "đại học" còn gọi bậc đại học là "tiểu học"; đổi cử nhân thành tiến sĩ và tiến sĩ thành thạc sĩ.

Không sao cả, đó là việc làm y chang như đổi số trên tờ tiền mệnh giá 500 nghìn đồng thành 5 nghìn đồng và ngược lại.

Nếu muốn người ta cũng có thể đổi tên gọi "cử nhân tại chức" thành "tiến sĩ tại chức".

Vấn đề ở đây là làm sao để thực tiễn xảy ra đúng với logic vận động của khái niệm, tức là tiến sĩ ra tiến sĩ, cử nhân ra cử nhân.

Đó mới là bản chất của cái cần thay đổi.

Còn chỉ thay đổi danh xưng mà không thay đổi "nội hàm" của danh xưng là việc làm vô ích, không có ý nghĩa.

Xa hơn là bài toán làm sao lý luận đi kèm với thực tiễn, chứ không phải nổi hứng lên là nói cho sướng miệng xong ngày mai hết hứng lại đổi thành cái khác.

Việc ban hành chính sách giáo dục cũng phải căn cứ vào tình hình thực tế.

Câu hỏi trước hết phải là: Hiện tại cần gì? Thầy cô cần gì? Học sinh cần gì?

Những chủ nhân tấm bằng chính quy cũng chưa phải "phổng mũi" ta đây hơn người, cũng không ít "chính quy" tệ hơn "tại chức".

Con số mới nhất: 237 nghìn cử nhân thất nghiệp trong quý III năm 2017 – tăng rất nhanh trong 3 năm qua.

Bằng cấp và… bằng lòng! ảnh 4Cô Phan Tuyết kể bốn câu chuyện để xóa hệ tại chức

Điều đó cho thấy xã hội vẫn chưa "bằng lòng" với chừng ấy tấm bằng cử nhân.

Vấn đề của nền giáo dục đại học không nằm ở cách gọi ngang hàng hay không ngang hàng giữa "chính quy" và "tại chức".

Nghĩ kỹ lại, tất cả những người có bằng cấp đang nợ đội ngũ nhà khoa học "chân đất" - những người nông dân sáng chế một lời tri ân.

Chúng ta đang làm gì với cả triệu tấm bằng giáo dục bậc cao đang có trong xã hội.

Một phát minh sáng chế của vị giáo sư tất nhiên là "bình thường" hơn rất nhiều so với một cải tiến công cụ lao động của một anh nông dân chưa học hết tiểu học.

Chính họ - những nhà khoa học không mặc giày tây không đeo cà vạt đã cho chúng ta biết rằng, bằng gì không quan trọng, miễn xã hội bằng lòng với sản phẩm mình làm ra.

Những người nông dân họ không thuộc bất kỳ một hệ đào tạo nào mà chúng ta đang tốn sức tranh cãi.

Thực tế này vỡ ra thêm một thực trạng đáng quan tâm, đó là: Thái độ của người học.

Cái lò ấp tiến sĩ nào đó ở nước ta từng bị soi rất kỹ, nhưng đáng trách đầu tiên là hàng ngàn nghiên cứu sinh chây lười nên mới sinh ra nhiều công trình quái gở.

Sau đó mới đến sự dễ dãi xuề xòa của "vị giáo sư hướng dẫn một lúc 12 tiến sĩ!".

Những tranh cãi ở thượng tầng dường như không cấp thiết bằng việc làm sao nhanh chóng khai thông thủ tục cấp bằng sáng chế cho nhiều nông dân đang bị "kẹt" không thể xuất khẩu sản phẩm trí tuệ của họ sang Đức, Nhật, Mỹ.

Những trường học ở Hà Lan, Đức, Mỹ đang khuyến khích người học ở nhà học từ xa, người học tự tìm kiếm tài liệu, tự chọn giảng viên và tuyệt nhiên không có lý do gì làm nảy sinh cuộc cãi vã giữa những người mài đũng quần trên ghế nhà trường và những người ăn trưa ngủ sáng ở nhà.

Đó là câu chuyện rất dài.

Tài liệu tham khảo:

http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Cu-nhan-phai-ra-cu-nhan-Tien-si-phai-ra-tien-si-post171260.gd

Trương Khắc Trà